Công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác trong tranh tụng tại phiên tòa dân sự sơ thẩm
Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 có nhiều điểm mới so BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) cũng như những văn bản tố tụng dân sự trước đây. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một trong những điểm mới được quy định trong BLTTDS năm 2015, đó là công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác trong phần thủ tục tranh luận thuộc phần tranh tụng tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, từ đó, nêu ra những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện quy phạm pháp luật về vấn đề này.
- QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VÀ NHỮNG VƯỚNG MẮC
Khoản 3 Điều 260 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trường hợp vắng mặt một trong các đương sự và người tham gia tố tụng khác thì chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp”. Từ quy định nêu trên, rút ra những nội dung sau:
Một là: Chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác trong trường hợp họ vắng mặt tại phiên tòa mà trong quá trình giải quyết vụ án họ đã có lời khai. Đây là thủ tục bắt buộc, do đó, nếu chủ tọa phiên tòa không thực hiện sẽ bị coi là vi phạm thủ tục tố tụng.
Hai là: Ngoài công bố lời khai của đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) vắng mặt, thì chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của người tham gia tố tụng khác nếu họ vắng mặt tại phiên tòa như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng…
Ba là: Việc công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác vắng mặt là để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp. Như vậy, trong trường hợp tại phiên tòa tất cả các đương sự vắng mặt, thì chủ tọa phiên tòa không phải công bố lời khai của họ.
Qua nghiên cứu quy định này thì thấy có những nội dung chưa quy định rõ ràng dẫn đến sự vướng mắc trong thực tiễn, cũng như không thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan, người tiến hành tố tụng.
Một là: Chủ tọa phiên tòa công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác vắng mặt vào thời điểm nào trong phần thủ tục tranh luận tại phiên tòa. Khoản 1 Điều 260 BLTTDS năm 2015 quy định: “Sau khi kết thúc việc hỏi, Hội đồng xét xử chuyển sang phần tranh luận tại phiên tòa. Trình tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện như sau:
a, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày. Nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày ý kiến. Người có quyền và lợi ích hợp pháp được bảo vệ có quyền bổ sung ý kiến;
b, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn tranh luận, đối đáp. Bị đơn có quyền bổ sung ý kiến;
c, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến.
Trường hợp đương sự, người tham gia tố tụng khác vắng mặt thì chủ tọa phiên tòa công bố lời khai của họ, tuy nhiên, điều luật không quy định rõ thời điểm công bố lời khai. Do đó, có quan điểm cho rằng chủ tọa phiên tòa sẽ công bố lời khai của họ sau khi những người được phát biểu tranh luận có mặt tại phiên tòa trình bày xong rồi mới công bố lời khai của những người vắng mặt. Quan điểm khác cho rằng, thời điểm công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng vắng mặt căn cứ vào trình tự phát biểu tranh luận của họ theo quy định của pháp luật. Ví dụ, trường hợp nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa, thì sau phần trình bày tranh luận của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày (nếu có) thì chủ tọa phiên tòa sẽ công bố lời khai của nguyên đơn.
Hai là: Có phải tất cả mọi lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác vắng mặt đều phải được công bố hay không. Khoản 1 Điều 254 BLTTDS quy định những trường hợp Hội đồng xét xử công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án. Tại khoản 2 Điều này quy định những trường hợp không công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án như trường hợp cần giữ gìn bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ gìn bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ người chưa thành niên theo yêu cầu của đương sự.
Tại phần thủ tục tranh luận, điều luật chỉ quy định trường hợp vắng mặt một trong các đương sự và người tham gia tố tụng khác thì chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ, mà không có quy định gì thêm nên dẫn đến có quan điểm không thống nhất về vấn đề này. Theo tác giả, dù điều luật không quy định rõ, nhưng những nội dung mà đương sự, người tham gia tố tụng khác đã khai mà thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 254 BLTTDS thì chủ tọa phiên tòa không công bố lời khai của họ.
Ba là: Việc công bố lời khai của tất cả những người tham gia tố tụng khác (không phải là đương sự) trong trường hợp này là chưa hợp lý. Bởi lẽ, theo quy định của BLTTDS thì người tham gia tố tụng khác bao gồm nhiều người có tư cách pháp lý khác nhau và vai trò của họ trong vụ án cũng khác nhau. Ví dụ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự họ sẽ tham gia vụ án mục đích để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự mà mình bảo vệ bằng nhiều phương pháp, cách thức theo quy định pháp luật; một trong những quyền đó là việc họ tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét (khoản 3 Điều 76 BLTTDS). Do đó, tại phiên tòa họ vắng mặt nhưng có gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án thì chủ tọa phiên tòa công bố nội dung văn bản này để trên cơ sở đó các đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khác tranh luận, đối đáp.
Tuy nhiên, nếu người tham gia tố tụng khác là người làm chứng thì việc công bố lời khai của người làm chứng trong giai đoạn này là không phù hợp, không cần thiết. Bởi vì, theo Điều 77 BLTTDS thì người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Như vậy, khác với đương sự trong vụ án, người làm chứng không có quyền lợi, nghĩa vụ gì liên quan trong vụ án; họ không có tranh chấp về quyền lợi, nghĩa vụ đối với các đương sự trong vụ án. Do đó, trong phần tranh luận tại phiên tòa mà bắt buộc chủ tọa phiên tòa công bố lời khai của họ để các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp là không hợp lý. Mặt khác, trường hợp người làm chứng có mặt tại phiên tòa thì theo quy định pháp luật họ không tham gia vào quá trình tranh luận, thì không có lý do gì khi họ vắng mặt lại phải công bố nội dung lời khai của họ.
Bốn là: Trường hợp tại phiên tòa các đương sự đều vắng mặt, nhưng có mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì chủ tọa phiên tòa có công bố lời khai của các đương sự vắng mặt hay không?
Theo nội dung điều luật thì việc công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác mục đích là để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp. Theo tác giả, việc điều luật chỉ đề cập đến sự tranh luận, đối đáp của đương sự là chưa toàn diện; bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 260 BLTTDS thì chủ thể tham gia tranh luận, đối đáp không chỉ có đương sự mà còn có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; không những vậy, chính người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người phát biểu tranh luận trước, sau đó đương sự trình bày bổ sung. Trường hợp, đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ tự mình trình bày khi tranh luận (khoản 2 Điều 260). Nếu đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thì người đại diện hợp pháp của đương sự sẽ trình bày tranh luận, đối đáp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo nội dung, phạm vi được ủy quyền.
Cần nói thêm rằng, trong thực tiễn không ít trường hợp chủ tọa phiên tòa không công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác theo quy định tại khoản 3 Điều 260 của BLTTDS, vì cho rằng lời khai của họ đã được công bố trong phần thủ tục hỏi tại phiên tòa; việc công bố lại lời khai của họ là sự trùng lập, không cần thiết, tốn thời gian, công sức.
- KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI
Từ những phân tích nêu trên, tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hai hướng sau đây:
Hướng thứ nhất: Không nên quy định việc chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phần thủ tục tranh luận tại phiên tòa khi họ vắng mặt theo quy định tại khoản 3 Điều 260 BLTTDS. Bởi vì tại Điều 254 BLTTDS đã quy định những trường hợp Hội đồng xét xử công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án, trong đó, tại điểm a khoản 1 quy định: “Người tham gia tố tụng không có mặt tại phiên tòa nhưng đã có lời khai trong giai đoạn chuẩn bị xét xử”; ngoại trừ những trường hợp không công bố tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 254 BLTTDS. Do đó, việc công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác vắng mặt tại phần thủ tục tranh luận chính là việc chủ tọa phiên tòa công bố lại lời khai của họ đã được công bố tại phần thủ tục hỏi tại phiên tòa; việc này là không cần thiết và tốn thời gian, công sức của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.
Hướng thứ hai: Trường hợp vẫn giữ quy định chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phần thủ tục tranh luận tại phiên tòa khi họ vắng mặt theo quy định tại khoản 3 Điều 260 BLTTDS, thì cần có hướng dẫn áp dụng điều khoản này để đảm bảo việc nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất, cụ thể:
Cần giới hạn lại lời khai của những chủ thể tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa được công bố. Theo đó, chỉ công bố lời khai của đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ trường hợp tài liệu, chứng cứ không được công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 254 BLTTDS.
Việc công bố lời khai của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt tại phiên tòa sẽ được chủ tọa phiên tòa công bố tương ứng với trình tự phát biểu khi tranh luận theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 260 BLTTDS. Ví dụ, bị đơn vắng mặt tại phiên tòa (bị đơn không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp) thì sau khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày ý kiến tranh luận, nguyên đơn trình bày bổ sung thì chủ tọa sẽ công bố lời khai của bị đơn; tiếp đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có).
Từ những phân tích nêu trên, khoản 3 Điều 260 BLTTDS năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung như sau: “Trường hợp vắng mặt một trong các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp, trừ tài liệu, chứng cứ không được công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 254 BLTTDS; việc công bố lời khai của họ được thực hiện tương ứng với trình tự phát biểu khi tranh luận theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 260 BLTTDS”.
Trên đây là quan điểm của tác giả về việc công bố lời khai của đương sự, người tham gia tố tụng khác quy định tại khoản 3 Điều 260 BLTTDS, mong nhận được sự quan tâm, trao đổi của đồng nghiệp, và bạn đọc./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận