Đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân, bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc Hiến định. Tuy nhiên, để nguyên tắc đó được thực hiện trên thực tế thì cần có hệ thống các điều kiện bảo đảm khác nhau. Trong đó, tổ chức hệ thống TAND có vai trò rất quan trọng.

1. Quan niệm về độc lập xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm

Theo quy định của Điều 102 Hiến pháp năm 2013, Tòa án nhân dân (TAND) là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Theo quy định này của Hiến pháp thì:

- Nội dung quyền tư pháp là quyền phán quyết về các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp, phán quyết một số vấn đề về quyền nhân thân phi tài sản; thực hiện kiểm soát các cơ quan nhà nước khác trong thực hiện các quyền lập pháp, quyền hành pháp;

- Phương thức thực hiện quyền tư pháp là xét xử. Các TAND xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp, phán quyết về quyền nhân thân của con người, thực hiện kiểm soát các cơ quan khác trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp bằng hình thức duy nhất là xét xử thông qua thủ tục tư pháp chặt chẽ, dân chủ, minh bạch, công khai; bảo đảm cho các bên tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình;

- Chủ thể thực hiện quyền tư pháp là các TAND. TAND thực hiện quyền tư pháp của mình thông qua các Hội đồng xét xử gồm Thẩm phán, Hội thẩm (xét xử sơ thẩm) hoặc các Thẩm phán (thủ tục rút gọn, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm...);

Từ những phân tích trên về quyền tư pháp, có thể thấy, từ góc độ xét xử, thực hiện quyền tư pháp, các cách nói độc lập tư pháp, độc lập của Tòa án thực chất cũng là độc lập xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Độc lập xét xử là nguyên tắc đặc trưng của tổ chức và hoạt động của Tòa án, là yếu tố cần thiết của Nhà nước pháp quyền. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm luôn là nguyên tắc Hiến định ở Việt Nam (khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013).

2. Các bảo đảm cho Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập

Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc Hiến định. Tuy nhiên, để nguyên tắc đó được thực hiện trên thực tế thì cần có hệ thống các điều kiện bảo đảm khác nhau như: nhận thức xã hội về nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phân công và kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước; giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan hành pháp, hệ thống cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tư pháp; tổ chức hệ thống tư pháp, nhất là hệ thống Tòa án nhân dân; địa vị, chế độ, chính sách của các chủ thể (Thẩm phán, Hội thẩm) thực hiện quyền tư pháp; năng lực độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm và sự lãnh đạo của Đảng đối với Tòa án các cấp...

Trong hệ thống các điều kiện bảo đảm nêu trên, tổ chức hệ thống TAND có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Từ góc độ tổ chức hệ thống TAND, theo chúng tôi, các yếu tố sau đây có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm:

- Một là, tổ chức hệ thống các Tòa án theo cấp xét xử với một hệ thống lãnh đạo, quản lý đặc thù hay theo đơn vị hành chính lãnh thổ với các mối quan hệ ngang với cơ quan lãnh đạo, đại diện, hành chính địa phương. Thực tiễn tư pháp thế giới cho thấy, các Tòa án càng có ít mối quan hệ ngang với các cơ quan đại diện, với cơ quan hành chính địa phương thì nguyên tắc độc lập càng được thực hiện tốt. Khi Tòa án được tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ thì càng nhiều nguy cơ can thiệp từ phía cơ quan lãnh đạo, các cơ quan cùng cấp.

- Hai là, vấn đề quản trị Tòa án có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cho Tòa án nói chung, Thẩm phán và Hội thẩm nói riêng được độc lập trong xét xử. Trong tư pháp hiện đại, có 3 phương cách quản trị Tòa án:

(1) Tòa án tối cao quản lý Tòa án cấp dưới: Cách quản lý này đảm bảo cho cơ quan quản lý nắm chắc năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Tòa án nói chung, Thẩm phán nói riêng để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cũng như phân công nhiệm vụ, điều động, bổ nhiệm Thẩm phán tại các Tòa án. Tuy nhiên, cách quản lý này cũng dễ dẫn đến sự tác động của quan hệ quản lý lên quan hệ tố tụng, dẫn đến sự can thiệp hoặc áp lực của Tòa án cấp trên đối với việc xét xử của Tòa án cấp dưới.

(2) Cơ quan hành pháp, hành chính nhà nước quản lý Tòa án: Đây là phương cách quản lý đảm bảo tách quan hệ quản lý khỏi quan hệ tố tụng; đảm bảo cho quan hệ tố tụng được thực hiện độc lập. Tòa án chỉ tập trung cho hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp; còn các công việc khác như tổ chức Tòa án; đội ngũ cán bộ, Thẩm phán; ngân sách cho hoạt động của Tòa án, trong đó có chế độ, chính sách đối với Thẩm phán do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, việc tách rời giữa quản lý về mặt tổ chức và quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ đã dẫn đến những hạn chế trong đánh giá năng lực đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm; dẫn đến những hạn chế trong thực hiện chế độ, chính sách đối với Tòa án, đối với Thẩm phán, Hội thẩm... Đồng thời, việc cơ quan hành chính nhà nước quản lý Tòa án cũng sẽ dẫn đến tình trạng can thiệp của cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính nhà nước vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Bởi vì, suy cho cùng, các vi phạm pháp luật, các tranh chấp trong xã hội thuộc thẩm quyền phán quyết của Tòa án ít hay nhiều đều xuất phát từ hoạt động hành pháp, tổ chức thi hành pháp luật và hoạt động quản lý hành chính của cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là các khiếu kiện hành chính.

(3) Một cơ quan hỗn hợp độc lập quản lý Tòa án: Để phát huy được những ưu điểm, khắc phục được những hạn chế của 2 mô hình quản trị Tòa án nêu trên, trong nhà nước pháp quyền hiện đại, việc quản trị Tòa án, nhất là trong lựa chọn bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, cách chức Thẩm phán do Hội đồng tư pháp quốc gia thực hiện. Hội đồng tư pháp quốc gia thông thường gồm đại diện các cơ quan tư pháp, hành pháp, lập pháp và một số cựu Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm tham gia do nguyên thủ quốc gia (Tổng thống, Chủ tịch nước, Nhà Vua) đứng đầu.

- Ba là, về địa vị của Thẩm phán, Hội thẩm. Thẩm phán không phải là công chức hành chính. Vì vậy, tiêu chuẩn, chế độ, nhiệm kỳ bổ nhiệm; thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật Thẩm phán phải khác so với công chức hành chính khác để họ có thể độc lập xét xử. Thẩm phán phải là người có trình độ chuyên môn, được đào tạo nghiệp vụ, từng trải trong cuộc sống và bản lĩnh để phán quyết, vì công lý và dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đặc biệt, việc miễn nhiệm hay kỷ luật Thẩm phán được quy định chặt chẽ và được thực hiện theo một thủ tục minh bạch, khách quan, bảo đảm để họ không có sự e ngại nào về việc có thể bị xử lý, bị kỷ luật khi phán quyết về một vụ việc cụ thể. Ở nhiều nước, Thẩm phán có quyền miễn trừ; họ chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý khi có sự đồng ý của Hội đồng tư pháp quốc gia hoặc phán quyết cho phép của phiên tòa luận tội (impeachment court) Thẩm phán. Thẩm phán không bị điều chuyển sang công tác khác, không bị hạ bậc lương trong quá trình công tác. Việc kỷ luật Thẩm phán thuộc thẩm quyền tập thể của Hội đồng tư pháp quốc gia, một ủy ban pháp luật độc lập hoặc bằng một phiên luận tội (impeachment). Trong một quốc gia mà ai cũng có thể kỷ luật, chuyển công tác Thẩm phán, thì quốc gia đó rất khó để Thẩm phán độc lập xét xử.

 Thẩm phán thông thường được nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm theo đề nghị của cơ quan quản lý Thẩm phán. Nhiệm kỳ bổ nhiệm Thẩm phán có vai trò rất quan trọng để Thẩm phán xét xử độc lập. Nguy cơ mất việc làm, nguy cơ không được tái bổ nhiệm luôn tạo ra cho Thẩm phán rào cản lớn cho độc lập xét xử. Vì thế, thực tiễn tư pháp đều cho thấy xu thế hoặc là Thẩm phán được bổ nhiệm với nhiệm kỳ suốt đời, hoặc là được bổ nhiệm với nhiệm kỳ khá dài, đa số là 10 năm hoặc kết hợp cả hai tuỳ theo cấp Thẩm phán. Đồng thời, tuổi làm việc của Thẩm phán cũng dài hơn công chức hành chính, hoặc là cho đến khi không còn khả năng làm Thẩm phán hoặc từ 65 đến 70 tuổi.

Chế độ lương bổng của Thẩm phán, thù lao cho Hội thẩm cũng là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn tới sự độc lập xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm, bảo đảm sự liêm chính trong hoạt động vốn nhiều cám dỗ của mình. Trong các quốc gia, số lượng Thẩm phán bao giờ cũng ít hơn rất nhiều so với đội ngũ công chức. Tuy các Thẩm phán luôn có bậc lương riêng và cao hơn nhiều so với các công chức khác, bảo đảm cho họ và gia đình có cuộc sống vật chất, mà không chịu sự tác động, cám dỗ vật chất nào khác từ những người tham gia tố tụng có liên quan, nhưng quỹ tiền lương của Thẩm phán luôn chiếm phần khiêm tốn trong ngân sách quốc gia. Công lý luôn đắt đỏ; công lý không tồn tại trong một nền tư pháp hối lộ, tham nhũng.

