Bàn về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế định pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong đời sống dân sự để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi có thiệt hại xảy ra. Bên cạnh hành vi trái pháp luật của con người là nguyên nhân gây ra các thiệt hại, thì tài sản, tự bản thân chúng, cũng là một nguồn gây ra thiệt hại cho các chủ thể xung quanh. Để đảm bảo tất cả các lợi ích hợp pháp bị gây hại đều được bù đắp và bồi thường một cách nhanh chóng, thuận lợi cho dù không phải do hành vi của con người gây ra, thì việc xem xét và tìm hiểu về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại là vô cùng cần thiết. Trên cơ sở phân tích các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005, dựa trên các nguyên lý cơ bản của pháp luật dân sự và đặt chúng trong mối tương quan với thực tiễn xét xử tại các Toà án, chúng tôi phân tích những điều kiện cơ bản để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại và xác định chủ thể phải bồi thường khi tài sản gây ra thiệt hại cùng những kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại.

1.Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại và chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1.1.Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại

Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: “Người nào có lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Tuy nhiên, những điều kiện này sẽ là không phù hợp với những trường hợp thiệt hại là do tài sản gây ra, bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, theo quy định của Điều 604, thì một trong các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là có lỗi (cố ý hoặc vô ý) của người đã thực hiện hành vi gây thiệt hại. Theo PGS.TS. Đinh Văn Thanh, khái niệm về lỗi cố ý và lỗi vô ý theo quy định tại khoản 2 Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2005 được xây dựng giống như quy định về cố ý phạm tội và vô ý phạm tội theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 1999, trong khi đây là hai ngành khoa học có đối tượng và phương pháp nghiên cứu riêng. Như vậy, nếu hiểu về lỗi là trạng thái tâm lý và nhận thức của chủ thể đối với hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra, thì không thể tìm kiếm được yếu tố lỗi khi bản thân tài sản – một vật vô tri, vô giác – gây ra thiệt hại. Nếu xuất phát từ ngữ nghĩa của cụm từ “trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại” thì chúng ta hiểu nguyên nhân chính gây ra thiệt hại là do tài sản chứ không phải do hành vi của con người, mà lỗi thì chỉ gắn với hành vi của con người.

Thông thường, tài sản luôn chịu sự quản lý, trông coi và sử dụng của con người, nhưng không có nghĩa là mọi trường hợp hành vi trông coi, sử dụng tài sản của con người đều là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Liên quan đến tài sản gây thiệt hại có thể có 2 loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại sau phát sinh: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của con người gây ra có liên quan đến tài sản và trách nhiệm bồi thường trong trường hợp bản thân tài sản gây ra thiệt hại. Loại trách nhiệm thứ nhất rất dễ gây nhầm lẫn và bị đánh đồng với loại trách nhiệm thứ hai ở sự  “có liên quan đến tài sản.  Yếu tố “có liên quan” được hiểu là:

– Tài sản là vật trung gian và công cụ mà con người sử dụng để gây thiệt hại cho các đối tượng khác (thường xuất phát từ lỗi cố ý). Ví dụ: Một người phi một con dao nhọn về phía người đối diện nhằm gây thương tích;

– Con người gây ra thiệt hại trong quá trình tác động trực tiếp vào tài sản để khai thác và sử dụng tài sản (có lỗi vô ý do không tuân thủ đầy đủ các quy tắc cần thiết cho phù hợp với từng loại tài sản). Ví dụ: Để sử dụng máy xay sinh tố, người sử dụng đã cắm nhằm vào ổ điện 220kv trong khi đó theo hướng dẫn là chỉ sử dụng nguồn điện 110 kv nên đã khiến cho máy xay đó văng khỏi vị trí và gây tai nạn cho người liền kề;

– Tài sản tự gây ra thiệt hại mà không có sự tác động trực tiếp và cơ học của con người (có lỗi bất cẩn của người chịu trách nhiệm quản lý trông coi tài sản). Ví dụ: Người trông giữ để vật nuôi bị sổng chuồng, để tường rào, cây cối đổ gẫy gây ra thiệt hại mà lẽ ra cần phải có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn việc tài sản gây thiệt hại từ trước.

Vậy thế nào là tài sản gây ra thiệt hại và không liên quan đến hành vi của con người? Đó là trường hợp khi tài sản gây ra thiệt hại nhưng lại không chứng minh được lỗi của bất cứ ai có liên quan: Không có lỗi cố ý (sử dụng tài sản như công cụ, phương tiện để gây thiệt hại bằng cách tác động trực tiếp hoặc bỏ mặc cho tài sản gây ra thiệt hại) hoặc không có lỗi vô ý (do cẩu thả, bất cẩn đã không làm những việc mà lẽ ra phải làm hoặc làm không đúng những việc cần phải làm khi bảo quản trông coi hay khi sử dụng tài sản) của bất kỳ chủ thể nào. Tài sản gây ra thiệt hại do cấu tạo nội tại bên trong của tài sản mà con người không lường trước được, mặc dù đã áp dụng và tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý, trông coi và vận hành tài sản. Ví dụ như xe ô tô đang chạy bị nổ lốp gây tai nạn, trâu được chăn dắt cẩn thận, nhưng bỗng nhiên lồng lên gây thiệt hại cho người khác, trần nhà bị sập… Đây là trường hợp làm phát sinh trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại chứ không phải trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra có liên quan đến tài sản.

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, đặt ra vấn đề lỗi là không phù hợp đối với nguyên nhân gây ra thiệt hại là tài sản – một vật vô tri, vô giác.

Thứ hai, nếu coi lỗi là một trong các điều kiện bắt buộc để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thì khi người gây thiệt hại chứng minh được không có lỗi sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Khi đó, người bị thiệt hại tự chịu rủi ro vì không có ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ngoại trừ trường hợp họ có mua bảo hiểm. Điều này liệu có công bằng không khi thiệt hại xảy ra do tác động của bản thân tài sản (không có chủ thể nào có lỗi) thì người bị thiệt hại không được hưởng tiền bồi thường? Trong nghiên cứu khoa học pháp lý dân sự cũng đã có những luật gia đề xuất thuyết “trách nhiệm khách quan”. Theo đó, cứ có thiệt hại xảy ra, thì người bị thiệt hại phải được bồi thường, cho dù người đã gây ra thiệt hại có lỗi hay không có lỗi. Sự phát triển của pháp luật bồi thường, thiệt hại ngoài hợp đồng dựa trên học thuyết này nhằm hướng tới mục tiêu người bị thiệt hại sẽ được bồi thường một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng đã quy định theo xu hướng này, đó là việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không cần có yếu tố lỗi. Do vậy, điều kiện cần phải có lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại là không công bằng và thoả đáng đối với người bị thiệt hại.

Trên cơ sở những lý do nêu trên, theo chúng tôi, trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại được phát sinh không cần yếu tố lỗi và dựa trên các điều kiện sau đây: (i) Có thiệt hại xảy ra; (ii) Tài sản gây ra thiệt hại xâm phạm đến những lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ như sức khoẻ, tài sản, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và uy tín của con người. Khi xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại không cần phải chứng minh tính trái pháp luật. Bởi tính trái pháp luật được gắn liền với hành vi của con người và phải có lỗi. Do vậy, chứng minh yếu tố có lỗi thường liên quan đến ý chí chủ quan của con người (mà chứng minh lỗi chủ quan thì rất khó) và cũng không phù hợp với trường hợp thiệt hại xảy ra xuất phát từ tài sản; (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa sự tác động của tài sản và thiệt hại xảy ra. Mối quan hệ nhân quả có thể nhận biết dưới các giác độ sau:

– Phải có sự tác động về mặt cơ học giữa tài sản và thiệt hại xảy ra. “Tài sản gây ra thiệt hại” có những đặc điểm như sau: (i) Là loại tài sản có tính chất hữu hình: Theo Điều 163 thì tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và quyền tài sản. Các quy định về các trường hợp bồi thường thiệt hại cụ thể trong Bộ luật Dân sự không sử dụng khái niệm thiệt hại do tài sản gây ra, mà chỉ xây dựng các điều luật điều chỉnh đối với các loại tài sản cụ thể gây ra thiệt hại như nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng. Những tài sản trên có đặc điểm là những “vật” – có tính hữu hình được tồn tại dưới các dạng vật chất cụ thể. Bởi lẽ, đó là những tài sản có tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho những người xung quanh và có sự tác động cơ học của bản thân tài sản dẫn đến thiệt hại xảy ra. Tài sản vô hình như quyền tài sản hay quyền sở hữu trí tuệ thì không thể đáp ứng được điều kiện này; (ii) Tài sản đang chịu sự quản lý, trông coi hay sử dụng của những chủ thể nhất định. Chủ thể trên có thể là chủ sở hữu của tài sản hoặc những người được chủ sở hữu chuyển giao quyền chiếm hữu, quản lý trông coi tài sản hoặc là người đang chiếm hữu sử dụng bất hợp pháp tài sản. Hay nói cách khác, tài sản gây thiệt hại phải đang gắn liền với quyền hay nghĩa vụ của các chủ thể nhất định. Khi đó, mới có thể gắn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các chủ thể cụ thể. Do vậy, những tài sản vô chủ không gắn với lợi ích hay nghĩa vụ của bất kỳ chủ thể nào thì khi tài sản đó gây ra thiệt hại thì không có chủ thể nào phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người bị thiệt hại chỉ có thể bảo vệ lợi ích của mình thông qua việc mua bảo hiểm.

– Dựa trên sự tiến triển bình thường, nếu không có sự tác động của tài sản thì thiệt hại cũng không xảy ra. Bằng phương pháp loại trừ chứng minh không phải các nguyên nhân khác gây thiệt hại thì có thể kết luận tài sản là nguyên nhân đã gây ra thiệt hại. Các nguyên nhân khác như: (i) Do sự kiện bất khả kháng; (ii) Hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, được thể hiện dưới 2 góc độ là cố ý tự tử hoặc không cố ý nhưng có tính nghiêm trọng đó là lỗi không thể tha thứ được và là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thiệt hại xảy ra; (iii) Do lỗi của người đang chịu trách nhiệm quản lý, trông coi, bảo quản tài sản; (iv) Do lỗi của người trực tiếp sử dụng và khai thác giá trị của tài sản; (v) Hoàn toàn do lỗi của người thứ ba (không phải là người đang trông coi, bảo quản, sử dụng tài sản và cũng không phải là người bị thiệt hại).

Nếu không chứng minh được các nguyên nhân trên gây ra thiệt hại, thì có thể kết luận tự bản thân tài sản đã gây ra thiệt hại và đó là trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại.

1.2.Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trong giới luật học hiện nay đang tồn tại 2 quan điểm về xác định chủ thể phải bồi thường khi tài sản gây ra thiệt hại:

Quan điểm thứ nhất, dựa trên lý thuyết về quyền sở hữu: Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại thuộc về chủ sở hữu của tài sản đó. Lập luận này được đưa ra dựa trên nguyên tắc chủ sở hữu là người được hưởng lợi từ tài sản thì sẽ là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản đó gây ra thiệt hại cho người khác. Tuy nhiên, quan điểm trên sẽ không còn giữ được sự nhất quán khi chủ sở hữu lại chuyển giao việc “hưởng lợi” đó sang cho người khác như cho mượn, cho thuê, thuê khoán… tài sản mà tài sản gây thiệt hại thì người thuê, người mượn có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không? Có nhiều khi mục đích sử dụng tài sản thuê, mượn chưa đạt được mà tài sản đã gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại có khác đi không?

Quan điểm thứ hai, dựa trên lý thuyết về trách nhiệm: Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại gắn liền với nghĩa vụ trông coi, quản lý, sử dụng tài sản. Vì trước khi tài sản gây ra thiệt hại, thì luôn phải có một người đang chịu trách nhiệm về tài sản. Sẽ là công bằng nếu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về người đang chịu trách nhiệm quản lý, trông coi hay sử dụng tài sản. Tuy nhiên, tính công bằng trên sẽ bị phá vỡ khi người có trách nhiệm trông giữ tài sản hay khai thác sử dụng tài sản đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu cần thiết trong việc trông giữ, bảo quản hay sử dụng mà tài sản vẫn gây ra thiệt hại. Họ không có lỗi đối với việc tài sản gây ra thiệt hại khi họ không đồng thời là chủ sở hữu của tài sản mà phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ không đảm bảo được tính “công bằng” mà quan điểm trên hướng tới.

Mỗi quan điểm nêu trên đều không thể tìm được câu trả lời thống nhất và trọn vẹn cho các trường hợp khác nhau khi tài sản gây ra thiệt hại. Theo chúng tôi, cần dựa trên nguyên nhân gây ra thiệt hại và kết hợp với lý thuyết về trách nhiệm trước, sau đó mới dựa trên lý thuyết về quyền sở hữu để xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thuờng, cụ thể: Nếu tài sản gây ra thiệt hại do lỗi trông nom, quản lý, sử dụng thì người đang có nghĩa vụ trông nom, quản lý, sử dụng tài sản đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Một vấn đề đặt ra là ngoài chủ sở hữu ra thì ai là người đang có quyền chiếm hữu, quản lý và trông coi tài sản? Có 2 khả năng xảy ra đó là: Người đang chiếm hữu có căn cứ pháp luật đối với tài sản theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Dân sự năm 2005; người chiếm hữu bất hợp pháp đối với tài sản (không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 183 Bộ luật Dân sự năm 2005). Như vậy, một người đang thực tế nắm giữ tài sản theo quan hệ lao động, theo hướng dẫn của người dạy nghề… thì trách nhiệm quản lý tài sản vẫn thuộc về người sử dụng lao động, người dạy nghề.

Thông thường, do lỗi trông coi, sử dụng tài sản nên họ đã gây ra thiệt hại cho chủ thể khác và cho chính bản thân tài sản. Như vậy, họ không chỉ phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại, mà còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho chính chủ sở hữu tài sản. Tìm hiểu 2 vụ việc thực tế sau đây sẽ chứng minh được nguyên nhân gây ra thiệt hại là do hành vi trái pháp luật chứ không phải do tài sản gây ra:

Vụ việc 1: Tiến thấy xe máy của bố mẹ để ở sân nhà, chìa khoá vẫn cắm ở ổ khoá của xe, nên đã lấy xe đi làm. Trên đường đi, vì vượt ẩu nên xe máy do Tiến điều khiển đã lao sang trái đường và đâm vào bà Hiền đang dắt xe đạp đi ngược chiều ở phần đường dành cho xe thô sơ và người đi bộ, làm bà Hiền chết.

Vụ việc 2: Đạt điều khiển xe máy của mình chở Bình đi bán vỏ chai bia. Khi Bình vào quán bán vỏ chai bia thì Bình ngồi trên xe máy chờ. Do Đạt không rút chìa khoá xe máy nên Bình nổ máy và nói Đạt ngồi sau để Bình đèo về, Đạt đồng ý. Do không làm chủ được tốc độ và xử lý kém nên Bình đã khiến cho trục bánh trước bên phải xe máy vướng vào phía bên trái xe đạp của bà Bảy là người đi cùng chiều với Bình. Kết quả làm cho bà Bảy chết, Bình và Đạt bị thương nhẹ, xe đạp và xe máy đều bị hư hỏng.

Trong cả hai vụ việc trên, thiệt hại phát sinh thực chất là từ hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông (Tiến và Bình) chứ không phải do chính phương tiện giao thông gây ra; xe máy chỉ là phương tiện mà người điều khiển sử dụng gây thiệt hại (1).

Nếu người trông nom, quản lý, sử dụng mà chứng minh họ không có lỗi thì chủ sở hữu của tài sản gây ra thiệt hại phải bồi thường.

Nếu chủ sở hữu chứng minh được nguyên nhân gây ra thiệt hại không phải do tự thân tài sản, mà do sự kiện bất khả kháng, do lỗi hoàn toàn của người bị thiệt hại hay do lỗi của người thứ ba thì sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp tài sản là sản phẩm, hàng hoá gây ra thiệt hại do lỗi trong cấu trúc, thiết kế của sản phẩm, thì chủ sở hữu của tài sản đó sẽ có quyền yêu cầu nhà sản xuất sản phẩm phải chịu trách nhiệm bồi thường hoặc bồi hoàn cho mình (nếu chủ sở hữu đã bồi thường cho người bị thiệt hại).

Như vậy, trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại sẽ gắn với các chủ thể theo thứ tự: Trước hết, là người chịu trách nhiệm quản lý, trông coi, sử dụng tài sản, sau đó, là đến chủ sở hữu tài sản. Tuy nhiên, căn cứ để quy kết trách nhiệm cho hai chủ thể trên lại khác nhau. Đối với người đang quản lý trông coi hay khai thác sử dụng tài sản, thì chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi. Bản chất lỗi trong dân sự mang tính suy đoán, mặc nhiên bị coi là có lỗi khi tài sản đang chịu sự quản lý, điều khiển của mình lại gây thiệt hại. Điều đó dẫn đến hệ quả là việc chứng minh không có lỗi thuộc về nghĩa vụ của người đang chịu trách nhiệm trông coi, quản lý, sử dụng tài sản. Và nếu họ thành công trong việc chứng minh không có lỗi, thì chúng ta mới xem tiếp đến tư cách chủ sở hữu của tài sản đó. Đối với chủ sở hữu của tài sản thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có lỗi trong việc trông coi, sử dụng tài sản và ngay cả khi không có lỗi. Căn cứ để quy kết trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu của tài sản khi tài sản gây ra thiệt hại kể cả chủ sở hữu không có lỗi là dựa trên 2 lý do cơ bản: (i) Một người luôn phải chịu trách nhiệm không chỉ đối với hành vi mình đã thực hiện, mà còn phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với cả vật của mình gây thiệt hại cho người khác. Chủ thể cuối cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại đó là chủ sở hữu của tài sản; (ii) Mục đích của chế định pháp luật về bồi thường thiệt hại là người bị thiệt hại phải được bồi thường. Do vậy, trong các chủ thể có liên quan đến tài sản phải chịu trách nhiệm về tài sản, thậm chí cả khi không có lỗi, đó là chủ sở hữu của tài sản.

Như vậy, nếu chủ sở hữu của tài sản đồng thời là người đang quản lý, trông coi và sử dụng tài sản thì dù có lỗi hay không có lỗi thì đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản của mình gây ra cho người khác, (đây là  trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra ngay cả khi chủ sở hữu không có lỗi, trừ trường hợp bất khả kháng hay hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại); nếu người quản lý, trông coi và sử dụng tài sản không đồng thời là chủ sở hữu của tài sản chỉ phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi trong việc quản lý, trông coi và sử dụng tài sản (đây là trường hợp thuộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi có lỗi gây ra); pháp nhân, cơ sở dạy nghề… giao tài sản cho người lao động, người học nghề để thực hiện công việc của pháp nhân và việc dạy nghề, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về pháp nhân và cơ sở dạy nghề vì đây là những chủ thể đang chịu trách nhiệm quản lý trông coi tài sản.

