Định tội danh đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của Lê Hoàng D

Trong nhiều trường hợp, mặc dù cùng một hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về tội danh liên quan đến nhận thức khác nhau về thời điểm hoàn thành của hành vi đó. Trong vụ án sau, D có hành vi chiếm đoạt tài sản của bà L, nhưng có các quan điểm khác nhau về tội danh của D.

Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 12/7/2024, Lê Hoàng D nảy sinh ý định trộm cắp tài sản để tiêu xài cá nhân nên chuẩn bị một con dao nhọn Thái Lan bỏ trong túi quần sau và đi bộ trên đường làng để tìm kiếm mục tiêu. Đi được một đoạn thì D thấy nhà bà L đã tắt đèn đi ngủ (nhà bà L không có cửa mà chỉ có mảnh bạt che lại, D biết bà L sống một mình trong căn nhà này). Thấy vậy, D lẻn vào nhà, thấy bà L đang nằm ngủ trên giường ngay cửa đi vào; D lén lút lại tủ của bà L lục lấy 450.000 đồng, số tiền này D đã bỏ vào túi quần trước bên phải. Khi vừa bỏ tiền vào túi, D nghe tiếng động phát ra từ giường nơi bà L đang nằm, tưởng rằng bà L tỉnh dậy phát hiện và sẽ la lên nên D rút dao ra đâm nhiều nhát vào người bà L. Bà L bị đâm bất ngờ nên cố vùng vẫy, rơi từ trên giường xuống đất, D tiếp tục đâm thêm 01 cái nữa và bỏ chạy. Sáng ngày 13/7/2024, D bị bắt. Kết quả giám định thương tích của L là tổn hại 40% sức khỏe.

Trong vụ án trên, đối với hành vi dùng dao nhọn Thái Lan đâm nhiều nhát vào người bà L làm bà L rơi từ trên giường xuống đất và tiếp tục đâm thêm 01 cái nữa của D đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người. Tuy nhiên, đối với hành vi D chiếm đoạt 450.000 đồng của bà L, còn có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, D phạm tội cướp tài sản, bởi vì: Ngay thời điểm D vừa nhét tiền trộm cắp của bà L vào túi quần thì nghe tiếng động phát ra, D liền lo lắng nghĩ rằng bà L thức dậy phát hiện và la lên sẽ báo động cho những người xung quanh, D sẽ không đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản nên đã có hành vi dùng vũ lực (đâm nhiều nhát vào người bà L sau đó bỏ chạy) nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản. Lúc này, hành vi chiếm đoạt tài sản của D chưa hoàn thành. Do đó, hành vi của D được hiểu là dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt bằng được số tiền 450.000 đồng của bà L nên D phạm tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Quan điểm thứ hai cho rằng, D không phạm tội. Tác giả đồng ý với quan điểm này, bởi vì: Số tiền 450.000 đồng mà D chiếm đoạt được là thông qua hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt của bà L (thể hiện ở mục đích trộm cắp tài sản ban đầu, lén lút đi vào nhà, lục tủ của bà L và lấy số tiền này) chứ không phải chiếm đoạt thông qua hành vi dùng vũ lực. Hành vi D dâm nhiều nhát vào người bà L và bỏ chạy là hành vi nhằm tẩu thoát, do lo lắng bà L la lên sẽ bị phát hiện, bắt giữ chứ không nhằm chiếm đoạt tài sản. Thực tế, số tiền 450.000 đồng đã nằm trong túi quần của D. Hành vi của D là hành vi trộm cắp tài sản, nhưng do giá trị tài sản trộm cắp chưa đủ cấu thành tội phạm nên D không phạm tội.

Trên đây là các quan điểm khác nhau liên quan đến việc định tội danh của D đối với hành vi chiếm đoạt tài sản, xin trao đổi với quý bạn đọc.

VĂN LINH (Tòa án quân sự khu vực Hải quân)

Tòa án nhân dân huyện Bạch Thông, Bắc Kạn tổ chức xét xử vụ án hình sự "Trộm cắp tài sản" - Ảnh: Ngọc Diệp.