Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2025

Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 xuất bản ngày 10 tháng 7 năm 2025.

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2025, cụ thể như sau:

Với bài viết “Dấu hiệu của cấu thành tội phạm và định tội danh”, các tác giả Võ Khánh Vinh và Võ Khánh Linh viết: Dấu hiệu của cấu thành tội phạm là thành tố đầu tiên của cấu thành tội phạm, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn pháp lý hình sự quan trọng. Việc hiểu biết sâu sắc dấu hiệu này giúp nhà làm luật thiết kế được các cấu thành tội phạm đúng, chính xác, rõ ràng trong Bộ luật Hình sự; cũng như người áp dụng pháp luật tiến hành định danh pháp lý hình sự đúng đắn trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự”. Bài viết này làm sáng tỏ nhận thức về dấu hiệu của cấu thành tội phạm, các loại dấu hiệu của cấu thành tội phạm và ý nghĩa của chúng đối với định tội danh.

Với bài viết Một số bất cập trong xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam hiện nay và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Nguyễn Thị Phương Hà viết: “Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề chuyển đổi số đang là xu hướng trên toàn thế giới, tại mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động quản trị quốc gia và thực thi công lý. Tại Tòa án điện tử, các vấn đề pháp lý được xem xét với sự tham gia của Thẩm phán thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án. Tại Việt Nam, chủ trương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Tòa án điện tử là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án”.

Bài viết “Triển vọng về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong hoạt động giám định tư pháp” của các ác giả Nguyễn Minh Tuấn và Đàm Thị Hồng Vân tập trung tìm hiểu về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đánh giá triển vọng và đề xuất giải pháp triển khai có hiệu quả mô hình ứng dụng cơ chế này trong hoạt động giám định tư pháp thời gian tới.

Bài viết “Hoàn thiện pháp luật về tội chống người thi hành công vụ” của tác giả Ngô Thị Thùy Trang phân tích quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội chống người thi hành công vụ; nêu ra một số khó khăn, vướng mắc và từ đó, đề xuất một số kiến nghị góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự trong thời gian tới.

Với bài viết Một số vấn đề Kiểm sát viên cần lưu ý khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thực nghiệm điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”, tác giả Nguyễn Văn Tuyến viết: Trong những năm vừa qua, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thực nghiệm điều tra của Viện kiểm sát nhân dân đã được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tính khách quan, chính xác của hoạt động điều tra và xử lý tội phạm. Nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thực nghiệm điều tra”. Bài viết đi sâu phân tích quy định của pháp luật về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thực nghiệm điều tra của Viện kiểm sát nhân dân; trên cơ sở đó, đưa ra một số vấn đề Kiểm sát viên cần lưu ý khi tiến hành hoạt động này. 

Bài viếtBảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người chưa thành niên trên không gian mạng” của các tác giả Nguyễn Trung Đúng và Cù Ngọc Thanh Tuấn viết: Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, một trong những quyền cơ bản của con người là quyền tiếp cận thông tin đã có sự phát triển trên nhiều khía cạnh, đặc biệt trên không gian mạng với vô vàn dữ liệu liên tục cập nhật và đổi mới. Đối với người chưa thành niên, việc tiếp cận thông tin trong môi trường mạng là một nhu cầu tất yếu, điều này đòi hỏi việc bảo đảm quyền này cũng cần được quan tâm”. Từ việc nghiên cứu thực trạng tiếp cận thông tin của người chưa thành niên trên không gian mạng và quy định pháp luật điều chỉnh, các tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật, để bắt kịp các xu hướng biến đổi thông tin trên không gian mạng.

Bài viếtVề bài viết: “Lê Ngọc M phạm tội gì?” tổng hợp ý kiến của các tác giả trao đổi về bài viết “Lê Ngọc M phạm tội gì?” của tác giả Lê Đình Nghĩa (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5) được đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 22/2024.

Bài viết “Thả nổi mệnh giá cổ phiếu - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” của tác giả Bùi Quang Phú viết: “Chào bán cổ phiếu là một kênh huy động vốn thiết yếu của công ty cổ phần, mệnh giá cổ phiếu là một chỉ số quan trọng và được quy định trong Luật Chứng khoán. Tại Việt Nam, hiện nay, mệnh giá cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng được cố định ở mức 10.000 VNĐ/cổ phiếu; nhưng trên thế giới, mệnh giá cổ phiếu đa phần được thả nổi theo hướng thiết lập mệnh giá tối thiểu”. Bài viết nêu ra quy định về mệnh giá cổ phiếu trong pháp luật của một số quốc gia, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện công tác quản lý thị trường chứng khoán ở Việt Nam hiện nay.

Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 kỳ I tháng 7 năm 2025.

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

PHÒNG TẠP CHÍ IN