Giải đáp 15 vướng mắc về tố tụng hành chính ( Kỳ 2)

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình vừa ký văn bản số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018, giải đáp một số vấn đề vướng mắc trong giải quyết các vụ án hành chính, mà các Tòa án đã phản ánh, để các Tòa án nghiên cứu, tham khảo trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền. Nội dung dưới đây tiếp theo kỳ trước và hết.

 

8.Người khởi kiện yêu cầu hủy quyết định thu hồi Giấy chứng nhận thương binh. Khi họ khởi kiện thì có phải thông báo cho họ quyền của họ được trợ giúp pháp lý như thương binh không? Có được miễn tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án không?

Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì thì thương binh là người có công với cách mạng.

 Theo quy định tại Điều 17 của Luật Trợ giúp pháp lý, điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì người có công với cách mạng thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng và được miễn tiền nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuy nhiên, tại thời điểm họ nộp đơn khởi kiện thì quyết định thu hồi Giấy chứng nhận thương binh đang có hiệu lực, nên người khởi kiện không được quyền trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng và được miễn tiền nộp tạm ứng án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp Tòa án hủy quyết định thu hồi Giấy chứng nhận thương binh thì việc xử lý tiền tạm ứng án phí được Hội đồng xét xử nhận định và quyết định hoàn trả cho người khởi kiện trong bản án.

 

9.Một người khởi kiện nhiều quyết định hành chính trong một vụ án thì án phí sơ thẩm thế nào?

Pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án chỉ quy định án phí hành chính sơ thẩm, án phí hành chính phúc thẩm mà không quy định án phí theo từng yêu cầu khởi kiện. Do đó, nếu thấy người khởi kiện nhiều quyết định hành chính có liên quan đến nhau thì Tòa án giải quyết các yêu cầu này trong cùng một vụ án. Trong trường hợp này, án phí hành chính sơ thẩm, án phí hành chính phúc thẩm là 300.000 đồng. Nếu người khởi kiện yêu cầu hủy các quyết định hành chính độc lập với nhau thì Tòa án xem xét, thụ lý giải quyết bằng các vụ án hành chính khác nhau. Việc tính án phí hành chính theo quy định chung. 

 

10.Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nếu các bên đương sự đối thoại thành về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì học chỉ phải chịu 50% mức án phí hành chính sơ thẩm. Vậy tính án phí trong trường hợp này cụ thể thế nào?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 32 của Nghị quyết số 326 thì: “Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành đối thoại nếu các bên đương sự đối thoại thành về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí hành chính sơ thẩm”.

Theo quy định tại mục III phần A của Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm Nghị quyết 326 thì án phí hành chính sơ thẩm là 300.000 đồng.

Như vậy, theo các quy định này thì đối với trường hợp các bên đương sự đối thoại thành, đình chỉ vụ án thì các bên phải chịu 150.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm.

 

11.Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai, nên các bên tranh chấp không thực hiện được việc khởi kiện tại Tòa án. Vậy hành vi không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã  có phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 202 của Luật Đất đai năm 2013 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính thì hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Hành vi hành chính bị kiện là hành vi nêu trên mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo các quy định nêu trên thì hành vi không tổ chức hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã  là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính.

 

12.Việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính được thực hiện như thế nào?

Trong vụ án hành chính, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc tuyên bố phá sản thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan  được thực hiện tương tự như việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của người khởi kiện, người bị kiện theo quy định tại Điều 59 Luật Tố tụng hành chính. 

 

13.Trong vụ án hành chính , nếu một trong các bên đương sự yêu cầu không tiến hành đối thoại thì Tòa án vẫn tiến hành đối thoại hay tiếp tục các thủ tục khác để rút ngắn thời gian giải quyết vụ án?

Trong vụ án hành chính mà chỉ có một trong các bên đương sự yêu cầu không tiến hành đối thoại, còn các đương sự khác không có ý kiến hoặc có yêu cầu đối thoại thì Tòa án vẫn tiến hành đối thoại theo thủ tục chung. Trường hợp đương sự đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai hoặc không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng thì thuộc trường hợp không tiến hành đối thoại được; trường hợp này Biên bản đối thoại được lập theo quy định tại khoản 1 Điều 139 của Luật Tố tụng hành chính. 

 

14.Đối với những vụ án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử trước ngày 1/7/2016, nhưng sau ngày 1/7/2016 mới xét xử, có phải quay trở lại thủ tục mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì đối với những vụ án hành chính Tòa án đã thụ lý trước ngày 1/7/2016, nhưng kể từ ngày 1/7/2016 mới xét xử theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết. Như vậy đối với những vụ án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử trước ngày 1/7/2016, nhưng sau ngày 1/7/2016 mới xét xử, thì Tòa án vẫn phải tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015. 

 

15.Trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử, người khởi kiện rút một phần yêu cầu khởi kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập thì Tòa án có phải ban hành quyết định đình chỉ đối với phần yêu cầu đã rút hay không?

Trường hợp này Tòa án không phải ban hành quyết định đình chỉ đối với phần yêu cầu đã rút mà Hội đồng xét xử nhận định về việc người khởi kiện rút một phần yêu cầu khởi kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện, đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập đó trong bản án.

 

 

THÁI VŨ