Chuyển đơn khởi kiện – thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Bài viết phân tích, đánh giá quy định của pháp luật tố tụng dân sự về chuyển đơn khởi kiện, từ đó nêu ra thực trạng của pháp luật tố tụng dân sự, thực tiễn áp dụng về chuyển đơn khởi kiện và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.
Chuyển đơn khởi kiện là một trường hợp khá phổ biến trong tố tụng dân sự (TTDS). Về bản chất pháp lý, chuyển đơn khởi kiện nằm ở giai đoạn nhận và xử lý đơn khởi kiện cũng tương tự như chuyển vụ án trong giai đoạn thụ lý và chuẩn bị xét xử. Khác với trả lại đơn khởi kiện, chuyển đơn khởi kiện xảy ra khi vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhưng có căn cứ để xác định vụ án đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhận đơn mà thuộc thẩm quyền giải quyết của một Tòa án khác. Theo đó, Tòa án nhận đơn có nghĩa vụ nhận và chuyển đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật TTDS. Trong khi thủ tục về chuyển vụ án được quy định khá cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục, quyền khiếu nại của đương sự, quyền kiến nghị của Viện kiểm sát (VKS), thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các Toà án,…[1] thì chuyển đơn khởi kiện mới chỉ được quy định gói gọn tại khoản 3 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Điều này là một thiếu sót lớn cần phải được quy định và hướng dẫn cụ thể nhằm tạo sự thống nhất áp dụng giữa các Tòa án, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho các đương sự, đảm bảo cho VKS thực hiện quyền kiểm sát hoạt động tố tụng.
1.Quy định của pháp luật tố tụng dân sự về chuyển đơn khởi kiện
– Thứ nhất, hình thức văn bản được ban hành khi quyết định chuyển đơn khởi kiện.
BLTTDS năm 2015 chưa có quy định cụ thể về thủ tục chuyển đơn khởi kiện, mà chỉ quy định ngắn gọn: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây: Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác” [2]. Quy định này dẫn đến cách hiểu việc chuyển đơn khởi kiện do Thẩm phán ban hành dưới hình thức bằng một quyết định. Và đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về việc chuyển đơn khởi kiện được ban hành dưới hình thức tên loại văn bản[3] là quyết định hay thông báo. Gây ra tình trạng áp dụng không thống nhất giữa các Tòa án. Có Tòa án ban hành Thông báo chuyển đơn khởi kiện. Có Tòa án ban hành Quyết định chuyển đơn khởi kiện, đồng thời ban hành thêm Thông báo chuyển đơn khởi kiện, trong khi nội dung của quyết định và thông báo hoàn toàn giống nhau.
Theo Từ điển tiếng Việt: “Thông báo là báo cho mọi người biết tình hình, tin tức bằng lời nói hoặc văn bản” [4]; còn quyết định ở dạng động từ là “định ra một cách dứt khoát việc sẽ làm”, ở dạng danh từ là “Văn bản hành chính về quyết định của một cấp có thẩm quyền” [5]. Trong khoa học pháp lý tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về quyết định: Có quan điểm coi quyết định là hành động, hành vi; sự lựa chọn các phương án, mệnh lệnh; văn bản; sự thể hiện ý chí quyền lực nhà nước; kết quả và hình thức thể hiện của hoạt động nhà nước… Ngay cả việc bỏ phiếu của công dân trong các cuộc bầu cử cũng được khoa học lý luận chung về nhà nước và pháp luật coi là quyết định[6]. Như vậy, quyết định theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 191 của BLTTDS năm 2015 được hiểu hình thức loại văn bản có thể là thông báo hoặc quyết định (ở dạng động từ hoặc danh từ).
– Thứ hai, khiếu nại, kiến nghị về việc chuyển đơn khởi kiện và giải quyết khiếu nại, kiến nghị.
Quyền khiếu nại là một trong những quyền, nghĩa vụ cơ bản của con người và công dân[7], còn nghĩa vụ tiếp nhận và giải quyết khiếu nại là của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được ghi nhận tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013. Cụ thể: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ hiến định trên, BLTTDS năm 2015 quy định: Đương sự có quyền được nhận thông báo hợp lệ để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án, kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của BLTTDS[8]; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong hoạt động TTDS. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo; thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho người đã khiếu nại, tố cáo[9].
Bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ của VKS đã được Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể tại Điều 107. Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014 tiếp tục khẳng định: “VKSND có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” [10]. Cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ trên, BLTTDS năm 2015 quy định: VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật[11].
Cũng là những trường hợp tương tự, có bản chất pháp lý giống với chuyển đơn khởi kiện, nhưng trả đơn kiện[12] và chuyển vụ án[13] lại có quy định và hướng dẫn cụ thể về quyền khiếu nại của đương sự, kiến nghị của VKS và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Quy định của BLTTDS mới chỉ dừng lại ở việc thông báo cho người khởi kiện về việc chuyển đơn khởi kiện, mà chưa đề cập đến việc thông báo cho VKS và bỏ lửng các quy định về quyền khiếu nại của đương sự, quyền kiến nghị của VKS. Trên thực tế, có rất nhiều các vụ việc mà ngay từ giai đoạn nhận và xử lý đơn khởi kiện, đơn khởi kiện đã bị chuyển đi chuyển lại nhiều lần giữa các Tòa án không chỉ gây mất thời gian, hao tổn tiền bạc, mà còn tạo tâm lý bức xúc, không thỏa đáng cho đương sự. Trong khi đương sự lại không được quyền khiếu nại và VKS cũng không được quyền tham gia kiểm sát.
– Thứ ba, chuyển đơn khởi kiện và chuyển vụ án tuy nằm ở hai giai đoạn tố tụng khác nhau, nhưng hoàn toàn giống nhau về bản chất pháp lý. Đó đều là việc Tòa án đang xem xét, thụ lý giải quyết hồ sơ nhận thấy có căn cứ để xác định vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án khác, nên Tòa án đang xem xét, thụ lý hồ sơ có nghĩa vụ chuyển hồ sơ khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết. BLTTDS năm 2015 không quy định cụ thể về hồ sơ chuyển đơn khởi kiện. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy hồ sơ chuyển vụ án được thực hiện rất đầy đủ, nghiêm túc, còn hồ sơ chuyển đơn khởi kiện còn sơ sài, không được chú trọng thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết.
Hồ sơ khởi kiện của người khởi kiện khi nộp tại Toà án bao gồm đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo. Sau khi Toà án nhận và xử lý đơn khởi kiện sẽ phát sinh thêm một số các văn bản liên quan đến thủ tục nhận và xử lý đơn. Vì vậy, hồ sơ nhận và xử lý đơn khởi kiện cũng có tầm quan trọng như hồ sơ của một vụ án. Tuy nhiên, do thiếu các quy định hướng dẫn đối với thủ tục chuyển đơn khởi kiện nên thực tế hiện nay, việc chuyển đơn khởi kiện đều phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của các Tòa án. Hầu hết, các Tòa án nhận đơn khi nhận thấy đơn khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác, thì chỉ tiến hành một thủ tục hết sức đơn giản là ra thông báo chuyển đơn khởi kiện hoặc quyết định chuyển đơn khởi kiện và gửi kèm theo đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện giao nộp cho Tòa án có thẩm quyền.
2.Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật tố tụng dân sự về chuyển đơn khởi kiện
– Thứ nhất, khi quyết định chuyển đơn khởi kiện, các Tòa án không thống nhất về hình thức văn bản được ban hành. Điển hình như: Theo đơn khởi kiện đề ngày 15/8/2017 do nguyên đơn bà Nguyễn Thị O nộp tại Toà án nhân dân (TAND) tỉnh B. Bà O khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết buộc ông Đặng Văn G phải trả cho bà O diện tích đất là 5.000m2 và tuyên huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) do Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện B cấp cho ông G, sau khi chia tách, thành lập mới địa giới hành chính, thửa đất tranh chấp hiện nay thuộc địa phận của huyện BB. Qua xem xét đơn khởi kiện, TAND tỉnh B nhận thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện BB nên đã ra Thông báo số 25/TB-TA ngày 16/8/2017 chuyển đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đến TAND tỉnh B giải quyết.
Tương tự trường hợp trên, theo đơn khởi kiện đề ngày 19/7/2017 nộp tại TAND thị xã B, tỉnh B, bà Huỳnh Thị X khởi kiện ông Lê Nhựt M và bà Lê Thị Thanh N về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Ngày 20/7/2017, TAND thị xã B nhận đơn khởi kiện và nhận thấy vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện D, tỉnh B nên đã ra Quyết định số 01/QĐ-TA ngày 20/7/2017 chuyển đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo đến TAND huyện D và đồng thời ban hành Thông báo chuyển đơn khởi kiện số 63/TB-TA ngày 20/7/2017 để thông báo cho bà X được biết, nhưng giữa nội dung của quyết định và thông báo lại không có điểm gì khác nhau.
Mặt khác, nội dung quyết định chuyển đơn khởi kiện hay thông báo chuyển đơn khởi kiện mới chỉ dừng lại ở việc Toà án thông báo cho người khởi kiện được biết về việc Toà án đã chuyển đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho một Toà án khác có thẩm quyền giải quyết, mà không có nội dung thông báo cho VKS được biết về việc chuyển đơn khởi kiện. Ngoài ra, nội dung của quyết định và thông báo chưa có nội dung giải thích về lý do, căn cứ của việc chuyển đơn, cũng như chưa có các nội dung thông báo về quyền khiếu nại của đương sự, quyền kiến nghị của VKS và thời hạn khiếu nại, kiến nghị.
– Thứ hai, khiếu nại, kiến nghị về việc chuyển đơn khởi kiện và giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Thực tiễn cho thấy: Theo nội dung Thông báo chuyển đơn khởi kiện số 36/TB-TA ngày 13/10/2017 của TAND tỉnh B đã ghi: “TAND tỉnh B đã chuyển đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị P, bà Nguyễn Thị H đến TAND thị xã T để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”. Tại phần nơi nhận của thông báo nêu trên đã ghi: “Như trên (để biết liên hệ TAND thị xã T)”. Các nội dung của thông báo nêu trên được thực hiện theo biểu mẫu số 25-DS, ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, mà không hề có nội dung thông báo cho VKS, không có nội dung về quyền khiếu nại của đương sự, quyền kiến nghị của VKS. Đồng thời, nơi nhận thông báo chuyển đơn khởi kiện chỉ dừng lại ở mục đích thông báo cho người khởi kiện biết vụ án đã được chuyển đi để người khởi kiện phải liên hệ trực tiếp với Toà án nơi nhận hồ sơ chuyển đơn khởi kiện, không nhằm mục đích để cho người người kiện thực hiện quyền khiếu nại của mình.
– Thứ ba, về hồ sơ chuyển đơn khởi kiện. Điển hình như: Hồ sơ khởi kiện tranh chấp ly hôn giữa bà Lê Thị Cẩm L với ông Phạm Văn C theo đơn khởi kiện đề ngày 07/7/2017 do TAND tỉnh Đ chuyển về cho TAND thị xã B, tỉnh B, chỉ gồm có: 01 Thông báo chuyển đơn khởi kiện số 34/TB-TA ngày 17/7/2017; 01 Đơn khởi kiện (bản chính); các tài liệu chứng cứ kèm theo mà nguyên đơn đã nộp. Ngoài ra, không có tài liệu, văn bản nào khác. Hoặc hồ sơ khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP T với bà Đỗ Thị N, theo đơn khởi kiện đề ngày 29/6/2017 do TAND quận T, thành phố H chuyển về cho TAND thị xã B, tỉnh B gồm có: 01 Thông báo chuyển đơn khởi kiện số 57/TB-TA ngày 08/8/2017; 01 Giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện số 1712/GXN-TA ngày 27/7/2017; 01 Đơn khởi kiện (bản chính); các tài liệu chứng cứ kèm theo mà nguyên đơn đã nộp. Ngoài ra, không có thêm tài liệu, văn bản nào khác.
3.Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về chuyển đơn khởi kiện
– Thứ nhất, cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển đơn khởi kiện để các Toà án áp dụng dưới một hình thức văn bản thống nhất. Theo đó, nên áp dụng hình thức văn bản chung là quyết định chuyển đơn khởi kiện, mà không cần áp dụng thêm văn bản Thông báo chuyển đơn khởi kiện. Vì nội dung của thông báo chuyển đơn khởi kiện hoàn toàn giống với nội dung của quyết định chuyển đơn khởi kiện. Đồng thời, cần có quy định hướng dẫn rõ quyết định chuyển đơn khởi kiện phải bao gồm đầy đủ các nội dung: “Họ tên, địa chỉ người khởi kiện và VKS cùng cấp được thông báo; lý do, căn cứ của việc chuyển đơn khởi kiện; quyền khiếu nại của đương sự, quyền kiến nghị của VKS và thời hạn khiếu nại, kiến nghị”.
– Thứ hai, cần phải ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể, bổ sung quyền khiếu nại của đương sự và kiến nghị của VKS; thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với việc chuyển đơn khởi kiện. Có như vậy mới đảm bảo được các nguyên tắc tố tụng, đảm bảo việc kiểm sát hoạt động tố tụng và quyền lợi chính đáng của đương sự.
– Thứ ba, cần có quy định hướng dẫn cụ thể đối với hồ sơ chuyển đơn khởi kiện. Hồ sơ chuyển đơn khởi kiện cần bao gồm: Đơn khởi kiện và toàn bộ các tài liệu, chứng cứ kèm theo do nguyên đơn giao nộp; giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện hoặc thông báo nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của BLTTDS năm 2015; biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ kèm theo do nguyên đơn giao nộp; quyết định chuyển đơn khởi kiện kèm theo thủ tục giao nhận, tống đạt quyết định chuyển đơn khởi kiện cho VKS và người khởi kiện; 02 bản phiếu chuyển kèm theo bảng kê tài liệu, văn bản của hồ sơ chuyển đơn khởi kiện.
Kết luận. Chuyển đơn khởi kiện là một trường hợp xảy ra khá phổ biến trong hoạt động nhận và xử lý đơn khởi kiện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các quy định đầy đủ cũng như chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể nên thủ tục chuyển đơn khởi kiện vẫn còn bị xem nhẹ, sơ xài và phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng, chưa đảm bảo các quyền khiếu nại của đương sự, kiến nghị của VKS, chưa quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị… Qua nghiên cứu thực tiễn thực hiện thủ tục chuyển đơn khởi kiện, nhận thấy đây là những thiếu sót nghiêm trọng của pháp luật tố tụng dân sự, cần phải có văn bản hướng dẫn kịp thời để góp phần hoàn thiện thủ tục về chuyển đơn khởi kiện./.
[1] Điều 41 BLTTDS năm 2015.
[2] Điểm c khoản 3 Điều 191 BLTTDS năm 2015.
[3] Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 05/3/2011 của Bộ nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, thì: “Tên loại văn bản là tên của từng loại văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành. Khi ban hành văn bản đều phải ghi tên loại, trừ công văn”.
[4] Viện ngôn ngữ học – Hoàng Phê chủ biên (2016), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 952.
[5] Viện ngôn ngữ học – Hoàng Phê chủ biên (2016), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 816.
[6] Vũ Thị Ngọc Dung – Châu Vĩ Tuấn, Bàn về khái niệm quyết định hành chính, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=216 [Truy cập ngày 06/8/2018]
[7] Theo đó, các điều luật được thể hiện bằng cụm từ “công dân” chính là quyền và nghĩa vụ của công dân; ngược lại, đó là quyền con người. Thông thường, quyền con người được thể hiện bắt đầu bằng các cụm từ “mọi người”, “không ai”, “nam, nữ”,…
[8] Điều 70 BLTTDS năm 2015.
[9] Điều 25 BLTTDS năm 2015.
[10] Điều 4 Luật Tổ chức TAND năm 2014.
[11] Khoản 1 Điều 21 BLTTDS năm 2015.
[12] Điều 192 BLTTDS năm 2015.
[13] Điều 41 BLTTDS năm 2015.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận