Án lệ của Tòa Phá án Cộng hòa Pháp
Cộng hòa Pháp có ba Tòa án cao nhất là: Tòa Phá án, Tham chính viện, Hội đồng Bảo hiến. Dưới đây xin nói về án lệ của Tòa Phá án, Tòa án cao nhất thuộc ngạch tư pháp (xét xử các vụ án hình sự, dân sự, thương mại, lao động).
1. Sự hình thành Tòa Phá án
Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 lấy học thuyết tam quyền phân lập của Montesquieu thể hiện trong tác phẩm “Bàn về Tinh phần pháp luật” và của Rousseau thể hiện trong tác phẩm “Bàn về Khế ước xã hội” làm nền tảng lý luận. Theo đó, quyền lập pháp và quyền hành pháp phải được tách khỏi quyền tư pháp nhằm tránh sự áp đặt của Tòa án lên các lĩnh vực khác: làm luật và thi hành luật. Do đó, khi xét xử, Tòa án không có quyền giải thích luật. Tất cả những vấn đề chưa rõ về pháp luật, Tòa án phải chuyển đến nhánh lập pháp để có sự giải thích chính thức. Và mặc dù đã cố gắng soạn thảo Bộ luật Napoleon với 2.281 điều khoản thì cũng không thể bao hàm hết những tình huống trong thực tế. Các câu hỏi yêu cầu giải thích pháp luật từ Tòa án ngày càng nhiều làm cơ quan lập pháp “quá tải” bởi những câu hỏi đó. Để giải quyết tình trạng này, cơ quan lập pháp đã thành lập ra một cơ quan mới gọi là Tribunal (pháp đình) chứ không phải là Court (Tòa án), cơ quan này không thuộc hệ thống Tòa án mặc dù hoạt động rất giống với Tòa án, nhưng chỉ thực hiện một việc là hủy bỏ những bản án dựa trên cơ sở những giải thích luật không đúng và tên đầy đủ của cơ quan này là Tribunal de cassation (cassation là từ động từ casser, nghĩa là phá hủy). Những vụ án bị hủy này được chuyển lại cho Tòa án xét xử lại. Như vậy, yêu cầu của thuyết tam quyền phân lập được đáp ứng, bảo vệ được tính tối cao của lập pháp khỏi sự lạm quyền của Tòa án. Tuy nhiên, qua một quá trình phát triển dần dần, Tribunal không thể tránh khỏi việc phải chỉ ra cách áp dụng đúng pháp luật cho vụ án bị hủy. Năm 1828 Pháp đã bỏ quy định “Tòa án” phải tham chiếu cơ quan lập pháp trong trường hợp cần thiết phải giải thích quy phạm pháp luật. Như vậy là cơ quan này đã thực hiện hai công việc của cơ quan xét xử cao nhất là (i) hủy vụ án xét xử sai, và (ii) giải thích pháp luật, chỉ ra việc áp dụng đúng pháp luật cho vụ án bị hủy đó. Do đó, Tribunal bắt đầu được gọi là Court de cassation (Tòa Phá án).
2. Tòa Phá án với vai trò tạo ra án lệ
Ngoài việc loại bỏ quyền giải thích luật của Tòa án, Cách mạng Pháp cũng đồng thời loại bỏ án lệ. Maximilien de Robespierre là một luật sư và cũng là một nhà cách mạng đã nói: “Từ án lệ của Tòa án cần phải được loại bỏ khỏi ngôn ngữ của chúng ta”. Tuy nhiên, trước thực tế việc soạn thảo pháp luật không thể dự đoán tất cả các trường hợp có thể xảy ra và với căn cứ là đạo luật năm 1828, Tòa Phá án đã nỗ lực trong việc giải thích pháp luật ,tạo ra án lệ. Cuối thế kỷ 19,trước thực tế có nhiều vụ tai nạn xảy ra làm chết người mà không xác định được người chịu trách nhiệm ,đòi hỏi phải có giải pháp bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Tòa Phá án đã đưa ra cách áp dụng pháp luật cho vấn đề này trong vụ án chiếc xe rơ-mooc phát nổ làm chết một công nhân, tại bản án Teffaine ngày 16-6-1896 Tòa đã giải thích và áp dụng Điều 1384 Bộ luật Dân sự buộc chủ sở hữu xe rơ-mooc phải bồi thường thiệt hại mặc dù không có chứng cứ chứng minh lỗi của họ. (Điều 1384 chỉ quy định rằng: “Mỗi người phải chịu trách nhiệm không những về thiệt hại do mình gây ra mà cả thiệt hại do những người mà mình phải chịu trách nhiệm hoặc những vật mà mình coi giữ gây ra”). Việc đưa ra khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sự việc này đã tạo ra án lệ về bồi thường thiệt hại đối với tài sản của chủ sở hữu gây ra. Án lệ này cũng như nhiều quyết định của Tòa Phá án đã dẫn đến nhiều sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Như vậy, sau nhiều thập kỷ, án lệ đã được chấp nhận ở Pháp. Tòa Phá án với vị trí cao nhất trong ngạch tư pháp, có trách nhiệm bảo đảm sự thống nhất trong cách giải thích pháp luật trên toàn nước Pháp, có vai trò chính yếu trong việc tạo ra án lệ và thống nhất án lệ .
3. Những đặc điểm của án lệ của Tòa Phá án
Thứ nhất, bản án của Tòa Phá án thường rất ngắn: Tất cả các bản án của các Tòa án ở Pháp đều được soạn thảo theo cùng một cấu trúc, gồm ba phần: Phần trình bày nội dung tranh chấp; Phần căn cứ của quyết định; Phần quyết định. Phần căn cứ của quyết định được trình bày theo cấu trúc tam đoạn luận: (i) Quy định của pháp luật hiện hành, là tiền đề lớn. (ii) Tình tiết và bằng chứng của vụ việc, là tiền đề nhỏ. (iii) Kết luận. Tuy nhiên, Tòa Phá án không xem xét vụ án bị kháng cáo về nội dung vụ việc, mà chỉ xem xét về hai vấn đề là: (i) Áp dụng thủ tục tố tụng, và (ii) Áp dụng pháp luật. Vì vậy, mặc dù phần căn cứ của quyết định của bản án của Tòa Phá án cũng viết theo cấu trúc tam đoạn luận, nhưng có cách thể hiện khác với bản án của các Tòa án cấp dưới. Và đây là phần có giá trị án lệ của bản án. Thêm nữa, nếu các bản án của các Tòa án cấp dưới được viết theo ngôn ngữ hiện đại thì bản án của Tòa Phá án được viết theo ngôn ngữ pháp lý. Xin nêu thí dụ bản án ngày 29-3-1991 của Hội đồng xét xử toàn thể Thẩm phán Tòa Phá án:
NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP
NHÂN DANH NHÂN DÂN PHÁP
Dựa trên căn cứ chứng minh duy nhất:
Nhận thấy, tại bản án phúc thẩm bị kháng cáo ( tại Limoges,23-3-1989 ), X… ,bị tâm thần, được đưa vào Trung tâm trợ giúp của Sornac ,đã đốt khu rừng của đồng bọn X…, những người này đã yêu cầu Hiệp hội các trung tâm giáo dục Limousin phải bồi thường thiệt hại vì Hiệp hội này trực tiếp quản lý và đồng thời bảo hộ Trung tâm Sornac;
Xét thấy bản án bị kháng cáo đã tuyên buộc Hiệp hội phải bồi thường thiệt hại khi áp dụng Điều 1384 Bộ luật Dân sự, trong khi đó chỉ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do người mình trông giữ gây ra trong các trường hợp mà pháp luật quy định và tòa Phúc thẩm đã không xác định được Hiệp hội phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do những người của Hiệp hội quản lý gây ra với tư cách nào .
Tuy nhiên, xét thấy tại bản án phúc thẩm, trung tâm do Hiệp hội quản lý là để tiếp nhận các bệnh nhân tâm thần đưa vào trong một khu vực được bảo vệ và X được cho phép hoàn toàn tự do đi lại trong ngày;
Với những nhận định này,kết quả là Hiệp hội đã nhận trách nhiệm tổ chức và kiểm tra thường xuyên cách sinh hoạt của bệnh nhân này, tòa Phúc thẩm đã quyết định chính xác là Hiệp hội phải chịu trách nhiệm về bệnh nhân này khi căn cứ vào Điều 1384 Bộ luật Dân sự và có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại mà bệnh nhân đã gây ra; từ đó cho thấy căn cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo không có cơ sở;
BỞI CÁC LẼ TRÊN :
BÁC đơn kháng cáo.
Theo nội dung bản án thì bản án phúc thẩm bị kháng cáo vì lý do áp dụng pháp luật sai (áp dụng sai Điều 1384 BLDS). Và Tòa Phá án chỉ xem xét lại vụ án về vấn đề này.
Bản án quả là rất ngắn. Cấu trúc tam đoạn luận được thể hiện: nêu quy định của pháp luật hiện hành, Điều 1384 BLDS (nội dung của điều này được dẫn ở mục 2 trên) là tiền đề lớn, đoạn ba của bản án là tiền đề nhỏ, từ đó đưa ra kết luận ở đoạn bốn. Bản án được viết theo ngôn ngữ pháp lý (những người có kiến thức pháp lý nhất định đọc bản án sẽ hiểu rõ quyết định của Tòa án).
Thứ hai, quan điểm của Tòa án về cách áp dụng pháp luật phải được lặp đi lặp lại qua nhiều bản án thì quan điểm đó mới trở thành án lệ. Như Giáo sư G.Cornu (1926-2007), một giáo sư luật dân sự nổi tiếng của Pháp đã định nghĩa án lệ như sau: theo nghĩa rộng, án lệ “là tập hợp các bản án,quyết định của Tòa án được đưa ra trong một thời gian cụ thể hoặc một lĩnh vực cụ thể (ví dụ: án lệ trong lĩnh vực bất động sản), hoặc trong một ngành luật cụ thể (án lệ dân sự, án lệ trong lĩnh vực tài khóa, v..v.)”. Theo nghĩa hẹp, án lệ “là một tổng thể các giải pháp được nêu trong các bản án, quyết định của Tòa án trong việc thực thi pháp luật (nhất là giải thích luật trong trường hợp quy định của luật không rõ ràng ) hoặc tạo ra pháp luật (trong trường hợp cần bổ sung hoặc thay thế một quy định)”. Rupert Cross và J.W.Harris cũng dẫn nhận định của một nhà nghiên cứu pháp luật nổi tiếng của Pháp rằng: “Quan điểm của Tòa án không thể trở thành nguồn luật cho đến khi được khẳng định qua các phán quyết mang tính chất án lệ được lặp đi lặp lại và quan điểm đó phải được thống nhất trong một văn bản”. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, quan điểm của Hội đồng xét xử toàn thể Thẩm phán Tòa Phá án trong một bản án riêng lẻ được coi là án lệ nếu Chánh án Tòa Phá án đề nghị đưa bản án đó là án lệ (Hội đồng xét xử toàn thể Thẩm phán Tòa Phá án gồm 19 thành viên: Chánh án Tòa Phá án, 6 Chánh tòa của 6 tòa chuyên trách, 6 Phó Chánh tòa hoặc 6 Thẩm phán cao tuổi nhất và 6 Thẩm phán của 6 tòa chuyên trách).
Thứ ba, án lệ của Tòa Phá án không có hiệu lực ràng buộc các Tòa án. Bởi lẽ, Điều 5 BLDS quy định Thẩm phán không được phép đưa ra các quy định chung và có tính lập quy khi giải quyết một vụ việc. Và Điều 1351 quy định: “Bản án chỉ có hiệu lực pháp luật đối với một vụ việc. Chỉ được xem là cùng một vụ việc khi yêu cầu về cùng một vấn đề, dựa trên cùng một căn cứ và giữa cùng các bên tranh chấp”. Với những quy định này, án lệ của Tòa Phá án không có hiệu lực ràng buộc các Tòa án cấp dưới cũng như với chính Tòa Phá án. Như vậy, trải qua nhiều thập kỷ, án lệ mới được thừa nhận ở Pháp, nhưng án lệ vẫn chỉ là nguồn luật thứ yếu và không được các Tòa án viện dẫn trong phán quyết của mình. Trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm “chống lại” án lệ của Tòa Phá án, họ sẽ khiếu nại lên Tòa án Công lý châu Âu .
Kết luận: Việt Nam và Cộng hòa Pháp đều là những nước theo truyền thống luật thành văn. Do đó, những vấn đề về án lệ của Tòa Phá án Pháp nên được tham khảo để xây dựng học thuyết án về lệ của nước ta.
Tài liệu tham khảo
1. John Henry Merryman - Giới thiệu về hệ thống luật pháp của Tây Âu và châu Mỹ la tinh, tái bản lần thứ hai, Nxb. Trường đại học Stanford 1985, (Chương 3 Cách mạng và Chương 7 Giải thích luật).
2. Rupert Cross và J.W.Harris - Tiền lệ pháp trong hệ thống pháp luật Anh, tái bản lần thứ 4 năm 2004, Nxb. Clarendon Press - Oxford (Chương I Học thuyết tiền lệ pháp trong pháp luật Anh - Mục 3 So sánh với hệ thống của Pháp).
3. Tham luận của ông M.Daniel Tardif, Chánh tòa, Vụ trưởng vụ quan hệ quốc tế, Tòa Phá án Pháp và ông Benoit Briquet Tùy viên hợp tác của ĐSQ Cộng hòa Pháp ở Hà nội, tại hội thảo về án lệ của Tòa Phá án Pháp (ngày 14-18 tháng 10-2013 ),và hội thảo về viết bản án theo chương trình Đối tác tư pháp do Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Thụy Điển đồng tài trợ (tháng 12 năm 2013).
4. Michel Fromont ,Giáo sư trường đại học Panthéon - Sorbonne (Paris I), Mesesmeentos Dalloz-2001 - Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới (bản dịch của Nhà pháp luật Việt - Pháp, 2002).
Ảnh: Phòng xét xử lớn Tòa Phá án Pháp.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận