A phạm tội Cố ý gây thương tích

Qua nghiên cứu bài viết “A phạm tội gì?” của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích đăng ngày 9/8/2022, tôi cho rằng A phạm tội Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp làm chết người (điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS)

1.Phân biệt tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tội giết người

Về giống nhau: Tội giết người và tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người đều có những dấu hiệu giống nhau đó là hậu quả chết người xảy ra và giữa hậu quả chết người và hành vi phạm tội có mối quan hệ nhân quả với nhau.

Về khác nhau: Tội giết người được quy định tại Điều 123 BLHS 2015. Sự khác nhau cơ bản giữa tội “giết người” và tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác ” là ý thức chủ quan của người phạm tội, được chứng minh bởi các yếu tố như các dấu hiệu thuộc mặt khách quan: Hành vi tấn công, vị trí tấn công trên cơ thể người bị hại, nguyên nhân và thời gian chết của nạn nhân, vũ khí, hung khí tấn công và cường độ tấn công; hậu quả, mức độ nghiêm trọng của thương tích và các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan: Lỗi, động cơ, mục đích phạm tội.

Về yếu tố lỗi: Đối với tội giết người: Người thực hiện hành vi phạm tội giết người có lỗi cố ý với hành vi và cố ý với hậu quả chết người. Nghĩa là, giữa hành vi phạm tội và hậu quả có mối quan hệ nhân quả với nhau. Hành vi của người phạm tội là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người xảy ra. Biểu hiện ở các dạng: Trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra (mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân); trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra nhưng họ mong muốn hậu quả chết người xảy ra, trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người thực hiện hành vi nguy hiểm chỉ thấy trước được hậu quả chết người “có thể xảy ra, tuy không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Hậu quả như thế nào người phạm tội cũng chấp nhận. Trong trường hợp này, nếu hậu quả chết người xảy ra, người phạm tội phải chịu trách nhiệm về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp, nếu hậu quả chết người không xảy ra, người phạm tội phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Trong trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, người thực hiện hành vi có lỗi cố ý với hành vi gây thương tích nhưng lại vô ý với hậu quả chết người. Nghĩa là họ thấy trước được hành vi của mình là hành vi nguy hiểm cho xã hội, “có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.

Về mục đích của hành vi phạm tội: Đối với tội giết người, người thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, người thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân.

Về mức độ, cường độ, vị trí tác động lên cơ thể nạn nhân của hành vi tấn công.

Đối với tội giết người: Mức độ tấn công thường quyết liệt, nhanh và liên tục với cường độ mạnh, hướng tới các vị trí trọng yếu trên cơ thể người (vùng ngực, bụng, đầu...) có khả năng gây nên cái chết.

Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Mức độ tấn công ít quyết liệt hơn, cường độ tấn công nhẹ hơn, vị trí tấn công thường vào những vị trí khó có khả năng gây nguy hiểm chết người như vùng vai, tay, chân...

2.Định tội danh đối với A

Hành vi khách quan của A là loại tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, được biểu hiện thông qua hành động tác động đến thân thể người khác một cách trái pháp luật đó là A dùng con dao cắt hoa quả đánh trả thì đâm trúng mạn sườn lưng của M.

Hành vi dùng dao đánh trả trong điều kiện phòng tối, không đủ ánh sáng để nhìn rõ nên đâm trúng M, khiến M bị thương. Có thể thấy rằng, A thực hiện hành vi có lỗi cố ý với hành vi gây thương tích nhưng lại vô ý với hậu quả chết người. A thấy trước được hành vi của mình là hành vi nguy hiểm cho xã hội, “có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Mục đích phạm tội của A là chỉ nhằm mục đích gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân. Bởi vì do nhóm của L bất ngờ đánh A khi A vào gọi L lên gặp H để kiểm điểm, nên A dùng con dao đánh trả tự vệ để bảo vệ mình. Hành vi của A không nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân M.

Khi A mở cửa gọi L thì nhóm của L tưởng A gây sự tiếp nên nhanh chóng dậy đè A lên giường đánh A, A thoát được chạy lại giường mình lấy con dao cắt hoa quả đánh trả thì đâm trúng mạn sườn lưng của M. Khi A tiến hành đánh trả, do hoảng loạn, bất ngờ nên vị trí tấn công của A không nhằm vào một vị trí cụ thể mà chỉ phản xạ đánh lại theo tự nhiên.

Ngoài ra, đối với vụ án cần xem xét cụ thể đối với tình tiết do Xưởng làm của H ở vùng núi, cách xa bệnh viện nên không thể cấp cứu nhanh, do phổi bị thủng và vết thương làm mất máu quá nhiều nên M đã tử vong. Cần xác định rõ việc không được cấp cứu kịp thời ảnh hưởng như thế nào đến cái chết của M? Nếu trong điều kiện thuận lợi, được cấp cứu nhanh chóng thì nạn nhân M có chết không? Do vậy, việc cái chết của M không hoàn toàn thuộc hết lỗi do hành vi của A, ngoài ra còn do điều kiện cứu chữa xa xôi nên vết thương làm mất máu quá nhiều nên M đã tử vong.

Từ những phân tích nêu trên, theo quan điểm của tôi thì hành vi của A thỏa mãn các dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp làm chết người (điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS).

Tác giả Lê Đức Anh (Viện kiểm sát quân sự khu vực 41 Quân Khu 4) cũng có cùng quan điểm với tác giả Phi Hùng.

 

 TAND thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lăk xét xử vụ “Cố ý gây thương tích” - Ảnh: Trương Đông

 

 

NGUYỄN PHI HÙNG (Toà án Quân sự khu vực Quân khu 4)