Các Tòa án phía Nam góp ý sôi nổi về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Sau một ngày thảo luận sôi nổi, Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tại Đồng Nai thành công tốt đẹp. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những ý kiến rất thực tiễn, sâu sắc, trí tuệ từ các đại biểu, đúng với yêu cầu đặt ra để góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật quan trọng này.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Châu, Chánh án TAND cấp cao tại TP. HCM nhất trí Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi theo hướng tổ chức đơn vị giúp việc cho Ủy ban Thẩm phán hiện nay thành các Vụ tương ứng. Bởi lẽ vị trí vai trò, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị này rất quan trọng, tham mưu xem xét lại các bản án, quyết định cấp dưới ban hành, không phải là nhiệm vụ hành chính đơn thuần.

Từ hướng cơ cấu lại các đơn vị giúp việc cho Ủy ban Thẩm phán đặt ra vai trò của Thẩm tra viên. Nhiệm vụ của họ rất quan trọng nên năng lực, trình độ, chế độ đãi ngộ phải ngang tầm với Thẩm phán. Thực tế nguồn lực này rất quan trọng đối với TAND cấp cao, là nguồn phát triển Thẩm phán chất lượng tại chỗ.

Chánh án Trần Văn Châu nêu ý kiến về Tòa chuyên biệt, thực chất cũng làm nhiệm vụ Tòa chuyên trách nhưng theo tinh thần dự thảo, Tòa chuyên biệt là một Tòa độc lập trong hệ thống và thẩm quyền có thể mở rộng ra nhiều tỉnh, không lệ thuộc vào địa giới hành chính như Tòa chuyên trách hiện nay.

Trước mắt cần thành lập Tòa chuyên biệt hành chính. Đối với các Tòa chuyên biệt khác, cần khảo sát lại lượng việc, có thể thành lập sau.

 

Chánh án TAND tỉnh Ninh Thuận Lê Hùng Dũng phát biểu

Chánh án Trần Văn Châu bày tỏ: “Về bảo vệ Tòa án, chúng tôi nhất trí cao với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và mong sớm có cơ chế phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan hữu quan một cách thiết thực và hiệu quả, tạo tâm lý an tâm công tác cho Thẩm phán. Đó là yêu cầu chính đáng và hợp pháp của Thẩm phán…”.

Về chức năng thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, Chánh án TAND TP. HCM Lê Thanh Phong nêu ý kiến đồng tình với Điều 3, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Theo đó, mục đích thực hiện quyền tư pháp là xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp trong xã hội do Tòa án thực hiện bằng thủ tục tố tụng chặt chẽ, dân chủ, công khai và công bằng, góp phần bảo đảm pháp luật được tôn trọng và chấp hành nghiêm minh.

Do đó, quy định mới tại Điều 3 có bổ sung khoản 2 các đặc trưng bản của quyền tư pháp là rất cần thiết. Điều này sẽ cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp” và quy định tại Khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp".

Về nhiệm vụ xét xử các vi phạm hành chính, Chánh án Lê Thanh Phong nêu ý kiến đồng tình với dự thảo. Việc trao quyền xét xử vi phạm hành chính cho Tòa án là hợp lý, thể chế nội hàm quyền tư pháp của Tòa án và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc tập trung quyền xét xử các vi phạm hành chính cho Tòa án cần phải có lộ trình cụ thể.

Chánh án Lê Thanh Phong bày tỏ: Yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi tổ chức bộ máy của TAND cần tiếp tục được kiện toàn, hoàn thiện theo hướng chuyên môn hóa, chuyên sâu đảm bảo chất lượng công tác xét xử của ngành TAND nói chung.

Phát biểu góp ý, Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Tuyết Vân cho biết rất phấn khởi trước việc Luật Tổ chức TAND sẽ sửa đổi với nhiều nội dung mới.

Đặc biệt, Ban soạn thảo đã đưa nội dung chế độ, chính sách bảo vệ vào Luật, thể hiện sự quan tâm của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo TANDTC. Bởi hiện nay, các Thẩm phán, Thư ký gặp rất nhiều áp lực trong quá trình thực thi công vụ, kể cả mối đe dọa đến sức khỏe và tính mạng…

z4504101323134_c884f68960a7a326889cf589effa192a-1-.jpg

Các đại biểu lắng nghe Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, đánh giá các ý kiến tại Hội nghị

Bà Phạm Thị Bích Thủy, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước nêu quan điểm: Qua tổng hợp các ý kiến đóng góp, TAND hai cấp địa phương đều nhất trí với chủ trương của TANDTC. Đây là dự thảo Luật hết sức quan trọng, khi triển khai thi hành sẽ góp phần nâng cao vị thế của hệ thống TAND theo đúng tinh thần cải cách tư pháp đề ra.

TAND tỉnh Bình Phước thống nhất các nội dung dự thảo về chức năng thực hiện quyền tư pháp; về giám sát hoạt động của Tòa án; về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. TAND tỉnh Bình Phước cũng góp ý thêm một số nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo.

Sau khi lắng nghe, trao đổi, thảo luận, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sự chuẩn bị của các địa phương. “Tôi hoan nghênh các đồng chí phát biểu rất sâu, tổ chức thảo luận kỹ tại địa phương, có nhiều ý kiến xác đáng, đặc biệt có địa phương gửi bản góp ý lên đến 18 trang. Tôi đã ghi chép rất cẩn thận các ý kiến tại Hội nghị lần này”.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình biểu dương các đơn vị nghiệp vụ đã làm việc rất tâm huyết, trách nhiệm; hoan nghênh lãnh đạo TAND tỉnh Đồng Nai đăng cai tổ chức Hội nghị với điều kiện tốt.

Bên cạnh việc ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Chánh án mong muốn các đại biểu sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, có thêm những đóng góp thiết thực nhằm hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), bởi lẽ lần sửa đổi này sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững, bứt phá của TAND trong tương lai.

Theo congly.vn

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận - Ảnh: PV

 

AN DƯƠNG