Cần làm rõ quy định về nộp tiền tạm ứng án phí đối với bà H
Sau khi nghiên cứu bài “Xác định tiền tạm ứng án phí chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn” tác giả Trương Minh Tấn, đăng ngày 04/12/2022 và các bài viết trao đổi, đứng dưới góc độ pháp lý, tôi có một số quan điểm và ý kiến trao đổi.
1. Cơ sở quy định pháp luật và quan điểm của tác giả
Điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH ghi nhận cụ thể như sau: “Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị quyết này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia”.
Như vậy, án phí trong vụ án Hôn nhân và gia đình sẽ được xác định tổng giá trị của 2 loại: (i) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch và (ii) Án phí đối với phần tài sản có tranh chấp tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì mức tiền tạm ứng án phí được xác định như sau: “Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch”
Qua các quy định nêu trên chúng ta có thể nhận thấy rằng việc xác định tiền tạm ứng án phí căn cứ vào vụ án đó có giá ngạch hay không có giá ngạch và sẽ dựa trên từng yêu cầu trong đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Trong vụ án này, đơn khởi kiện của bà H có hai yêu cầu: (i) Yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn giữa bà và ông A; (ii) Yêu cầu ông A có trách nhiệm hoàn trả lại một nửa giá trị tài sản chung cho bà H với số tiền là 300.000.000 đồng.
Do đó, cần phải xác định cụ thể từng yêu cầu để xác định mức tiền tạm ứng án phí tương ứng:
Thứ nhất, yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn giữa bà H và ông A: Yêu cầu này được xác định là vụ án dân sự không có giá ngạch, vì vậy, căn cứ theo quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì “Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch.”
Theo đó, đối với mức tạm ứng án phí trong vụ án ly hôn không có giá ngạch trong trường hợp này sẽ được xác định theo quy định tại mục 1.1 phần I của phần A về danh mục án phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH, mức tạm ứng án phí được xác định là 300.000 đồng.
Thứ hai, yêu cầu ông A có trách nhiệm hoàn trả lại một nửa giá trị tài sản chung cho bà H với số tiền là 300.000.000 đồng: Yêu cầu này được xác định đây là vụ án Hôn nhân và gia đình có giá ngạch, vì thế chiếu theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH thì trước tiên phải xác định mức án phí Hôn nhân gia đình dựa trên giá trị tài sản có tranh chấp là 300 triệu đồng mà do đương sự yêu cầu giải quyết. Vấn đề này hoàn toàn phù hợp với quy định tại điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14
Căn cứ tại điểm b mục 1.3 phần II của phần A về danh mục án phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình có giá ngạch: từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng thì mức thu sẽ tương ứng là 5% giá trị tài sản có tranh chấp. Cụ thể: 300 triệu x 5% = 15 triệu đồng.
Từ cơ sở trên, đối chiếu quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH thì tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu này của bà H sẽ được xác định như sau: 50% x 15 triệu đồng = 7,5 triệu đồng.
Do đó, tổng mức tiền tạm ứng án phí mà bà H phải nộp theo hai yêu cầu là: 300 nghìn đồng + 7,5 triệu đồng = 7,8 triệu đồng.
2. Đánh giá các quan điểm trong bài viết
Từ những cơ sở quy định pháp luật và quan điểm tác giả đã lập luận phía trên, tác giả xin trao đổi từng quan điểm trong bài viết mà tác giả Trương Minh Tấn đã viện dẫn.
Quan điểm thứ nhất xác định tiền tạm ứng án phí sẽ dựa trên giá trị tài sản mà bà H yêu cầu giải quyết là 300 triệu đồng, vấn đề này tác giả đồng tình, tuy nhiên quan điểm này mới đề cập ở một phần tiền tạm ứng án phí dựa trên giá trị tài sản có tranh chấp, tức là chỉ mới dựa trên phần tranh chấp có giá ngạch. Vậy, yêu cầu ly hôn giữa bà H với ông A, tức là tranh chấp không có giá ngạch thì quan điểm 1 trong bài viết của tác giả không đề cập, đều này không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Vì lẽ đó, tại Quan điểm 1 này tiền tạm ứng án phí bà H được hiểu chỉ nộp là 7,5 triệu đồng mà không phải là 7,8 triệu là chưa phù hợp.
Quan điểm thứ hai xác định tiền tạm ứng án phí bà H phải nộp tiền bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm dựa trên giá trị tài sản mà bà H đang tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết là 623.000.000 đồng, thì căn cứ tại điểm c mục 1.3 phần II của phần A về danh mục án phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì tiền tạm ứng án phí theo quan điểm này sẽ là 50% × [20.000.000 đồng + (4% × 223.000.000 đồng)] = 14.460.000 đồng là chưa phù hợp. Bởi lẽ:
Một là, bà H chỉ yêu cầu ông A có trách nhiệm hoàn trả lại một nửa giá trị tài sản chung cho bà H với số tiền là 300.000.000 đồng chứ không phải tranh chấp toàn bộ giá trị tài sản chung là 623 triệu. Vì thế, căn cứ vào khoản 1 Điều 5 BLTTDS 2015 quy định: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Do đó, trong trường hợp này Tòa án chỉ xác định tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu mà bà H yêu cầu là 300 triệu chứ không phải toàn bộ tài sản chung của vợ chồng là 623 triệu. Vấn đề này hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 7 và điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
Hai là, quan điểm này cũng không xác định tiền tạm ứng án phí theo yêu cầu không có giá ngạch (yêu cầu ly hôn giữa bà H với ông A) mà chỉ xác định tiền tạm ứng án phí có giá ngạch thì cũng chưa phù hợp tại các quy định mà tác giả đã phân tích.
Tóm lại, khi xác định tiền tạm ứng án phí hoặc tiền án phí trong vụ án Hôn nhân và gia đình phải xác định trên từng yêu cầu là có giá ngạch hay không có giá ngạch, việc này đã được Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 đã ghi nhận tại điểm b khoản 5 Điều 27 cũng như tại khoản 2 Điều 7 đã nêu. Rõ ràng, với quy định này thì khi giải quyết các vụ án về Hôn nhân và gia đình sẽ có 02 căn cứ xác định dựa trên từng yêu cầu của đương sự: (i) Tranh chấp không có giá ngạch và (ii) Tranh chấp có giá ngạch.
Phía trên là quan điểm của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến từ phía người đọc./
TAND huyện Kbang, Gia Lai xét xử số hóa hồ sơ đối với vụ án dân sự - Ảnh: Đinh Ngọc Thảo
Bài liên quan
-
Một số vấn đề phát sinh từ việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
-
Cần xem xét lại đối tượng được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí trong vụ án dân sự
-
Đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại tiền tạm ứng án phí sơ thẩm
-
Bà H chỉ nộp tiền tạm ứng án phí tương ứng với phần giá trị tài sản chung mà bà H yêu cầu được chia
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận