Án tích và đương nhiên được xóa án tích
Bài viết này tác giả trao đổi về quy định đương nhiên được xóa án tích theo Điều 70 BLHS năm 2015, và nêu lên một tình huống cụ thể mà pháp luật chưa quy định rõ, từ đó đề xuất hướng xử lý, khắc phục.
Xác định một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có hay không có án tích trong việc áp dụng pháp luật hình sự là một vấn đề quan trọng, quyết định việc có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ hay không, việc định khung hình phạt, quyết định hình phạt.
1. Khái quát về án tích, xóa án tích và đương nhiên được xóa án tích
Án tích là hậu quả pháp lý của việc bị kết án, và cũng là một trong những hình thức của trách nhiệm hình sự. Án tích tồn tại trong suốt thời gian người bị kết án chấp hành bản án và trong một khoảng thời gian nhất định sau khi chấp hành xong bản án. Như vậy, xóa án tích có nghĩa là xóa đi hậu quả sau cùng của việc phạm tội. Người được xóa án tích coi như người chưa bị kết án[1]. Xóa án tích được quy định trong luật hình sự xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam và nhằm khuyến khích người bị kết án chấp hành nghiêm chỉnh bản án và tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật sau khi đã chấp hành xong bản án.
Các trường hợp xóa án tích theo quy định của BLHS bao gồm đương nhiên xóa án tích, xóa án tích theo quyết định của Tòa án, xóa án tích trong trường hợp đặc biệt và xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án.
Đương nhiên xóa án tích là trường hợp người bị kết án được đương nhiên công nhận như là chưa từng bị kết án mà không cần có quyết định của Tòa án. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của BLHS.
Xóa án tích theo quyết định của Tòa án là trường hợp Tòa án phải xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với tội phạm mà người bị kết án đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án để ra quyết định xóa án tích. Chỉ khi có quyết định xóa án tích của Tòa án thì người bị kết án mới được xem là chưa từng bị kết án. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của BLHS
Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt là việc Tòa án quyết định xóa án tích cho người bị kết án thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích (Điều 70 BLHS) hoặc xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71 BLHS), khi họ đã chấp hành ít nhất một phần ba thời hạn “không phạm tội mới” theo quy định, nếu người đó có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị.
Đối với người dưới 18 tuổi bị kết án, việc xóa án tích với họ có những đặc thù riêng được quy định tại Điều 107 BLHS. Theo đó đối với người dưới 18 tuổi bị kết án thì chỉ có trường hợp họ được đương nhiên xóa án tích, không có trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án. Ngoài ra đối với người bị kết án là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người bị áp dụng biện pháp tư pháp thì họ được xem như không có án tích.
Có thể thấy mặc dù khoa học luật hình sự phân chia thành bốn trường hợp xóa án tích nhưng chỉ có hai trường hợp chính là đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án. Mấu chốt của sự phân định này chính là tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi phạm tội đã gây ra. Chương XIII của BLHS quy định các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và Chương XXVI của BLHS quy định các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Đây là các tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí không dừng lại ở phạm vi quốc gia mà còn xâm hại đến các quốc gia khác và cả nhân loại. Đối với các tội phạm này pháp luật hình sự trừng trị rất nghiêm khắc, khi mà 9/19 tội danh BLHS quy định hình phạt cao nhất là tử hình. Ngoài ra đối với các tội phạm thuộc hai chương này BLHS cũng quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu thi hành bản án, không được tha tù trước thời hạn có điều kiện
Quay trở lại vấn đề, đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của BLHS. Người bị kết án được đương nhiên xóa án tích khi họ chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án, đồng thời họ phải chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án và không phạm tội mới trong một khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà họ đã bị kết án
Việc chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của án treo là “điều kiện cần” để một người được xóa án tích, vì khi đó khoảng thời gian được tính để xoá án tích sẽ bắt đầu được tính, và người bị kết án phải không thực hiện hành vi phạm tội mới trong khoảng thời gian này. Bên cạnh đó, người bị kết án đều phải đáp ứng “điều kiện đủ” là việc họ phải chấp hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Khi và chỉ khi người bị kết án chấp hành xong phần “điều kiện đủ” này thì họ mới được xóa án tích, dù cho thời hạn được tính để xóa án tích đã kết thúc từ trước đó. Khi xét xử, Tòa án căn cứ vào hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà bị cáo đã gây ra, căn cứ vào các quy định của BLHS, trên cơ sở áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và cân nhắc các tình tiết khác của vụ án, Hội đồng xét xử quyết định tuyên bị cáo phạm tội và áp dung một hình phạt chính, quyết định áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Các quyết định khác của bản án phổ biến nhất là các quyết định về dân sự, có thể kể đến như các khoản án phí, khoản tiền người bị kết án phải bồi thường cho bị hại, nguyên đơn dân sự,…
Về thủ tục xóa án tích, BLHS quy định Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định. Theo đó người được xóa án tích sẽ mặc nhiên được xem như đã xóa án tích mà không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào. Khi họ có yêu cầu thì cơ quan Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp[2]) sẽ cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận người bị kết án không có án tích.
2. Vấn đề còn vướng mắc
Đối với các khoản tiền thi hành án chủ động (như án phí, tiền phạt,…) quá trình thi hành án sẽ đuọc Cơ quan thi hành án dân sự chủ động tiến hành theo trình tự, thủ tục quy định. Cụ thể, theo quy định tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi (Luật THADS) thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án. Người bị kết án phải tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, quá thời hạn này cơ quan thi hành án sẽ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, nếu người bị kết án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp sẽ căn cứ vào dữ liệu quản lý thi hành án và thông tin về việc thi hành án của người bị kết án để cập nhật thông tin tình hình án tích.
Đối với các khoản tiền thi hành án theo yêu cầu (như tiền cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại,…), do nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên nên cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án nếu nhận được yêu cầu của đương sự (sau đây gọi là người được bồi thường) hoặc đại diện hợp pháp của họ. Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật[3].
Do đó trên thực tế sẽ phát sinh trường hợp người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của án treo, không phạm tội mới trong thời hạn tại khoản 2 Điều 70 BLHS, đã chấp hành xong các quyết định khác của bản án, tuy nhiên chưa thi hành khoản tiền bồi thường thiệt hại do người được bồi thường không có đơn yêu cầu thi hành án và hiện tại đã hết thời hiệu thi hành án.
Lúc này sẽ nảy sinh câu hỏi người bị kết án có được đương nhiên xoá án tích không? Khi mà về mặt thực tế, người bị kết án vẫn chưa chấp hành xong các quyết định của bản án, trong khi hiện tại đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án nên cơ quan THADS sẽ không tổ chức thi hành án đối với khoản bồi thường đó.
Tác giả cho rằng trong trường hợp này cần nhận định người bị kết án chưa chấp hành xong bản án và do đó chưa được xóa án tích, bởi vì:
Thứ nhất, việc người được bồi thường không yêu cầu thi hành án và đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì hậu quả pháp lý là người được bồi thường mất quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án, nhưng không đồng nghĩa với việc bản án (phần bồi thường thiệt hại) sẽ không bao giờ có thể được thi hành kể từ thời điểm đó. Việc chấp hành, thi hành bản án có thể được thực hiện bằng thỏa thuận, khi không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án. Điều 6 Luật THADS quy định đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan THADS thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành.
Thứ hai, nghĩa vụ bồi thường của người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại phát sinh, và tồn tại độc lập. Việc bản án tuyên buộc người có nghĩa vụ phải bồi thường là một hình thức Nhà nước thừa nhận quyền được bồi thường của một chủ thể và kèm theo đó là cơ chế bảo đảm thực hiện của Nhà nước. Nhìn về góc độ pháp luật dân sự, Điều 274 BLDS 2015 quy định sáu căn cứ phát sinh nghĩa vụ, bao gồm: Hợp đồng, hành vi pháp lý đơn phương, thực hiện công việc không có ủy quyền, chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật, căn cứ khác do pháp luật quy định. Khi một người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và gây thiệt hại thì ngay tại thời điểm đó đã phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người xâm phạm và quyền được bồi thường của người bị xâm phạm. Người bị xâm phạm có thể thỏa thuận việc bồi thường đối với người xâm phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền dân sự của mình[4].
Tuy nhiên để duy trì sự ổn định của các quan hệ dân sự cũng như khuyến khích các chủ thể trong xã hội chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền của mình, pháp luật dân sự quy định chế định thời hiệu yêu cầu bảo vệ quyền (mà cụ thể là thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự). Khi hết thời hiệu này, người có quyền không còn có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền cho mình và người có nghĩa vụ được giải thoát khỏi nghĩa vụ đó. Tuy nhiên trong trường hợp này người bị kết án còn có sự ràng buộc bởi bản án hình sự, cụ thể ở đây là để được hưởng chính sách nhân đạo của Nhà nước, người bị kết án bắt buộc phải chấp hành toàn bộ bản án mà nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là một trong số đó. Và như đã phân tích ở ý đầu tiên, việc thi hành phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại có thể thực hiện bằng nhiều hình thức như tự nguyện thi hành, nhờ người khác thi hành, thi hành thông qua cơ quan thi hành án dân sự,…
Thứ ba, nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự có quy định về việc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, theo đó “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.” Nghĩa vụ của người bị kết án là phải nghiêm chỉnh chấp hành bản án. Sẽ là không phù hợp nếu người bị kết án cố tình chây ì, không thực hiện nghĩa vụ dân sự trong khi về phía người được bồi thường do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan nào đó đã không yêu cầu thi hành án trong thời hiệu quy định, và kết quả là người bị kết án được suy luận theo hướng có lợi, xem như đã chấp hành xong bản án và được xóa án tích.
Vấn đề này đã được đề cập trong tài liệu Chuyên đề “Tòa án xét xử khác tội danh, khung khoản Viện kiểm sát đã truy tố và thông báo rút kinh nghiệm” do Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử - VKSNDTC ban hành vào tháng 8 năm 2021. Nội dung được đề cập như sau:
“4) Xác định, truy tố giảm nhẹ, tăng nặng sai
Mặc dù đã có những quy định về việc tính tiền án, tiền sự để xóa án tích nhưng Viện kiểm sát còn xác định chưa đúng để áp dụng tình tiết định khung tăng nặng hoặc giảm nhẹ, như vụ án Ngô Văn Tuế phạm tội “Trộm cắp tài sản” tài sản trị giá 7,75 triệu đồng. Viện kiểm sát truy tố Tuế về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm g khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm do chưa chấp hành xong phần dân sự. Tuy nhiên, do khoản tiền này bị hại chưa yêu cầu nên Chi cục thi hành án chưa thụ lý giải quyết và thời hiệu thi hành đã quá 05 năm nên bị cáo được xóa án tích, không tính tái phạm và Tòa án xét xử bị cáo phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự là đúng.”
Có thể thấy trong phạm vi chuyên đề này, quan điểm của VKSNDTC theo hướng xem việc người được thi hành án không yêu cầu thi hành án và đã hết thời hiệu thi hành án đồng nghĩa với việc người bị kết án được xóa án tích. Như phân tích, tác giả nhận thấy quan điểm này chưa thuyết phục. Án tích là một dạng trách nhiệm hình sự và xóa án tích là biện pháp nhân đạo của Nhà nước nhằm khuyến khích người bị kết án sống tuân thủ pháp luật, có ý chí phục thiện. Và một trong những biểu hiện đầu tiên của ý thức chấp hành pháp luật, ý chí phục thiện chính là chấp hành bản án đối với chính họ, mà sâu xa hơn nữa là sự chủ động, có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của họ gây ra cho bị hại, nguyên đơn dân sự. Không ít những vụ việc sau khi đã có bản án kết tội, người bị kết án và người được bồi thường đã thỏa thuận bồi thường xong mà không cần đến sự can thiệp của cơ quan THADS. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.[5]
3. Đề xuất hướng giải quyết
Việc một chủ thể không thực hiện quyền dân sự không phải là căn cứ chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác[6]. Việc người được bồi thường không yêu cầu bồi thường không có nghĩa là họ từ bỏ quyền yêu cầu bồi thường, song song với đó thì nghĩa vụ bồi thường của người bị kết án sẽ vẫn còn tồn tại, cho đến khi phát sinh các căn cứ làm chấm dứt nghĩa vụ quy định tại Điều 372 BLDS (nghĩa vụ được hoàn thành, theo thỏa thuận của các bên, bên có quyền miễn trừ thực hiện nghĩa vụ,…). Tuy nhiên như vậy sẽ phát sinh vấn đề nếu người được bồi thường tiếp tục “im lặng” về khoản bồi thường thì đồng nghĩa với việc người bị kết án gần như sẽ vĩnh viễn không được đương nhiên xóa án tích, và điều đó rõ ràng là không phù hợp. Tham khảo ý kiến của TANDTC tại Công văn giải đáp vướng mắc số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021, trong đó có nội dung giải đáp vướng mắc về điều kiện xét tha tù trước thời hạn theo quy định của BLHS. Nội dung như sau:
“5. Thế nào được coi là đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện?
Khoản 1 Điều 591 của Bộ luật Dân sự quy định: “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: …Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng…”.
Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng cũng là nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án thì chỉ được coi là đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại để xét tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Đã thực hiện xong hoàn toàn nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án;
– Đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 01 lần và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là đã hoàn thành việc cấp dưỡng;
– Đã thực hiện được một phần nghĩa vụ cấp dưỡng và có thỏa thuận, xác nhận của đại diện hợp pháp của người được nhận cấp dưỡng về việc tiếp tục thực hiện hoặc không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;
– Chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng có thỏa thuận, xác nhận của người đại diện hợp pháp của người được nhận cấp dưỡng về việc không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.”
Theo Luật lý lịch tư pháp, Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đầy đủ, chính xác, đúng trình tự, thủ tục cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật. Sở tư pháp có nhiệm vụ Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp do Toà án, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cung cấp. BLHS quy định Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án.
Trên cơ sở nghiên cứu Luật Lý lịch tư pháp, Điều 327 BLDS về các căn cứ làm chấm dứt nghĩa vụ dân sự và tham khảo hướng dẫn tại Công văn giải đáp vướng mắc số 02 của TANDTC, tác giả đề xuất đường lối xử lý như sau:
Khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS, trên cơ sở thông tin do cơ quan thi hành án dân sự cung cấp, Sở Tư pháp phải rà soát, đối chiếu với bản án xem người bị kết án có phải thi hành phần tiền nào thuộc diện thi hành án theo yêu cầu không. Trường hợp bản án có tuyên buộc người bị kết án phải thi hành các khoản tiền thuộc diện thi hành án theo yêu cầu nhưng không có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự chưa thụ lý tổ chức thi hành án thì Sở Tư pháp phải phối hợp với UBND cấp xã nơi người được bồi thường cư trú hoặc nơi người bị kết án cư trú để làm việc với họ bằng cách giải thích, huớng dẫn người bị kết án và người được bồi thường để họ tự thỏa thuận thi hành phần bồi thường. Trường hợp người bị kết án chưa bồi thường hoặc đã bồi thường được một phần nhưng các bên thỏa thuận không yêu cầu bồi thường nữa thì hướng dẫn người được bồi thường lập văn bản xác nhận về việc không phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Nếu các bên không thỏa thuận được và thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì hướng dẫn người được bồi thường thủ tục yêu cầu thi hành án, trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cần hướng dẫn, động viên người bị kết án thực hiện nghĩa vụ bồi thường, vì đây là điều kiện để họ được xóa án tích.
Chỉ khi nào đã áp dụng đầy đủ các biện pháp cần thiết để phối hợp như trên nhưng không thể tổ chức buổi làm việc hoặc không thể lấy ý kiến của người được bồi thường, các bên không đi đến thống nhất do lỗi của người được bồi thường (vắng mặt tại địa phương không thông báo, không rõ địa chỉ mới, cố tình không hợp tác làm việc hoặc người được bồi thường yêu cầu tăng số tiền bồi thường, không đồng ý mức bồi thường trong bản án,…) thì đây mới có thể xem là trường hợp ngoại lệ, đương nhiên xóa án tích cho người bị kết án mặc dù họ vẫn chưa chấp hành xong các quyết định của bản án.
Kết luận
Có thể thấy pháp luật nói chung mặc dù đã quy định khá chặt chẽ nhưng trên thực tế vẫn còn phát sinh những tình huống mà nhà làm luật chưa dự liệu được. Tình huống mà tác giả trao đổi như trên về chế định án tích và xóa án tích cũng không là ngoại lệ. Nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta mở ra cánh cửa khoan hồng cho những người bị kết án biết ăn năn hối cải, phục thiện, biết chấp hành pháp luật, mà việc đầu tiên, đơn giản nhất là chấp hành bản án đối với chính họ.
[1] Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2014), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – Phần chung, tr. 415
[2] Điều 12, 13 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009
[3] Khoản 1 Điều 30 Luật THADS
[4] Điều 11 Bộ luật dân sự 2015.
[5] Mục 7, Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính có nội dung:
7. Người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, đã đủ thời gian được xem là đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự nhưng chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp này có được đương nhiên xóa án tích không?
Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.
Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.
Tác giả thống nhất với quan điểm của Công văn này xem việc một người chấp hành toàn bộ bản án là điều kiện tiên quyết để xem xét xóa án tích. Tuy nhiên phạm vi Công văn này chỉ giải đáp trường hợp người bị kết án không nhận được thông báo thi hành án, tức là cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý việc thi hành án và đã ra quyết định thi hành án. Khi đó, về mặt pháp lý, tình trạng chưa chấp hành xong bản án của người bị kết án vẫn có thể được khắc phục, dù cho có thể là đã muộn khi họ đã phạm tội mới, vì pháp luật thi hành án dân sự không quy định thời hạn tổ chức thi hành án. Tình huống của tác giả đặt ra là đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án. Thông qua công tác thực tiễn tác giả nhận thấy có sự ngộ nhận về việc tình trạng vĩnh viễn không bao giờ được xóa án tích của người bị kết án do không bao giờ có thể tổ chức thi hành án khi đã hết thời hiệu yêu cầu. Cần thống nhất nhận thức rằng thứ nhất, việc thi hành, chấp hành bản án có nội hàm rộng hơn so với việc thi hành án theo luật thi hành án dân sự. Người bị kết án có thể tự nguyện thỏa thuận, thi hành bản án đối với người được bồi thường hoặc thi hành án thông qua cơ quan thi hành án dân sự khi người được bồi thường có yêu cầu. Thứ hai, việc người được bồi thường “im lặng” về quyền bồi thường của mình dẫn đến hệ quả là người bị kết án vĩnh viễn không được xóa án tích là trường hợp pháp luật chưa dự liệu nên chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu để tìm ra giải pháp giải quyết bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
[6] Điều 9, Bộ luật dân sự năm 2015.
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận