.jpg)
Bất cập quy định về lãi suất cho vay áp dụng đối với thẻ tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng
Thực tiễn giải quyết các hợp đồng cho vay thông qua thẻ tín dụng tiêu dùng trong thời gian qua phát sinh nhiều vấn đề bất cập cần phải luận bàn liên quan đến mức lãi suất mà một số công ty tài chính, tổ chức tín dụng vượt cao hơn dẫn đến khả năng trả nợ của những người đang khó khăn về mặt tài chính gần như không thể trả được nợ. Do đó, việc Tòa án chấp nhận mức lãi suất rất cao theo thỏa thuận giữa các tổ chức tín dụng với bên vay theo Điều 100 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 là không bảo đảm nguyên tắc trong quan hệ dân sự.
Đặt vấn đề
Cho vay tiêu dùng thông qua hình thức cấp thẻ tín dụng là hình thức tổ chức tín dụng cho các cá nhân vay ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho đời sống thiết yếu trong thời đại công nghệ số 4.0. Và đối tượng vay thường là những cá nhân có khó khăn về tài chính mà họ cần giải quyết nhu cầu đời sống thiết yếu nhưng họ lại không tiên liệu được số tiền lãi phải trả với mức lãi suất rất cao trong trường hợp một số tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoặc ngân hàng căn cứ vào việc lãi suất cho vay trong tiêu dùng hoàn toàn do sự tự thỏa thuận giữa các bên mà không bị điều chỉnh bởi một nguyên tắc chung quy định của BLDS. Chẳng hạn như vụ việc vay 8,5 triệu phải trả khoản nợ lên đến 8,8 tỷ đồng1 đã xảy ra tại Quảng Ninh. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích những vấn đề lý luận, nguyên tắc cơ bản của pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự và thực tiễn giải quyết các hợp đồng cho vay thông qua thẻ tín dụng tiêu dùng trong thời gian qua; từ đó chỉ ra một số vấn đề bất cập cần phải luận bàn liên quan đến mức lãi suất mà một số công ty tài chính, tổ chức tín dụng đưa ra vượt cao hơn (thậm chí cao hơn rất nhiều) mức 20% mà BLDS đã quy định, dẫn đến khả năng trả nợ của những người đang khó khăn về mặt tài chính gần như không thể.
1. Quy định chung về lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng trước ngày 15/3/2019[2]
Hoạt động cho vay được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự trong trường hợp cho vay thuần tuý dân sự, trừ trường hợp các tổ chức tín dụng (CTCTD), công ty tài chính thì được điều chỉnh riêng bởi pháp luật nội dung. Pháp luật dân sự thuần tuý đã quy định minh thi đối với lãi suất trần đối với hoạt động cho vay là 20% (trường hợp có thỏa thuận lãi). Trong khi đó, mức lãi suất đối với trường hợp vay thông qua hình thức cấp thẻ tín dụng tiêu dụng của CTCTD, ngân hàng được điều chỉnh bởi Luật CTCTD và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - nghĩa là mọi thỏa thuận mức lãi suất của các tổ chức tín dụng, ngân hàng vi phạm các văn bản hướng dẫn của NHNN đều xem là vi phạm, nghĩa là phải tuân theo sự hướng dẫn của NHNN bằng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết áp dụng mức lãi suất cho vay tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất[3].
Tại Điều 51 Luật CTCTD năm 1997 quy định “… lãi suất… được các bên thỏa thuận”. Điều 91 Luật CTCTD năm 2010, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. 2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. 3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”.
Và theo Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận đã quy định: “Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất cho vay ở mức hợp lý, trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, tiết kiệm chi phí hoạt động, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là khu vực nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp với mức biến động của lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam và mục tiêu, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”; và “Tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam theo phụ lục kèm theo Thông tư này và các văn bản của tổ chức tín dụng quy định về lãi suất cho vay ngay sau khi ban hành”. Như vậy, tổ chức tín dụng bắt buộc phải niêm yết công khai lãi suất cho vay để người vay được biết khi ký kết hợp đồng vay tiêu dùng. Và khoản 2 Điều 15 Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng cũng quy định: “Việc cho vay theo hạn mức thấu chi đối với thẻ ghi nợ của tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ theo các quy định hiện hành của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước về cho vay”.
