
Đề xuất tăng số lượng, mở rộng đối tượng bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao
(TCTA) - Chiều 26/4/2025, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND). TAND Tối cao đề xuất tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao từ tối đa 17 người lên 23-27 người để đáp ứng yêu cầu của mô hình tòa án ba cấp.
Trình bày tờ trình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng không tổ chức TAND cấp cao, TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong TAND khu vực. Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: TAND Tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND khu vực.
Trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 3 cấp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án. Với TAND Tối cao, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
Bổ sung quy định trong cơ cấu tổ chức của TAND Tối cao có các Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa phúc thẩm TAND Tối cao theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao. "Tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao từ 13 - 17 người lên thành từ 23 - 27 người để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ TAND cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội", Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến nêu rõ,
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết trung bình mỗi năm, TAND Tối cao giải quyết 2.800 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền; giải quyết, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 200 vụ/năm. Ba TAND Cấp cao giải quyết 6.500 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền; giải quyết, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 800 vụ.
Như vậy, sau khi tiếp nhận một phần nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm của các TAND Cấp cao, dự tính TAND Tối cao sẽ phải giải quyết khoảng 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mỗi năm; xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 1.000 vụ một năm.
"Với khối lượng công việc như vậy, đòi hỏi phải tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao mới đáp ứng được yêu cầu của công việc", ông Tiến nêu.
Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết dự luật được xây dựng trên cơ sở mô hình hệ thống Tòa án ba cấp. Với TAND Tối cao, dự luật bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
Dự luật cũng điều chỉnh theo hướng TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của TAND khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh được điều chỉnh theo hướng gồm Ủy ban Thẩm phán, các tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc. Chánh án TAND Tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của TAND cấp tỉnh.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao trong trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Theo đó, người được đề nghị bổ nhiệm phải đang là Thẩm phán TAND hoặc có đủ 5 năm làm Vụ trưởng hoặc tương đương tại TAND Tối cao.
Vấn đề này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy thẩm phán TAND Tối cao là chức danh tư pháp đặc biệt, thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Luật hiện hành quy định trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có thời gian tối thiểu 5 năm là Thẩm phán TAND.
Giải trình sau đó, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, việc tăng số lượng Thẩm phán TAND Tối cao lên 23 - 27 người đã được Bộ Chính trị, Trung ương thông qua.
Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho hay nếu để 17 thẩm phán TAND Tối cao như quy định hiện hành thì "không đủ sức để làm việc". Chánh án đề nghị trước mắt có 23 thẩm phán, 4 thẩm phán còn lại sẽ có lộ trình để chọn người có kinh nghiệm.
Về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Lê Minh Trí cho biết, điều này giải quyết các vướng mắc trong thực tế, chứ không phải lo những người được bổ nhiệm không có kinh nghiệm.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề xuất tăng số lượng thẩm phán TAND Tối cao lên 23 đến 27 người, cũng như ủng hộ mở rộng diện để chọn bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TAND Tối cao phối hợp với các cơ quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao. Ảnh Khải Hoàn.
Bài liên quan
-
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đủ điều kiện trình Quốc hội
-
Phó Chánh án Nguyễn Quốc Đoàn kiểm tra công tác đặc xá tại TP Huế
-
Trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
-
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Quốc Đoàn làm việc với Tạp chí Tòa án nhân dân
Bình luận