
Dự kiến thành lập ba tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao
(TCTA) - Thực hiện Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025, Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025, Kết luận số 135-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, Tòa án nhân dân tối cao soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân trình cấp có thẩm quyền.
Để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Tòa án nhân dân tối cao soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Theo đó, quy định không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức theo mô hình Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương sắp xếp, tinh gọn thành Tòa án nhân dân khu vực; Bỏ Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hành chính vì không tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.
Việc xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (Dự thảo Luật) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án nhân dân, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Nội dung cơ bản của Dự thảo Luật
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án để phù hợp với chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp với các nội dung cơ bản như sau:
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng bỏ Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân khu vực; Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực.
Trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 03 cấp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án theo hướng.
Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc việc xét xử của các Tòa án; tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; phát triển án lệ,…; Thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật các Tòa án nhân dân; Thực hiện nhiệm vụ phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
Tòa án nhân dân tối cao gồm Hội đồng Thẩm phán, 03 Tòa Phúc thẩm (đặt tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh); 04 Vụ Giám đốc kiểm tra, Văn phòng và các cục, vụ, Học viện Tòa án, cơ quan báo chí.
Tăng số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ Tòa án nhân dân cấp cao chuyển về theo đúng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.
Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn: Thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực; Thực hiện nhiệm vụ phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; Thực hiện nhiệm vụ sơ thẩm vụ án hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp khác. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc.
Tòa án nhân dân khu vực: Cơ cấu lại các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành Tòa án nhân dân khu vực.
Về tên gọi Tòa án nhân dân khu vực: được đặt theo tên đơn vị hành chính nơi đặt trụ sở và được đánh số thứ tự để phân biệt và tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng nhận biết. Ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; Tòa án nhân dân khu vực 1 - Hà Nội.
Nhiệm vụ, quyền hạn Tòa án nhân dân khu vực: Xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù; Xét xử theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Giao thẩm quyền giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc phá sản, sở hữu trí tuệ cho một số Tòa án nhân dân khu vực lớn đặt tại các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước.
Tòa án nhân dân khu vực gồm các Tòa chuyên trách và Bộ máy giúp việc.
Về sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với Tòa án nhân dân:
Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao là tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương. Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các Tòa án nhân dân.
Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh là tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh về định hướng chính trị, những nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
Tổ chức Đảng ở Tòa án nhân dân khu vực là tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Về sự giám sát của Nhân dân, cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Tòa án nhân dân tối cao chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực chịu sự giám sát của Nhân dân, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp tỉnh.
Một số điểm mới trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Điều 4 Dự thảo Luật quy định về tổ chức và thẩm quyền thành lập, giải thể các Tòa án nhân dân:
Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân khu vực; Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực.
Thẩm quyền thành lập, giải thể Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực, Tòa án quân sự do: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực; thành lập, giải thể Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao tại điều 46 khoản 2 là “Giám đốc việc xét xử của các Tòa án, trừ trường hợp do luật định”; bổ sung khoản 3 “Phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị”.
Điều 47 dự luật quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao bổ sung có thêm “Các tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao” và “Chánh tòa, các Phó Chánh tòa”.
Sửa đổi số lượng thành viên từ không ít hơn 13 người và không quá 17 người thành “không ít hơn 23 người và không quá 27 người” tại Điều 48 quy định về Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Bổ sung mới theo chức năng, nhiệm vụ của TANDTC tại Điều 49a quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao gồm: Phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị bản án, quyết định của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật; Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 3 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị về cơ cấu, tổ chức của Tòa án nhân dân không còn Tòa án nhân dân cấp cao nên Dự thảo Luật bỏ quy định về Tòa án nhân dân cấp cao tại điều 50 đến điều 54 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 55 về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp tỉnh như:
Sơ thẩm vụ án hình sự về tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực.
Về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân, Điều 56 dự luật quy định Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sửa đổi thành Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sửa đổi thành Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Bỏ văn phòng, phòng và các đơn vị tương đương, sửa đổi thành bộ máy giúp việc.
Dự luật cũng quy định Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sửa đổi thành Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Điều 60 Dự thảo Luật quy định thêm cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực so với Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay như: Bỏ Tòa Xử lý hành chính và bổ sung Tòa Hành chính, Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ vào cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực.
Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực bao gồm:
Các Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, và bộ máy giúp việc.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Căn cứ yêu cầu của thực tiễn xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân khu vực, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức các Tòa chuyên trách.
Theo kết luận của Bộ Chính trị cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân không còn Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt nên Dự thảo Luật bỏ Điều 62, Điều 63 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
Trụ sở TAND Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh Internet.
Bài liên quan
-
Đảng ủy TANDTC dự Hội nghị tập huấn sử dụng Hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 57
-
Chi đoàn TAND TP. Thủ Đức thực hiện chương trình về nguồn và trao học bổng tại tỉnh Long An
-
Đảng ủy TANDTC hoàn thiện Tờ trình, Đề án theo định hướng không tổ chức cấp huyện báo cáo Ban Chấp hành Trung ương trước 01/4
-
Thủ tướng thành lập BCĐ sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Dự kiến thành lập ba tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao
-
Tòa án nhân dân tối cao đề xuất sửa nhiều luật theo mô hình Tòa án 3 cấp
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
Bình luận