A không phạm tội trộm cắp tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “A có phạm tội trộm cắp tài sản?” của tác giả Bùi Viết Vinh đăng ngày 06/11/2021, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai: Hành vi của A không đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 173 BLHS năm 2015. Và tôi cho rằng, hành vi của A không phải là vi phạm pháp luật hình sự.

Căn cứ vào nội dung của vụ án, hành vi của A không phạm tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 173 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi “chiếm đoạt” tài sản, nhưng hành vi chiếm đoạt ở đây là chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết. Bên cạnh đó, tội trộm cắp tài sản được thực hiện do lỗi cố ý, mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Dựa theo diễn biến của vụ án, sau nhiều lần A gọi điện cho B nhưng không liên lạc được, A đã đến nhà B để nói chuyện. Đến nơi thì B đi công tác dài ngày không có ở nhà, A chỉ gặp C là người giúp việc của B. Do A đã nhiều lần qua chơi nhà B, nên C sẽ biết A và chỉ nghĩ A đến nhà tìm B để trao đổi công việc. Lúc này, A thấy trong kho của B có bộ bàn ghế gỗ nên đã nảy sinh ý định lấy để gán nợ. Vì vậy, A đã thuê xe đến chở bộ bàn ghế của B với tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng về nhà. C là người biết và chứng kiến mọi việc nhưng tưởng A và B đã thỏa thuận với nhau về việc này nên không có ý kiến gì. Trong trường hợp này, có thể xác định C là người có trách nhiệm quản lý tài sản tạm thời (do B đi công tác dài ngày), việc A thuê xe đến chở bộ bàn ghế gỗ của B có sự chứng kiến của C được diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên, và A không sử dụng bất kỳ một thủ đoạn nào hay có hành vi lén lút với C nhằm chiếm đoạt bộ bàn ghế của B với tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng. Việc A giữ bộ bàn ghế của B để làm cơ sở buộc B phải trả số tiền còn nợ cho A chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Nên hành vi của A không đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”.

Ngoài ra, hành vi của A cũng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm của một số tội danh được quy định tại Chương XVI – Các tội xâm phạm sở hữu như tội cướp tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản... bởi trong tình huống này A không sử dụng bất kỳ một phương thức, thủ đoạn nào để thực hiện hành vi xâm phạm sở hữu tài sản mang tính chất chiếm đoạt. Mặc dù nội dung vụ án không nêu rõ khi A và B thỏa thuận với nhau về việc B vay tiền của A để xây nhà. Số tiền vay theo thỏa thuận là 200 triệu đồng, không có lãi suất, thời hạn vay là đến khi xây xong nhà thì việc vay mượn tiền này có được thể hiện thông qua văn bản như giấy biên nhận tiền hay chỉ là trao đổi, thỏa thuận bằng lời nói. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 119 BLDS năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể” nên cho dù việc B mượn tiền của A có được thể hiện bằng văn bản hay chỉ là trao đổi bằng lời nói thì  hành vi của A không phải là vi phạm pháp luật hình sự, quan hệ pháp luật phát sinh trong trường hợp này là quan hệ pháp luật dân sự. 

Trên đây là một số quan điểm của tác giả về bài viết, mong nhận được sự trao đổi của các độc giả./.

 

Tòa án nhân dân huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử hai vụ án Trộm cắp tài sản - Ảnh: Nguyễn Thị Huyền

ThS LẠI SƠN TÙNG (Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân)