Bổ sung người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện

Trong quá trình giải quyết vụ án nếu xét thấy cần thiết Tòa án có thể thông báo bổ sung người tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định cần được sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn áp dụng thống nhất.

1. Quy định của pháp luật

Khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định:

“1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 13 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP quy định:

“2. Trong trường hợp Toà án nhận được đơn về yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết trong cùng một vụ án, thì thời hạn chuẩn bị xét xử được xác định từ ngày hoàn thành thủ tục phản tố, yêu cầu độc lập… ” 

Trong quá trình giải quyết vụ án nếu xét thấy cần thiết Tòa án có thể thông báo bổ sung người tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 68 BLTTDS.

2. Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng

Trong thực tiễn xét xử, những trường hợp nêu trên đều được áp dụng để tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử. Tuy nhiên, có trường hợp Tòa án vẫn tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử trong một số trường hợp khác như khi đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng hoặc khi nhập, tách vụ án.

21. Về tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử khi đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng

Quan điểm thứ nhất cho rằng, sau khi đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng thì Tòa án phải tiến hành lại thủ tục kiểm tra việc tiếp cận, giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải, phải tiến hành thêm các bước thu thập chứng cứ nên phải tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày ra thông báo đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng.

Quan điểm thứ hai cho rằng, như đã viện dẫn các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về tính thời hạn chuẩn bị xét xử, chưa có quy định thời hạn chuẩn bị xét xử được tính từ ngày Tòa án thông báo đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng. Mặt khác, theo điểm b khoản 2 Điều 204 BLTTDS có quy định “xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác” là thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Do đó, việc Thẩm phán đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng và tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử là chưa phù hợp quy định của pháp luật.

Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai, bởi lẽ thực tế đã có trường hợp Thẩm phán lạm dụng việc đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng để được tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử. Chẳng hạn như đưa mỗi lần một hoặc vài người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử lại đưa tiếp một người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nữa, cứ như vậy làm vụ án kéo dài thời gian giải quyết, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Tuy nhiên, hiện nay luật chưa quy định rõ nếu đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng thì trình tự thủ tục tiếp theo sẽ được thực hiện như thế nào, hiện cũng không có biểu mẫu cụ thể về việc bổ sung người tham gia tố tụng dẫn đến mỗi địa phương có cách thực hiện khác nhau.

Cụ thể, một số Tòa án địa phương ban hành thông báo bổ sung người tham gia tố tụng và ấn định trong hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo đương sự phải làm văn bản trình bày ý kiến và cung cấp tài liệu chứng cứ nếu có cho Tòa án để làm căn cứ giải quyết vụ án. Một số Tòa án địa phương ấn định trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo đương sự phải làm văn bản trình bày ý kiến và cung cấp tài liệu chứng cứ nếu có cho Tòa án để làm căn cứ giải quyết vụ án. Ngoài ra, một số Tòa án địa phương chỉ thông báo bổ sung người tham gia tố tụng mà không ấn định thời hạn như đã nêu trên dẫn đến cách thức thực hiện không thống nhất.

2.2. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được bổ sung tham gia tố tụng có yêu cầu độc lập

Vấn đề đặt ra, sau khi ban hành thông báo bổ sung người tham gia tố tụng thì Tòa án có phải mở phiên họp kiểm tra tiếp cận, giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải hay không. Chúng tôi cho rằng sau khi bổ sung người tham gia tố tụng Tòa án cần tiến hành thêm các bước thu thập chứng cứ và mở lại phiên họp kiểm tra việc tiếp cận, giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải. Vậy trong trường hợp người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được bổ sung tham gia tố tụng có yêu cầu độc lập thì thời hạn yêu cầu độc lập được tính từ thời điểm nào?

Theo BLTTDS năm 2015, quyền yêu cầu phản tố của bị đơn và quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nhưng phải trước ngày mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Vậy khi thụ lý yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập thì thời hạn chuẩn bị xét xử có được tính lại hay không?

Theo các tác giả, nếu vụ án có thêm yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập thì vụ án có nhiều quan hệ, tranh chấp hơn so với vụ án đã được thụ lý từ đầu. Do đó, nếu không tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp này thì Thẩm phán khó có thể xem xét giải quyết vụ án đúng thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định.

