Tai nạn giao thông do rượu bia, tốn khoảng 250 tỷ đồng/ngày

Có một nghịch lý là nước ta tuy nghèo nhưng lại là một nước tiêu thụ rượu bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 trên toàn Châu Á và mỗi ngày tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia làm tổn thất khoảng 250 tỷ đồng…

Rượu bia là nguyên nhân mắc hơn 30 loại bệnh và nguyên nhân hình thành của gần 200 loại bệnh khác

Nước ta, là một nước tiêu thụ rượu, bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Tổ chức Y tế thế giới cho rằng sử dụng rượu bia là nguyên nhân của hơn 30 loại bệnh và nguyên nhân hình thành của gần 200 loại bệnh khác, đứng hạng thứ 3 trong số 5 nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới, đồng thời, nó tác động đến bạo lực cá nhân, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông, mất trật tự an toàn xã hội, phạm tội, phân hóa xã hội, đói nghèo, gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội.

Mỗi ngày nước ta tổn thất khoảng 250 tỷ đồng để giải quyết hậu quả từ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia

Theo các nghiên cứu gần đây, uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ… dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 10 tháng năm 2018, cả nước xảy ra 14.845 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6674 người, bị thương 11.549 người.

Mỗi ngày tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia làm tổn thất khoảng 250 tỷ đồng. Chưa kể những hậu quả nặng nề và lâu dài cho xã hội mà không thể đo đếm được.

Mặc dù nước ta có những chế tài khá nghiêm khắc:

Nghiêm cấm lái xe sau khi uống rượu bia

Tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong giao thông đường bộ như sau:

 “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.

Điều này có nghĩa là người điều khiển ô tô, xe máy… tuyệt đối không được có nồng độ cồn trong máu hay khí thở.

Phạt tiền đến 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 6 tháng

Tại Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định ” 6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe (ô tô) thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; … xử phạt bổ sung ” tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng”….

“9. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;” … xử phạt bổ sung “tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng”

Xử lý hình sự nghiêm khắc

Tại khoản 2 Điều 260 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự  năm 2017 quy định:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

Để đồng bộ hóa nên xử lý từ gốc của vấn đề:

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Tại kỳ họp Quốc hội ngày 16/11, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rươu, bia được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng như các đại biểu tán thành cao sự cần thiết ban hành Luật với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, việc ban hành Luật nhằm ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động ở Việt Nam.Theo Tổ chức Y tế thế giới cũng như nhiều nghiên cứu khác thì rượu, bia là một trong những yếu tố có hại cho sức khỏe; là 1 trong 5 nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh tật, khuyết tật và tử vong đang diễn ra phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều nghiên cứu cũng thống nhất cho rằng, xu hướng độ tuổi tiếp cận với rượu, bia ngày càng trẻ. Giới trẻ sử dụng rượu, bia sớm sẽ đưa lại những hậu quả nghiêm trọng hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, khi nước ta tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc nhập khẩu rượu, bia ngày càng dễ dàng, thuận lợi (với lộ trình đưa thuế nhập khẩu đồ uống về 0%), cùng với việc sản xuất trong nước, thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia tại Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh. Từ những lý do đó, việc ban hành Luật là thực sự cấp thiết để có biện pháp quản lý nhà nước phù hợp vì sức khỏe cộng đồng.

XUÂN BÁCH