B, C, D và G phải trả lại tiền cho công ty X
Qua nghiên cứu bài viết “Hiểu thế nào là bảo vệ người thứ ba ngay tình trong vụ án hình sự?” của tác giả Đỗ Bình Ngọc, đăng ngày 20/6/2024, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai.
Thứ nhất, cần xác định rõ rằng số tiền 5 tỷ mà A chiếm đoạt của công ty M là số tiền do phạm tội mà có vì vậy, A không phải là chủ sở hữu và không có quyền định đoạt đối với số tiền này. Công ty M là bị hại trong vụ án vì số tiền 5 tỷ là tài sản hợp pháp của công ty M bị A chiếm đoạt. Do đó, quyền định đoạt thuộc về công ty M.
Trong giao dịch dân sự, người thứ ba ngay tình được hiểu là người chiếm hữu không có căn cứ pháp lý đối với tài sản nhưng không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật. Tại Điều 180 BLDS năm 2015 cũng quy định về chiếm hữu ngay tình như sau: “Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. Như vậy, cả 4 người B, C, D và G đều được xác định là người thứ ba ngay tình vì cả 4 người không ai biết số tiền mà A trả tiền cho mình là tiền có được từ việc phạm tội.
Điều 167 quy định về Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình như sau: Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Theo quy định trên đây thì quyền lợi của người thứ ba sẽ không được bảo vệ khi chủ sở hữu đòi lại tài sản mà tài sản đó là động sản không phải đăng ký, do người chiếm hữu ngay tình có được thông qua hợp đồng không có đền bù, hoặc tài sản đó là động sản đã bị lấy cắp, bị mất hoặc bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Quay trở lại với tình huống pháp lý, như đã phân tích ở trên, A không có quyền định đoạt đối với số tiền 5 tỷ và việc bị A chiếm đoạt số tiền này cũng nằm ngoài ý chí của công ty M, vì vậy mà công ty M có quyền đòi lại tài sản là số tiền 4 tỷ A dùng để trả nợ cho người thứ ba ngay tình là B, C, D và G.
Căn cứ khoản 2, Điều 47 BLTTHS: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp...”. Như vậy, mặc dù B, C, D và G không biết và không có trách nhiệm phải biết số tiền 1 tỷ mà mỗi người được A trả là do A phạm tội mà có, nhưng thực tế số tiền B, C, D và G đã nhận từ A đúng là do phạm tội mà có, do đó B, C, D và G phải có trách nhiệm trả lại cho chủ sở hữu số tiền trên là công ty M.
Bên cạnh đó, quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong vụ án hình sự phải được ưu tiên giải quyết như quan điểm thứ nhất sẽ dẫn đến tiền lệ xấu trong việc tẩu tán tài sản do phạm tội mà có, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại. Việc thanh toán khoản nợ của A đối với B, C, D và G phải được khởi kiện bằng một vụ án khác.
Trên đây là ý kiến, quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý đồng nghiệp.
Tòa án nhân dân tp Kon Tum, tỉnh Kon Tum xét xử vụ án hình sự các tội phạm về ma túy- Ảnh: Hà Anh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận