Án lệ của Tòa án tối cao Hà Lan

Bài viết giới thiệu cách thức ra bản án có “án lệ” và hiệu lực của án lệ của Tòa án tối cao Hà Lan.

Hệ thống Tòa án ở Hà Lan

Hệ thống Tòa án (tư pháp) ở Hà Lan bao gồm: 19 Tòa án sơ thẩm (với 52 “Tòa chi nhánh” ở các địa phương ), 05 Tòa phúc thẩm và Tòa án tối cao (trụ sở ở La Hay chứ không đặt ở thủ đô Amsterdam). Tòa án có chức năng xét xử các vụ án hình sự và dân sự. Tòa án sơ thẩm ngoài việc xét xử một khối lượng lớn các vụ án dân sự và hình sự, còn có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên, kháng cáo về các vụ án hành chính lại do các Tòa chuyên trách (không nằm trong hệ thống Tòa án tư pháp) giải quyết: Tòa ở Utrecht phúc thẩm các vụ việc về bảo hiểm xã hội, Tòa ở La Hay phúc thẩm các vụ việc thuộc về công pháp kinh tế (như luật cạnh tranh và luật viễn thông), Hội đồng nhà nước (ở La Hay) thì có thẩm quyền cao nhất trong việc giải quyết các khiếu nại về hành chính (các vụ án liên quan đến quyết định của chính quyền địa phương và trung ương). Ngoài việc xét xử các vụ án hành chính, Hội đồng nhà nước còn có chức năng tư vấn, tham mưu về các dự thảo luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương. Như vậy, Hội đồng này vừa là Tòa án tối cao xét xử các vụ án hành chính,bvừa là cơ quan có chức năng hành pháp. Vì vậy, trong một vụ án ở Hà Lan bị khiếu nại lên Tòa án nhân quyền châu Âu, Tòa này đã phán quyết rằng việc kết hợp hai chức năng này là vi phạm Điều 6 Công ước châu Âu về Bảo vệ Quyền con người và Quyền tự do cơ bản ECHR (quyền được xét xử công bằng). Các Tòa phúc thẩm có thẩm quyền xem xét toàn diện các vụ án bị kháng cáo (trừ các vụ án về hành chính). Được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa phúc thẩm được coi là sự thăng tiến của Thẩm phán tòa sơ thẩm. Tòa án tối cao là Tòa án cao nhất có thẩm quyền “giám đốc thẩm” các vụ án dân sự hình sự và thuế. Tòa án tối cao chỉ xem xét vụ án về mặt pháp luật chứ không xem xét về tình tiết của vụ án bị kháng cáo. Qua việc xét xử, Tòa án tối cao khắc phục các sai sót của Thẩm phán các Tòa cấp dưới, bảo đảm sự thống nhất trong việc xét xử (diễn giải pháp luật và hình thành các nguyên tắc xét xử mới). Khi xét xử , nếu thấy “nghi ngờ giá trị pháp lý”  của một quy định pháp luật  thì Tòa án tối cao sẽ không áp dụng luật đó (chẳng hạn nếu thấy luật vi phạm các quyền trước đây hoặc vi phạm điều ước quốc tế mà công dân nước này có thể áp dụng trực tiếp ,thì sẽ không áp dụng luật đó). Chức năng này của Tòa án tối cao có thể được xem là một chức năng bảo hiến. Với thẩm quyền như vậy, Tòa án tối cao đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành án lệ.

Quy trình xét xử của Tòa án tối cao Hà Lan

Tòa án tối cao Hà Lan có ba Tòa: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự và Tòa Thuế, mỗi Tòa có có 11 hoặc 12 Thẩm phán. Ở Tòa Dân sự và Tòa Hình sự, các Thẩm phán được phân chia thành Hội đồng xét xử 03 người (xét xử các vụ án đơn giản) và Hội đồng xét xử 05 người (xét xử các vụ án nghiêm trọng). Các Hội đồng xét xử này được thành lập một cách ngẫu nhiên trong số các Thẩm phán của Tòa. Ở Tòa Thuế thì các Thẩm phán được phân chia thành hai bộ phận: một bộ phận về thuế doanh nghiệp và một bộ phận về thuế thu nhập cá nhân .

Khi vụ án được chuyển đến Tòa án, trước hết nó được chuyển đến Hội đồng 03 Thẩm phán, nếu thấy vụ án cần được xét xử ở Hội đồng 05 người, một Thẩm phán duy nhất của Hội đồng này sẽ đưa ra đề nghị. Tiếp đó, các Thẩm phán của cả Tòa chứ không riêng của Hội đồng xét xử đó sẽ cùng xem xét và nhận xét về vụ án, các Thẩm phán phải đưa ra nhận xét bằng văn bản trước buổi họp tòa. Trước hết, các Thẩm phán sẽ thảo luận về vụ án của Hội đồng 03 Thẩm phán, sau đó sẽ thảo luận về vụ án của Hội đồng 05 Thẩm phán. Như vậy mặc dù Hội đồng xét xử là người quyết định vụ án nhưng mọi vụ án đều được toàn bộ Thẩm phán của Tòa xem xét. Đây là đặc điểm quan trọng trong quy trình xét xử của Tòa án tối cao Hà Lan, nhằm đảm bảo rằng các vụ án tương tự sẽ được quyết định nhất quán ngay cả khi các vụ án này có thể được xét xử bởi các Thẩm phán khác nhau.

Với quy trình xét xử như vậy, bản án của Tòa án tối cao Hà Lan được ban hành theo biểu quyết của đa số Thẩm phán, ý kiến không đồng ý của thiểu số sẽ bị bỏ qua và các Thẩm phán trong Hội đồng xét xử sẽ cùng soạn thảo bản án. Theo quy tắc bất thành văn, ý kiến khác của thiểu số Thẩm phán dù có thể hợp lý cũng không được xem xét. Quy tắc này nhằm đảm bảo sự thống nhất và chắc chắn của pháp luật. Chỉ sau khoảng 05 năm, nếu có vụ án mới, ý kiến không đồng ý của Thẩm phán đó mới có thể được tranh luận lại và có thể bản án mới sẽ đưa ra một cách giải quyết mới. Nói tóm lại, một án lệ chỉ có thể được sửa đổi trong thời hạn khoảng 05 năm .

Cấu trúc bản án của Tòa án tối cao Hà Lan

Bản án của Tòa án tối cao Hà Lan được soạn thảo theo phương pháp tam đoạn luận: phần mở đầu mô tả quá trình tố tụng của vụ án, phần thứ hai mô tả chính xác các tình tiết có liên quan của vụ án, sau đó là phần phân tích các quy định của pháp luật và đưa ra giải pháp cho vụ án, sau đó là kết luận cuối cùng. Để soạn thảo bản án như vậy, trước đó các Thẩm phán sẽ nghiên cứu bản “kết luận” của Tổng Chưởng lý ở Tòa án tối cao (đây là chức vụ ngang với Chánh án Tòa án tối cao). Bản Kết luận này do một thành viên của “Hội đồng cố vấn” đưa ra ( Hội đồng này là một đơn vị độc lập ở Tòa án tối cao, có 23 thành viên, là những luật gia xuất sắc, có địa vị ngang với Thẩm phán Tòa án tối cao ). Bản “kết luận” đưa ra những phân tích về tiền lệ, về các điều luật liên quan đến vụ án đang giải quyết và quan điểm của thành viên đó về cách xét xử vấn đề đang tranh chấp của vụ án. Hội đồng xét xử có thể đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm được nêu trong bản “kết luận “, nếu không đồng ý thì bản án phải nêu rõ lý do tại sao Tòa án áp dụng một hướng giải quyết khác; nếu đồng ý thì bản án cùng với bản kết luận đó sẽ tạo thành một thuyết trình về án lệ có sức thuyết phục mạnh mẽ. Trong bất cứ trường hợp nào, bản án của Tòa án tối cao cũng đều được công bố cùng với bản kết luận của thành viên Hội đồng cố vấn.

Hiệu lực của án lệ

Ở Hà Lan không có một quy tắc pháp luật nào khẳng định nguyên tắc “cần tuân theo các quyết định tư pháp tiền lệ khi những vấn đề tương tự xảy ra trong tương lai” như ở các nước theo luật án lệ, mặc dù thế các Thẩm phán đều thừa nhận rằng các bản án của Tòa có hiệu lực ràng buộc có điều kiện. Các Thẩm phán ở các  Tòa án cấp dưới rất chú trọng trong việc ra bản án của mình, họ cẩn trọng, tránh không đi chệch khỏi những ranh giới đã được hình thành trong những bản án trước đó, vì nếu đi chệch hướng họ sẽ bị phê phán là xét xử không nhất quán và tùy tiện. Do đó, họ rất tôn trọng và tuân theo đường lối xét xử của Tòa án tối cao thể hiện ở những bản án trước đó. Điều này giải thích vì sao án lệ của Tòa án tối cao Hà Lan được thừa nhận là một nguồn luật trong thực tế ./.

NGÔ CƯỜNG

Ảnh: nguồn Internet

Tài liệu tham khảo:

1. Án lệ và Tiền lệ tư pháp ở Hà Lan –Báo cáo của Chương trình đối tác tư pháp, tháng 01-2013,

2. Giáo sư Marc Loth, cựu Thẩm phán TATC Hà Lan –Án lệ ở Hà Lan, bài tham luận tại Hội thảo về áp dụng án lệ tháng 12-2014, (được tổ chức trong khuôn khổ Dự án Chương trình đối tác tư pháp),

3. Olav A.Haazen, Luật sư tranh tụng tại New York – Án lệ ở Hà Lan, in trong Án lệ và pháp luật, Báo cáo cho Đại hội lần thứ 17 của Học viện luật so sánh quốc tế, NXB. Bruylant Bruxelles, 2007.