Ba đối tượng phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”
Sau khi nghiên cứu bài viết “Ba đối tượng phạm tội gì?” của tác giả Trần Thanh Sơn đăng ngày 27/8/2021, tôi đồng ý với quan điểm thứ tư cần truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Trên cơ sở nội dung và diễn biến của vụ án, tôi đồng ý với quan điểm thứ tư, cần truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 169 BLHS năm 2015 và tình tiết tăng nặng là “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” theo điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS.
Dưới khía cạnh nghiên cứu lý luận, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trong tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được hiểu như sau: “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là bắt đem giấu đi để làm con tin, nhằm buộc gia đình, người thân phải nộp tiền chuộc”. Do tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được xác định là tội phạm có cấu thành hình thức nên tội phạm hoàn thành khi đối tượng thực hiện được hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản của người khác hay không thì không có ý nghĩa trong việc định tội.
Quan điểm thứ nhất mà tác giả Trần Thanh Sơn nêu ra cho rằng cần xem xét cho các đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 169 BLHS và có thể coi các đối tượng đã “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”, hành vi của các đối tượng có đủ căn cứ và cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và cần truy tố, xét xử các đối tượng về tội danh này theo khoản 1 Điều 157 BLHS là không phù hợp. Bởi lẽ, để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải thỏa mãn những điều kiện sau:
- Thứ nhất, về khách quan: Việc chấm dứt phạm tội xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Thời điểm muộn nhất của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là thời điểm hành vi cuối cùng trong số các hành vi luật quy định chưa được thực hiện.
- Thứ hai, về chủ quan: Việc chấm dứt phạm tội phải là sự chấm dứt tự nguyện và dứt khoát. Chấm dứt tự nguyện có nghĩa là việc dừng lại không thực hiện tội phạm đến cùng phải hoàn toàn do động lực bên trong của chủ thể thúc đẩy chứ không phải do trở ngại khách quan chi phối. Khi dừng việc thực hiện tội phạm, người phạm tội tin rằng không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện tiếp tội phạm. Ví dụ: A chuẩn bị dao găm, bao tải để giết người và cướp tài sản của nhà ông B, A đến nhà ông B nhưng A nghĩ lại và thấy ông B là người tốt nên quay về không giết người cướp tài sản của nhà ông B nữa. Nếu dừng lại không thực hiện tội phạm là do nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội, thì việc dừng lại này không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, mà có thể là chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.
Căn cứ nội dung vụ án, sau khi Trần Ngọc A, Nguyễn Văn H và Trần Thị T bắt em Nguyễn Thị Ngọc S đem giấu tại một nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh LA (cách trường PVT, thành phố H khoảng 80km), các đối tượng đã gọi điện, nhắn tin, ra “yêu sách” đòi mẹ em S là bà Cao Thị Đ phải đưa tiền chuộc 600 triệu đồng và hẹn địa điểm giao tiền, đồng thời yêu cầu bà Đ đi một mình bằng taxi đến điểm hẹn. Hành vi của A, H và T đã đủ yếu tố cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản ở giai đoạn tội phạm hoàn thành. Mặt khác, khi chuẩn bị tiền xong, bà Đ nói với T: “Cho thêm 2 người nhà đi cùng đến điểm giao tiền, vì số tiền lớn nên đi một mình sợ bị cướp”. Nghe bà Đ nói vậy, A, H và T nghi ngờ gia đình đã báo Công an nên sợ, H đã nói với A và T thả em S ra và thuê xe ôm chở em S về nhà. Sau đó, các đối tượng đã ra Công an phường AL, quận B, thành phố H trình diện và khai nhận hành vi phạm tội. Như vậy, rõ ràng việc A, H và T chấm dứt thực hiện tội phạm không phải là tự nguyện, không do động lực bên trong thúc đẩy mà do trở ngại khách quan chi phối, do sợ gia đình em S báo Công an.
Đối chiếu với những điều kiện để một hành vi phạm tội được coi là tự ý nửa chừng chấm việc phạm tội đã nêu ở trên thì việc miễn TNHS cho các đối tượng A, H và T về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, coi các đối tượng đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, và truy tố, xét xử các đối tượng về tội bắt, giữ người trái pháp luật là không phù hợp.
Để việc định tội danh chính xác nhất cho các đối tượng trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cần phải phân biệt rõ tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS. Khoa học luật hình sự cho rằng:
- Tình tiết định tội còn được gọi là tình tiết (dấu hiệu) thuộc cấu thành tội phạm cơ bản. Tình tiết định tội là tình tiết do nhà làm luật quy định dùng để xác định một hành vi cụ thể nào đó có phạm tội (phạm vào một tội danh cụ thể được quy định trong luật hình sự) không?
- Tình tiết định khung hình phạt còn được gọi là tình tiết (dấu hiệu) thuộc cấu thành tội phạm tăng nặng (khung tăng nặng) và cấu thành tội phạm giảm nhẹ (khung giảm nhẹ). Tình tiết định khung hình phạt là tình tiết do nhà làm luật quy định trong các khoản (giảm nhẹ hoặc tăng nặng) của điều luật cụ thể, dùng để xác định trường hợp phạm tội cụ thể nào đó có thuộc trường hợp được quy định ở khung hình phạt tăng nặng hoặc khung hình phạt giảm nhẹ của tội phạm đó không?
- Tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ TNHS là các tình tiết làm tăng hoặc làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, là căn cứ để tăng nặng hoặc giảm nhẹ TNHS của người phạm tội (trong phạm vi một khung hình phạt) so với các trường hợp phạm tội tương tự khác nhưng không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ đó. Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS lần lượt được quy định cụ thể tại Điều 51 và Điều 52 BLHS.
Thông thường, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, người tiến hành tố tụng trước hết phải xác định được hành vi của người nào đó có phạm tội không, nếu có thì phạm tội gì, nghĩa là phải định tội danh đối với hành vi mà một người đã thực hiện. Sau đó, phải xác định xem hành vi phạm tội mà người đó thực hiện thuộc trường hợp quy định ở khung hình nào (khoản nào của điều luật), nghĩa là phải xác định khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội. Sau khi đã xác định được tội danh, điều khoản áp dụng đối với người phạm tội, người tiến hành tố tụng mới cân nhắc xem mức hình phạt cụ thể cần áp dụng đối với người phạm tội ở mức nào trong khung hình phạt là phù hợp. Việc cân nhắc đến các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ TNHS để xác định mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội trong phạm vi một khung hình phạt (quyết định hình phạt) chỉ được thực hiện sau khi đã định tội (xác định tội danh, điều luật áp dụng), định khung hình phạt (xác định khoản của điều luật áp dụng).
Căn cứ vào nội dung của vụ án, hành vi của Trần Ngọc A, Nguyễn Văn H và Trần Thị T đã có đủ yếu tố cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 169 BLHS năm 2015, đồng thời, hành vi của ba đối tượng này đã thỏa mãn hai dấu hiệu “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” (thời điểm A, H và T thực hiện hành vi phạm tội, em S chưa đủ 16 tuổi) và “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 triệu đồng trở lên” (A, H và T đòi tiền chuộc từ phía gia đình bị hại là 600 triệu đồng, mặc dù các đối tượng chưa lấy được tiền nhưng hành vi vẫn đủ yếu tố cấu thành tội phạm) là hai tình tiết định khung hình phạt lần lượt quy định tại điểm d, khoản 2 và điểm a, khoản 4 Điều 169 BLHS. Tuy nhiên, trong khoa học luật hình sự, một hành vi phạm tội cùng một lúc thỏa mãn nhiều dấu hiệu là những tình tiết định khung hình phạt trong một tội danh cụ thể thì cần phải xử lý theo tình tiết định khung hình phạt ở mức cao hơn, đảm bảo nguyên tắc “thu hút tội phạm” trong khoa học pháp lý hình sự.
Mặt khác, khoản 2 Điều 52 BLHS có quy định: “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Trong vụ án này, tình tiết “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 triệu đồng trở lên” được xác định là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng, trong khi đó tình tiết “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” không phải là tình tiết định khung hình phạt nhưng lại là tình tiết tăng nặng TNHS được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS. Do vậy, việc truy tố, xét xử các bị cáo trong vụ án này về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 triệu đồng trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 169 BLHS và tình tiết tăng nặng là “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS là hoàn toàn phù hợp. Việc A, H và T sau khi thuê xe ôm chở em S về nhà đã đến Công an phường AL, quận B, thành phố H trình diện và khai nhận hành vi phạm tội của mình có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm r khoản 1 Điều 51 BLHS.
TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Nguyễn Hương
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận