Đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính – Khó khăn và vướng mắc
Đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án hành chính là nguyên tắc của pháp luật tố tụng hành chính. Quy định về đối thoại được quy định tại Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và sửa đổi, bổ sung trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Tuy nhiên, tính từ ngày 1/1/2017 đến 31/3/2018, Tòa án toàn quốc đã giải quyết 1165 vụ thì chỉ có 92 vụ án đối thoại thànhtỷ lệ 7,89%. Vì sao đối thoại thành trong vụ án hành chính lại thấp như vậy?
Tỷ lệ đối thoại thành thấp
Điều 20 Luật Tố tụng hành chính quy định: Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án” và khoản 1 Điều 134 quy định “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án”. Như vậy, đối thoại là thủ tục bắt buộc, trừ những vụ án không tiến hành đối thoại được hoặc khiếu nại danh sách cử tri, vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn.
Các Tòa án cả nước đã quán triệt tinh thần của Luật Tố tụng hành chính quy định, tích cực tổ chức đối thoại giữa các bên, nhưng theo số liệu thống kê tại Báo cáo của TANDTC trình UBTVQH thì tỷ lệ đối thoại vụ án hành chính đạt kết quả không cao. Tính từ ngày 1/1/2017 đến 31/3/2018, Tòa án toàn quốc đã giải quyết 1165 vụ thì chỉ có 92 vụ án đối thoại thành và đình chỉ vụ án, tỷ lệ 7,89%. Trong đó TAND cấp huyện giải quyết 264 vụ, thì chỉ có 36 vụ án đối thoại thành và đình chỉ vụ án, tỷ lệ 13,63%; TAND cấp tỉnh giải quyết 901 vụ, thì có 56 vụ án đối thoại thành và đình chỉ vụ án, tỷ lệ 6,21%.
Nguyên nhân của tình trạng đối thoại thành đạt tỷ lệ thấp có nhiều vấn đề, ngoài những khó khăn vướng mắc phát sinh tương tự như hòa giải các vụ án dân sự thì quá trình tiến hành đối thoại cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc riêng.
Đặc thù chủ thể bị kiện
Trước hết, đặc điểm về đối tượng giao tiếp của Thẩm phán tại vụ án hành chính tương đối khác biệt so với các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh, thương mại… bởi vì một bên là cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức thì hành quyền lực hành chính công, họ là những người có chức vụ, có trình độ và nhận thức cao trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ. Trong một số trường hợp khi xét xử các vụ án hành chính có đối tượng khởi kiện là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND hoặc Chủ tịch UBND cùng cấp là người có ảnh hưởng, uy tín tại địa phương, đã tác động không ít đến tâm lý của Thẩm phán và phát sinh tâm lý e ngại đối với Thẩm phán được phân công tiến hành tố tụng nói chung và tiến hành đối thoại nói riêng.
Người bị kiện chủ yếu là UBND, Chủ tịch UBND các cấp, nên việc tham gia tố tụng phải là Chủ tịch UBND hoặc chỉ ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính, trong khi những người này luôn phải chịu áp lực lớn trong công việc quản lý hành chính nhà nước, do đó trong quá trình giải quyết vụ án, hầu hết những người bị kiện không tham gia. Thực tế cho thấy cả người được ủy quyền cũng không tham gia, chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện tham gia phiên đối thoại. Vì thế, việc đối thoại trong vụ án hành chính thường bị kéo dài, làm cho mục đích, ý nghĩa của quy định về đối thoại không được thực hiện.
Một thực tế khác là phía người bị kiện thường không cung cấp kịp thời tài liệu, chứng cứ theo quyết định yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của Tòa án. Sự thiếu sự hợp tác của người bị kiện nên gây ra những khó khăn cho việc tổ chức phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại. Có trường hợp sau khi Tòa án tiến hành thủ tục đối thoại thì đương sự mới cung cấp chứng cứ mới, khiến người khởi kiện yêu cầu tổ chức lại phiên đối thoại, gây không ít khó khăn cho Tòa án. Những nội dung này đã được TANDTC báo cáo UBTVQH tại văn bản số 44/BC-TANDTC ngày 28/9/2018.
Vướng mắc trong thực tiễn
Một ý kiến khác cho biết, khi có vụ án bị khởi kiện đến Tòa án thì việc thu thập chứng cứ gặp khó khăn do việc lưu trữ bị thất lạc dẫn đến tình trạng cung cấp tài liệu chứng cứ không đầy đủ. Mặt khác, khi thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hay giải quyết khiếu nại của người dân, UBND các cấp chưa thực hiện đầy đủ và chặt chẽ các trình tự thủ tục mà Luật khiếu nại hay các Nghị định của Chính phủ quy định, dẫn đến khi người dân khiếu kiện thì các tài liệu chứng cứ cung cấp có thiếu sót mà không thể khắc phục được.
Trong đối thoại hành chính, các bên còn nặng tâm lý, chưa thể hiện sự hợp tác của cả hai bên, nên chưa dễ có được sự thống nhất trong quá trình đối thoại. Việc tổ chức, điều hành định hướng phiên đối thoại của một số Thẩm phán, Thư ký còn thiếu kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng do chưa được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên. Vì thế, kết quả đối thoại thành chưa cao.
Việc xử lý kết quả đối thoại cũng còn vướng mắc. Khoản 3 Điều 140 Luật Tố tụng hành chính quy định: Trường hợp qua đối thoại mà người bị kiện cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị khởi kiện hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện cam kết rút đơn khởi kiện thì Tòa án lập biên bản về việc cam kết của đương sự. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản, người bị kiện phải gửi cho Tòa án quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện phải gửi cho Tòa án văn bản rút đơn khởi kiện… Trường hợp nhận được quyết định hành chính mới hoặc văn bản rút đơn khởi kiện thì Tòa án phải thông báo cho các đương sự khác biết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, nếu các đương sự không có ý kiến phản đối thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải quyết vụ án và gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát … Vấn đề đặt ra là trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản mà một trong các bên đương sự đã thực hiện cam kết và chỉ có một bên gửi Tòa án văn bản rút đơn khởi kiện hoặc quyết định hành chính mới, thì Tòa án xử lý như thế nào? Vấn đề này là một vướng mắc chưa có nhận thức thống nhất.
Th.s Lê Văn Sua, trong một bài viết liên quan đến nội dung này nhận xét, vướng mắc gây nhiều “bức xúc” nhất là quy định về sự vắng mặt của đương sự tại phiên họp đối thoại (khoản 3 Điều 137 Luật TTHC năm 2015). Quy định rằng trong vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt. Quy định này phải chăng là sự “dễ dãi” cho người bị khởi kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập tham gia tố tụng với bên bị kiện?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận