Các bị cáo phạm tội “Giết người” hay “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”?

Trong thực tiễn, một số vụ án hình sự việc xác định ranh giới để phân biệt tội này với tội kia rất mong manh, có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về việc xác định tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự; có thể kế đến như giữa tội “Giết người” và tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người.

Bài viết này, tác giả nêu ra một tình huống như vậy để bạn đọc tham gia góp ý, trao đổi: Khoảng 20g30, ngày 05/4/2017, A và B đi làm về ghé quầy tạp hóa để mua món nhậu thì gặp nhóm thanh niên gồm K, V và một số thanh niên khác đang ngồi uống bia ở đấy. Do có quen biết một số người nên A có nói “Chúng mày đang uống bia à?” và ngồi vào ghế trong bàn. Nghe A nói vậy, K hỏi lại “Mày có quen biết ai ở đây không mà lại xưng hô chúng mày?”. A trả lời “Có biết mày là con cô T”. K lại nói: “Mới đi làm về thì mua thùng bia mấy anh em uống cho vui”. A trả lời “Tao không uống bia, tao chỉ uống rượu, chúng mày qua nhà tao ngồi nhậu”. Nghe A nói, K không đồng ý và nói “Giờ qua nhà thì phiền lắm, giờ này để bố mẹ mày nghỉ ngơi”. Nghe K nói vậy thì A nói với B gọi bia ra uống cùng với cả nhóm. Trong quá trình ngồi nhậu, A có xưng hô mày – tao với những người còn lại, trong đó có một người lớn tuổi hơn A. K lại nói với A “Mày mấy tuổi mà xưng mày tao?”. A nghe vậy thì nói “Tao không biết, tao xin lỗi”. Nói rồi A rót bia vào 2 ly mời người anh lớn tuổi hơn A uống.

Đến khoảng 22g cùng ngày, chủ quán nói cả nhóm đi về để đóng quán. Cả nhóm đứng dậy thanh toán rồi ra ngoài đường phía trước quầy tạp hóa đứng chơi. K lại đi tới chỗ A hỏi “Sao mày hỗn vậy?”. Nói rồi, K vung tay phải đấm vào mặt bên trái A, bị bất ngờ và đau, A ngồi xuống hai tay ôm mặt. Nhóm thanh niên thấy vậy, can ngăn, kéo K ra xa khoảng 5m, K ngồi xuống bên đường. Một lúc sau, A đứng dậy chạy tới chỗ K và hỏi “K ơi, sao mày đánh tao?”. V thấy vậy thì chạy tới xô A bằng 2 tay nhưng A không ngã, nhóm thanh niên lại tới kéo V ra. Trong khi đó, K lại tiếp tục nhảy vào đấm vào mặt trái của A một cái nữa làm A ngã nằm nghiêng xuống đường. K tiếp tục lấy chân phải đạp vào đầu A, nhóm thanh niên tiếp tục kéo K ra thì K lại dùng chân phải đá vào phần trước mặt A một cái nữa. V lại chạy vào đá liên tiếp 02 cái vào ngực A. Thấy A bị bất tỉnh, mặt mũi ra nhiều máu, 2 thanh niên trong nhóm lấy xe mô tô đưa A đi cấp cứu nhưng A đã tử vong trên đường đi.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về tử thi có xác định nguyên nhân chết của A là: Chấn thương sọ não (dấu hiệu chính qua giám định: Chấn thương sọ não, thái dương đỉnh phải, chẩm phải và thái dương đỉnh trái có các khối sưng nề, trên nền khối sưng nề có bầm tụ máu; tổ chức dưới da và vùng thái dương hai bên bầm tụ máu; tụ máu lan tỏa dưới màng cứng vùng thái dương, đỉnh, chẩm bán cầu đại não hai bên, tụt hạnh nhân tiểu não).

Về tình huống này, có hai ý kiến khác nhau về việc xác định tội danh đối với các bị cáo K, V: 

Ý kiến thứ nhất cho rằng, K và V phạm tội “Giết người” vì trong thực tiễn xét xử, nhiều trường hợp những người tiến hành tố tụng cho rằng nếu hành vi phạm tội (tương tự như cố ý gây thương tích: Đấm, đá, đâm, chém…) làm cho nạn nhân chết ngay tại chỗ, hoặc sau vài giờ mới chết thì nên truy tố về tội “Giết người”. Cần phải căn cứ vào hành vi, hậu quả và mối quan hệ biện chứng giữa hành vi và hậu quả để định tội danh. Trong trường hợp này, A đã tử vong trên đường được đưa đi cấp cứu nên cần phải truy tố về tội “Giết người”. 

Ý kiến thứ hai cho rằng K và V phạm tội “Cố ý gây thương tích” với hậu quả dẫn đến chết người vì cho rằng hành vi của K và V không có ý thức cố ý tước đoạt mạng sống của bị hại, việc bị hại chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của các bị cáo.

Tác giả đồng quan điểm đối với ý kiến thứ hai là các bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” với hậu quả dẫn đến chết người qua những phân tích sau:

Đầu tiên ta phải nắm một số điểm cơ bản để phân biệt tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích” với hậu quả dẫn đến chết người. Tội giết người được quy định tại Điều 123, tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người được quy định tại Điều 134 BLHS 2015 .

Theo đó, hai tội này đều có những điểm giống nhau là có hành vi làm chết người và có hậu quả làm chết người, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Điểm khác nhau cơ bản và quan trọng nhất để phân biệt tội giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến chết người là ở mục đích phạm tội và lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội; ngoài ra còn một số yếu tố khác:

+ Mục đích của hành vi phạm tội:

– Tội giết người: Người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

– Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.

+ Xác định mức độ, cường độ tấn công

– Tội giết người: Mức độ tấn công nhanh và liên tục với cường độ tấn công mạnh có thể gây chết người.

– Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Mức độ tấn công yếu hơn và không liên tục dồn dập với cường độ tấn công nhẹ hơn.

+ Vị trí tác động trên cơ thể:

– Tội giết người: Thường là những vị trí trọng yếu trên cơ thế như vùng đầu, ngực, bụng,…

– Tối cố ý gây thương tích dẫn đến chết người: Thường là những vị trí không gây nguy hiểm chết người như vùng vai, tay, chân, v.v…

+ Vũ khí, hung khí sử dụng và các tác nhân khác:

Xác định hung khí, vũ khí sử dụng hoặc các tác nhân khác: Việc xác định vũ khí, hung khí tấn công như súng, dao, gậy…cũng là yếu tố quan trọng nhằm phân biệt hai tội này.

+ Yếu tố lỗi:

– Tội giết người: Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Trong trường hợp một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra thì được xác định là lỗi cố ý gián tiếp.

– Tội cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người: Người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.

– Trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích, người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ.

– Trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra muốn sao cũng được, nếu hậu quả là gây thương tích thì định tội cố ý gây thương tích, nếu hậu quả là chết người thì người phạm tội phạm vào tội giết người.

Trong tình huống trên, K, V thực hiện hành vi khi đã uống bia rượu, tuy nhiên theo quy định tại Điều 13 BLHS năm 2015, thì K, V vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Xét hành vi của K và V thì thấy rằng hành vi xuất phát từ mâu thuẫn của K, V với A xung quanh việc xưng hô không lịch sự, hai bên có nói qua nói lại với nhau về vấn đề này, nhưng không thể dung hòa mâu thuẫn. Trong trường hợp này, K thực hiện hành vi bằng tay không mà không dùng hung khí, thực hiện các hành vi như đấm vào mặt, đạp vào đầu, đá vào mặt là những hành vi tương tự như với hành vi cố ý gây thương tích, hơn nữa, trong lúc xảy ra xô xát thì K và A có nói qua nói lại, đôi co với nhau xoay quanh vấn đề mâu thuẫn lúc mới gặp. Như vậy, K chỉ muốn dằn mặt, cảnh cáo A chứ không hề muốn tước đoạt tính mạng của A, một phần cũng có thể vì men bia rượu dẫn đến hạn chế một phần năng lực hành vi. Xét trường hợp nếu K muốn tước đoạt tính mạng của A thì có thể thực hiện ngay từ lúc nảy sinh bực tức (gọi là lỗi cố ý đột xuất), hoặc sau lúc cùng ngồi uống bia với nhau rồi ra ngoài đường trước quán tạp hóa, rõ ràng K có đủ điều kiện để chuẩn bị mọi thứ thuận tiện cho việc tước đoạt tính mạng của A (gọi là lỗi cố ý có dự mưu). Cần phải cân nhắc rằng, trong trường hợp giết người, K phải thực hiện một loạt hành vi một cách mãnh liệt hơn nữa, vì hành động cố ý gây thương tích và hành động cố ý tước đoạt tính mạng khác nhau về tính chất, mức độ; hơn nữa, hành vi của K đã có sự gián đoạn, vì bị ngăn cản, tuy đây không  phải là ý muốn chủ quan của K nhưng khi bị ngăn cản, K đã có sự chấp thuận ngăn cản và ngồi xuống đường. Nếu như thực sự muốn tước đoạt tính mạng của A, K đã không có sự dừng lại giữa chừng mà phải thực hiện đến cùng dù bị ngăn cản. Việc A chết là nằm ngoài mong muốn của K và V…

Với những phân tích cơ bản trên, tác giả cho rằng có cơ sở để kết luận các bị cáo K và V phạm tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người.

Trên đây là quan điểm của tác giả về tình huống vụ án còn những quan điểm khác nhau, rất mong được sự góp ý, trao đổi, thảo luận của bạn đọc./.

Tòa án  tỉnh Hà Giang xét xử vụ án Cố ý gây thương tích dẫn đến chết – Ảnh: Phương Thúy/ Báo HG

 

 

Th.s NGUYỄN ANH CHUNG ( Tòa án quân sự Quân khu 5)