Đối với CTCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài thì NHNN quy định lãi suất tại Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng cụ thể như sau:
“1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn …;
3. Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó;
4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
5. Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất”.
Theo Điều 1 Quyết định 2416/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019 của NHNN quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN như sau:
“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 6,0%/năm.
2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 7,0%/năm”.
Như vậy, trước khi Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định về lãi, lãi suất và phạt vi phạm có hiệu lực thi hành thì việc giải quyết tranh chấp liên quan đến lãi, lãi suất đối với các hợp đồng tín dụng trong lĩnh vực tiêu dùng cũng như trong các hợp đồng tín dụng khác, Tòa án phải tiến hành xác minh, thu thập các văn bản hướng dẫn tại NHNN Việt Nam quy định về mức lãi suất qua các thời kỳ, làm căn cứ xác định mức lãi suất để giải quyết đúng quy định pháp luật. Theo đó, mức lãi suất trong hạn mà các ngân hàng có quyền thỏa thuận với khách hàng phải phù hợp theo mức lãi suất do NHNN ấn định, tức không được cao hơn mức 9%/năm; lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn. Điều này cũng phù hợp theo quy định pháp luật dân sự “thuần tuý” được quy định tại Điều 473 BLDS năm 1995: “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng nhà nước quy định đối với loại cho vay tương ứng. 2. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi trong việc vay, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất, thì áp dụng lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”; Điều 476 BLDS 2005: “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. 2. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”; và Điều 468 BLDS 2015: “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
2. Áp dụng lãi suất cho vay đối với hợp đồng tín dụng sau ngày 15/3/2019
Tại Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định: “1. Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất. 2. Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất”.
Điều 100 Luật CTCTD năm 2024 giữ nguyên như Điều 91 Luật CTCTD năm 2010, được sửa đổi, bổ sung năm 2017: “1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. 2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. 3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”.
Theo Điều 1 Quyết định 1125/QĐ-NHNN ngày 16/06/2023 của NHNN quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:
“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,0%/năm. 2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,0%/năm”.
Như vậy, kể từ ngày Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành thì đối với lãi suất hợp đồng tín dụng phải căn cứ vào luật chuyên ngành và các văn bản chuyên ngành để giải quyết, không được áp dụng BLDS để giải quyết tranh chấp về lãi suất. Và mức lãi suất mà một số công ty tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước cho vay tiêu dùng trong thời gian qua yêu cầu Tòa án giải quyết vượt cao hơn mức 20% mà BLDS đã quy định, lúc lãi suất trong hạn một số ngân hàng khởi kiện tại Tòa gần 40%/năm, lãi suất quá hạn có khi 60%/năm, thậm chí như trường hợp ở Quảng Ninh mức lãi suất mà ngân hàng tính đến 88%/năm, mà chưa tính đến phí, phạt do vi phạm nghĩa vụ trả tiền vay, như vụ việc vay 8,5 triệu phải trả khoản nợ lên đến 8,8 tỷ đồng[4] đã xảy ra tại Quảng Ninh. Qua thực tiễn xét xử thấy rằng, khách hàng khi vay không biết rõ mức lãi suất mà công ty tài chính, tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước niêm yết công khai là bao nhiêu và không thấy việc ngân hàng niêm yết công khai mức lãi suất đối với loại hình cho vay thông qua cấp thẻ tín dụng.
Ngày 05/3/2024, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 18/CĐ-TTg, theo đó yêu cầu Thống đốc Ngân hàng “… Thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp…”. Ngày 27/11/2024, NHNN Việt Nam có công văn số 9774/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai các biện pháp nhằm ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay[5].
Từ thực trạng quy định mức lãi suất mà một số công ty tài chính, tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng, qua nghiên cứu các quy định pháp luật về lãi suất trong lĩnh vực tín dụng để áp dụng giải quyết thì còn có hai luồng quan điểm như sau:
Luồng quan điểm thứ nhất: Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng theo thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng đó ấn định và niêm yết, không phụ thuộc vào giới hạn lãi suất mà Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định. Luồng quan điểm này được hiểu là, nếu lãi suất trong hợp đồng tín dụng mà các bên thỏa thuận vượt quá quy định về lãi suất do BLDS quy định tại thời điểm ký kết cũng không được bị xem là vi phạm. Và khi giải quyết tranh chấp, các Tòa án cần tôn trọng sự thỏa thuận lãi suất đó giữa các bên.
Luồng quan điểm thứ hai: Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng theo thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định pháp luật - theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng đó ấn định và niêm yết tại từng thời nhưng phải đúng theo văn bản hướng dẫn do Ngân hàng Nhà nước quy định về lãi, lãi suất có hiệu lực tại thời điểm điều chỉnh lãi, lãi suất. Luồng quan điểm này được hiểu là lãi suất các bên thỏa thuận tại thời điểm ký kết và điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng phải đúng theo các văn bản hướng dẫn của NHNN, đồng thời, mức lãi suất các bên thỏa thuận phải được CTCTD báo cáo bằng văn bản cho NHNN, công bố công khai tại trụ sở bên cho vay và phải thông báo cho bên vay biết trước khi các bên ký kết hợp đồng vay. Nghĩa là, CTCTD muốn ấn định mức lãi suất phải dựa theo nguyên tắc, công thức tính lãi suất (lãi suất cho vay = lãi suất huy động vốn (lãi suất tiết kiệm cao nhất hoặc lãi suất tiền gửi trung dài hạn hoặc lãi suất cơ quan) + biên độ lãi suất (là biên độ lợi nhuận, là phần trăm chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, lãi suất huy động, thông thường không vượt quá 5%)).
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi vì:
- Thứ nhất, NHNN là cơ quan chuyên môn, có chức năng ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; có nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ, là tổng thể các biện pháp chính sách của NHNN tác động làm thay đổi cung tiền và lãi suất, qua đó tác động đến tăng trưởng, lạm phát và công ăn việc làm cho nền kinh tế của quốc gia; NHNN đưa ra các biện pháp điều hành lãi suất thích hợp, đảm bảo và hiệu quả mặt bằng lãi suất, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thực hiện cho mục tiêu ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối; đồng thời còn đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng của các tổ chức ngân hàng, tín dụng. Và thực tế NHNN quy định mức lãi suất trần, mức lãi suất ngắn hạn tối đa cho CTCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài với khách hàng, nhưng chưa có văn bản nào của NHNN có quy định mức lãi suất ngắn hạn tối đa đối với CTCTD, công ty tài chính, ngân hàng trong nước về hoạt động cho vay thông qua thẻ tín dụng tiêu dùng. Điều này không bảo đảm sự công bằng, dễ dẫn đến việc tuỳ nghi mức lãi suất cho vay thông qua thẻ tín dụng tiêu dùng CTCTD, công ty tài chính, ngân hàng trong nước.
- Thứ hai, đây cũng là nguyên tắc cơ bản của Tòa án khi giải quyết tranh chấp “đảm bảo công bằng, bình đẳng” để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghĩa là, bản chất cho vay thông qua thẻ tín dụng tiêu dùng cũng là quan hệ dân sự nên phải chịu sự điều chỉnh chung của BLDS; đồng thời, luật chuyên ngành cũng phải phù hợp theo BLDS “luật gốc, luật mẹ” vì xét cho cùng hoạt động cho vay tín dụng cũng là quan hệ dân sự.
3. Những bất cập và đề xuất, kiến nghị
Từ các quy định trên cho thấy lãi suất cho vay trong các hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng thương mại khác nhau ở biên độ lãi suất và lãi suất tiết kiệm, phụ thuộc vào từng thời điểm các văn bản do NHNN ban hành. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra, Thẩm phán nói riêng và các cấp Tòa nói chung phải xác minh, thu thập đầy đủ các văn bản hướng dẫn của NHNN quy định về mức lãi suất tiết kiệm hoặc phương pháp tính lãi tiền gửi tiết kiệm do của NHNN Việt Nam ban hành vào từng thời điểm.
Ngoài ra, Tòa án còn xác định biên độ lãi suất do các bên thỏa thuận trong quá trình thực hiện hợp đồng khi có sự điều chỉnh, thay đổi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào của NHNN quy định giới hạn về biên độ lãi suất cho các ngân hàng thương mại, điều này gây khó khăn cho Tòa án trong việc xác định lãi suất cho vay trong hợp đồng tín dụng khi các bên tranh chấp mà liên quan đến việc điều chỉnh, thay đổi biên độ lãi suất, thông thường ngân hàng là bên “thế mạnh” nếu áp dụng theo Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP và hiểu theo quan thứ nhất đã phân tích trên, nghĩa là không áp dụng các quy định của BLDS quy định khi có tranh chấp về lãi suất thì Tòa án xác định không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố như cách áp dụng phổ biến trước ngày 15/3/2019 mà Tòa án đã áp dụng.
Từ những bất cập trên, tác giả kiến nghị như sau:
Một là, kiến nghị TANDTC sớm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP cụ thể như sau:
Điều 7. Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng
“1a. Lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng là lãi suất ngắn hạn. Mức lãi suất cho vay trong hoạt động cho vay tiêu dùng của Tổ chức tín dụng trong nước do Tổ chức tín dụng trong nước và khách hàng thỏa thuận theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và tại khoản 2 Điều 100 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 như sau:
Lãi suất cho vay trong hoạt động cho vay tiêu dùng bằng lãi suất huy động vốn (lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất cộng biên độ lãi suất; biên độ lãi suất không được vượt quá 5%”.
Bỏ khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP.
Hai là, NHNN Việt Nam sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về mức lãi suất cho vay trong hoạt động cho vay tiêu dùng đối với CTCTD, Công ty tài chính, Ngân hàng thương mại trong nước NHNN, đảm bảo thực hiện chức năng quản lý kinh tế của nhà nước, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa CTCTD.
Thứ ba, NHNN sớm ban hành các văn bản yêu cầu CTCTD, Công ty tài chính, Ngân hàng thương mại trong nước phải niêm yết về lãi suất cho vay trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng, niêm yết công khai trại trụ sở; và báo cáo về mức lãi suất cho vay theo định kỳ phải đảm bảo tuân thủ theo các văn bản hướng dẫn do NHNN ban hành.
Kết luận
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động từ dịch bệnh Covid-19 và tình hình thế giới diễn biến phức tạp, một số ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính lại cho vay tiêu dùng với mức lãi suất rất cao cần phải xem xét.
1 Uyên Phương, Vụ vay 8,5 triệu vọt lên 8,8 tỷ đồng: Lỗi tại ai?, https://tienphong.vn/vu-vay-85-trieu-vot-len-88-ty-dong-loi-tai-ai-post1620664.tpo, truy cập ngày 06/02/2025.
[2] Ngày có hiệu lực thi hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
[3] Khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
[4] Phương Uyên, Tlđd(1).
[5] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV619451&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=9793713625498774#%40%3F_afrLoop%3D9793713625498774%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV619451%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D19tpkun46k_9, truy cập ngày 06/02/2025.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chức năng của Tòa án và một số nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự
-
Trao đổi thêm về giá trị của Bộ luật Gia Long
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
TANDCC tại Hà Nội quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
-
Khởi tố Phó Chủ tịch và Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kiến Xương, Thái Bình
Bình luận