.jpg)
Cần truy tố các đối tượng B, T và H về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Sau khi nghiên cứu bài viết “Các đối tượng B, T, H phạm tội gì?” của tác giả Phạm Minh Đô, đăng ngày 06/5/2025, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả cho rằng: B, T và H bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS 2015. Bài viết này sẽ trình bày luận điểm chi tiết để làm sáng tỏ quan điểm pháp lý này.
Theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015, tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người có tài sản tin tưởng và tự nguyện chuyển giao tài sản, từ đó người phạm tội chiếm đoạt tài sản đó một cách trái pháp luật.
Để xác định hành vi của các đối tượng B, T, H, cần đối chiếu với các yếu tố cấu thành tội phạm của tội phạm tương ứng, cụ thể:
Hành vi khách quan trong tội lừa đảo là thủ đoạn gian dối nhằm tạo niềm tin sai lệch cho người bị hại, khiến họ tự nguyện chuyển giao tài sản, từ đó người phạm tội chiếm đoạt số tài sản đó. Trong vụ việc này, thủ đoạn gian dối được thực hiện thông qua việc H sử dụng phần mềm chỉnh sửa nội dung tin nhắn trên điện thoại để tạo ra tin nhắn giả, làm như thể người chơi đề đã trúng thưởng. Sau đó, B theo sự phân công mang điện thoại đến gặp trực tiếp người bị hại (ông V), cho ông V xem các tin nhắn giả để yêu cầu thanh toán tiền “trúng đề”. Tin tưởng vào các tin nhắn được trình ra, ông V đã đồng ý giao tiền. Hành vi này rõ ràng thể hiện sự gian dối có chủ đích, nhằm dẫn dụ người bị hại tự nguyện giao tài sản. Việc sử dụng phần mềm chỉ là công cụ hỗ trợ cho thủ đoạn gian dối, còn bản chất hành vi lừa đảo là việc trình bày thông tin giả mạo để lừa lấy tài sản của người khác.
Hậu quả là người bị hại đã giao 56.000.000 đồng, thỏa mãn điều kiện về thiệt hại vật chất do hành vi gian dối gây ra. Cho dù việc chiếm đoạt chưa hoàn tất do bị phát hiện kịp thời, hành vi phạm tội vẫn được coi là đã hoàn thành ở giai đoạn tội phạm chưa đạt.
Như vậy, có thể khẳng định rằng hành vi của B, T, H đã thoả mãn tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 BLHS 2015. Hành vi gian dối là cốt lõi của tội phạm này, và trong vụ án, yếu tố đó thể hiện rõ nét qua việc tạo bằng chứng giả và trực tiếp lừa bị hại giao tiền. Việc sử dụng phần mềm chỉnh sửa tin nhắn không làm thay đổi bản chất gian dối của hành vi, mà chỉ là phương tiện hỗ trợ - không đủ để chuyển hóa sang một tội danh khác như tội “sử dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản” theo Điều 290 BLHS 2015.
Mặt khác, không thể truy tố các đối tượng về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản” theo Điều 290. Theo Điều 290 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản”, người phạm tội phải sử dụng không gian mạng hoặc các phương tiện điện tử như công cụ trực tiếp để thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản. Để cấu thành tội danh này, hành vi phạm tội phải thỏa mãn một số điều kiện pháp lý đặc thù, bao gồm:
1. Phương thức phạm tội
Đặc trưng của tội danh này là người phạm tội dựa vào đặc tính kỹ thuật của mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc thiết bị điện tử như phương thức chính để truyền tải thông tin gian dối, lừa gạt người bị hại và từ đó chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong vụ án đang phân tích, hành vi gian dối lại được thực hiện thông qua việc chỉnh sửa thủ công nội dung tin nhắn cũ trên điện thoại di động bằng một phần mềm chỉnh sửa đơn giản, một ứng dụng nội bộ của thiết bị, không có tính năng kết nối hay tương tác với không gian mạng. Việc sử dụng phần mềm ở đây chỉ là phương tiện tạo dựng công cụ gian dối, không phải là phương thức thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Quan trọng hơn, sau khi tạo lập nội dung tin nhắn giả, đối tượng không hề gửi thông tin này qua bất kỳ nền tảng mạng nào. Thay vào đó, B trực tiếp mang điện thoại đến gặp nạn nhân để trình bày kết quả giả nhằm thuyết phục ông V giao tiền. Toàn bộ quá trình giao tiếp, lừa dối và nhận tài sản diễn ra trực tiếp ngoài không gian mạng, không liên quan đến hành vi sử dụng internet, mạng viễn thông hay thiết bị điện tử theo đúng nghĩa pháp lý của Điều 290 BLHS.
Do đó, không thể xem việc sử dụng phần mềm chỉnh sửa nội dung trong trường hợp này là “sử dụng phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản” theo Điều 290 BLHS.
2. Mục đích sử dụng công nghệ không hướng đến chức năng mạng
Một trong những dấu hiệu quan trọng của tội danh quy định tại Điều 290 BLHS là mục đích sử dụng mạng hoặc thiết bị điện tử phải nhằm vào việc tiếp cận, phát tán, xâm nhập hoặc điều khiển thông tin qua không gian mạng. Tội phạm thường sử dụng các kỹ thuật như giả mạo website, gửi email lừa đảo, cài mã độc, xâm nhập tài khoản, lừa chuyển khoản qua mạng...
Trong vụ án này, không có hành vi nào tương tự. Các đối tượng không sử dụng công nghệ để tiếp cận hoặc lừa đảo nạn nhân qua mạng viễn thông. Công nghệ chỉ đóng vai trò phụ trợ cho một hành vi lừa đảo truyền thống, tức cung cấp “bằng chứng giả” bằng hình thức trình diện trực tiếp.
Hành vi của các đối tượng trong vụ án không hội tụ các yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 290 BLHS. Do đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 290 BLHS là không có cơ sở.
Như vậy, từ các phân tích trên tác giả cho rằng cần phải truy tố các đối tượng B, T và H về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS là phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm của tác giả về vụ án, rất mong nhận được sự phản hồi của quý bạn đọc.
TAND tỉnh Lâm Đồng XXST vụ án hình sự về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" - Ảnh: Lâm Viên.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chức năng của Tòa án và một số nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự
-
Trao đổi thêm về giá trị của Bộ luật Gia Long
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
TANDCC tại Hà Nội quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3
-
Khởi tố Phó Chủ tịch và Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kiến Xương, Thái Bình
Bình luận