- Bốn là, để Thẩm phán, Hội thẩm độc lập xét xử không thể không có sự giám sát. Đó là sự giám sát từ bên trong hệ thống thông qua các trình tự tố tụng tư pháp, hoạt động giám đốc xét xử của Tòa án cấp trên; mối quan hệ chế ước của các cơ quan tiến hành tố tụng và đặc biệt là giám sát (kháng cáo, khiếu nại, tố cáo) từ phía người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đó là sự giám sát bên ngoài từ phía các cơ quan lập pháp, hành pháp; của nhân dân; của dư luận xã hội và truyền thông...

Tuy nhiên, sự giám sát đối với Tòa án nói chung, Thẩm phán, Hội thẩm nói riêng cần được quy định và thực hiện một cách hợp lý, phù hợp với đặc điểm của hoạt động tư pháp để một mặt đảm bảo hoạt động đó có hiệu quả; mặt khác, các chủ thể giám sát không thể lợi dụng giám sát để can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.

- Năm là, ngoài các yếu tố trên, năng lực của Thẩm phán cũng là điều kiện quan trọng để Thẩm phán "dám" độc lập xét xử. Năng lực của Thẩm phán thể hiện ở trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, từng trải xã hội, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp. Chỉ trên cơ sở tổng hợp có được năng lực đó, Thẩm phán mới có thể phán quyết vụ án theo quy định pháp luật và lương tâm của mình vì sự thật, pháp luật và công lý.

3. Thực tiễn bảo đảm độc lập xét xử cho Thẩm phán và Hội thẩm ở Việt Nam

Cùng với công cuộc cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ban hành Hiến pháp năm 2013 và hệ thống các luật về hệ thống tư pháp nói chung, TAND nói riêng, Việt Nam đã tạo ra được cơ sở pháp lý khá tiến bộ bảo đảm cho Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cơ sở đó thể hiện ở một số điểm sau đây:

- Hiến pháp đã xác định nguyên tắc kiểm soát việc thực hiện quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, tạo cơ sở Hiến định cho mô hình tổ chức, quản trị Tòa án, bảo đảm tốt nhất cho Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Điều 2). Hiến pháp cũng khẳng định Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của TAND (Điều 103). Hiến pháp cũng quy định TAND dân gồm Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và các Tòa án khác do luật định (Điều 102) để tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập các Tòa án theo cấp xét xử...

- Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã có những quy định tiến bộ, phù hợp với nguyên tắc pháp quyền và xu thế tư pháp hiện đại. Bước đầu đã kết hợp tổ chức Tòa án theo cấp xét xử (các TAND cấp cao) với tổ chức Tòa án theo đơn vị hành chính lãnh thổ (các TAND cấp tỉnh, cấp huyện); tiêu chuẩn Thẩm phán được tiêu chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm; Thẩm phán TANDTC được Quốc hội phê chuẩn, Thẩm phán các cấp do Chủ tịch nước bổ nhiệm, được bổ nhiệm lại với nhiệm kỳ dài hơn là 10 năm; tuy vẫn giao cho Chánh án TANDTC quản lý các Tòa án, nhưng đã có sự kết hợp với Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; các lớp đào tạo nghiệp vụ và thi tuyển Thẩm phán các cấp đã được tổ chức; Chánh án TAND địa phương chỉ phải báo cáo công tác, Luật không quy định phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân địa phương... Những quy định trong Luật Tổ chức TAND 2014 là bước tiến mới trong tổ chức hệ thống tư pháp, bảo đảm vị trí Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm trong hoạt động tư pháp như Nghị quyết số 49-NQ/TW đã nêu.

Triển khai thực hiện Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND với tinh thần cải cách tư pháp, Nhà nước ta, đặc biệt là các TAND đã thực hiện khá tốt các quy định nêu trên, góp phần để TAND thực hiện hiệu quả quyền tư pháp, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng còn tồn tại những hạn chế, bất cập có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đó là:

- Tổ chức Tòa án theo cấp xét xử vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, dễ dẫn đến các Tòa án địa phương phụ thuộc vào các cơ quan, tổ chức địa phương. Việc quy định Chánh án TAND không phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân địa phương (Điều 42, Điều 47 Luật Tổ chức TAND) đã không được thực hiện một cách triệt để; việc Hội đồng nhân dân chất vấn trách nhiệm của Chánh án, chất vấn về xét xử các vụ án cụ thể vẫn được tiến hành;

- Vấn đề quản trị Tòa án vẫn còn những bất cập. Vai trò của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia chưa thật sự rõ ràng, chưa đạt hiệu quả cao như kỳ vọng; nhất là trong việc miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán. Là Hội đồng giám sát Thẩm phán, Hội đồng phải có vai trò quyết định trong xem xét miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán để bảo vệ Thẩm phán và vấn đề kỷ luật không trở thành sức ép tâm lý đối với Thẩm phán trong độc lập xét xử;

- Theo khảo sát thực tế của chúng tôi, thời gian qua có một số Thẩm phán bị đình chỉ xét xử, bị chuyển sang làm công việc khác nhưng chưa có cơ sở thuyết phục đã trở thành sự phân vân đối với Thẩm phán trong hoạt động xét xử của mình;

- Chế độ, chính sách đối với Thẩm phán, Hội thẩm vẫn còn nhiều điều thiếu hợp lý. Việc coi Thẩm phán là công chức nhà nước sẽ dẫn đến họ phải phụ thuộc vào sự lãnh đạo của cấp trên với mối quan hệ mệnh lệnh, phục tùng (đặc trưng trong quan hệ hành chính); chế độ tiền lương của Thẩm phán, thù lao xét xử của Hội thẩm chưa được đổi mới ảnh hưởng đến tính liêm chính trong đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, thậm chí dẫn đến nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ này... làm cho Nhân dân nghi ngờ, mất lòng tin vào hệ thống tư pháp nói chung, vào hoạt động xét xử của các Tòa án nói riêng;

- Hiến pháp cũng như pháp luật quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Tuy nhiên, cùng với điều cấm mang tính Hiến định này lại chưa có bất kỳ một chế tài nào được ban hành đảm bảo cho điều cấm đó được thực thi trên thực tiễn. Có lẽ vì vậy, trong lịch sử tư pháp Việt Nam, chúng tôi chưa thấy bất kỳ một cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm đối với hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm...

4. Một số kiến nghị

Từ những khái quát lý luận về nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nêu trên, phân tích các quy định của pháp luật, đánh giá thực tiễn bảo đảm thực hiện nguyên tắc, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

- Một là, tiếp tục thực hiện tinh thần cải cách tư pháp theo hướng tổ chức các Tòa án theo cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính lãnh thổ; nghiên cứu thành lập các Tòa án rút gọn, giản lược để xét xử các vụ án hình sự ít nghiêm trọng, các tranh chấp có giá trị không lớn với cơ chế lãnh đạo, quản lý phù hợp;

- Hai là, đổi mới cơ chế quản trị Tòa án và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia theo quy định hiện hành. Về lâu dài, có thể nghiên cứu mô hình quản lý Tòa án của Hội đồng tư pháp quốc gia. Theo đó, Hội đồng này có trách nhiệm tuyển chọn ứng viên Thẩm phán để trình Chủ tịch nước bổ nhiệm; tổ chức đào tạo, thi tuyển, sát hạch Thẩm phán; Hội đồng xem xét và quyết định kỷ luật Thẩm phán, trường hợp nghiêm trọng thì quyết định chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thành phần Hội đồng tư pháp quốc gia do nguyên thủ quốc gia đứng đầu và có sự tham gia của các cựu Thẩm phán có kinh nghiệm và uy tín nghề nghiệp;

- Ba là, đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ Thẩm phán. Cần coi Thẩm phán là ngạch, bậc riêng, không phải là công chức; có cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật riêng; có bảng lương riêng cao hơn ngạch công chức khác. Thẩm phán cần được hưởng chế độ miễn trừ cần thiết. Bảo đảm cho Thẩm phán không bị chuyển sang công tác khác, bị hạ bậc lương nếu không có quyết định của Hội đồng tư pháp quốc gia;

- Bốn là, đổi mới hoạt động giám sát đối với hoạt động xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Các cơ quan lập pháp, hành pháp không can thiệp vào việc xét xử các vụ án cụ thể; xóa bỏ cơ chế án đụng trần (tức xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, cơ quan xét xử cao nhất ở nước ta) trong tố tụng tư pháp hiện nay; các Hội đồng nhân dân không chất vấn trách nhiệm về các vụ án cụ thể đối với các Chánh án TAND. Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện Công tố như Nghị quyết số 49-NQ/TW đã nêu; Viện kiểm sát không tham gia xét xử các vụ án phi hình sự. Có định hướng tư tưởng để dư luận xã hội, truyền thông không gây sức ép không đáng có đến Thẩm phán trong vụ việc cụ thể khi mà bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật...

- Năm là, quy định chế tài và kiên quyết phát hiện, xử lý trách nhiệm, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự,  đối với các hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm./.

 

TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm vụ án hình sự - Ảnh: Thanh Tùng

 

PGS. TS. TRẦN VĂN ĐỘ (Nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án TAQS Trung ương)