Vì vậy, chúng tôi đề xuất bổ sung quy định tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử tại khoản 1 Điều 203 BLTTDS năm 2015 đối với các trường hợp thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập.

Về thời điểm cuối cùng đưa ra yêu cầu độc lập sau khi bổ sung người tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đã được quy định trong BLTTHS 2015, cụ thể khoản 2 Điều 201 quy định: 2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.”

Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù khoản 2 Điều 201 đã quy định như trên nhưng khoản 2 Điều 210 cũng quy định khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây: “a) Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết…”. Do đó, có thể xác định thời điểm cuối cùng bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa ra yêu cầu độc lập là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất và không đồng tình với quan điểm thứ hai bởi các lẽ sau:

(1) Quy định tại khoản 2 Điều 201 như trên là đã rõ ràng, đó là thời điểm cuối cùng bị đơn được đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được đưa ra yêu cầu độc lập là trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

 (2) Quy định tại khoản 2 Điều 210 là quy định về việc Thẩm phán hỏi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về yêu cầu và phạm vi, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập chứ không phải là hỏi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập hay không. Do đó, cách hiểu theo quan điểm thứ hai là không đúng với tinh thần quy định của Luật.

Như vậy, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Do đó, tại hoặc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập thì không chấp nhận. Yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, về bản chất, cũng là yêu cầu khởi kiện nên yêu cầu này có thể được khởi kiện bằng vụ án độc lập. Do đó, khi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không thực hiện quyền yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của mình trong thời hạn luật định (trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải).

2.3. Sau khi được bổ sung tham gia tố tụng mới có yêu cầu độc lập

Vấn đề đặt ra là trước khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được bổ sung tham gia tố tụng thì Tòa án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Vậy sau khi họ được bổ sung tham gia tố tụng thì họ có được quyền yêu cầu độc lập hay không?

Trường hợp này thực tế có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, nếu Tòa án đã mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trước khi thông báo bổ sung người tham gia tố tụng thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có quyền yêu cầu độc lập, nếu họ có yêu cầu thì phải khởi kiện kiện bằng vụ án khác. Trường hợp cần thiết phải giải quyết yêu cầu trong cùng vụ án thì Tòa án có thể tiến hành nhập vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 42 BLTTDS 2015.

Quan điểm thứ hai cho rằng, sau khi Tòa án thông báo bổ sung người tham gia tố tụng thì Tòa án sẽ mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải và họ có quyền yêu cầu độc lập trước khi Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà họ được thông báo tham gia.

Tác giả thống nhất với quan điểm thứ hai, bởi lẽ trước khi được bổ sung tham gia tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không nắm được nội dụng vụ án, không biết được yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn nên không thể đưa ra yêu cầu đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Sau khi được thông báo bổ sung tham gia tố tụng họ mới có cơ sở để yêu cầu độc lập nên cần xác định thời điểm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu độc lập là thời điểm họ được thông báo bổ sung tham gia tố tụng và trước khi Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà họ được thông báo tham gia. Hơn nữa, nếu theo quan điểm thứ nhất thì người có quyền lợi nghĩa vụ, liên quan phải khởi kiện kiện bằng vụ án khác. Trường hợp cần thiết phải giải quyết yêu cầu trong cùng vụ án thì Tòa án có thể tiến hành nhập vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 42 BLTTDS 2015 là chưa đảm bảo quyền lợi của họ vì thời hạn chuẩn bị xét xử sau khi nhập vụ án hiện còn nhiều quan điểm khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến quyền và lơi ích hợp pháp của người được Tòa án bổ sung tham gia tố tụng.

3. Kiến nghị

Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết các vụ án dân sự, Tòa án nhân dân tối cao cần bổ sung quy định về tính thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, ban hành biểu mẫu về thông báo bổ sung người tham gia tố tụng và có hướng dẫn về thời điểm cuối cùng đưa ra quyền yêu cầu yêu cầu độc lập của người được Tòa án bổ sung tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

 

TAND tỉnh Cà Mau tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự phúc thẩm -Ảnh: Duy Linh

ThS NGUYỄN BÍCH NHƯ, ThS. PHẠM VIỆT TRUNG (Tòa án nhân dân tp Cà Mau, tỉnh Cà Mau)