Dự kiến đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước sau sáp nhập sẽ đi vào hoạt động từ 01/9/2025

(TCTA) - Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước sẽ hoàn tất trước 30/8/2025 và đi vào hoạt động từ 01/9/2025.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 sáng 18/3, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết toàn quốc sẽ hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trước 30/6 và vận hành các xã, phường mới từ 01/7/2025.

Theo bà Trà, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp "phải đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng, khẩn trương, hiệu quả". Quy trình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đang được triển khai với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị, Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng.

Bộ trưởng Nội vụ mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành để kịp thời hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ "hết sức hệ trọng và cấp bách" này hiệu quả.

Sau tinh gọn, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ đã giảm 22.323 biên chế

Bộ trưởng Nội vụ cho biết sau tinh gọn, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ đã giảm 22.323 biên chế, tương đương 20% tổng biên chế. Các bộ ngành đã giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương (đạt tỉ lệ 100%), giảm 519 cục và tổ chức tương đương (giảm khoảng gần 78%); giảm 219 vụ và tương đương (giảm trên 54%); giảm 3.303 chi cục và tương đương (giảm gần 92%). Nghị quyết của Quốc hội thông qua giữa tháng 2/2025 xác định Chính phủ sau tinh gọn còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, giảm 5 đầu mối so với đầu nhiệm kỳ.

Đến nay, tất cả bộ ngành và địa phương đã hoàn thành việc phê duyệt đề án vị trí việc làm, bao gồm 840 vị trí trong cơ quan, tổ chức hành chính; 559 vị trí trong đơn vị sự nghiệp công lập và 17 vị trí cán bộ, công chức cấp xã.

63 tỉnh và TP đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, đạt tỉ lệ 29%, 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (giảm 17,5%).

Ngoài ra, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng như chính quyền địa phương đã giảm rất rõ rệt…

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay một trong những nhiệm vụ cải cách hành chính từ nay đến hết năm 2025 là tập trung triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, chất lượng.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh việc cải cách tổ chức bộ máy là một "cuộc cách mạng thực sự trong toàn hệ thống chính trị".

Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm

Sau khi chỉ ra một số tồn tại trong công tác cải cách hành chính trong năm 2024, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề xuất tám nhiệm vụ cơ bản, trong số này có việc đẩy mạnh cải cách thể chế để bảo đảm yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kiến tạo, phát triển và tăng trưởng; kịp thời thực hiện việc phân cấp, phân quyền đáp ứng yêu cầu "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Đặc biệt, tập trung tháo gỡ những nút thắt thể chế, trọng tâm là các thể chế đang gây lực cản cho tăng trưởng; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, vừa qua, Quốc hội đã ban hành hai luật sửa đổi, gồm Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), trong đó quy định rất cụ thể và rõ ràng về phân cấp, phân quyền.

Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành các nghị định để sửa đổi các luật chuyên ngành. Tuy nhiên, hiện nay, các luật chuyên ngành vẫn còn tình trạng chồng chéo, chưa đảm bảo mục tiêu phân cấp, phân quyền.

Bà Trà dẫn chứng có tới 177 luật chuyên ngành quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng, gây khó khăn trong việc thực hiện; 154 luật chuyên ngành quy định cụ thể các vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và 92 luật chuyên ngành quy định thẩm quyền của HĐND và UBND.

Với hai luật sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, toàn bộ nhiệm vụ đã được giao cho Chính phủ để khẩn trương ban hành các nghị định, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong các luật chuyên ngành liên quan đến phân cấp, phân quyền. Do vậy, tất cả các bộ, ngành cần căn cứ vào kế hoạch của Chính phủ để đẩy mạnh việc ban hành các nghị định thực hiện phân cấp, phân quyền.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý cách thực hiện cần đúng với phương châm: Đảm bảo địa phương quyết định, địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm, đồng thời "cởi trói" cho cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác quản lý và điều hành…

Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính

Một nhiệm vụ quan trọng khác được bà Phạm Thị Thanh Trà đề cập là đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp; tăng cường nguyên tắc minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Cùng với đó là việc tổ chức triển khai mở rộng thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại một số địa phương theo kế hoạch, tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ cũng như kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng nhắc tới việc tăng cường thực thi pháp luật, kỷ cương hành chính; tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các cơ chế, chính sách mới trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công.

QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh Nhật Bắc.