Bàn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường
Phân tích một số nội dung cơ bản về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, từ đó nhóm tác giả đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Đặt vấn đề
Ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường đang là vấn đề nhức nhối không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia trên toàn cầu. Cho nên, pháp luật Việt Nam đã đưa ra nhiều cách thức, biện pháp để ngăn chặn những hành vi dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường gây ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính chủ thể đó. Tuy nhiên, các quy định về bồi thường thiệt hại (BTTH) do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường vẫn còn nhiều hạn chế cho nên gây khó khăn về việc giải quyết các yêu cầu, tranh chấp liên quan đến vấn đề này.
1. Một số nội dung cơ bản về trách nhiệm BTTH do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường
1.1. Chủ thể trong quan hệ BTTH
Thứ nhất, chủ thể chịu trách nhiệm BTTH.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ thể có trách nhiệm BTTH có thể là tổ chức hoặc cá nhân gây thiệt hại về môi trường (khoản 2 Điều 130 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020). Vì vậy, để xác định chủ thể chịu trách nhiệm BTTH phải dựa vào hai tiêu chí: (1) tổ chức, cá nhân; (2) gây thiệt hại về môi trường. Có nghĩa là, chủ thể nào có hành vi gây thiệt hại cho môi trường thì phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi, đó là BTTH. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường có thể không phải là chủ thể gây thiệt hại2. Đơn cử, khoản 2 Điều 256 BLDS năm 2015 khẳng định: “Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu”.
Thứ hai, chủ thể có quyền yêu cầu BTTH.
Theo quy định tại Điều 131 Luật BVMT năm 2020, chủ thể có quyền yêu cầu BTTH về môi trường gồm Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân. Cụ thể, khoản 1 Điều 131 Luật BVMT năm 2020 chỉ rõ: “Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân phát hiện môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái thông báo cho cơ quan có trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái”. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 131 Luật BVMT năm 2020, “Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên”. Nhìn chung, có 4 chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường là UBND các cấp, tổ chức, cá nhân và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Song cần lưu ý rằng, trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường có thể “tự mình hoặc ủy quyền” cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác xác định thiệt hại và yêu cầu BTTH về môi trường (khoản 3 Điều 131 Luật BVMT năm 2020). Đây là một nỗ lực của Luật BVMT năm 2020 khi cho phép cơ quan nhà nước hỗ trợ nạn nhân của ô nhiễm môi trường có thể yêu cầu BTTH, vì thực tế cho thấy việc người dân tự mình theo đuổi một vụ kiện yêu cầu BTTH là rất khó[1].
1.2. Phương thức xác định thiệt hại
Thứ nhất, phương thức xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.
Để xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, cần phải căn cứ vào các nội dung sau đây[2]: (1) xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; (2) xác định số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, các loại hình hệ sinh thái, các loài bị thiệt hại; (3) xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, các loài. Theo đó, cách thức, phương pháp xác định phạm vi, diện tích, khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; số lượng thành phần môi trường bị suy giảm, các loại hình hệ sinh thái bị thiệt hại, các loài động vật, thực vật bị chết được quy định tại Điều 117 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây viết là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP); xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái, loài được quy định tại Điều 118 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Luật BVMT năm 2020 đặt ra hai nguyên tắc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là nguyên tắc độc lập và nguyên tắc phối hợp[3]. Ngoài ra, các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính xác định thiệt hại hoặc chứng kiến việc xác định thiệt hại.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Luật BVMT năm 2020, tùy từng điều kiện cụ thể có thể áp dụng bốn yếu tố để tính chi phí thiệt hại về môi trường, làm căn cứ để bồi thường và giải quyết BTTH về môi trường. Cụ thể: (1) Chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; (2) Chi phí xử lý, cải tạo môi trường; (3) Chi phí giảm thiểu, triệt tiêu nguồn gây thiệt hại hoặc tổ chức ứng phó sự cố môi trường; (4) Chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục BTTH về môi trường. Đây là những chi phí BTTH do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường mà tổ chức, cá nhân chi trả trực tiếp hoặc nộp về Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh để tổ chức chi trả.
Thứ hai, phương thức xác định thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nhìn chung, đây là thiệt hại được sinh ra do những thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra. Luật BVMT năm 2020 quy định việc xác định những thiệt hại này phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Đó là những quy định được thể hiện trong BLDS năm 2015, cụ thể là Điều 589, Điều 591 và Điều 592. Song các thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân phải do hành vi gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường gây ra. Cùng với đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như UBND cấp huyện, cấp tỉnh; Bộ Tài nguyên và Môi trường phải thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định những thiệt hại này dưới dạng hình ảnh, bằng từ, dữ liệu thu được từ quan trắc, đo đạc, phân tích, viễn thám, hệ thống thông tin địa lý và các hình thức khác[4] một chính xác, có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn[5]. Giả sử, trong trường hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xác định có thiệt hại về môi trường thì không có cơ sở để chứng minh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản do ô nhiễm môi trường gây ra[6].
1.3. Giải quyết BTTH
Theo quy định của pháp luật môi trường hiện hành, có các hình thức giải quyết BTTH về môi trường là thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và giải quyết tranh chấp bằng Tòa án. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, phương thức thương lượng.
Về cơ bản, hình thức thương lượng được ưu tiên áp dụng. Bởi vì theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Luật BVMT năm 2020, BTTH về môi trường được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên. Việc thương lượng giữa các bên là cách thức giải quyết hiệu quả trong trường hợp có tranh chấp xảy ra để tiết kiệm chi phí cũng như thời gian so với các phương thức giải quyết BTTH còn lại. Trong trường hợp không thương lượng được hoặc thương lượng mà không đạt được thỏa thuận giữa bên bị thiệt hại và bên gây ra thiệt hại thì lúc này các bên có thể lựa chọn giải quyết thông qua các hình thức còn lại là hòa giải, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.
Thứ hai, phương thức hòa giải.
Phương thức hòa giải là phương thức được sử dụng nhiều nhất vì đây là phương thức dễ thực hiện, tính chất đơn giản và hiệu quả hơn, giảm bớt những khó khăn do việc phải thu thập chứng cứ, giám định thiệt hại và chứng minh thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường[7]. So với Luật BVMT năm 2014, Luật BVMT năm 2020 có điểm đột phá là không còn quy định trách nhiệm hòa giải thuộc UBND cấp xã mà chỉ quy định chung là một trong ba phương thức hòa giải tranh chấp. Vì trên thực tế, các tranh chấp về môi trường rất phức tạp nên UBND cấp xã không tiến hành hòa giải được, thường chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo và phải nhờ đến sự can thiệp của UBND cấp tỉnh hoặc Chính phủ[8].
Thứ hai, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Về cơ bản, tranh chấp môi trường là loại tranh chấp BTTH ngoài hợp đồng nhưng nếu sau khi xảy ra tranh chấp các bên cùng đồng thuận giải quyết tranh chấp bằng bằng hình thức này và thể hiện qua văn bản “thỏa thuận trọng tài” thì việc giải quyết vẫn được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây là phương thức ít được áp dụng trên thực tế cũng bởi các tranh chấp về BTTH về môi trường là các tranh chấp ngoài hợp đồng nên hầu như các bên đều không có thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp trước đó. Đặc thù trong BTTH về môi trường đó là số lượng người bị thiệt hại nhiều nên khó xác lập được thỏa thuận trọng tài nếu ý chí của những người bị thiệt hại không thống nhất[9].
Thứ ba, phương thức khởi kiện tại Tòa án.
Nhìn chung, khi thương lượng và hòa giải không thành, các chủ thể có quyền yêu cầu BTTH sẽ sử dụng một trong hai phương thức là giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc khởi kiện tại Tòa án. Song như đã đề cập, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hiếm khi được thực hiện nên phương thức khởi kiện tại Tòa án trở nên phổ biến. Khoản 2 Điều 133 Luật BVMT năm 2020 chỉ ra rằng: “Việc giải quyết tại Tòa án được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng và pháp luật về tố tụng dân sự, trừ các quy định về việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra”. Bởi lẽ, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường. Ngoài ra, phán quyết của Tòa án có giá trị chung thẩm, bắt buộc các bên phải thi hành bản án hoặc quyết định của Tòa án khi bản án hoặc quyết định có hiệu lực trên thực tế.
2. Thực trạng pháp luật về trách nhiệm BTTH do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường
Thứ nhất, về chủ thể trong quan hệ BTTH.
Theo quy định tại Điều 257 BLDS năm 2015, “quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu chủ thể được Nhà nước trao quyền hưởng dụng đối với thành phần môi trường thì khi thành phần môi trường đó bị ô nhiễm, ai sẽ là người có quyền yêu cầu BTTH, cơ quan nhà nước hay chủ thể có quyền hưởng dụng[10]. Song hiện nay, Luật BVMT năm 2020 chỉ cho phép các chủ thể có quyền yêu cầu BTTH về môi trường gồm Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, Luật BVMT năm 2020 cũng chỉ đề cập đến chủ thể được ủy quyền (thông qua sự ủy quyền của chủ thể có quyền yêu cầu BTTH) mà không đề cập đến chủ thể có quyền hưởng dụng. Do đó, có thể khẳng định rằng, pháp luật chưa có quy định về vấn đề này, do đó có thể hiểu pháp luật không thừa nhận người hưởng dụng được yêu cầu BTTH môi trường mà quyền này chỉ thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền[11]. Bên cạnh đó, nếu so sánh chủ thể ủy quyền và chủ thể được ủy quyền thì chủ thể được ủy quyền có thêm “cơ quan nhà nước”. Do đó, có thể thấy rằng, Luật BVMT năm 2020 đã bỏ sót một chủ thể là cơ quan nhà nước trong nhóm chủ thể có quyền BTTH (hay chủ thể được ủy quyền) trong khi đó tùy vào từng trường hợp, cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp.
Thứ hai, về trách nhiệm liên đới BTTH.
Theo quy định tại Điều 578 BLDS năm 2015, “trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại”. Tuy nhiên, đối với Luật BVMT năm 2020, chưa làm rõ nguyên tắc trách nhiệm liên đới có được công nhận hay không khi chỉ quy định trách nhiệm BTTH về môi trường đối với từng đối tượng được xác định tương ứng với tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại về môi trường. Nếu các bên hoặc cơ quan quản lý nhà nước về môi trường không xác định được tỷ lệ chịu trách nhiệm thì cơ quan trọng tài hoặc Tòa án quyết định.[12] Nhìn chung, điều này sẽ khiến cho quá trình xác định chủ thể BTTH, đặc biệt là bỏ sót chủ thể BTTH do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường.
Thứ ba, về giải quyết BTTH.
Cho đến nay, pháp luật chưa có quy định về khởi kiện tập thể. Song trong vụ việc Công ty TNHH Vedan “giết” sông Thị Vải trong 14 năm cho thấy, chủ thể được BTTH là ba địa phương: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh với số tiền gần 220 tỷ đồng; trong đó, Đồng Nai gần 120 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 53,6 tỷ đồng và TP. Hồ Chí Minh hơn 45,7 tỷ đồng[13] hoàn toàn có những yếu tố để trở thành một vụ kiện mang tính tập thể. Giả sử tất cả nguyên đơn trong vụ Vedan đều ủy quyền cho một tổ chức nào đó, Hội Nông dân chẳng hạn, đứng đơn kiện thay, thì cũng không thể có một vụ kiện duy nhất: có bao nhiêu nguyên đơn, thì vẫn phải có chừng đó vụ kiện và người được ủy quyền phải đại diện cho từng nguyên đơn một, trong từng vụ[14]. Nhìn chung, nhiều vụ kiện cùng tính chất được lặp đi lặp lại một cách máy móc sẽ làm tốn kém rất nhiều công sức, thời gian và tiền của. Bên cạnh đó, việc xác định mối quan hệ nguyên nhân giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra được ghi nhận là công tác kỹ thuật không hề đơn giản và rất tốn kém.
Thứ tư, về chi phí BTTH.
Điểm a khoản 1 Điều 134 Luật BVMT năm 2020 chỉ ra rằng, “chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường” là một trong những nội dung được sử dụng để tính chi phí BTTH môi trường được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 Luật BVMT năm 2020. Đó là thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường. Song không chỉ Luật BVMT năm 2020 và văn bản hướng dẫn thi hành không đưa ra được định nghĩa cũng như tiêu chí xác định hai loại chi phí - “chi phí thiệt hại trước mắt” và “chi phí thiệt hại lâu dài”. Việc bỏ ngõ quy định này sẽ gây ra những khó khăn trong quá trình xác định chi phí BTTH của tổ chức, cá nhân.
3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, trao quyền yêu cầu BTTH cho một số chủ thể khác.
Bên cạnh các chủ thể được trao quyền yêu cầu BTTH, Luật BVMT năm 2020 cần phải bổ sung cơ quan nhà nước vào nhóm chủ thể có quyền yêu cầu BTTH. Bởi lẽ khoản 4 Điều 187 BLTTDS năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật”. Cùng với đó, Luật BVMT có thể ghi nhận Hội nông dân, Hội bảo tồn sinh vật biển, Hội khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam... thay mặt chủ thể có quyền hưởng dụng yêu cầu BTTH về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp do ô nhiễm môi trường thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Điều này nhằm tập hợp toàn bộ ý chí, nguyện vọng, các chứng cứ, lập luận để Tòa án giải quyết triệt để, kịp thời, nhanh chóng quyền lợi của toàn bộ chủ thể gây thiệt hại, đồng thời giảm áp lực cho Tòa án trong việc giải quyết các vụ án[15].
Thứ hai, ghi nhận nguyên tắc áp dụng Luật BVMT năm 2020 và pháp luật liên quan.
Theo đó, Luật BVMT năm 2020 cần bổ sung nội dung sau đây: “Bồi thường thiệt hại môi trường không được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự”. Cụ thể, Luật BVMT và các luật khác là những luật chuyên ngành sẽ được ưu tiên áp dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp các luật này không có quy định thì BLDS với tư cách là luật chung sẽ được áp dụng. Đối chiếu với vấn đề trách nhiệm liên đới BTTH, trong trường hợp này, Luật chung - BLDS năm 2015 sẽ được áp dụng để điều chỉnh các nội dung liên quan đến trách nhiệm liên đới BTTH.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức khởi kiện tại Tòa án.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần nhanh chóng ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bòi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để phù hợp hơn với quy định tại BLDS năm 2015 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015[16] về hướng dẫn áp dụng các quy định của BLDS năm 2015 về BTTH ngoài hợp đồng. Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2015 và Luật BVMT năm 2020 phải quy định cụ thể, chi tiết về việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra của tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ô nhiễm về môi trường; khởi kiện tập thể để thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy định về trách nhiệm BTTH môi trường.
Thứ tư, làm rõ các quy định về chi phí BTTH.
Để khắc phục được nhược điểm trên, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cần phải nhanh chóng giải mã hai thuật ngữ “chi phí thiệt hại trước mắt” và “chi phí thiệt hại lâu dài”. Cụ thể, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP phải đưa ra định nghĩa cụ thể, chi tiết về hai loại chi phí này. Hơn nữa, cần phải đưa ra tiêu chí phân loại hai loại chi phí thiệt hại trước mắt hoặc lâu dài. Cần lưu ý rằng, việc xác định các loại chi phí thiệt hại trước mắt và lâu dài phải bảo đảm kịp thời, khách quan và công bằng. Tựu trung lại, những sửa đổi, bổ sung này sẽ “mở đường” cho việc giải quyết các hành vi vi phạm về môi trường.
Kết luận
BTTH do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường là vấn đề khá phức tạp. Qua đây, nhóm tác giả đã tập trung làm rõ chủ thể trong quan hệ BTTH, phương thức xác định thiệt hại cũng như giải quyết BTTH thông qua 4 hình thức. Bên cạnh đó, thực trạng pháp luật về trách nhiệm BTTH do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, luật áp dụng không thực sự phù hợp với thực tế. Chính vì vậy, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm BTTH do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường. Việc nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn đề lý luận cũng như đánh giá một cách toàn diện pháp luật hiện hành về BTTH do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường sẽ góp phần hoàn thiện về chế định này.
Cảnh sát lấy mẫu nước thải để đánh giá mức độ ô nhiễm - Ảnh: TL
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huỳnh Thị Hồng Nhiên, Pháp luật về quyền được sống trong môi trường trong lành, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, năm 2014.
2. Lê Hồng Hạnh, Những vấn đề pháp lý trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, Bộ Tư pháp, năm 2019.
3. Bùi Đức Hiển, Pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, Hội thảo pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng - Thực trạng và giải pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2019.
4. Đào Thị Diễm Hạnh - Nguyễn Thị Vân Anh, Một số vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường và gợi mở hướng hoàn thiện pháp luật, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 3, năm 2020.
5. Nguyễn Thị Phương Châm - Nguyễn Minh Châu, Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường từ góc nhìn lý thuyết đến luật thực định của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15(439), năm 2021.
6. Lê Hồng Hạnh - Lê Đình Vinh, Pháp luật về bồi thường thiệt hại môi trường ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, năm 2021.
7. Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5(453), năm 2022.
8. Minh An, Tháng 8/2023, cả nước phát hiện gần 1.000 vụ vi phạm môi trường, https://moitruong.net.vn/thang-8-2023-ca-nuoc-phat-hien-gan-1-000-vu-vi-pham-moi-truong-65339.html, truy cập ngày 05/01/2024.
9. Vũ Thị Ngọc Dung, Pháp luật về bồi thường thiệt hại môi trường ở Việt Nam hiện nay - Bất cập và một số kiến nghị, https://danchuphapluat.vn/phap-luat-ve-boi-thuong-thiet-hai-moi-truong-o-viet-nam-hien-nay-bat-cap-va-mot-so-kien-nghi, truy cập ngày 10/01/2024.
10. Nguyễn Tiến Lập, Nhiều bất cập trong bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bằng tố tụng tòa án, https://diendandoanhnghiep.vn/nhieu-bat-cap-trong-boi-thuong-thiet-hai-do-o-nhiem-moi-truong-bang-to-tung-toa-an-162538.html, truy cập ngày 05/01/2024.
11. Sỹ Tuyên, Vedan đã hoàn tất việc bồi thường 220 tỷ đồng cho nông dân bị thiệt hại, https://baochinhphu.vn/vedan-da-hoan-tat-viec-boi-thuong-220-ty-dong-cho-nong-dan-bi-thiet-hai-10257545.htm, truy cập ngày 12/01/2024.
2 Đào Thị Diễm Hạnh - Nguyễn Thị Vân Anh, Một số vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường và gợi mở hướng hoàn thiện pháp luật, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 3, năm 2020, tr.64.
[1] Nguyễn Tiến Lập, Nhiều bất cập trong bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bằng tố tụng tòa án, https://diendandoanhnghiep.vn/nhieu-bat-cap-trong-boi-thuong-thiet-hai-do-o-nhiem-moi-truong-bang-to-tung-toa-an-162538.html, truy cập ngày 05/01/2024.
[2] Khoản 1 Điều 132 Luật BVMT năm 2020.
[3] Theo quy định tại khoản 2 Điều 132 Luật BVMT năm 2020, “việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường được tiến hành độc lập hoặc có sự phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại”.
[4] Khoản 6 Điều 116 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
[5] Khoản 7 Điều 116 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
[6] Bùi Đức Hiển, Pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, Hội thảo pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng - Thực trạng và giải pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2019, tr.133.
[7] Vũ Thị Ngọc Dung, Pháp luật về bồi thường thiệt hại môi trường ở Việt Nam hiện nay - Bất cập và một số kiến nghị, https://danchuphapluat.vn/phap-luat-ve-boi-thuong-thiet-hai-moi-truong-o-viet-nam-hien-nay-bat-cap-va-mot-so-kien-nghi, truy cập ngày 10/01/2024.
[8] Lê Hồng Hạnh - Lê Đình Vinh, Pháp luật về bồi thường thiệt hại môi trường ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, năm 2021, tr.86.
[9] Vũ Thị Ngọc Dung, Tlđd (9), truy cập ngày 10/01/2024.
[10] Đào Thị Diễm Hạnh - Nguyễn Thị Vân Anh, Tlđd (2), tr.64.
[11] Lê Hồng Hạnh, Những vấn đề pháp lý trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, Bộ Tư pháp, năm 2019, tr.103-104.
[12] Nguyễn Thị Phương Châm - Nguyễn Minh Châu, Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường từ góc nhìn lý thuyết đến luật thực định của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15(439), năm 2021, tr.49-50.
[13] Sỹ Tuyên, Vedan đã hoàn tất việc bồi thường 220 tỷ đồng cho nông dân bị thiệt hại, https://baochinhphu.vn/vedan-da-hoan-tat-viec-boi-thuong-220-ty-dong-cho-nong-dan-bi-thiet-hai-10257545.htm, truy cập ngày 12/01/2024.
[14] Huỳnh Thị Hồng Nhiên, Pháp luật về quyền được sống trong môi trường trong lành, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, năm 2014, tr.93.
[15] Đào Thị Diễm Hạnh - Nguyễn Thị Vân Anh, Tlđd (2), tr.67.
[16] Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5(453), năm 2022, tr.23.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận