Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Đánh bạc là việc tham gia trò chơi do những người đánh bạc tự tổ chức hoặc người khác tổ chức hoặc gá bạc để được hoặc mất lợi ích vật chất (là tiền hoặc hiện vật). Trong đó bao gồm:

1. Tội đánh bạc là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp[1].  

Về hình thức quan hệ cờ bạc (liên hệ cờ bạc giữa những người đánh bạc với nhau), thì có thể có: Nhiều người cùng đánh bạc với nhau (như chơi tá lả, tam cúc, tổ tôm, xóc đĩa…); Một người đánh bạc với nhiều người (như chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa...). Dù dưới hình thức nào, thì “giá trị tiền hay hiện vật mà những người đánh bạc được thua” có ý nghĩa rất lớn đối với việc định tội danh và định khung hình phạt. Tuy nhiên, đến nay cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa giải thích “tiền hay hiện vật mà những người đánh bạc được thua” là gì. Tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự năm 1999 mới chỉ hướng dẫn cách tính “số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc” và coi đó là “tiền hay hiện vật mà những người đánh bạc được thua”.  Chúng tôi cho rằng, “tiền hay hiện vật mà những người đánh bạc được thua” là số tiền hay vật mà lúc đầu (khi bắt đầu đánh bạc) những người đánh bạc sử dụng vào việc đánh bạc; sau ván bài đầu tiên hoặc đợt chơi cá độ (ví dụ đua ngựa) đầu tiên mà người đánh bạc có được là tiền hay vật do đánh bạc mà có. Tuy nhiên, sau ván bài đầu tiên hoặc đợt chơi đầu tiên đó, người đánh bạc lại dùng số tiền do đánh bạc mà có để tiếp tục đánh bạc (như sau ván bài đầu tiên một người chơi bạc thắng và dùng thêm số tiền thắng bạc để đánh bạc những ván tiếp theo). Nghĩa là, trong nhiều vụ án về tội đánh bạc rất khó xác định rành rọt đâu là tiền, vật dùng vào việc đánh bạc và đâu là tiền, vật do đánh bạc mà có cho nên có thể đồng nhất khái niệm “tiền hay hiện vật mà những người đánh bạc được thua” với khái niệm “tiền hay hiện vật dùng đánh bạc”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS, thì hành vi đánh bạc chỉ bi coi là phạm tội khi tiền hay hiện vật dùng đánh bạc trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.  Như vậy, có ba trường hợp bị coi là phạm tội đánh bạc sau đây:

- Trường hợp thứ nhất, là phạm tội đánh bạc do đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua với số tiền hay hiện vật dùng đánh bạc trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên. Đây là trường hợp một lần đánh bạc trái phép với số tiền hay vật dùng vào việc đánh bạc trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên. Một lần đánh bạc trái phép có thể:

Thứ nhất, là một lần thực hiện hành vi đánh bạc đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ví dụ: Một lần bỏ ra 5.000.000 đồng trở lên để chơi 01 ván sóc đĩa (và có thể thắng hoặc thua) hoặc một lần bỏ 2.000.000 đồng để chơi 01 ván sóc đĩa và thắng 3.000.000 đồng;

Thứ hai, là nhiều lần thực hiện hành vi đánh bạc dưới hình thức là các ván bài hoặc các đợt đánh bạc trong cùng một khoảng thời gian.

Ví dụ 1:  Có 04 người, mỗi người dùng 2.000.000 đồng (tổng là 8.000.000 đồng) để chơi nhiều ván sóc đĩa trong một khoản thời gian nhất định. Trong trường hợp này, chỉ coi bốn người đó đánh bạc một lần.

Ví dụ 2: Tại kỳ đua ngựa thứ 39, tổ chức vào ngày 15-7-2020, trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ A đã cá độ ba đợt cụ thể là đợt một 2.000.000 đồng, đợt hai 1.000.000 đồng, đợt ba 2.000.000 đồng và không thắng đợt nào. Trong trường hợp này chỉ coi A đã đánh bạc một lần trong kỳ đua ngựa đó với tổng số tiền là 5.000.000 đồng.

Ví dụ 2: Ngày 20-7-2020, trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, B mua ba số đề trong một lô đề cụ thể là: mua số 17 với số tiền là 5.000.000 đồng, mua số 20 với số tiền là 2.100.000 đồng, mua số 25 với số tiền 3.000.000 đồng. Trong trường hợp này, chỉ coi B đánh bạc một lần với số tiền đánh bạc là 10.100.000 đồng.

Trong các trường hợp nêu trên, nếu số tiền chơi mỗi ván bài, số tiền cá độ đua ngựa, số tiền mua số đề của mỗi đợt từ 5.000.000 đồng trở lên thì cũng không được áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 53 của Bộ luật hình sự[2].

Việc xác định tiền, hiện vật dùng vào việc đánh bạc phục thuộc vào hình thức quan hệ cờ bạc giữa những người đánh bạc. Cụ thể:

+ Đối với trường hợp nhiều người cùng đánh bạc với nhau (như chơi tá lả, tam cúc, tổ tôm, xóc đĩa…), thì tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của tất cả những người cùng đánh bạc, bao gồm: Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc[3].

 + Đối với trường hợp một người đánh bạc với nhiều người (như chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa...), thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc phụ thuộc vào việc họ là người chơi hay người chủ cuộc chơi (chủ đề, chủ cá độ). Theo đó[4]:

Trường hợp là người chơi số đề, chơi cá độ: nhưng không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ; và trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ.

Trường hợp là chủ để, chủ cá độ và không có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ. Nếu có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người).

Có ý kiến cho rằng, số tiền mà người chủ đề, chủ cá cược phải “chuẩn bị bỏ ra” phải là bội số của số tiền mà người chơi đề, người cá cược nộp cho chủ đề, chủ cá cược với số lần mà những người đánh bạc đã thống nhất hoặc mặc định thống nhất. Ví dụ: Với số tiền mà người chủ đề phải trả người trúng đề là 70 lần số tiền mà người chơi đề nộp cho chủ đề, thì phải coi số tiền mà chủ đề “chuẩn bị bỏ ra” hoặc mặc định sẽ bỏ ra là 70 lần số tiền mà người chơi đề nộp cho chủ đề. Cho nên, trường hợp một người chơi đề (mua số đề) 1 triệu đồng, thì người chủ đề phải chuẩn bị cho cuộc chơi đề đó là (1 triệu đồng x 70 = 70 triệu đồng) và chủ đề phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 321 BLHS. Chúng tôi cho rằng, việc người chủ đề mặc định phải bỏ ra số tiền là 70 triệu đồng để sẽ trả cho người trúng đề chưa phải là hành vi đánh bạc đã diễn ra trên thực tế. Nếu có chăng, thì số tiền 70 triệu đồng mà chủ đề dự trù để sẽ trả cho người trúng đề chỉ là hành vi chuẩn bị phạm tội đánh bạc nhưng theo quy định tại Điều 14 BLHS, thì người chuẩn bị phạm tội đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, cách xác định số tiền mà những người dùng đánh bạc như hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật Hình sự năm 1999 là có thể chấp nhận được.

- Trường hợp thứ hai, là phạm tội đánh bạc do đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua với số tiền hay hiện vật dùng đánh bạc trị giá dưới  5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm. Đây là trường hợp một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nay lại thực hiện hành vi đánh bạc được thua với số tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính là 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính[5].

- Trường hợp thứ ba, là phạm tội đánh bạc do đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua với số tiền hay hiện vật dùng đánh bạc trị giá dưới  5.000.000 đồng nhưng đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Đây là trường hợp một người đã bị kết án về Tội đánh bạc, Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa hết thời hạn được coi là chưa được xóa án tích nay lại thực hiện hành vi đánh bạc được thua với số tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng. Tội đánh bạc và Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc là những tội thuộc diện đương nhiên được xóa án tích. Theo quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS, thì người bị kết án về Tội đánh bạc, Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc dương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 321 BLHS, thì phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm. Trong đó:

- Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, theo Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS, thì phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp có đủ hai điều kiện sau đây: Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích; Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Tuy nhiên tại điểm 3 Điều 5 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS 2015 về tội rửa tiền thì tình tiết “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 BLHS 2015 là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc rửa tiền làm nguồn thu nhập[6].

Chúng tôi đồng tình với nội dung hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và cho rằng, phạm tội đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc làm nguồn thu nhập. Bởi lẽ, các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có cùng tính chất cờ bạc và tiền mà người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có được cũng xuất phát từ tiền được thua trong vụ việc đánh bạc. Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” cần lưu ý, đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội từ 02 lần trở lên”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”. Vì “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt của Tội đánh bạc cho nên không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 của BLHS[7].

- Phạm tội đánh bạc với số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên là trường hợp đánh bạc mà tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc (theo cách xác định “số tiền hay hiện vật được thua” ở trường hợp thứ nhất - phạm tội đánh bạc do đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua với số tiền hay hiện vật dùng đánh bạc trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên) trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên.

- Phạm tội đánh bạc có sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội. Đây là trường hợp đánh bạc mà người chơi bạc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử làm phương tiện phạm tội. Trong đó:

+ Mạng Internet là hệ thống thông tin toàn cầu gồm nhiều mạng máy tính liên kết với nhau, truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa (giao thức IP),  cho phép người dùng truy cập công cộng miễn phí[8];

+ Mạng máy tính là  (computer network) là mạng viễn thông kỹ thuật số được sử dụng để kết nối các máy tính lại với nhau thông qua các thiết bị nối kết mạng và phương tiện truyền thông (giao thức mạng, môi trường truyền dẫn) theo một cấu trúc nào đó và các máy tính này trao đổi thông tin, dữ liệu qua lại với nhau[9];

+ Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông (là thiết bị kỹ thuật, bao gồm phần cứng, phần mềm, phần cứng có kèm theo phần mềm được dùng để thực hiện viễn thông) được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông[10].

+ Phương tiện điện tử là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự[11].

- Tái phạm nguy hiểm, theo Điều 53 BLHS là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Tuy nhiên, Tội đánh bạc: quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS là tội phạm ít nghiêm trọng; quy định tại khoản 2 Điều 321 BLHS là tội phạm nghiêm trọng do vậy phạm tội đánh bạc do tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội đánh bạc.

Khoản 3 Điều 321 BLHS quy định hình phạt bổ sung có thể áp dụng đối với người phạm tội đánh bạc là có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

2. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc là hành vi tổ chức cho người khác đánh bạc hoặc cho thuê, mượn địa điểm, phương tiện thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình (có thể là nhà ở, phòng làm việc, cơ sở kinh doanh, tàu, thuyền, xe ô tô…) để người khác sử dụng làm nơi đánh bạc trái phép, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm trật tự công cộng. Trong đó:

Tổ chức đánh bạc là hành vi rủ rê, lôi kéo người khác cùng tham gia đánh bạc. Gá bạc là hành vi cho thuê, mượn địa điểm, phương tiện thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình (có thể là nhà ở, phòng làm việc, cơ sở kinh doanh, tàu, thuyền, xe ô tô…) để người khác sử dụng làm nơi đánh bạc trái. Bản chất của gá bạc là sự trục lợi qua con bạc (lấy tiền vào cửa, mua bán tài sản của các con bạc với giá rẻ, làm các dịch vụ ăn uống, giải trí khác...). Không ít trường hợp người tổ chức đánh bạc, người gá bạc, người đánh bạc là một người[12].

Theo quy định tại khoản 1 Điều 322 BLHS, thì có năm trường hợp bị coi là phạm tội chức đánh bạc hoặc gá bạc sau dây:

- Trường hợp thứ nhất, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc do tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên.

- Trường hợp thứ hai, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc do sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

- Trường hợp thứ ba, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc do tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;

- Trường hợp thứ tư, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc do có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

- Trường hợp thứ năm, phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc do đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khi xét xử một người về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong các trường hợp nêu trên cần chú ý:

Thứ nhất, trường hợp thứ nhất và thứ hai là trường hợp một lần tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cho 10 người trở lên cùng đánh bạc với nhau mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho hai nhóm (02 chiếu) đánh bạc với nhau và mỗi nhóm có thể gồm trên hoặc dưới 10 người mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

Thứ hai, trường hợp thứ ba là trường hợp một lần tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cho dưới 10 người đánh bạc với nhau hoặc chỉ một chiếu cho dưới 10 người đánh bạc với nhau nhưng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 20.000.000 đồng trở lên.

 Theo quy định tại khoản 2 Điều 322 BLHS, thì phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm. Trong đó, các tình tiết (Có tính chất chuyên nghiệp; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm) đã được chúng tôi phân tích ở Tội đánh bạc (nêu trên). Còn phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên là trường hợp người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thu lợi qua con bạc (như lấy tiền vào cửa, mua bán tài sản của các con bạc với giá rẻ, làm các dịch vụ ăn uống, giải trí khác...) từ 50.000.000 đồng trở lên.

Khoản 3 quy định hình phạt bổ sung có thể áp dụng đối với người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ảnh: Phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng

[1] Xem: Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự năm 1999.

[2] Xem: Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự năm 1999.

[3] Xem: Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự năm 1999.

[4] Xem: Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự năm 1999.

[5] Xem: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Điều 7.

[6] Nghĩa là không bao gồm dấu hiệu người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống”.

[7] Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS.

[8] https://vietteltelecom.vn/tin-tuc/chi-tiet/mang-internet-la-gi-internet-va-wifi-co-giong-nhau-khong/19435500#:~:text=M%E1%BA%A1ng%20Internet%20l%C3%A0%20h%E1%BB%87%20th%E1%BB%91ng,c%E1%BA%ADp%20c%C3%B4ng%20c%E1%BB%99ng%20mi%E1%BB%85n%20ph%C3%AD.

[9] https://bizflycloud.vn/tin-tuc/he-thong-mang-la-gi-co-nhung-loai-mang-may-tinh-nao-20180309122116793.htm.

[10] Xem: Luật Viễn thông, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, Điều 3.

[11] Xem: Luật Giao dịch điện tử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, Điều 3.

[12]http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/28313946?detail=2&id=5&sid=4#:~:text=T%E1%BB%95%20ch%E1%BB%A9c%20%C4%91%C3%A1nh%20b%E1%BA%A1c%20l%C3%A0,%C4%91%C3%A1nh%20b%E1%BA%A1c%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n).

TS. MAI BỘ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân