Bàn về đối tượng tác động của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã có sự tiến bộ hơn so với BLHS năm 1999; tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng hiện nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần nghiên cứu và sửa đổi bổ sung. Trong bài viết này, tác giả nghiên cứu dưới hai góc độ: Tính chất và Trị giá của đối tượng tác động đối với tội huỷ hoại tài sản.
Tính chất của đối tượng tác động
Theo lý luận luật hình sự, đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động và qua đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Theo đó, mỗi nhóm tội phạm xâm hại đến khách thể loại khác nhau nên đối tượng tác động cũng khác nhau. Đối với các tội xâm phạm sở hữu trong đó có tội huỷ hoại tài sản, đối tượng tác động của tội phạm là tài sản. Tuy nhiên không phải mọi tài sản đều là đối tượng của tội huỷ hoại tài sản, bởi :
Thứ nhất, tài sản trong tội huỷ hoại tài sản phải có giá trị. Tài sản không có giá trị sẽ không phải là đối tượng tác động của tội phạm này.
Thứ hai, tài sản là đối tượng tác động của tội huỷ hoại tài sản là vật có giá trị, nhưng toàn bộ hay một phần giá trị đó đã được đầu tư sức lao động của con người, là thước đo giá trị lao động con người được kết tinh, đồng thời phải thỏa mãn được các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người.
Thứ ba, tài sản là đối tượng của các tội xâm phạm sở hữu trong đó có tội hủy hoại tài sản phải có chủ sở hữu cụ thể với các quy định có tính pháp lý thể hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản đó. Theo đó, tài sản là đối tượng tác động tội huỷ hoại tài sản phải chưa bị chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu.
Hiện nay, việc xác định tính chất của đối tượng tác động của tội huỷ hoại tài sản còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đẫn đến việc định tội danh sai, cụ thể:
Một là, xác định hành vi xâm phạm tài sản thuộc các công trình, phương tiện quan trọng như: Đường dây tải điện 110 KV, đường cao tốc.. có thuộc đối tượng của tội huỷ hoại tài sản hay tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định tại Điều 303 BLHS năm 2015 hay không? Vấn đề này hiện nay vẫn chưa có sự thông nhất bởi các cơ quan tiến hành tố tụng không có tiêu chí cụ thể để xác định đâu là công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chỉ có một số lĩnh vực cụ thể có văn bản hướng dẫn để xác định nhưng cũng chưa bao quát hết tất cả công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Mặc dù hành vi này gây ảnh hưởng đến an ninh vì khi đường dây cáp điện hạ thế bị cắt sẽ làm mất điện cả khu vực chứ không chỉ ảnh hưởng đến 01 hộ gia đình hay cá nhân.
Về mặt lý luận, đối tượng tác động của tội hủy hoại tài sản không bao gồm các công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Bởi nếu có hành vi huỷ hoại hay làm hư hỏng tài sản thuộc công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia thì hành vi đó phải cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 303 BLHS năm 2015.
Về mặt pháp lý, sau khi UBTVQH ban hành Pháp lệnh số 32/2007/PL-UBTVQH11; Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2008/NĐ-CP; TAND tối cao ban hành các Công văn số 99/TANDTC-KHXX ngày 01/7/2009, Công văn số 144/TANDTC-KHXX ngày 20/08/2009 yêu cầu các Tòa án địa phương khi xét xử về tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia thì “để được coi là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì công trình đó phải nằm trong danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định”, trong trường hợp chưa được quy định trong danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì chỉ được coi là “công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia” khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ.
Như vậy, hành vi xâm phạm đến các công trình, phương tiện quan trọng như: Đường dây tải điện 110 KV, đường cao tốc… chưa được Chính phủ xếp vào danh mục các công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo Nghị định số 126/2008/NĐ-CP; đồng thời; các cơ quan chức năng địa phương cũng không xác định các công trình, phương tiện này đủ điều kiện là công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia làm cho các cơ quan tiến hành tố tụng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo Điều 303 BLHS; nếu thiệt hại gây ra lại nhỏ hơn 2.000.000 đồng nên cũng không thể truy cứu TNHS về tội hủy hoại tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS hoặc các tội phạm khác có liên quan như trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS.
Vì vậy, để pháp luật được áp dụng thống nhất, tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để xác định đâu là công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia căn cứ vào các tiêu chí và lĩnh vực cụ thể.
Trị giá của đối tượng tác động
Theo quy định tại Điều 178 BLHS năm 2015, trị giá của đối tượng tác động phải là: (1) Tài sản có giá trị từ hai triệu đồng trở lên; (2) Nếu tài sản dưới hai triệu đồng thì phải thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm d Khoản 1. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay còn gặp một số vướng mắc về việc xác định trị giá của đối tượng tác động dẫn đến không thống nhất trong việc định khung hình phạt, cụ thể:
Thứ nhất, thuật ngữ “trị giá” này được hiểu là trị giá của đối tượng tác động của tội phạm hay “trị giá” của hậu quả do hành vi phạm tội gây ra cũng còn được hiểu khác nhau trong thực tiễn.
Ví dụ : Theo cáo trạng, khoảng 17 giờ ngày 28/3/2018, Nguyễn Văn T cùng hai con gái chở giống cây tràm lên rừng của gia đình để trồng. Đến nơi T phát hiện 05 con bò đang ăn trong khu vực rừng của gia đình mình, biết là bò của gia đình anh P nên T đã cầm rạ dùng để phát cây đuổi đàn bò đi. Khi rượt đuổi đàn bò, T đã dùng rạ chém một nhát vào hai chân sau một con bò cái làm rách da, đứt gân sâu khoảng 2/3. Sau khi bị chém con bò cái bị trượt ngã xuống chân đồi, đến chiều thì chết.
Tại bản kết luận định giá tài sản xác định: 01 con bò cái, lông màu vàng, nặng khoảng 110kg, bụng to (đang có chửa khoảng 06 tháng) có giá trị 15.000.000 đồng (trị giá con bò lúc chưa bị chém); sau khi bò chết bán thịt được 8.200.000 đồng. Giá trị tài sản thiệt hại: 15.000.000 đồng – 8.200.000 đồng = 6.800.000 đồng.
Cáo trạng số 59/VKS-HS ngày 11/6/2018 của VKSND huyện XL truy tố Nguyễn Văn T về tội hủy hoại tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 178 BLHS năm 2015.
Tòa án nhận định: “Thiệt hại về tài sản mà Nguyễn Văn T gây ra cho gia đình anh Vương Văn P là 15.000.000 đồng, sau khi con bò chết gia đình bị hại đã bán thịt được 8.200.000 đồng. Thiệt hại tài sản còn lại theo kết luận định giá tài sản là 6.800.000 đồng. Do đó, Viện kiểm sát truy tố Nguyễn Văn T theo khoản 1 Điều 178 là có căn cứ”
Như vậy, vấn đề đặt ra trong vụ án trên “trị giá” của đối tượng tác động của tội phạm là con bò còn sống được định giá là 15.000.000 đồng hay thiệt hại thực tế xảy ra bởi hành vi giết con bò là 6,8 triệu (15.000.000 đồng – 8.200.000 đồng = 6.800.000 đồng) như cơ quan có thẩm quyền xác định?
Xét về mặt lý luận, trong trường hợp này nếu căn cứ vào ý thức chủ quan của T là muốn hủy hoại tài sản là con bò của P thì giá trị của đối tượng tác động của tội phạm là 15.000.000 đồng. Còn mức độ hậu quả của hành vi huỷ hoại tài sản gây ra là 6.800.000 đồng.
Theo quan điểm của tác giả, thuật ngữ “trị giá” này được hiểu là trị giá của đối tượng tác động của tội phạm mà người phạm tội muốn hướng tới khi thực hiện hành vi chứ không phải hậu quả của hành vi hủy hoại tài sản. Chính vì vậy, tác giả cho rằng cần làm rõ dấu hiệu “tài sản có trị giá từ 2 triệu đồng…” quy định tại khoản 1 Điều 178 BLHS năm 2015 được hiểu là giá trị của tài sản bị hủy hoại của đối tượng tác động của tội phạm (bao gồm cả những tài sản chưa bị thiệt hại nhưng người phạm tội có ý định hủy hoại nó) hay là thiệt hại thực tế đã xảy ra bởi hành vi hủy hoại tài sản hay đó.
Thứ hai, liên quan đến xác định trị giá của đối tượng tác động còn chưa có hướng dẫn cụ thể về cách tính trị giá của tài sản phụ thuộc vào đặc tính của vật theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 như: Tài sản là vật chính hay vật phụ (Điều 110), vật chia được hay không chia được ( Điều 111); vật đồng bộ ( Điều 114). Bởi phụ thuộc vào đặc tính của vật mà giá trị của vật sẽ khác nhau.
Ví dụ về một vụ án: Do sử dụng ma tuý đá nên H đã dùng đá đập 05 tấm kính cửa sổ (mỗi tấm có kích thước dài 01,45m, chiều rộng 35cm, dày 05mm), 01 tấm kính cửa chính (kích thước chiều dài 01,70m, chiều rộng 80cm, dày 05mm) và 03 tấm kính cửa sổ loại kính có vòm (kích thước mỗi tấm 01,50m, chiều rộng 60cm, dày 05mm) của nhà ông P.
Bản án số 81/2018/HSPT ngày 23/4/2018 của TAND tỉnh N tuyên bố bị cáo H phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS năm 2015.
Trong vụ án trên, bị cáo H có hành vi tác động vào các tấm cửa kính nhà ông P làm các cửa kính này bị vỡ, mất hoàn toàn giá trị sử dụng (phải thay thế bằng cửa kính khác) nên hành vi này phải là hành vi hủy hoại tài sản chứ không phải là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản giống như trong bản án đã nhận định.
Trong vụ án này, chúng ta thấy rằng có thể sử dụng quy định về vật đồng bộ trong pháp luật dân sự để xác định. Điều 114 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút”. Với tính chất không thể tách rời, vật đồng bộ chỉ có thể được khai thác, sử dụng khi đi kèm với nhau. Cửa kính có thể được xác định là vật đồng bộ vì khi tấm kính bị vỡ đi thì cửa kính không thể sử dụng được nữa. Tuy nhiên, cửa kính chỉ là 1 bộ phận của căn nhà. Bộ phận này độc lập và bị đập vỡ hoàn toàn. Do đó, hành vi đập vỡ kính của cửa kính cần được xác định là hành vi hủy hoại tài sản.
Tuy nhiên, cũng là đập vỡ kính nhưng trong một vụ án khác (vụ án gây gổ, làm vỡ kính xe taxi ở tối 08/4/2018 tại địa bàn xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), toà án lại xác định tội danh là huỷ hoại tài sản chứ không phải là cố ý làm hư hỏng tài sản.
Như vậy, từ thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy còn có những khó khăn vướng mắc trong việc xác định trị giá của tài sản làm căn cứ định tội danh và định khung hình phạt . Tác giả cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này hoặc sớm ban hành án lệ có liên quan để pháp luật được áp dụng thống nhất.
Theo Kiemsat.vn
Sản phẩm gốm Bát Tràng, Hà Nội - Ảnh: Thái Vũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận