Bàn về hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản trong tội trộm cắp tài sản Điều 173 BLHS
Điều 173 BLHS quy định về tội Trộm cắp tài sản không mô tả hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản, tuy nhiên, thực tiễn xét xử thừa nhận hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý. Như vậy, hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản được hiểu như thế nào?
Điều 173 BLHS quy định về tội Trộm cắp tài sản [1], có 5 khoản, trong đó khoản 1 quy định dấu hiệu pháp lý và khung hình phạt cơ bản, các khoản 2, 3, 4 quy định các trường hợp tăng nặng, khoản 5 quy định hình phạt bổ sung. Thực tiễn xét xử thừa nhận hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý.
Theo Từ điển Tiếng Việt, lén lút là một tính từ chỉ những hành vi giấu giếm, vụng trộm, không công khai và có ý gian dối. Dấu hiệu lén lút vừa chỉ đặc điểm khách quan của hành vi chiếm đoạt tài sản cũng vừa chỉ ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi trộm cắp, tức là, hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội trộm cắp tài sản có đặc điểm khách quan là lén lút và ý thức chủ quan của người thực hiện cũng là lén lút. Theo đó, thì hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là lén lút khi thực hiện một cách cố ý không cho chủ tài sản biết hành vi chiếm đoạt của mình. Người thực hiện hành vi có ý thức giấu giếm hành vi chiếm đoạt của mình, che giấu hành vi đó đối với chủ tài sản (Còn đối với những người khác thì ý thức che giấu hành vi này có thể có cũng có thể không).
Trên thực tế, sẽ có những hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản như sau:
1.Người thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản che giấu toàn bộ hành vi phạm tội, che giấu với chủ tài sản và với những người có thể thấy được hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm. Ví dụ: 12g đêm, A lẻn vào nhà B lấy xe máy, rồi lặng lẽ dắt ra cửa đi đến ngã 3 khuất người thì phá khóa nổ máy đi. Hành vi lén lút của A là lợi dụng thời gian về khuya khiến không có ai để ý, lẻn vào lấy xe máy, việc chọn thời điểm cùng với hành vi lẻn vào nhà ý chí chủ quan của A muốn cố tình che giấu toàn bộ hành vi của mình đối với B và với mọi người xung quanh, những người mà có khả năng nhìn thấy được hành vi của A.
2.Người thực hiện hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản chỉ che giấu tính phi pháp của hành vi. Ví dụ: Lợi dụng thủ kho không để ý, K lái xe lấy thêm 2 bao hàng ngoài thỏa thuận, bỏ lên xe một cách đàng hoàng như có việc xuất hàng như bình thường. Trong tình huống này, tuy K không che dấu hành vi lấy hàng của mình nhưng K đã che giấu tính chất phi pháp của hành vi. Tức là K đã cố tình lấy thêm 2 bao hàng không có trong thỏa thuận, hành vi lấy thêm 2 bao hàng đó là phi pháp và ý thức chủ quan của K là lợi dụng thủ kho không để ý để lấy, nhằm che đi tính phi pháp của hành vi lấy trộm. Những người không phải chủ tài sản vẫn biết sự việc xảy ra là K bốc hàng nhưng không biết đó là hành vi trộm cắp tài sản.
Như vậy, một người thực hiện một trong những hành vi nêu trên được xem là lén lút chiếm đoạt tài sản, hành vi này được xác định dựa trên ý thức chủ quan của người thực hiện, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp nhầm lẫn. Ví dụ: Ông B nợ ông A một khoản tiền, ông A nhiều lần đòi ông B không được, nên đến nhà ông B đòi tiền, tuy nhiên, ông B không ở nhà, gọi điện cho ông B không được nên ông A lấy bộ bàn ghế của ông B về. Hành vi của ông A được nhiều người xác định là lén lút chiếm đoạt bộ bàn ghế vì ông A lấy tài sản khi ông B không ở nhà. Tuy nhiên, ý thức chủ quan của ông A không phải là lén lút chiếm đoạt, cũng không muốn che giấu tính phi pháp của hành vi để chiếm đoạt bộ bàn ghế. Ông A không hề giấu giếm, ông công khai lấy bộ bàn ghế, mọi người đều biết hành vi của ông và biết hành vi đó phi pháp, nên xác định hành vi này là lén lút chiếm đoạt là không có cơ sở.
Như vậy, cần xác định rõ hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản nhằm xác định đúng tội trộm cắp tài sản như Điều 173 BLHS đã quy định.
Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn xét xử vụ trộm cắp tài sản - Ảnh: Nguyễn Trà My
[1]“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Tài sản là bảo vật quốc gia; g) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận