Đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện

Bài viết đề cập đến vấn đề đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 của Tòa án cấp sơ thẩm, từ đó đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn quy định của luật để áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm.

1. Tình huống vụ việc cụ thể

Ông Trần Văn A khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Y về khiếu kiện quyết định hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai tại TAND tỉnh X.

Sau khi thụ lý vụ án, TAND tỉnh X đã thực hiện các thủ tục theo quy định và ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, triệu tập và tống đạt hợp lệ đối với người khởi kiện, người bị kiện và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án để tham dự phiên tòa lần thứ nhất; Đại diện người bị kiện vắng mặt có đơn xin hoãn phiên tòa nên Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa. Tòa án triệu tập và tống đạt hợp lệ đối với người khởi kiện, người bị kiện và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án để tham dự phiên tòa lần thứ hai, tuy nhiên đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện vắng mặt, không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Do đó, TAND tỉnh X căn cứ khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 157 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án hành chính đối với yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn A.

2. Quy định của pháp luật tố tụng

- Theo khoản 1 Điều 157 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa”.

Theo nội dung quy định của điều luật thì Tòa án triệu tập lần thứ nhất trường hợp có người vắng mặt thì phiên tòa được hoãn (không phân biệt đương sự hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự), có người vắng thì phải hoãn phiên tòa. 

- Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 157 Luật TTHC năm 2045 quy định:

“2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Đối với người khởi kiện, người đại diện theo pháp luật của người khởi kiện mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người khởi kiện có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn”.

3. Vướng mắc và đề xuất kiến nghị để thống nhất áp dụng

Như vậy, Điều luật không phân biệt phiên tòa lần thứ nhất người khởi kiện, người đại diện hợp pháp của người khởi kiện có mặt hay không, nhưng lần thứ hai, nếu được triệu tập mà vắng mặt xem như từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là luật không quy định đối với trường hợp đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có đơn xin hoãn phiên tòa tại phiên tòa lần thứ nhất nên dẫn đến có hai cách hiểu và hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Tòa án triệu tập hợp lệ các đương sự tham gia phiên tòa xét xử vụ án lần thứ nhất. Đại diện người bị kiện vắng mặt, Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa. Tòa án triệu tập lần thứ hai đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Quan điểm thứ hai: Tại phiên tòa này, do người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị kiện có đơn xin hoãn phiên tòa nên Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa, lý do hoãn phiên tòa không phải do lỗi của người khởi kiện. Do đó, phiên tòa được mở lại nhưng có đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ vắng mặt được xem là vắng mặt lần thứ nhất.

Các tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẻ lý do hoãn phiên tòa không phải do lỗi của đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, do đó căn cứ vào lý do trên mà đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 157 Luật TTHC năm 2015 là chưa phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.

Từ những căn cứ và phân tích nên trên có thể dẫn đến việc áp dụng khác nhau dẫn đến hệ quả pháp lý khác nhau. Có những vụ án có tính chất tương tự nhau, nhưng các Thẩm phán lại có nhiều cách giải quyết vụ án khác nhau, hoặc là đình chỉ hoặc là tiếp tục giải quyết vụ án. Điều này dẫn đến việc xét xử không được thống nhất trong hệ thống Tòa án, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không được bảo đảm, ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người dân đối với cơ quan thực thi pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải.

Qua đó, các tác giả xin đề xuất và kiến nghị TANDTC cần sớm có ban hành hướng dẫn thống nhất pháp luật trong việc đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm. Cần có quy định cụ thể đối với trường hợp lý do hoãn phiên tòa không phải do lỗi của đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Phiên tòa được mở lại nhưng có đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ vắng mặt. Tòa án phải xác định đây là trường hợp đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa.

PHẠM THỊ TÚ ANH (Phó Chánh Văn phòng TAND tỉnh Cà Mau) - NGUYỄN XUÂN THỦY (Thư ký viên TAND tỉnh Cà Mau)

TAND tỉnh Cà Mau xét xử vụ án hành chính sơ thẩm về việc "khiếu kiện quyết định hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai".