
Bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế UPR chu kỳ IV
(TCTA) - Bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế UPR chu kỳ IV là minh chứng cho thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, đồng thời là vũ khí phản bác các luận điệu xuyên tạc.
1. Chủ động, minh bạch và hợp tác trong đối thoại bảo vệ Báo cáo quốc gia về quyền con người
UPR (Universal Periodic Review) – hay còn gọi là Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát- là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, được thành lập từ năm 2006 trên cơ sở Nghị quyết 60/251[1]. Cơ chế này xem xét tình hình thực hiện quyền con người ở tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc dựa trên cả các văn kiện có tính ràng buộc pháp lý và cả văn kiện, cam kết có tính khuyến nghị, bao gồm: Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR), các điều ước quốc tế về quyền con người mà quốc gia là thành viên, các quy định của luật nhân đạo quốc tế, và các cam kết chính trị, chính sách, chương trình về quyền con người[2].
Ngày 7/5/2024, tại Geneva (Thụy Sĩ), Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Đây là kỳ bảo vệ quan trọng, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và thiện chí của Việt Nam trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người.
Với 320/321 khuyến nghị được chấp thuận, Việt Nam đã đạt tỷ lệ đồng thuận cao nhất từ trước đến nay, phản ánh thiện chí hợp tác, tinh thần đối thoại xây dựng và cam kết chính trị mạnh mẽ trong lĩnh vực nhân quyền. Tại phiên đối thoại, đoàn Việt Nam đã cung cấp thông tin toàn diện, cập nhật và có tính minh chứng cao về các chính sách, thành tựu và nỗ lực bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên nhiều lĩnh vực.
Ảnh 3: Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ngày 7/5/2024 - Ảnh: TTXVN
2. Thành tựu rõ nét trong bảo đảm quyền con người tại Báo cáo quốc gia chu kỳ IV
Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế UPR chu kỳ IV của Việt đã mô tả tình hình với những dẫn chứng, số liệu cụ thể, thông tin đa chiều về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa cũng như kết quả thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III (với 241 khuyến nghị). Cụ thể như sau:
Thứ nhất, tại chu kỳ III, Việt Nam đã chấp thuận 241 khuyến nghị. Tính đến tháng 12/2023, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả đối với 209 khuyến nghị (chiếm 86,7 %), thực hiện có kết quả một phần và đang tiếp tục thực hiện 30 khuyến nghị (chiếm 12,4%) và đang xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp đối với 02 khuyến nghị (chiếm 0,9%). Không có khuyến nghị nào được chấp nhận mà chưa được xem xét thực hiện[3].
Thứ hai, Báo cáo ghi nhận những tiến bộ quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật. Chỉ tính từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, có 44 luật đã được Việt Nam thông qua, trong đó đa số các văn bản luật này đã trực tiếp hoặc gián tiếp quy định hoặc liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: Luật Thanh niên, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân…[4] Đặc biệt, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và không gian mạng, Việt Nam đã chủ động ứng phó bằng các công cụ pháp lý quan trọng. Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân là những thành tựu pháp lý nổi bật trong giai đoạn này.
Thứ ba, Báo cáo trình bày các thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kinh tế- xã hội, giảm nghèo đa chiều, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng hệ thống an sinh xã hội và cải cách hành chính. Đồng thời, Báo cáo cũng thẳng thắn nêu rõ những khó khăn và thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, như ảnh hưởng của đại dịch, thiên tai, bất bình đẳng vùng miền và năng lực thể chế trong việc bảo đảm đầy đủ mọi quyền cho mọi nhóm xã hội.
Và cuối cùng, Báo cáo khẳng định Việt Nam tiếp tục coi trọng quyền con người là trung tâm trong các chính sách phát triển quốc gia, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế đã tham gia, tích cực xem xét gia nhập các công ước nhân quyền còn lại, tăng cường hợp tác quốc tế và tham vấn rộng rãi các bên liên quan trong quá trình hoạch định chính sách.
Phiên rà soát UPR về Việt Nam được các nước quan tâm cao với hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất. Các kết quả về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được nêu trong Báo cáo đã được nhiều quốc gia thành viên ghi nhận tại phiên bảo vệ, trong đó có những đánh giá tích cực từ nhiều quốc gia.
3. UPR – Cơ chế minh bạch phản bác thông tin sai lệch
Trong bối cảnh các thế lực thù địch và một số tổ chức thiếu thiện chí tiếp tục lan truyền các luận điệu xuyên tạc, việc bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia tại UPR chu kỳ IV đã trở thành một “vũ khí” mạnh mẽ để phản bác thông tin sai lệch.
Từ Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam đã khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và làm rõ các chính sách, pháp luật quan trọng đã được ban hành với mục tiêu bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người trong mọi lĩnh vực. Và những thành tựu quan trọng đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thực tế trong lĩnh vực dân sự chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội được khẳng định và làm rõ trong lại là minh chứng khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương của Đảng và chính sách và pháp luật nhà nước về quyền con người.
Bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế UPR chu kỳ IV là căn cứ để phản bác các luận điệu sai trái về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Ví dụ như ngày 26/02/2024, trong công bố phúc trình Tự do toàn cầu 2025 của tổ chức Freedom House (FH) xếp Việt Nam vào nhóm 67 quốc gia không có tự do với những cáo buộc rằng Việt Nam ngăn chặn quyền truy cập Internet và hạn chế về nội dung của người dùng. Điều đáng chú ý là sau khi Bản báo cáo này được công bố, lần lượt một số các trang tin trên ở nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam tiếp tục có những bài viết, bài bình luận, những bổ sung, thêm thắt thêm những sự kiện, thông tin bịa đặt, xuyên tạc để vu cho Việt Nam độc tài, đàn áp tự do ngôn luận, Internet.... .[5] Hay tương tự, Báo cáo Thế giới 2024 của Human Rights Watch (HRW) về Việt Nam đưa ra nhiều nhận định tiêu cực về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. HRW cáo buộc chính quyền Việt Nam “đàn áp có hệ thống các quyền cơ bản của công dân như tự do biểu đạt, hội họp, tôn giáo, đi lại và lập hội”.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva. Ảnh Liên Hiệp Quốc/Jean-Marc Ferré
Nội dung Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế UPR chu kỳ IV đã nêu rõnhững thành tựu trong bảo đảm quyền con người của Việt Nam trong đó nêu rõ “Đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền được thông tin cho mọi người dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật; được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Báo chí phát triển không ngừng, trở thành diễn đàn ngôn luận của Nhân dân, của các tổ chức xã hội, là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Tại thời điểm tháng 9/2023, Việt Nam có 06 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 798 cơ quan báo chí (bao gồm 127 báo và 671 tạp chí). Theo số liệu cuối năm 2024, Việt Nam có 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình; 78 kênh phát thanh trong nước, 194 kênh truyền hình trong nước, 45 kênh truyền hình nước ngoài; có 9.959 đài truyền thanh cấp xã trên 10.500 xã, phường, thị trấn (trong đó có 1.799 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên hạ tầng internet). Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có hơn 78 triệu người sử dụng internet (xếp thứ 13 thế giới về số lượng người dùng, tăng 21% so với năm 2019), số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu (tăng 38% so với năm 2019). Tốc độ truy cập internet băng rộng di động đạt 48,29 Mbps (tăng 26,28% so với năm 2022), xếp thứ 45 và cao hơn trung bình thế giới là 42,35 Mbps). Mạng lưới viễn thông phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học và 78,3% số hộ gia đình. …” Với những nội dung này, Việc Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV chính là căn cứ pháp lý, chính trị, khách quan, quan trọng để phản bác những luận điệu sai trái, phiến diện kể trên.
4. Khẳng định cam kết và con đường đúng đắn
Bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV là minh chứng hùng hồn khẳng định: chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người là đúng đắn, phù hợp với Hiến pháp, luật pháp quốc tế và thực tiễn phát triển của đất nước.
Sự kiện này tiếp tục củng cố hình ảnh một Việt Nam tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời bác bỏ các luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam – vốn được lan truyền có chủ ý nhằm gây tổn hại đến uy tín quốc gia.
[1] United Nations General Assembly, ‘60/251. Human Rights Council’ <https://www2.ohchr.org/english/bodies/hrcouncil/docs/a.res.60.251_en.pdf>.
[2] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Tường Duy Kiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Hải (Đồng chủ biên), Cơ Chế Quốc Tế, Khu Vực và Quốc Gia về Thúc Đẩy và Bảo vệ Quyền Con Người (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật 2022) 49.
[3] Bộ Ngoại giao Việt Nam (2024), Phụ lục Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV tại https://www.mofa.gov.vn/vi/ctc_quocte/ptklk/nr040819162124/ns240415230841/view truy cập ngày 01/05/2025
[4] Ví dụ như Bộ luật lao động năm 2019, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Điện ảnh 2019, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Cư trú năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2020, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự 2021, Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) 2021, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022, Luật Căn cước 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2023, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023... Ngoài ra, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết liên quan trực tiếp đến quyền con người như Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội...
[5] Hà Nhân (2024),Báo Nhân Dân điện tử tại https://nhandan.vn/lai-tai-dien-luan-dieu-xuyen-tac-ve-tu-do-va-nhan-quyen-o-viet-nam-post863557.html truy cập ngày 01/05/2025
Tài liệu tham khảo
- Freedom House. (2024). Freedom in the World 2025. https://freedomhouse.org
- VietnamPlus. (2024, May 7). Vietnam triumphs at UN human rights review. https://en.vietnamplus.vn/vietnam-triumphs-at-un-human-rights-review-official-post297523.vnp
- Văn phòng Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. (2024). Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam. https://upr2024.mofa.gov.vn
- United Nations General Assembly, ‘60/251. Human Rights Council’ <https://www2.ohchr.org/english/bodies/hrcouncil/docs/a.res.60.251_en.pdf>.
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Tường Duy Kiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Hải (Đồng chủ biên), Cơ Chế Quốc Tế, Khu Vực và Quốc Gia về Thúc Đẩy và Bảo vệ Quyền Con Người (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật 2022) 49.
- Bộ Ngoại giao Việt Nam (2024), Phụ lục Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV tại https://www.mofa.gov.vn/vi/ctc_quocte/ptklk/nr040819162124/ns240415230841/view truy cập ngày 01/05/2025
- Hà Nhân (2024),Báo Nhân Dân điện tử tại https://nhandan.vn/lai-tai-dien-luan-dieu-xuyen-tac-ve-tu-do-va-nhan-quyen-o-viet-nam-post863557.html truy cập ngày 01/05/2025
Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva tham dự phiên khai mạc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa 58. (Ảnh minh họa - Anh Hiển/TTXVN).
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chức năng của Tòa án và một số nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Trao đổi thêm về giá trị của Bộ luật Gia Long
-
TANDCC tại Hà Nội quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
-
Khởi tố Phó Chủ tịch và Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kiến Xương, Thái Bình
Bình luận