Vũ Văn V phạm tội gì? Ai là bị hại?

V dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt một xe đạp, đem bán được 2 triệu đồng. Xác định tội danh của V đang có ba quan điểm khác nhau.

Khoảng 15 giờ ngày 27/7/2023, Vũ Văn V (sinh năm 1993), đến nhà anh chị Nguyễn Thị H, Hoàng Công D, thấy bên trong sân có dựng 01 chiếc xe đạp sơn màu đen, nhãn hiệu AVATAR, có giỏ phía trước nên V nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe. V dùng tay mở cửa cổng đi vào trong sân và tiến lại gần chỗ dựng xe đạp, đang định lấy xe thì thấy cháu Hoàng Minh P (năm 2007) là con chị H, anh D, đang nằm ở ghế trong phòng khách nên V nảy sinh ý định giả vờ mượn xe đạp của cháu P rồi mang đi bán.

V đi vào nhà hỏi cháu P “ê cu bố mẹ em đâu” thì cháu P trả lời “ bố em trên tầng 2, mẹ em đi làm”. V giả vờ đi lên tầng 2 gặp anh D nhưng sau đó nhanh chóng đi xuống nhà và nói “anh bảo bố D rồi, cho anh mượn xe đạp một lát anh trả ngay, tý về a mua kẹo cho”.

Do là hàng xóm gần nhà và thỉnh thoảng V có sang chơi nên cháu P đồng ý cho V mượn xe đạp. Sau đó V đã mang xe đạp đến cửa hàng sửa chữa xe của ông Vũ Tuấn Th. V nói dối đây là xe đạp của mình và không có nhu cầu sử dụng nên muốn bán, nên ông Th đồng ý mua  chiếc xe đạp với giá 2.000.000 đồng. Sau đó, V đã tiêu xài hết số tiền này.

Tối cùng ngày chị H, anh D đến nhà V đòi xe nhưng không gặp V. Ngày 28/7/2023 V đã đến Công an phường đầu thú và khai báo toàn bộ hành vi phạm tội. Ông Vũ Tuấn Th giao nộp 01 chiếc xe đạp đã mua của V. Tại bản kết luận định giá tài sản kèm theo Biên bản định giá số 68/BB-HĐĐG ngày 06/8/2023 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự kết luận: Thiệt hại tài sản cần định giá tại thời điểm hiện tại là 4.200.000đ.

Hiện có ba quan điểm về việc định tội danh đối với V và xác định bị hại:

Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Vũ Văn V đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS 2015. Anh D và chị H là bị hại.

Trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn lén lút, lợi dụng sơ hở của bị hại. Hành vi lén lút có thể chỉ xảy ra đối với chủ sở hữu tài sản nhưng ngang nhiên trước mặt người khác. Như vậy, ở tình huống này V đã lén lút với anh D và chị H (D, H là chủ tài sản), thời điểm V lấy xe đạp, anh D và chị H đều không biết. Cháu P không được bố  mẹ giao quyền trông coi, sử dụng chiếc xe này, cháu P chỉ là người chứng kiến hành vi chiếm đoạt chiếc xe đạp do V thực hiện. Mặt khác, ngay từ đầu V đã có ý thức lén mở cổng, tự ý đi vào nhà anh D, chị H để chiếm đoạt chiếc xe đạp. Do vậy, trường hợp này V phạm tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Anh D và chị H là bị hại.

Quan điểm thứ hai: Hành vi của Vũ Văn V đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS 2015. Cháu P là bị hại.

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Ở tình huống này, về ý thức chủ quan của V thì cháu P đang là người quản lý tài sản, V đã lợi dụng lòng tin của cháu P để mượn xe và sau đó đem bán lấy tiền tiêu xài cá nhân nên hành vi của V phạm tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS 2015. Cháu P là bị hại.

Quan điểm thứ ba (cũng là quan điểm của tác giả): Hành vi của Vũ Văn V đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015. Cháu P là bị hại. Vũ Văn V phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách gian dối. Đây là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người đang quản lý tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Hai dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Trong trường hợp này, V có ý định chiếm đoạt tài sản trước khi lấy được xe đạp, để lấy được xe đạp V đã đưa ra thông tin gian dối với cháu P là “anh bảo bố D rồi, cho anh mượn xe đạp một lát anh trả ngay”. Tin vào lời của V, cháu P đã đồng ý giao chiếc xe đạp của gia đình cho V mượn. Sau khi V lấy được xe, đã đem bán.

Như vậy, về mặt lý luận, hành vi của V thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan là có ý thức chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, mặc dù chủ sở hữu chiếc xe đạp là vợ chồng anh D và chị H nhưng thực tế, chiếc xe đạp đang trong tầm quản lý của cháu P. Thêm nữa, về ý thức chủ quan, V đưa ra thông tin gian dối với cháu V nhằm chiếm đoạt tài sản đang trong sự quản lý của cháu P. Do vậy, phải xử lý hành vi của Vũ Văn V về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015; Xác định cháu P là bị hại. Ngoài ra, Vũ Văn V phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS mới phản ánh đúng bản chất hành vi phạm tội của của V cả về mặt khách quan và ý thức chủ quan.

Trên đây là quan điểm của tác giả, kính mong các độc giả đóng góp ý kiến.

*ThS. TAND tp Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Toà án huyện Bạch Thông, Bắc Kạn xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Ngọc Diệp

TẠ NGỌC NAM*