A phạm tội Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp làm chết người
Sau khi nghiên cứu bài viết “A phạm tội gì?” của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích đăng ngày 09/8/2022, tôi đồng tình với quan điểm A phạm tội Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp làm chết người.
Thứ nhất, Khi muốn phân biệt tội “giết người” (Điều 123) với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134) thì không chỉ có trình độ pháp lý, nắm vững các yếu tố cấu thành tội phạm, mà còn phải có kỹ năng phân tích, tổng hợp và kinh nghiệm thực tiễn. Trong trương hợp nạn nhân chết, thì ở cả hai tội này, người phạm tội đều thực hiện hành vi là do lỗi cố ý; đều thực hiện hành vi khách quan tương tự như nhau (bắn, đâm, chém, đánh, đấm, đá…) và nạn nhân đều bị chết.
Tuy nhiên, đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác”, người phạm tội chỉ cố ý làm cho nạn nhân bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, không mong muốn cho nạn nhân bị chết, cũng không bỏ mặc cho nạn nhân chết; nạn nhân bị chết là ngoài ý muốn của người phạm tội.
Đối với tội “giết người”, người phạm tội cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Nếu không phải là do cố ý trực tiếp (cố ý có dự mưu, cố ý xác định) thì cũng là cố ý gián tiếp (cố ý đột xuất, hoặc cố ý không xác định), tức là không cần quan tâm đến hậu quả. Ở tội “giết người”, hành vi tấn công của người phạm tội bao giờ cũng quyết liệt hơn, cường độ tấn công mạnh hơn, nhằm vào những nơi xung yếu của cơ thể như: Vùng đầu (sọ não, gáy), ngực, ổ bụng… Còn đối với tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, người phạm tội tấn công nạn nhân không quyết liệt, nếu có quyết liệt thì cũng chỉ tấn công vào những nơi khó gây ra cái chết cho nạn nhân như: Chân, tay, mông, nếu có tấn công vào nơi xung yếu của cơ thể của nạn nhân thì cũng chỉ tấn công vào nơi đã định như mắt, mũi, tai, miệng.
Do đó, phải kết hợp với ý thức chủ quan của họ để xác định là giết người hay cố ý gây thương tích, đồng thời phải căn cứ vào biên bản giám định pháp y về cơ chế hình thành vết thương, đặc biệt là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân. Vì trên thực tế nhiều trường hợp nạn nhân không chết ngay, nhưng do người phạm tội có ý định tước đoạt tính mạng của nạn nhân nên đã đánh vào chỗ hiểm, một thời gian sau nạn nhân mới chết. Vì vậy, để phân biệt tội “giết người” hay tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” thì phải tổng hợp tất cả các dấu hiệu của vụ án, mà xác định ý thức chủ quan của người phạm tội.
Trở lại nội dung vụ án, M là nạn nhân trong nội dung vụ án (đã chết) được xác định là có mâu thuẫn trước đó với A (2 nhóm ở chung 1 phòng). Khi A về đến phòng thì lúc này cả 2 nhóm đã tắt đèn đi ngủ. A mở cửa gọi L thì nhóm của L tưởng A gây sự nên nhanh chóng dậy đè A lên giường đánh A, A thoát được chạy lại giường mình lấy con dao cắt hoa quả đánh trả thì đâm trúng mạn sườn lưng của M. Lúc này, N chạy đi báo cho H. Do Xưởng làm của H ở vùng núi, cách xa bệnh viện, nên đến 2 giờ sáng hôm sau xe cấp cứu mới tới nơi, trên đường đi cấp cứu, do phổi bị thủng và vết thương làm mất máu quá nhiều nên M đã tử vong. Như vậy trong trường hợp trên, A đã lấy con dao cất sẵn ở dưới giường đểm đâm trả lại nhóm L khi bị nhóm L khống chế đánh (đè xuống giường đánh).
Do đó, hành vi của A thực hiện với lỗi cố ý, nhưng để xác định xem A có mục đích giết người hay không thì cần phải xem xét lại chứ không thể áp dụng máy móc Án lệ (47/2021/AL), cứ trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể là chịu TNHS về tội “Giết người”. Tại trong vụ án này, A dùng dao đâm 01 nhát vào mạn sườn của M khiến M bị thủng phổi (vùng trọng yếu cơ thể) và không có hành vi tấn công thêm nhóm L, M, N. Thấy được hành vi tấn công của A là không mãnh liệt và lúc A đâm M là trong điều kiện phòng tối, cho nên chủ đích của A không phải tấn công vào vùng trọng yếu cơ thể của M nhằm mục đích triệt hạ. Chính vì vậy, hành vi của A không phải với mục đích là muốn giết chết M mà chỉ muốn tấn công nhóm L, M, N để đẩy lùi nhóm L khi bị khống chế đánh.
Cho nên quan điểm thứ nhất cho rằng A phạm tội Giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS là không hợp lý.
Thứ hai, phòng vệ chính đáng là vì muốn bảo vệ quyền hoặc lợi ích của mình (người khác hoặc của nhà nước, cơ quan, tổ chức) mà chống trả cần thiết người đang có hành vi xâm phạm, khi vượt quá giới hạn phải chịu TNHS.
Do đó, khi đánh giá hành vi chống trả có cần thiết hay không phải xem xét một cách toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án, trong đó đặc biệt là thái độ, tâm lý của người phòng vệ khi xảy ra sự việc, họ không có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn chính xác phương pháp, phương tiện thích hợp để chống trả, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ, chỉ coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi sự chống trả rõ ràng là quá đáng.
Mà trong vụ án nêu trên, khi A mở cửa gọi L thì nhóm của L tưởng A gây sự nên nhanh chóng dậy đè A lên giường đánh A, A thoát được chạy lại giường mình lấy con dao cắt hoa quả đánh trả. Như vậy, khi A bị L khống chế đánh bằng tay (đè lên giường đánh), nhưng ngay sau đó A đã thoát được khống chế của L và A đã lựa chọn lấy con dao đã để sẵn ở đầu giường của mình để đánh trả lại. Trong khi trường hợp đó, A hoàn toàn có thể chạy ra ngoài và hô hoán mọi người giúp hoặc có thể đánh trả bằng tay chân hay vật gì khác ngay tại hoàn cảnh đó. Thấy được, trong tình thế đó A đã lựa chọn phương pháp và phương tiện (con dao) nguy hiểm nhất để chống trả mà khi A bị bất ngờ đè xuống giường không chế. Vì vậy, không thể coi trường hợp trên là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Mà trong vụ án, giữa A và nhóm L, M, N đã có mâu thuẫn với nhau từ trước và đã từng đánh nhau và được hòa giải.
Vì vậy, A phạm tội Giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại khoản 1 Điều 126 BLHS là không có cơ sở.
Chính vì vậy, trong vụ án nêu trên tôi cho rằng A phạm tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” trong trường hợp hậu quả làm chết người theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS. Bởi xuất phát từ mâu thuẫn với nhóm L, M, N từ trước; khi bị L khống chế đè đánh, A đã đánh trả bằng cách lấy dao để đầu giường của mình để tấn công về nhóm L, M, N và trong điều kiện phòng tối đã đâm trúng mạn sườn lưng của M. Khi thấy M bị thương thì A đã dừng lại, không tấn công tiếp để triệt hạ M. Việc M chết nằm ngoài ý muốn của A khi M không được cấp cứu kịp thời do xa bệnh viện nên M đã tử vong do mất máu quá nhiều.
Như vậy, hành vi phạm tội của A hoàn toàn phù hợp với dấu hiệu hành vi phạm tội được quy định tại Điều 134 BLHS.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.
TAND huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn xét xử 12 bị cáo bị truy tố về tội Cố ý gây thương tích - Ảnh: Hoàng Hồng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận