Công nghệ thông tin trong hoạt động Tòa án
Cải cách tư pháp và công nghệ thông tin trong hoạt động Tòa án là nội dung của buổi tập huấn trực tuyến sẽ diễn ra ngày 19/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao. Liên quan đến chủ đề này và để buổi tập huấn đạt hiệu quả cao, Tạp chí TAND điện tử giới thiệu bài viết về những ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án những năm gần đây…
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, công nghệ thông tin đã được triển khai và thực hiện tại trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân kể từ nhiều năm nay. Cụ thể như sau:
Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP, hướng dẫn việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử
Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015, Luật tố tụng hành chính ngày 25 tháng 11 năm 2015 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; ngày 30 tháng 12 năm 2016, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP, Nghị quyết này hướng dẫn việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử giữa người khởi kiện, đương sự, người tham gia tố tụng khác (sau đây gọi là người khởi kiện, người tham gia tố tụng) với Tòa án trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2017
Có thể nói bằng Nghị quyết này, Toà án bắt đầu từng bước thực hiện mô hình “Toà án điện tử”
Theo đó, người khởi kiện, người tham gia tố tụng thực hiện thủ tục gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và việc Tòa án cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính thủ tục này gọi là Giao dịch điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
Dữ liệu điện tử được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử từ đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, văn bản tố tụng đã được ban hành theo quy định của pháp luật được gọi là Thông điệp dữ liệu điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử trong thủ tục giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính phải tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Nghị quyết này và pháp luật về giao dịch điện tử.
Việc gửi, nhận, trao đổi, lưu trữ thông tin trong giao dịch điện tử phải được thực hiện theo quy định của Luật giao dịch điện tử, Luật an toàn thông tin mạng, Luật công nghệ thông tin và các quy định khác của pháp luật nên được bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin
“Tòa án, người khởi kiện, người tham gia tố tụng có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử; sử dụng, quản lý, bảo vệ thông điệp dữ liệu điện tử đúng pháp luật; tự mình hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp cần thiết bảo đảm tính an toàn, bảo mật, chính xác và toàn vẹn của thông điệp dữ liệu điện tử. Trường hợp người khởi kiện, người tham gia tố tụng phát hiện tài khoản bị xâm phạm phải có trách nhiệm báo ngay cho Tòa án biết để khóa tài khoản giao dịch đó.” (Điều 11 của Nghị quyết).
Đồng thời, tại Điều 20 và 21 của Nghị quyết cũng quy định về việc Tòa án cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; Tòa án gửi tài liệu, chứng cứ bằng phương tiện điện tử.
Công bố bản án, quyết định của Tòa án trên trang thông tin điện tử
Ngày 18-7, TANDTC đã tổ chức lễ khai trương trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án. Qua trang điện tử này, người dân, cơ quan, tổ chức có thể tìm kiếm, xem trực tiếp nội dung các bản án, quyết định thuộc các lĩnh vực khác nhau, các án lệ đã được áp dụng. Người đọc cũng có thể tương tác bằng cách trực tiếp cho ý kiến về các bản án, quyết định được công bố, trong đó có mục “Ý kiến phản hồi đối với bản án, quyết định”. Phương thức này tăng cường sự tiếp cận và giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Việc công khai bản án góp phần nâng cao trách nhiệm, kỹ năng viết bản án, kỹ năng công nghệ thông tin của Thẩm phán.
Việc xác định bản án, quyết định thuộc trường hợp được công bố hay không được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án phải căn cứ vào Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP, ngày 16 tháng 03 năm 2017 Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và Công văn số 144/TANDTC-PC ngày 04 tháng 7 năm 20117 hướng dẫn về việc thi hành NQ số 03/2017/NQ-HĐTP.
Ứng dụng CNTT để tổ chức họp trực tuyến
Thực hiện Chỉ thị số 21- CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc “Hạn chế tối đa các hội nghị tập trung có quy mô toàn quốc… và tăng cường ứng dụng CNTT để tổ chức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc”, Tòa án đã lắp đặt và vận hành hệ thống kết nối 778 điểm cầu, đưa mạng lưới truyền hình hội nghị đến các TAND cấp huyện. Việc tổ chức Hội nghị có ý nghĩa rất lớn trong việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động của hệ thống Tòa án; xóa bỏ khoảng cách địa lý, giúp lãnh đạo TANDTC tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đến TAND các cấp.
“Tòa án điện tử” và “Chính phủ điện tử” trong cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam
Ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm chủ tịch và 17 Ủy viên. Trong số các Ủy viên ngoài các Bộ trưởng, Thứ trưởng của các bộ, có sự tham gia của 4 chủ tịch của 4 doanh nghiệp chủ chốt về CNTT đó là: Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.
Cùng với những bước đi vững chắc của Tòa án trong ứng dụng công nghệ thông tin, hy vọng rằng sẽ có sự phối hợp tốt của công dân, của những người tham gia tố tụng để Toà án có thể trở thành “Toà án điện tử” đáp ứng cải cách tư pháp, ứng dụng tốt CNTT, phù hợp “Chính phủ điện tử” và có những cải tiến tốt trong công việc, giảm thiểu gánh nặng tài chính cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận