Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế: “Đây là dấu mốc quan trọng mang tính lịch sử, TP Huế sẽ lấy lại vị thế”
Ngày 30/11, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đây là dấu mốc quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và lịch sử đặc trưng của Huế. Phóng viên Tạp chí Toà án Nhân dân điện tử đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xung quanh về vấn đề này.
PV: Cảm xúc của Chủ tịch như thế nào khi Huế đã trở thành thành phố trực thuộc trung ương, khi địa phương bước đến “ngưỡng cửa” phát triển mới?
Ông Nguyễn Văn Phương: Có thể nói, đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở những góp ý quý báu của nhân dân, các trí thức, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các chuyên gia, các Ban, bộ ngành trung ương. Đã đầy đủ những căn cứ pháp lý, chính trị, thực tiễn và điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí để xây dựng Đề án với phương án mô hình đô thị nhằm sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính các cấp một cách hợp lý và đã đạt được sự đồng thuận cao.
Và hôm nay, hành trình đã đến đích, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, đây là thành quả có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong thời khắc quan trọng này, tôi vô cùng phấn khởi, hạnh phúc và tự hào khi mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương đã thành hiện thực. Đây là một mốc son, là dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và lịch sử đặc trưng của Huế.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước, tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời, sẽ giúp thành phố Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Với việc trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. Trong tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đây cũng là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Nhân dân toàn tỉnh trong nhiều năm qua.
PV: Các bước tiếp theo sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phương: Kể từ hôm nay, sau khi Quốc hội thông qua Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, các bước tiếp theo sẽ tập trung vào việc triển khai các kế hoạch và hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết này. Tỉnh đã xây dựng một Kế hoạch chi tiết để triển khai Nghị quyết như Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp; sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC hình thành sau sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư; Chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân... rất nhiều nội dung công việc cần phải thực hiện, song song đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của người dân trong việc xây dựng và phát triển thành phố Huế trực thuộc trung ương.
PV: Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ thành lập các quận, huyện mới, các xã, phường mới. Vậy công tác nhân sự, sắp xếp cán bộ, viên chức được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phương: Khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc thành lập các quận, huyện mới, các xã, phường mới sẽ là một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu tổ chức hành chính, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc sắp xếp nhân sự, cán bộ, viên chức sẽ phải được thực hiện một cách khoa học, minh bạch và công bằng để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý. Trong quá trình xây dựng Đề án, tỉnh đã nghiên cứu và đánh giá kỹ, có phương án, lộ trình sắp bộ máy, nhân sự, việc này sẽ được triển khai một cách đồng bộ và đảm bảo theo quy định của pháp luật.
PV: Khó khăn, thách thức lớn nhất khi Huế trở thành thành phố Trực thuộc Trung ương; việc giải quyết khó khăn, thách thức đó và biến thách thức thành động lực
Ông Nguyễn Văn Phương: Để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng một trong những thách thức lớn nhất chính là đảm bảo hài hoà giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị. Huế là một thành phố với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử; là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”,... khẳng định thương hiệu: “Một điểm đến - 8 di sản”, do đó, thách thức này luôn được quan tâm chú trọng để giải quyết thấu đáo, bền vững.
Huế, định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc trung ương; phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống,... Quá trình phát triển của Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.
Một câu chuyện cụ thể là trong các cuộc họp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan liên quan, có rất nhiều ý kiến khác nhau về cách thức phát triển mà không làm tổn hại đến giá trị văn hóa của thành phố, có những đề xuất đầu tư dự án lớn, nhưng nhiều lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến các di tích và cảnh quan môi trường.
Vì vậy, Huế sẽ luôn đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa mặc dù điều này có ảnh hưởng làm hạn chế một phần đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cuối cùng, là việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, văn hóa cũng là một thách thức. Câu chuyện về Thừa Thiên Huế không chỉ là việc trở thành thành phố trực thuộc trung ương, mà còn là hành trình tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững, nơi di sản văn hóa được bảo vệ và phát huy trong sự phát triển hiện đại.
PV: Với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, lãnh đạo địa phương có những cam kết gì để họ yên tâm sản xuất, kinh doanh và “rót vốn” vào Thừa Thiên Huế?
Ông Nguyễn Văn Phương: Tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh cam kết tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cắt giảm các chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian,…; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; hoàn thiện, nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai.
Tổ chức công bố công khai các quy hoạch đã được duyệt; thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch theo hướng đồng bộ. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đảm bảo tính sẵn sàng trong kêu gọi đầu tư. Chuẩn bị nguồn cung lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà đầu tư...
Nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận