Bàn về hiệu lực đối kháng với người thứ ba
BLDS 2015 ra đời với nhiều chế định mới quan trọng, một trong những điểm mới đáng chú ý chính là quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong giao dịch bảo đảm được quy định tại Điều 297, vậy nội dung và ý nghĩa của quy định này như thế nào? Bài viết dưới đây chúng tôi xin đi phân tích, dẫn chiếu và làm rõ hơn quy định về “hiệu lực đối kháng với người thứ ba”.
Hiệu lực đối kháng với người thứ ba được quy định tại Điều 297 BLDS 2015 có nội dung: “1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
2. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm quy định tại BLDS 2015 và luật khác có liên quan”.
Đây không phải là một quy định hoàn toàn mới của BLDS 2015, khi so sánh, đối chiếu với nội dung các quy định của BLDS 2005 và văn bản có liên quan thì mặc dù “hiệu lực đối kháng với người thứ ba” là một khái niệm mới được quy định trong BLDS 2015 nhưng về nội dung, bản chất thì vấn đề này đã được quy định tại khoản 3 Điều 323 BLDS 2005: “trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký” và tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 163/2006/NĐ-CP: “giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Thời điểm đăng ký được xác định theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm”. Như vậy, trước khi BLDS 2015 có hiệu lực thì “hiệu lực đối kháng với người thứ ba” được hiểu đồng nghĩa với “giá trị pháp lý đối với người thứ ba”. Để hiểu rõ hơn hiệu lực đối kháng với người thứ ba, chúng tôi xin làm rõ các nội dung chính sau:
1. Khái niệm hiệu lực đối kháng với người thứ ba
Mặc dù BLDS 2015 không hề có điều khoản quy định về khái niệm hiệu lực đối kháng với người thứ ba, nhưng qua tìm hiểu, nghiên cứu nội dung của chế định này, chúng tôi xin đưa ra ý kiến giải thích khái niệm được hiểu một cách đơn giản như sau: Hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong giao dịch bảo đảm là khi xác lập giao dịch bảo đảm hợp pháp thì quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong giao dịch bảo đảm không chỉ phát sinh đối với các chủ thể trực tiếp tham gia giao dịch (bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm) mà còn phát sinh hiệu lực cả đối với người thứ ba không phải là chủ thể trong giao dịch bảo đảm; thời điểm phát sinh hiệu lực kể từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
Nội dung này hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 3 BLDS 2015 về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự: “…Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xác hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
2. Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba
Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là kể từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm (BLDS 2005 chỉ là kể từ khi đăng ký giao dịch bảo đảm). BLDS 2015 đã bổ sung thêm trường hợp hiệu lực đối kháng với người thứ ba phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
Ví dụ 1: A (Bên bảo đảm) thế chấp quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của A cho B (bên nhận bảo đảm) để bảo đảm cho khoản vay của A với B. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 8020/VBHN-BTP ngày 10/12/2013, hợp nhất các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm thì đây thuộc trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm. Vậy thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là kể từ thời điểm cơ quan đăng ký nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ (thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm).
Ví dụ 2: A (Bên bảo đảm) cầm cố chiếc điện thoại di động thuộc sở hữu của A cho B (Bên nhận bảo đảm) để bảo đảm cho khoản vay của A với B. Đây không thuộc trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm, nên thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp này là kể từ thời điểm bên B (bên nhận bảo đảm) nắm giữ chiếc điện thoại di động (tài sản bảo đảm) của A.
3. Quyền lợi của bên nhận bảo đảm khi phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba
Theo quy định tại khoản 2 Điều 297 BLDS 2015 thì khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì: Bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm; quyền này được thực hiện và áp dụng khi bên nhận bảo đảm không không nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm vẫn đang thuộc quản lý của bên bảo đảm hoặc đang do người thứ ba chiếm giữ.
Ví dụ: A (Bên bảo đảm) thế chấp tàu biển cho B (Bên nhận bảo đảm) để bảo đảm cho khoản vay của A đối với B. Biện pháp bảo đảm này đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Khi được xử lý tài sản bảo đảm thì B có quyền truy đòi yêu cầu A phải giao tài sản là “tàu biển” cho B; nếu A không phải là người đang trực tiếp quản lý, mà tàu biển đang được giao cho C mượn thì B có quyền yêu cầu C phải giao tài sản.
* Bên nhận bảo đảm được quyền ưu tiên thanh toán theo quy định của Điều 308 BLDS 2015: Như chúng ta đã biết, một tài sản có thể được dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 296 BLDS 2015; vậy vấn đề đặt ra là khi xử lý tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì căn cứ vào yếu tố nào để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm? Câu trả lời được nằm ở Điều 308 BLDS 2015, theo đó: “1. Khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau:
a) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng;
b) Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước;
C) Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.
2. Thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại khoản 1 điều này có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền”.
Ví dụ 1: A (Bên bảo đảm) thế chấp quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của A cho B (Bên nhận bảo đảm) để bảo đảm cho khoản vay của A với B và cũng quyền sử dụng đất trên A lại thế chấp cho C để bảo đảm cho khoản vay của A với C. Giả sử trường hợp này đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 296 BLDS 2015. Quá trình giao dịch, ngày 6/4/2017 A và B đã đăng ký giao dịch bảo đảm; ngày 4/6/2017 A và C đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong trường hợp này đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba nên khi xử lý tài sản bảo đảm thì sẽ căn cứ vào thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán, (trường hợp này thì B được ưu tiên thanh toán trước).
Ví dụ 2: A (Bên bảo đảm) thế chấp chiếc ô tô thuộc sở hữu của A cho B (bên nhận bảo đảm) để bảo đảm cho khoản vay của A với B và cũng chiếc ô tô trên A lại thế chấp cho C để bảo đảm cho khoản vay của A với C. Giả sử trường hợp này đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 296 BLDS 2015. Quá trình giao dịch, ngày 6/4/2017 A và B đã đăng ký giao dịch bảo đảm; còn A và C không đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong trường hợp này một giao dịch bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba còn một giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba nên khi xử lý tài sản bảo đảm thì giao dịch bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba sẽ được ưu tiên thanh toán trước (trường hợp này thì B được ưu tiên thanh toán trước).
Ví dụ 3: Ngày 6/4/2017 A (Bên bảo đảm) thế chấp chiếc ô tô thuộc sở hữu của A cho B (bên nhận bảo đảm) để bảo đảm cho khoản vay của A với B. Ngày 4/6/2017 A lại thế chấp chiếc ô tô trên cho C để bảo đảm cho khoản vay của A với C. Giả sử trường hợp này đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 296 BLDS 2015. Trong trường hợp này không có giao dịch nào phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba nên khi xử lý tài sản bảo đảm thì giao dịch bảo đảm nào được xác lập trước sẽ được ưu tiên thanh toán, (trường hợp này thì b được ưu tiên thanh toán trước).
4. Các biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba
Một điểm cần phải chú ý khi áp dụng quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba là không phải tất cả 09 biện pháp bảo đảm thưc hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 292 BLDS 2015 đều có thể phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Liên hệ các quy định của pháp luật, thì chỉ có 04 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản thì mới có thể phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Cụ thể như sau:
* Cầm cố tài sản: Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.
Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
* Thế chấp tài sản: Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
* Bảo lưu quyền sở hữu: Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
* Cầm giữ tài sản: Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.
*ThS.TAND tỉnh Bắc Ninh **ThS. TAND tỉnh Hải Dương
TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản - Ảnh: Lê Kiều Mị
Bài liên quan
-
Những bất cập trong thực hiện quyền thế chấp tài sản của các chủ thể hộ gia đình là quyền sử dụng đất và giải pháp khắc phục
-
Một số vướng mắc trong thế chấp quyền sử dụng đất được miễn một phần nghĩa vụ tài chính tại ngân hàng
-
Một số khó khăn trong hoạt động công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất
-
Hợp đồng đặt cọc vô hiệu khi tài sản đang thế chấp tại ngân hàng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận