Chiếm đoạt hành lý của người khác nhờ trông, tội gì?

Lợi dụng người đi cùng tàu gửi trông hành lý, K đã chiếm đoạt tài sản của người gửi. K phạm tội gì?

Ngày 18/4/ 2020, Nguyễn Văn H và Trần Tuấn K cùng đi trên chuyến tàu SQN3 từ Tp Hồ Chí Minh về tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cả hai không quen biết nhau từ trước, chỉ tình cờ cùng trên chuyến tàu. Do ngồi cùng hàng ghế, khi nói chuyện cả hai nhận là “đồng hương” và nói chuyện khá thân mật. Khi tàu đến trạm nghỉ, K thấy đau bụng và nhờ H trông hành lý giúp mình để đi mua thuốc uống. Trên khoang tàu lúc này có rất nhiều người, mọi người xung quanh hàng ghế của H và K đều nghĩ họ là người thân quen nhau. Nhân lúc K chưa về, H đã chiếm đoạt hành lý của K và bỏ trốn, hành lý của K bao gồm 01 chiếc điện thoại trị giá 15 triệu đồng và một số quần, áo cá nhân. Khi mua thuốc trở về, K phát hiện hành lý của mình và người bạn mới quen biến mất, K vội báo cơ quan chức năng, ngay sau đó H đã bị bắt cùng với hành lý chưa kịp tẩu thoát.

Trong quá trình giải quyết vụ án trên, việc xác định H có phạm tội hay không thì đã rõ, tuy nhiên việc xác định H phạm tội gì đã nảy sinh ra các quan điểm khác nhau, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của H đã phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 BLHS năm 2015. Bởi vì: H đã công khai lấy tài sản (là hành lý của K) trước sự chứng kiến của rất nhiều người là hành khách đi cùng chuyến tàu với K và H và H không hề sử dụng vũ lực hay bất cứ thủ đoạn nào nhằm đe dọa hay uy hiếp để chiếm đoạt hành lý của K.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của H đã phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo Điều 173 BLHS 2015. Những người theo quan điểm này cho rằng H đã lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của K (K và H không quen biết từ trước mà K lại nhờ K trông hành lý hộ mình, điều này cho thấy sự mất cảnh giác, sơ hở trong việc quản lý tài sản của K). Họ giải thích rằng, trong nhóm tội chiếm đoạt tài sản thì hành vi chiếm đoạt là cấu thành khách quan của tội phạm, các tội phạm trong nhóm tội này được phân biệt ở thủ đoạn chiếm đoạt của người phạm tội. Hay nói cách khác, các tội trong nhóm tội chiếm đoạt tài sản đều có hành vi khách quan giống nhau là hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Trong vụ án này, việc H lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác do dễ tin tưởng vào người khác chính là thủ đoạn phạm tội của H. Đồng thời, việc H chiếm đoạt tài sản của K không thực hiện dưới sự chứng kiến của K (K chủ sở hữu tài sản), nếu K thấy H chiếm đoạt tài sản của mình thì K đã ngăn chặn không để cho H ngang nhiên như vậy. Do vậy, hành vi của H cần phải được xử lý về tội “trộm cắp tài sản”.

Trên đây là những quan điểm khác nhau về một hành vi phạm tội. Rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và độc giả.

Ảnh minh họa của Chudu.info

   

 

DƯƠNG VĂN HƯNG ( TAQS Quân chủng Hải quân)