Ba cách ghi điểm, khoản, điều tại phần quyết định của bản án

Sau khi nghiên cứu bài viết “Điều 173 BLHS – tội trộm cắp tài sản có các điểm thuộc khoản 1 hay không?” của tác giả Hoàng Quảng Lực, tôi cho rằng phải căn cứ từng trường hợp cụ thể để ghi điểm, khoản, điều tại phần quyết định của bản án.

Thứ nhất, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả về cấu tạo của khoản 1 Điều 173 BLHS. Trong Phần Các tội phạm của BLHS năm 2015, nhà làm luật đã xây dựng các khoản trong điều luật theo 03 cách:

- Cách 1: Không phân chia các trường hợp thỏa mãn khoản của điều luật đó thành các điểm. Cách này thường được áp dụng khi chỉ có 01 trường hợp thỏa mãn hoặc có nhiều trường hợp thỏa mãn nhưng có số lượng ít hoặc những trường hợp này có mối quan hệ với nhau và thường được ngăn cách với nhau bằng từ “hoặc”, dấu “,” hoặc dấu “;”.

Ví dụ: Khoản 1 Điều 141 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

- Cách 2: Phân chia tất cả các trường hợp thỏa mãn khoản của điều luật đó thành các điểm. Cách này thường được áp dụng có nhiều trường hợp thỏa mãn nhưng có số lượng nhiều hoặc những trường hợp này không có mối quan hệ với nhau.

Ví dụ: Khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.”.

- Cách 3: Kết hợp cả cách 1 và cách 2 (dạng hỗn hợp). Cách này thường được áp dụng khi có nhiều trường hợp thỏa mãn và trong một số trường hợp lại có nhiều trường hợp khác nữa thỏa mãn.

Ví dụ: Khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 quy định: “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật”.

Trong khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 quy định 02 trường hợp:

- Trường hợp 1: Trộm cắp tài sản trị giá từ 02 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Trường hợp này được xây dựng theo cách 1.

- Trường 2: Trộm cắp tài sản trị giá dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm đ. Trường hợp này được xây dựng theo cách 2.

Thứ hai, về cách ghi điểm, khoản, điều tại phần quyết định của bản án đối với mỗi cách:

Về nguyên tắc, tại phần quyết định của bản án phải ghi rõ điểm, khoản, điều của BLHS được áp dụng để bảo đảm căn cứ pháp lý. Vì vậy, mỗi cách xây dựng khoản, điều sẽ có những cách ghi khác nhau tại phần quyết định của bản án, cụ thể:

- Cách 1: Do cách này không có điểm nên chỉ cần ghi khoản, điều của BLHS được áp dụng. Ví dụ: Căn cứ khoản 1 Điều 141 BLHS năm 2015.

- Cách 2: Do cách này có điểm nên phải ghi rõ điểm, khoản, điều của BLHS được áp dụng. Ví dụ: Căn cứ điểm a, n khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015.

 - Cách 3: Do cách này là sự kết hợp giữa cách 1 và cách 2 nên:

+ Nếu rơi vào trường hợp được xây dựng theo cách 1 thì chỉ cần ghi khoản, điều của BLHS được áp dụng. Ví dụ: Trộm cắp tài sản có trị giá 3.000.000 đồng thì trong phần quyết định của bản án ghi là “Căn cứ khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015”.

+ Nếu rơi vào trường hợp được xây dựng theo cách 2 thì phải ghi rõ điểm, khoản, điều của BLHS được áp dụng. Ví dụ: Trộm cắp tài sản có trị giá 1.500.000 đồng nhưng tài sản là di vật thì trong phần quyết định của bản án ghi là “Căn cứ điểm đ, khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015”.

+ Nếu rơi vào trường hợp được xây dựng theo cách 1 nhưng trường hợp này lại là trường hợp con của trường hợp được xây dựng theo cách 2 thì phải ghi rõ điểm, khoản, điều của BLHS được áp dụng. Ví dụ: Giết người mà liền trước đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng thì phải ghi là “Căn cứ điểm e, khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015”.

Như vậy, trong tình huống mà tác giả đưa ra thì trường hợp một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn thực hiện hành vi trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng thì tại phần quyết định của bản án phải ghi rõ điểm, khoản, điều của BLHS được áp dụng, tức phải ghi là “Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015”. Việc ghi như vậy mới bảo đảm được tính đầy đủ, chính xác và áp dụng đúng quy định của pháp luật khi giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, tôi nhận thấy việc chỉ ghi “Căn cứ khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015” cũng không sai vì vẫn bao quát được trường hợp của người phạm tội và vẫn bảo đảm vận dụng đúng quy định của pháp luật, mặc dù chưa được cụ thể, đầy đủ và rõ ràng. Do đó, việc Viện kiểm sát kháng nghị trường hợp này vì cho rằng áp dụng không đúng quy định của pháp luật là không chính xác.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống đưa ra, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của quý bạn đọc.

 

TAND Tp Cần Thơ xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Ảnh: NHẪN NAM/ PLO

                       

PHẠM VĂN MINH (Công an Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)