2.Những bất cập của pháp luật về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại và một số kiến nghị

Thứ nhất, những quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa phân biệt được trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của con người gây ra có liên quan đến tài sản và trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại. Đặc điểm riêng biệt của 2 trường hợp đó là một bên có lỗi do nguyên nhân gây ra thiệt hại xuất phát từ hành vi của con người và một bên không thể xác định được lỗi do nguyên nhân gây ra thiệt hại xuất phát từ tài sản – vật vô tri, vô giác. Các quy định của các Điều 623, 625, 626 và 627 đều chưa tách biệt được sự khác nhau giữa vai trò của người chịu trách nhiệm quản lý, trông coi, sử dụng tài sản với chủ sở hữu của tài sản, do vậy không xác định thống nhất nguyên tắc khi nào thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về từng chủ thể cụ thể. Theo TS. Đỗ Văn Đại, “để tạo điều kiện cho người bị thiệt hại, chúng ta không nên buộc họ chứng minh lỗi của chủ sở hữu khi áp dụng chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra”. Nhận định trên đã ngầm khẳng định, việc súc vật gây ra thiệt hại thì dù có lỗi hay không có lỗi chủ sở hữu vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tiếp theo, TS. Đỗ Văn Đại bình luận về mối quan hệ giữa quy định của Điều 604 và Điều 625 trong Bộ luật Dân sự năm 2005 như sau: “… Đối với một hoàn cảnh chúng ta thấy người bị thiệt hại có thể viện dẫn những quy định chung về bồi thường thiệt hại tại Điều 604 nếu các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hội đủ như có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả và có lỗi; người bị thiệt hại cũng có thể viện dẫn chế định chuyên biệt về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra nếu những điều kiện nêu tại Điều 625 hiện nay hội đủ. Nói một cách khác, Điều 625 không ảnh hưởng đến việc áp dụng của Điều 604 và ngược lại. Người bị thiệt hại có thể lựa chọn chế định có lợi nhất cho mình” (2). 

Chúng tôi đồng ý với quan điểm trên, vì Điều 604 và Điều 625 không thể ảnh hưởng đến nhau bởi đối tượng điều chỉnh của 2 điều luật này là khác nhau. Điều 604 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra (hành vi này có liên quan hoặc không liên quan đến tài sản) còn Điều 625 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (không liên quan đến hành vi của con người). Do vậy, cũng không thể xem là người bị thiệt hại có thể lựa chọn bất cứ điều nào để áp dụng có lợi cho mình. Bởi lẽ, tư duy này có thể dẫn đến sự tuỳ tiện khi áp dụng pháp luật mà không dựa trên những nguyên tắc và nguyên lý chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo chúng tôi, Bộ luật Dân sự năm 2005 cần khắc phục những quy định thiếu rõ ràng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật liên quan đến tài sản gây ra và trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại để tạo nên sự thống nhất trong quy định về thực tiễn áp dụng pháp luật, góp phần làm ổn định và lành mạnh hoá các quan hệ dân sự.

Thứ hai, Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa xây dựng được các điều kiện cụ thể để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại, nên chưa có sự thống nhất về nội dung trong các trường hợp bồi thường thiệt hại do các tài sản cụ thể gây ra như: (i) Không rõ vấn đề có lỗi hay không có lỗi của chủ sở hữu khi cây cối, súc vật, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong khi Điều 623 quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không cần yếu tố lỗi; (ii) Không quy định về trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra nếu thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng giống như quy định đối với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, do súc vật và do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra. Do vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005 cần có quy định về nguyên tắc chung để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại và những trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại để đảm bảo tính thống nhất trong mọi trường hợp khi tài sản là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Thứ ba, Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa quy định sự khác biệt về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản là động sản hay bất động sản gây ra. Theo lập luận ở trên, chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại được xác định theo thứ tự: Trước hết là người đang chịu trách nhiệm trông coi, quản lý và sử dụng tài sản. Nếu họ chứng minh không có lỗi, thì trách nhiệm đó chuyển sang cho chủ sở hữu của tài sản. Chủ sở hữu của tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại dù có lỗi hay không có lỗi ngoại trừ chứng minh được các nguyên nhân khác dẫn đến thiệt hại xảy ra. Theo cách xác định trên, thì vẫn đặt gánh nặng chứng minh không có lỗi lên người đang có trách nhiệm quản lý, trông coi, sử dụng tài sản trong mọi trường hợp. Quy định của pháp luật làm sao để giảm bớt được những nghĩa vụ cho các chủ thể mà vẫn xác định được chính xác trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đặc tính của động sản và bất động sản là khác nhau ở tính di dời (của động sản) và tính bất di bất dịch (của bất động sản) nên cách thức quản lý, trông coi và sử dụng cũng khác nhau. Khi tài sản là bất động sản gây ra thiệt hại, thì hầu như không chịu sự tác động của con người và cách thức trông coi, sử dụng chúng cũng đơn giản nên không cần đặt ra lỗi của người đang quản lý trông coi, sử dụng chúng. Ví dụ, khi cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng gây ra thiệt hại phần lớn là do tự bản thân tài sản nên chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu chủ sở hữu của công trình xây dựng chứng minh lỗi của người đã thi công và xây dựng, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thiệt hại sẽ được chuyển giao sang cho người thiết kế, thi công công trình, nhà cửa đó. Nếu bất động sản thuộc sở hữu của Nhà nước và Nhà nước đã giao quyền quản lý, sử dụng bất động sản đó cho các chủ thể cụ thể, thì người được giao trông coi, quản lý bất động sản của Nhà nước phải bồi thường thiệt hại. Ví dụ: Cây xanh ven đường thuộc sở hữu nhà nước, nhưng đã giao trách nhiệm trông coi cho Công ty Quản lý môi trường đô thị, thì Công ty này sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại như chủ sở hữu của cây cối. Đối với tài sản là động sản, thì vai trò của người quản lý, trông coi và sử dụng rất quan trọng. Có những tài sản thường xuyên chuyển động do bản tính như động vật hay sử dụng tài sản là đồng nghĩa với việc làm cho tài sản phải chuyển động như các phương tiện giao thông cơ giới… nên cần phải có sự quản lý, trông coi và sử dụng chúng theo những quy tắc cẩn trọng. Do vậy, khi tài sản là động sản gây thiệt hại thì mới cần xét đến nghĩa vụ chứng minh không có lỗi của người chịu trách nhiệm quản lý, trông coi và sử dụng tài sản. Sau đó, mới xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu tài sản là động sản.

Thứ tư, Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa xác định cụ thể chủ thể phải bồi thường thiệt hại khi tài sản gây ra thiệt hại. Việc xác định chính xác chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần dựa trên nguyên nhân gây ra thiệt hại. Chủ thể đầu tiên phải chịu trách nhiệm đó là người đang chịu trách nhiệm quản lý, trông coi tài sản sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi. Nếu không thoả mãn 4 điều kiện bồi thường thiệt hại để xác định trách nhiệm cho người trông coi, sử dụng tài sản (có thiệt hại xảy ra; có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại; có lỗi của người thực hiện hành vi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra), thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về chủ sở hữu của tài sản. Tuy nhiên, cách xác định chủ sở của tài sản gây thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành còn nhiều bất cập khi liên quan đến tài sản có đăng ký quyền sở hữu. Theo quy định của Điều 168  Bộ luật Dân sự năm 2005, thì thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu là thời điểm sang tên. Do vậy, người nào đứng tên trên giấy tờ đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản được khẳng định là chủ sở hữu của tài sản và là người phải chịu trách nhiệm khi tài sản đó gây ra thiệt hại. Thực tiễn các giao dịch dân sự lại phát triển theo một chiều hướng khác, đó là nhiều tài sản có đăng ký quyền sở hữu như ô tô, xe máy, nhà cửa… được mua bán trao tay (không hợp đồng viết tay, cũng không sang tên) hoặc có lập hợp đồng mua bán, tặng cho, hay có sự kiện thừa kế theo pháp luật hay có di chúc nhưng tài sản đó lại chưa được làm thủ tục sang tên cho người mua, người được tặng cho, được thừa kế, thì chủ sở hữu đối với tài sản đó là người đang đứng tên trên giấy tờ sở hữu hay người mua, người được tặng cho, được thừa kế?

Theo chúng tôi, pháp luật dân sự cần xác định rõ hai thời điểm liên quan đến việc xác định quyền sở hữu đối với tài sản, đó là thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản từ người bán, người tặng cho, người cho vay, người để lại di sản thừa kế cho những người mua, người được tặng cho, người vay, người được thừa kế là thời điểm có hiệu lực pháp lý của những giao dịch đó. Kể từ thời điểm đó thì người mua, người được tặng cho, được thừa kế đã có đầy đủ các quyền đối với tài sản cũng như phải chịu trách nhiệm đối với tài sản. Do vậy, người mua, người được tặng cho tài sản thông qua một giao dịch đã phát sinh hiệu lực, thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản đó gây ra ngay cả khi chưa đứng trên chủ sở hữu trên giấy tờ đăng ký quyền sở hữu của tài sản. Thời điểm tiếp theo cần phải được xác định đó là thời điểm hoàn tất thủ tục sang tên cho người mua, người được tặng cho, được thừa kế. Kể từ thời điểm này, thì người mua, người được tặng cho, được hưởng thừa kế có quyền chính thức để xác lập các giao dịch chuyển quyền sở hữu tiếp theo trên tài sản đó. Như vậy, trong hai thời điểm trên, thì trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại được phát sinh kể từ thời điểm thứ nhất (thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản) chứ không phải là thời điểm sang tên đối với tài sản.

Thứ năm, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh của pháp luật trong trường hợp quy định về đối tượng tài sản gây ra thiệt hại và còn giới hạn thiếu căn cứ về khả năng tài sản có thể gây ra thiệt hại. Các quy định của pháp luật hiện hành còn thiếu quy định có tính chất chung nhất cho tất cả các trường hợp khi đối tượng gây ra thiệt hại là tài sản, chứ không phải là hành vi trái pháp luật và có lỗi của con người. Mới có 4 trường hợp tài sản gây ra thiệt hại được điều chỉnh đó là súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng và nguồn nguy hiểm cao độ… nếu gà, vịt, chim, rắn, ong nuôi… gây ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được áp dụng dựa trên căn cứ nào, trong khi chúng cũng chính là tài sản. Ngay trong từng trường hợp đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, thì nội hàm của điều luật cũng chưa điều chỉnh đầy đủ những nguyên nhân mà tài sản gây ra thiệt hại. Điều 626 quy định khi cây cối đổ, gẫy gây ra thiệt hại vậy khi quả trên cây chín rụng… thì có áp dụng điều luật này hay không? Tương tự đối với trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa công trình xây dựng sụp, lở, đổ gây ra thiệt hại mà không điều chỉnh vấn đề nhà nghiêng, nhà gây lún nứt cả nhà liền kề thì có thuộc sự điều chỉnh của điều luật này không?

Thứ sáu, cần có cơ chế hỗ trợ để bảo vệ người bị thiệt hại khi tài sản gây ra thiệt hại là tài sản vô chủ hay tài sản gây ra thiệt hại do sự kiện bất khả kháng.

 Theo Tc Dân chủ – Pháp luật

 

(1). TS. Đỗ Văn Đại, ThS. Nguyễn Trương Tín, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Lý luận, thực tiễn và hướng sửa đổi, Tài liệu Toạ đàm Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nhà Pháp luật Việt – Pháp, 06 & 07/12/2011, Hà Nội.

(2). TS. Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam, Bản án và bình luận bản án, Sách chuyên khảo, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, Hà Nội.

ThS. VŨ THỊ HỒNG YẾN