Các đối tượng phạm tội gì?
Khi đang cùng một nhóm đánh bài tây ăn tiền, nghi ngờ bạn chơi gian dối, T điện thoại cho chồng kể và yêu cầu chồng đến đòi lại tiền. K (chồng của T) cùng T và M đã lấy tiền của những người cùng chơi…
Tóm tắt nội dung vụ án: Tối ngày 20/4/2023 nhóm của Nguyễn Thị T, Hà Thị Đ, Võ Văn M cùng với nhóm của Trương Văn H, Nguyễn Ngọc L, Võ Thị N và một số người cùng nhau chơi đánh bài tây ăn tiền. T thua hết tiền phải mượn 20.000.000 đồng để chơi tiếp. Đến khoảng 02 giờ 30 phút, ngày 21/4/2023, H điện thoại cho Lê Hoàng S kêu mang tiền đến cho H mượn, S mang cho H 5.000.000 đồng. Khi S đến được khoảng 5 phút thì T phát hiện phía sau H có 01 bộ bài, khẳng định nhóm của H chơi gian lận và yêu cầu trả lại tiền T đã thua, nhóm H không đồng ý. T điện thoại cho Võ Văn K (chồng của T) kể việc nhóm H chơi gian lận và kêu K đến đòi lại tiền. Khoảng 5 phút sau K đến, trên tay cầm 01 cây dao, vừa đi vừa chửi: “Tụi mày dám đánh bài điếm ăn vợ tao, bữa nay không trả lại tiền tao giết”. Thấy S và H đang ngồi ở bậc thềm, K hỏi ai là người đánh bài điếm thì T chỉ S. K kêu S trả lại tiền thì S nói không đánh bài. Lập tức K đạp S té xuống đất, rồi tiếp tục dùng chân đá vào mặt S. K kêu: “Xét lấy hết tiền của tụi nó”. M đi đến yêu cầu S và H đưa tiền. S lấy bóp đưa cho M thì M lấy hết tiền trong bóp đếm được 12.000.000 đồng. H nhìn thấy S bị đánh, sợ nên lấy 5.000.000 đồng đưa cho M. Cùng lúc này T và K đi vào chỗ đánh bài kêu những người nữ trong nhóm H đưa tiền. L đưa cho T 5.500.000 đồng. N lấy 1.400.000 đồng đưa cho T, nhưng T kiểm tra túi áo phát hiện còn tiền nên bảo N đưa. N năn nỉ không đưa thêm thì K quát: “Lấy hết tiền của nó”. N nắm tiền vào tay thì bị T giật lấy. T đếm xác định tổng số tiền của N là 14.000.000 đồng. M đếm tổng hợp được 36.500.000 đồng, chuyển hết cho T. K tiếp tục nói với S phải “đem vô” 200.000.000 đồng mới cho S và nhóm H ra về. S nói không có tiền thì K tiếp tục chửi. Sau đó, K kêu S “đem vô” 100.000.000 đồng thì cho về; S đồng ý nhưng xin cho về để mượn tiền. K không đồng ý. S điện thoại cho Cao Quốc Q nhờ bảo lãnh cho S về. K đồng ý cho S về nhưng S phải gửi lại xe mô tô và nhẫn vàng cho K giữ. S ra về thì K cũng về. Khoảng 06 giờ sáng ngày 21/4/2023, K trở lại nơi đánh bạc thì S đã mượn được tiền và chuyển cho T 100.000.000 đồng. Khi đã nhận đủ 100.000.000 đồng của S, K cho những người trong nhóm H về.
Về định tội danh đối với hành vi do Võ Văn K, Nguyễn Thị T, Võ Văn M thực hiện, có các quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: “Võ Văn K, Nguyễn Thị T phạm tội Cướp tài sản và Cưỡng đoạt tài sản; Võ Văn M phạm tội Cướp tài sản”, bởi vì:
- Ý thức chủ quan của K và T muốn chiếm đoạt tiền của nhóm H.
- K, T thực hiện hai chuỗi hành vi. Chuỗi hành vi thứ nhất, T gọi K đến, K chửi, đe dọa, dùng vũ lực với S (người không tham gia đánh bạc) và đe dọa những người khác trong nhóm của H chiếm đoạt được 36.500.000 đồng. M tuy không có bàn bạc nhưng tiếp nhận ý chí của K và T, tham gia với vai trò người thực hành (M lấy của S 12 triệu đồng, của H 5 triệu đồng đưa cho K), M đồng phạm với K, T về tội Cướp tài sản; tội phạm đã hoàn thành, K, T, M phạm tội Cướp tài sản. Chuỗi hành vi tiếp theo sau khi chiếm đoạt được 36.500.000 đồng, K chửi, đe dọa buộc S phải mang 200.000.000 đồng đến mới cho S và nhóm H về. S nói không có tiền K tiếp tục chửi, yêu cầu S đem đến 100 triệu đồng mới cho về. S điện thoại nhờ Q bảo lãnh, K đồng ý cho S về nhưng S phải gửi lại xe mô tô và nhẫn vàng (đây là thủ đoạn khác của tội cưỡng đoạt tài sản). 6 giờ sáng hôm sau, S mang đến 100.000.000 đồng đưa cho T, K cho những người trong nhóm H về. Xét về không gian, thời gian và ý thức chủ quan ở chuỗi hành vi thứ 2, S bị K uy hiếp nhưng chưa tê liệt hoàn toàn ý chí, S có thể có sự lựa chọn khác (về nhà đi trình báo công an hoặc không mang tiền đến đưa cho K, T), vì vậy chuỗi hành vi sau của K và T đã đủ yếu tố cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản, phải xử lý K, T 2 tội Cướp tài sản và Cưỡng đoạt tài sản mới phù hợp, đúng diễn biến hành vi khách quan, ý thức chủ quan của bị hại và người phạm tội.
Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả: Võ Văn K, Nguyễn Thị T, Võ Văn M phạm tội “Cướp tài sản”, bởi vì: Về ý thức chủ quan, T, K muốn chiếm đoạt tiền của nhóm H. Mặc dù không có sự bàn bạc, chuẩn bị từ trước nhưng M đã tiếp nhận ý chí của K, T. K, T, M thực hiện 1 chuỗi hành vi T gọi K đến, K cầm dao đe dọa, chửi, dùng vũ lực đánh S (là người không tham gia đánh bạc) và chửi, đe dọa những người trong nhóm của H để T, M thực hiện việc chiếm đoạt tiền tổng cộng 36.500.000 đồng. Hành vi tiếp theo, K đe dọa buộc S phải đem vô 100.000.000 đồng mới cho S và những người trong nhóm H về, khi S nói không có tiền, K yêu cầu S gửi lại xe mô tô, nhẫn vàng rồi cho S về. S nhận thức nếu sáng hôm sau không mang tiền đến cho K, T thì xe mô tô và nhẫn vàng của S có thể sẽ bị mất, vì vậy S không có sự lựa chọn khác, 6 giờ sáng hôm sau S mang 100.000.000 đồng đến đưa cho T. Xét chuỗi hành vi, không gian, thời gian liên tục và tương quan lực lượng, nhóm của H, S bị nhóm của K, T dùng dao, lời nói đe dọa, sử dụng vũ lực làm tê liệt hoàn toàn ý chí buộc phải đưa tiền. Hành vi của K, T, M chiếm đoạt tiền của nhóm H, S tổng cộng 136.500.000 đồng thu hút vào tội “Cướp tài sản”. Nếu xử lý K, T 2 tội Cướp tài sản và Cưỡng đoạt tài sản sẽ bất lợi cho người phạm tội.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý bạn đọc và đồng nghiệp.
*Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5
Ảnh: Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử vụ án “Cướp tài sản” của học sinh tại huyện Bình Tân
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận