Đắk Lắk: Trang trại nuôi hàng ngàn con lợn ngang nhiên xả thải trực tiếp ra môi trường
Tại thôn 7, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lên tới gần hàng chục nghìn con ngang nhiên xả thải ra môi trường.
Xả phân lợn ra hồ nước
Theo phản ánh của người dân, phóng viên Tạp chí Tòa án nhân dân ngày 06/7/2024 đã có mặt tại trang trại của một hộ dân tại thôn 7, xã Hòa Phú, Thành phố Buôn Ma Thuột. Ở đây, hàng ngàn khối phân lợn tươi đang tuồn chảy ùn ùn đảo chiều cuộn sóng từ phía đáy hồ đảo ngược lên trên mặt nước, tạo ra một hồ phân khủng khiếp bốc mùi hôi thối nồng nặc, lan tỏa cả một vùng thành phố.
Theo quan sát của phóng viên, hệ thống xả thải được chủ trang trại lắp đặt đường ống chạy ngầm dưới lòng đất rồi chạy qua đường dân sinh sau đó trực tiếp tuồn ra đáy hồ, không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào.
Trụ sở UBND xã Hòa Phú
Sau khi ghi hình, phóng viên liên lạc với ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú để xin lịch làm việc. Theo lịch hẹn, sáng ngày 09/7 phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Thanh Quang – Phó chủ tịch UBND xã để trao đổi vấn đề trang trại lợn đang ngang nhiên xả thải trực tiếp ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng.
Ông Quang cho biết: Sau khi phóng viên phản ánh thì xã đã nắm được thông tin và chỉ đạo thành lập đoàn xuống kiểm tra, xác minh. Chủ hộ chăn nuôi là ông Nguyễn Văn Chiều có địa chỉ thường trú trên địa bàn xã, trang trại này được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2020, xã đã thành lập đoàn tới kiểm tra và lập biên bản, xã giao cho hộ ông Chiều đến ngày 17/7/2024 là phải hoàn thành việc lắp đặt hệ thống xử lý môi trường của trang trại, nếu tới ngày đó mà gia đình không hoàn thành thì xã sẽ buộc chủ trang trại ngừng hoạt động.
Khi phóng viên hỏi về vấn đề sau khi xã đã lập biên bản thì xã có hướng xử phạt hay đã có văn bản gì báo cáo lên cấp trên hay chưa thì vị Phó chủ tịch cho hay: “Chưa có, vì vấn đề này nằm ngoài tầm xử lý của chính quyền địa phương nên tới ngày 17/7/2024 nếu gia đình không khắc phục thì chúng tôi sẽ báo cáo, bởi vì đây cũng là hộ gia đình trước đây họ nuôi lợn ở trong khu dân cư, sau khi bị người dân phản ánh nên chúng tôi đã vận động gia đình chuyển về đây nuôi”.
Khi được hỏi về các hồ sơ, giấy tờ để được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì Phó chủ tịch Nguyễn Thanh Quang cho biết là không có, bởi lẽ khi xã đã đồng ý cho chủ trại xây dựng chuồng trại chăn nuôi thì nghĩa là sau này đất ở đây sẽ chuyển đổi được mục đích sử dụng đất, nhưng khi nộp hồ sơ về thành phố thì không được bởi vì ở vùng đất này quy hoạch đất khu công nghiệp chứ không phải quy hoạch khu chăn nuôi.
Như vậy là chủ hộ xây dựng trang trại nuôi lợn không có giấy phép.
Thách thức, xem thường pháp luật
Mặc dù đất của chủ trang trại lợn ở đây chưa được cơ quan chức năng chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng đã được chủ trại đầu tư xây dựng quy mô rất lớn, tổng trong khuôn viên đã được xây dựng 01 nhà nuôi chim yến và 07 dãy chuồng để nuôi lợn nái và lợn thịt. Chủ trại hợp tác liên kết chăn nuôi với công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, nên hệ thống chuồng trại được đầu tư bài bản từ đầu để chăn nuôi số lượng lợn cực lớn, nhưng chủ trại đã xem thường pháp luật, không quan tâm tới hồ sơ pháp lý và các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.
Trang trại đang nuôi khoảng 7000 con lợn
Khi phóng viên liên hệ với chủ trại để làm việc thì chủ trại không hợp tác. Trao đổi qua điện thoại chủ trại cho biết, "trang trại chỉ nuôi 100 con, còn hồ xả phân lợn trực tiếp ở đây là đất của gia đình tôi, sau khi thải phân trực tiếp vào hồ thì chúng tôi bơm lên để tưới cà phê nên không ảnh hưởng ai cả, cách đây vài hôm UBND xã đã xuống lập biên bản và yêu cầu khắc phục, lắp đặt hệ thống Bioga, chúng tôi đang làm đang làm"…
Về số lượng lợn đang nuôi ở trang trại có phải 100 con như ông Chiều nói hay không, trong khi theo ông Nguyễn Thanh Quang là khoảng 700 con… Phóng viên tìm hiểu từ công nhân chăn nuôi trong trại thì được biết trang trại đang nuôi với số lượng lợn lên tới khoảng 7000 con.
Điều 59 Luật Chăn nuôi năm 2018 về xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại quy định: Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản;
Điều 60 quy định về xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ yêu cầu chủ chăn nuôi nông hộ phải có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
Như vậy, trang trại lợn của ông Nguyễn Văn Chiều bất chấp quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Tài nguyên và môi trường, Công an tỉnh cùng các đơn vị liên quan vào cuộc xác minh, đánh giá thực tế để xử lý dứt điểm sai phạm. Bên cạnh đó cũng làm rõ trách nhiệm quản lý môi trường của các cá nhân và tổ chức đã để xảy ra tình trạng này suốt 4 năm qua.
Khu trang trại và hồ xả phân nhìn từ trên cao
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận