Có nên quy định cụ thể số lượng vật phạm pháp tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đạn súng bộ binh và thuốc nổ?
Các điều 304, 305 của BLHS không quy định mức định lượng tối thiểu về số lượng hoặc giá trị vật phạm pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự dẫn đến gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan, người tiến hành tố tụng. Vấn đề này còn có các quan điểm khác nhau.
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã cụ thể hóa các tình tiết định khung hình phạt như gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại đối với các tội: “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” (Điều 304); “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (Điều 305). Tuy nhiên, tại khoản 1 các điều 304, 305 của BLHS không quy định mức định lượng tối thiểu về số lượng hoặc giá trị vật phạm pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự dẫn đến gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan, người tiến hành tố tụng. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 304 của BLHS quy định: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm”; khoản 1 Điều 305 của BLHS quy định: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Bên cạnh đó, các cơ quan, người tiến hành tố tụng còn có quan điểm không thống nhất về việc có tiếp tục áp dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 của BLHS năm 1985 (tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” và tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ”) hay chỉ áp dụng BLHS hiện hành để giải quyết, xét xử loại vụ án này. Mặt khác, hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đều quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi liên quan đến chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí quân dụng và vật liệu nổ nhưng chưa phân định mức nào thì bị xử lý vi phạm hành chính mà lại phụ thuộc vào quy định của BLHS.
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên và để bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của BLHS, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 304, 305, 306, 307 và 308 của BLHS. Tuy nhiên, về vấn đề quy định mức định lượng tối thiểu về số lượng hoặc giá trị vật phạm pháp đối với khoản 1 các điều 304, 305 của BLHS để truy cứu trách nhiệm hình sự, hiện nay, các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang có hai quan điểm khác nhau như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nghị quyết phải quy định cụ thể số lượng vật phạm pháp tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đạn súng bộ binh và thuốc nổ các loại. Bởi cấu thành cơ bản của các điều 304, 305 của BLHS năm 2015 không khác so với các điều 230, 231 của BLHS năm 1999 và vấn đề này trước đây đã được hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 95, Điều 96 BLHS năm 1985[1].
Quan điểm thứ hai cho rằng: Nghị quyết không quy định mức định lượng tối thiểu về số lượng hoặc giá trị vật phạm pháp đối với khoản 1 các điều 304, 305 của BLHS để truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi BLHS cũng không quy định mức tối thiểu số lượng hay giá trị vật phạm pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định nội dung này sẽ “vượt quá” BLHS. Do đó, người thực hiện hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ với bất kỳ số lượng, giá trị nào đều phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực tiễn hiện nay, đã có trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng rất lúng túng, không biết phải áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP hay quy định tại khoản 1 Điều 304 của BLHS để xử lý hành vi tàng trữ 02 viên đạn súng tiểu liên AK-47.
Quan điểm tác giả: Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Theo quy định tại khoản 1 các điều 304, 305 của BLHS thì người nào thực hiện một trong các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ với bất kỳ số lượng nào đều phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định mức định lượng tối thiểu về số lượng hoặc giá trị vật phạm pháp đối với khoản 1 các điều 304, 305 của BLHS để truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ thu hẹp phạm vi xử lý hình sự. Hành vi phạm tội quy định tại các điều 304, 305 của BLHS có tình nguy hiểm rất cao. Khách thể xâm hại của các tội phạm này không chỉ là trật tự quản lý nhà nước về vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ mà còn là an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước tới nay là xử lý nghiêm các tội phạm nói trên.
Tuy nhiên, theo tác giả, Nghị quyết cần có chính sách riêng đối với trường hợp hành vi phạm tội với số lượng rất nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì trong quá trình áp dụng pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể cân nhắc áp dụng các chế định miễn trách nhiệm hình sự; miễn hình phạt; áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo (nếu đáp ứng điều kiện, yêu cầu theo quy định của pháp luật để bảo đảm tính công bằng cho người phạm tội.
Tòa án tỉnh Hà Tĩnh xét xử sơ thẩm vụ án mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng - Ảnh: Linh Thùy
[1] Người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt đạn súng bộ binh từ 50 viên đến 300 viên; các loại đạn 12 ly 7, 14 ly 5, 23 ly, 24 ly không phải đạn pháo từ 20 viên đến 200 viên thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 95 của Bộ luật Hình sự; người nào chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo từ 3 kg đến 30 kg thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 của Bộ luật Hình sự
Bài liên quan
-
Một số chính sách mới trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)
-
Cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
-
Vướng mắc trong quy định của pháp luật về tội phạm liên quan đến hoạt động quản lý vũ khí, vật liệu nổ
-
Vướng mắc, bất cập từ thực tiễn xử lý tội “Chiếm đoạt vũ khí quân dụng” theo Điều 304 Bộ luật Hình sự
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận