Thể lệ, Quy trình phản biện, Hội đồng Biên tập và Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tạp chí Toà án nhân dân
Nhiều cộng tác viên hỏi về thể lệ viết bài, gửi bài, quy trình biên tập, phản biện và duyệt bài đăng Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử và Tạp chí Tòa án nhân dân bản giấy, Tạp chí xin giới thiệu chung Thể lệ gửi bài để quý cộng tác viên tham khảo.
1. Về thể lệ đăng bài trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử
Các yêu cầu về nội dung
Đúng tôn chỉ, mục đích của Tạp chí Tòa án nhân dân:
Bài gửi Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (https://tapchitoaan.vn/) phải là bài chưa được gửi đăng trên các báo, tạp chí khác.
Bài viết gửi tới Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử là các bài nghiên cứu khoa học pháp lý có nội dung mới, công bố kết quả nghiên cứu, giới thiệu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, trao đổi ý kiến, khoa học, bình luận, phản biện về những vấn đề lý luận và thực tiễn thuộc lĩnh vực nhà nước và pháp luật; các vụ việc phản ánh thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong mọi lĩnh vực.
Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và không vi phạm điều cấm của pháp luật:
Nội dung bài viết phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các chủ đề có liên quan;
Không vi phạm Điều 9 Luật Báo chí năm 2016; Không vi phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả của bài viết và chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung khoa học, cũng như các thông tin, tư liệu, số liệu, hình ảnh minh họa, biểu đồ trong bài viết.
Những tin, bài phản ánh, liên quan đến vụ việc cụ thể phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh kèm theo, bảo đảm tính trung thực, khách quan và đúng pháp luật.
Chưa đăng trên báo, tạp chí nào (kể cả đăng tại Tạp chí TAND bản giấy), không đồng thời gửi đăng cơ quan báo chí, xuất bản khác.
Có cơ cấu nội dung hoàn chỉnh:
Tùy từng thể loại bài mà yêu câu cơ cấu nội dung khác nhau. Nhìn chung gồm có:
Tên bài: Khái quát được vừa đủ nội dung bài, phản ánh được chủ đề, góc độ tiếp cận vấn đề của bài.
Tóm tắt bài: Tóm lược một cách ngắn gọn nhất sự cần thiết, mục đích nghiên cứu, nội dung và kết quả nghiên cứu; đưa ra ít nhất 3 từ khóa liên quan đến nội dung bài.
Phần nội dung phải có đủ các phần: đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết luận (nếu cần thiết).
Tài liệu tham khảo, trích dẫn: Nội dung bài phải thể hiện được sự tham khảo của tác giả đối với tài liệu có liên quan, với bài nghiên cứu ít nhất phải có ba trích dẫn.
Với các bài trao đổi ý kiến, công dân và pháp luật, nhân vật và sự kiện, văn hóa, xã hội... thì cộng tác viên tham khảo những bài đã đăng trên Tạp chí.
Yêu cầu về hình thức
Bài cần ghi rõ tên tác giả, tên bài viết, tên các mục, tiểu mục ngắn gọn. Nếu bài viết được chia thành các mục và tiểu mục, cần đánh số theo thứ tự: 1.; 1.1.; 1.2.2...
Bài phải được đánh máy vi tính, định dạng khổ giấy A4, lề trên và lề dưới 2 cm, lề phải và lề trái 2,5 cm, font chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, cách dòng 1.5 lines. Bài tối đa là 5000 từ. Nếu bài có ảnh thì phải để ảnh riêng, chú thích đầy đủ, không chèn ảnh vào trong bản word.
Các thuật ngữ tiếng nước ngoài sử dụng trong bài viết cần trích dẫn nguyên văn (không phiên âm sang tiếng Việt), kèm theo phần dịch sang tiếng Việt (trừ trường hợp không có thuật ngữ được dịch tương ứng).
Viết tắt: Chữ cần viết tắt khi xuất hiện lần đầu trong bài được viết đầy đủ và liền đó đặt ký hiệu viết tắt của chữ đó trong ngoặc đơn. Ký hiệu viết tắt phải được dùng thống nhất trong toàn bài viết. Không viết tắt trong tên bài viết, tên các mục, tiểu mục; không viết tắt những cụm từ ít xuất hiện trong bài.
Yêu cầu về thông tin tác giả
Bài viết phải ghi rõ: Họ và tên tác giả, học vị, học hàm, chức danh khoa học, chức vụ, cơ quan, đơn vị nơi làm việc, điện thoại liên hệ, hòm thư điện tử, địa chỉ nhận báo biếu và số tài khoản cá nhân của tác giả để thuận tiện cho Tạp chí liên lạc khi trao đổi thông tin khi biên tập bài viết.
Hướng dẫn gửi bài viết
Tác giả gửi bài viết đến Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử theo các cách thức sau: Gửi bài viết qua hòm thư điện tử tctoaan.dt@gmail.com. Các tác giả cần liên hệ về bài viết với lãnh đạo Tòa soạn, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn xin gửi mail theo địa chỉ trên.
Sau khi gửi bài đến nếu tác giả muốn rút chuyển bài viết sang tạp chí khác thì phải thông báo lại để Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử biết để không sử dụng nữa.
Thời gian xử lý bài viết
Đối với bài không sử dụng: Trong thời hạn 2 ngày (đối với tin), 30 ngày (đối với bài viết) Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử sẽ thông báo cho tác giả về việc không đăng bài trên Tạp chí TAND điện tử.
Thời hạn đăng bài viết: Sau khi nhận được bài tác giả gửi đến, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử sẽ biên tập, sử dụng theo tính chất của bài. Những tin, bài mang tính thời sự, phản ánh thời hạn đăng muộn nhất là 3 ngày; bài mục Trao đổi ý kiến thời hạn đăng bài muộn nhất 15 ngày; bài Nghiên cứu và xây dựng pháp luật và các chuyên mục khác thời hạn đăng bài muộn nhất 60 ngày.
Quyền lợi của tác giả
Tác giả có bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử được trả nhuận bút bằng hình thức chuyển khoản hoặc tác giả trực tiếp đến nhận tại Tòa soạn, số 2 Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội.
Thời hạn trả nhuận bút muộn nhất là 45 ngày, vào ngày 15 hàng tháng của tháng tiếp theo kể từ ngày đăng bài.
2. Về thể lệ đăng bài trên Tạp chí Tòa án nhân dân bản in
Các yêu cầu về nội dung
Đúng tôn chỉ, mục đích của Tạp chí Tòa án nhân dân
- Là bài nghiên cứu khoa học xét xử, khoa học pháp lý hoặc công bố kết quả nghiên cứu mới về nội dung có liên quan; bài viết có tính ứng dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân và những người tham gia tố tụng;
- Là bài giới thiệu kinh nghiệm quốc tế, trao đổi ý kiến, khoa học, bình luận, phản biện về những vấn đề lý luận và thực tiễn thuộc lĩnh vực xét xử, khoa học pháp lý và các nội dung khác có liên quan.
Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và không vi phạm điều cấm của pháp luật
- Nội dung bài viết phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
- Không có nội dung vi phạm Điều 9 Luật Báo chí năm 2016 về các hành vi bị nghiêm cấm;
- Không vi phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả của bài viết và chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung khoa học, cũng như các thông tin, tư liệu, số liệu, hình ảnh minh họa, biểu đồ trong bài viết.
Bài viết gửi đăng Tạp chí Tòa án nhân dân là bài chưa từng công bố trên bất kỳ phương tiện báo chí, xuất bản nào khác (kể cả Tạp chí TAND điện tử) và không đồng thời gửi đăng cơ quan báo chí, xuất bản khác.
Có cơ cấu nội dung hoàn chỉnh
Tên bài: Khái quát được vừa đủ nội dung trong bài viết (không rộng hơn và không hẹp hơn), phản ánh được chủ đề, góc độ tiếp cận vấn đề của bài viết.
Phần tóm tắt bài viết: Tóm lược một cách ngắn gọn nhất sự cần thiết, mục đích nghiên cứu, nội dung và kết quả nghiên cứu, độ dài của tóm tắt không quá 250 từ, bằng tiếng Việt và khuyến khích có bản dịch tiếng Anh; đưa ra ít nhất 03 từ khóa liên quan đến nội dung bài, khuyến khích dịch tiếng Anh.
Bài viết trình bày thành các phần, các mục rõ ràng, mạch lạc và hợp lý. Nội dung bài viết phải có đủ các phần: đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết luận.
Tài liệu tham khảo, trích dẫn: Nội dung bài phải thể hiện được sự tham khảo của tác giả đối với tài liệu, công trình nghiên cứu khác có liên quan.
Yêu cầu về hình thức
Yêu cầu về việc sử dụng ngôn ngữ
Sử dụng từ ngữ đúng quy tắc ngữ pháp, quy tắc chính tả, quy tắc viết hoa (Phụ lục II (viết hoa trong văn bản hành chính) ban hành kèm theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ);
Tên riêng của người, địa phương, thuật ngữ tiếng nước ngoài để nguyên văn (không phiên âm sang tiếng Việt), kèm theo phần dịch sang tiếng Việt (trừ trường hợp không có thuật ngữ được dịch tương ứng);
Viết tắt: Chữ cần viết tắt khi xuất hiện lần đầu trong bài được viết đầy đủ và liền đó đặt ký hiệu viết tắt của chữ đó trong ngoặc đơn. Ký hiệu viết tắt phải được dùng thống nhất trong toàn bài viết. Không viết tắt trong tên bài viết, tên các mục, tiểu mục; không viết tắt những cụm từ ít xuất hiện trong bài.
Yêu cầu về quy cách trích dẫn, nguồn tài liệu tham khảo
Tài liệu tham khảo được sử dụng trong bài phải bảo đảm độ tin cậy khoa học, chính xác, minh bạch, không trích dẫn từ các nguồn bách khoa mở. Tác giả bài viết hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc trích dẫn, chú thích nguồn tài liệu tham khảo, ngày, tháng xuất bản (đăng tải) tài liệu, số trang trong tài liệu được trích dẫn theo thứ tự sau đây:
- Đối với tài liệu là sách: Tên tác giả, tên sách, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản, số thứ tự trang trong sách được trích dẫn. Ví dụ: Lưu Tiến D, Án lệ Việt Nam phân tích và luận giải, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, năm 2021.
- Đối với các tài liệu trên website: Tên tác giả, tên bài viết, địa chỉ truy cập, ngày/tháng/năm truy cập. Ví dụ: Vũ Văn H, Cướp tài sản là tiền giả, phạm tội gì?, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/cuop-tai-san-la-tien-gia-pham-toi-gi?, truy cập ngày 13/7/2021.
- Đối với tài liệu là các bài đăng trên tạp chí: Tên tác giả, tên bài viết, tên tạp chí, số xuất bản, năm xuất bản, số thứ tự trang trong tạp chí được trích dẫn. Ví dụ: Võ Minh K, Quyền im lặng trong tố tụng hình sự và một số vấn đề lý luận, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 24, năm 2018, tr. 24.
Đối với các tài liệu khác, cần nêu đầy đủ tên tác giả, tên tài liệu, năm công bố, số thứ tự trang trong tài liệu được trích dẫn.
Nếu tài liệu được trích dẫn nhiều lần trong bài thì từ lần trích dẫn thứ hai trở đi chỉ ghi tên tác giả, “sđd” (đối với sách) hoặc “tlđd” (đối với tài liệu, bài viết…), trang trích dẫn; nếu tác giả có nhiều tài liệu khác nhau được trích dẫn trong bài thì từ lần trích dẫn thứ hai trở đi ghi tên tác giả, tên tài liệu, “sđd” (đối với sách) hoặc “tlđd” (đối với tài liệu, bài viết…), trang trích dẫn.
Yêu cầu về dung lượng bài
Bài viết được đánh máy vi tính, định dạng khổ giấy A4, lề trên và lề dưới 2 cm, lề phải và lề trái 2,5 cm, font chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, cách dòng 1.5 lines, trình bày giản dị, không rườm rà, hoa mỹ. Mỗi bài gửi cho Tạp chí có độ dài tối thiểu là 10 trang, tối đa là 20 trang, trừ trường hợp đặc biệt bài viết có thể ngắn hơn nhưng phải đầy đủ nội dung theo mục 1.4.3.
Yêu cầu về đánh số thứ tự
Bài viết phải được chia thành các mục và tiểu mục và cần đánh số theo thứ tự: 1; 1.1.; 1.1.1.;...
Yêu cầu về thông tin tác giả
Bài viết gửi đến Tạp chí phải ghi rõ: Họ và tên tác giả, học vị, học hàm, chức danh khoa học, chức vụ, cơ quan, đơn vị nơi làm việc, điện thoại liên hệ, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ nhận báo biếu và số tài khoản cá nhân của tác giả để thuận tiện cho Tạp chí liên lạc khi cần trao đổi thông tin.
Hướng dẫn gửi bài viết
4.1. Tác giả có thể gửi bài viết cho Tạp chí, bao gồm 01 bản điện tử (bắt buộc) và 01 bản in (nếu có), theo các cách thức sau: Gửi bài viết qua hộp thư điện tử của Tạp chí TAND: tapchitoaannhandan@gmail.com; gửi bản in trực tiếp hoặc qua bưu điện đến địa chỉ tòa soạn: Tạp chí Tòa án nhân dân, số 2 Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
4.2. Tác giả sau khi gửi bài đến nếu muốn rút, chuyển bài viết sang tạp chí khác thì tác giả phải thông báo ngay cho Tạp chí Tòa án nhân dân biết để không biên tập bài viết nữa.
Thời gian xử lý bài viết
Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được bài viết, Tạp chí sẽ thông báo sơ bộ cho tác giả qua điện thoại hoặc thư điện tử việc sử dụng hay không sử dụng bài viết; việc biên tập, chỉnh sửa hoàn thiện bài viết được thực hiện trong thời hạn 90 ngày kể từ khi nhận được bài viết, trừ các trường hợp khác do Tổng Biên tập quyết định.
Tạp chí không trả lại bản thảo nếu bài viết không được sử dụng.
Quyền lợi của tác giả
Tác giả có bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân được trả nhuận bút theo quy định và 01 cuốn Tạp chí biếu theo hình thức phù hợp./.
3. Quy trình biên tập, phản biện và duyệt bài
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ-TCTAND ngày 10/5/2023 của Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân)
Đặt bài, nhận bài, sơ duyệt bài
- Bài viết do tác giả gửi đến Tạp chí Tòa án nhân dân (sau đây gọi tắt là Tạp chí) hoặc do Tạp chí chủ động đặt bài được xác nhận qua thư điện tử hoặc các phương tiện khác.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận bài viết, bài viết được kiểm tra sơ bộ về bố cục, kết cấu, thông tin tác giả. Nếu đạt yêu cầu sẽ được đưa vào quy trình biên tập, phản biện; nếu không đạt yêu cầu sẽ đề nghị tác giả bổ sung.
Nếu bài viết không phù hợp với tôn chỉ, mục đích và yêu cầu của Tạp chí, các bài viết trùng lặp với các bài đã đăng, các bài viết mà quá thời hạn tác giả không chỉnh lý theo yêu cầu, Tạp chí sẽ thông báo không đăng cho tác giả.
Biên tập và phản biện
Biên tập và phản biện vòng 1
a) Bài viết được đưa vào quy trình biên tập và phản biện được biên tập viên biên tập và phản biện vòng 1 theo lĩnh vực đã được Tổng biên tập phân công. Sau khi biên tập và phản biện, biên tập viên đánh giá bài viết theo các mức sau:
- Mức 1: Có thể đăng mà không kèm theo chỉnh sửa;
- Mức 2: Có thể đăng sau khi được chỉnh sửa;
- Mức 3: Không đăng.
Lãnh đạo Ban phụ trách biên tập cho ý kiến về kết quả biên tập và phản biện của biên tập viên. Nếu Lãnh đạo Ban và biên tập viên thống nhất ý kiến thì sẽ chuyển sang quy trình phản biện vòng 2.
Nếu Lãnh đạo Ban và biên tập viên có ý kiến khác nhau về bài viết hoặc đối với bài viết có tính chất phức tạp, lĩnh vực nhạy cảm, ít tác giả viết (do biên tập viên đề xuất), bài viết sẽ được gửi cho ít nhất 01 chuyên gia (theo danh sách do Tổng biên tập phê duyệt) đọc, nhận xét và đề xuất ý kiến theo quy trình phản biện kín, độc lập. Chuyên gia đọc, nhận xét và đề xuất ý kiến theo một trong các mức sau:
- Mức 1: Có thể đăng mà không kèm theo chỉnh sửa;
- Mức 2: Có thể đăng sau khi được chỉnh sửa (không cần chuyển lại bài cho người phản biện);
- Mức 3: Chuyển lại bài cho người phản biện sau khi được chỉnh sửa;
- Mức 4: Không đăng.
Kết quả phản biện là cơ sở để Tổng biên tập quyết định tiếp tục quy trình duyệt đăng hoặc không đăng bài. Các bài viết tiếp tục quy trình duyệt đăng được biên tập sơ bộ và trao đổi với tác giả để chỉnh sửa theo góp ý của các phản biện, biên tập viên đáp ứng yêu cầu đăng Tạp chí.
b) Các bài viết do Tạp chí đặt bài chuyên gia có uy tín thực hiện phản biện 01 vòng, trong đó ít nhất 01 phản biện là Tổng biên tập hoặc Phó Tổng biên tập.
Phản biện vòng 2
- Các bài viết qua phản biện vòng 1 được trình Phó Tổng biên tập phụ trách cho ý kiến. Đối với các bài viết tiếp tục quy trình duyệt đăng thì Phó Tổng biên tập phản biện, góp ý trực tiếp trên bài (nếu cần) và trình Tổng biên tập.
- Tổng Biên tập phản biện, góp ý trực tiếp trên bài (nếu cần), quyết định đăng hay không đăng bài.
- Tạp chí gửi lại bài cho tác giả tiếp tục hoàn thiện (nếu cần) để đăng bài.
Duyệt bài
Tổng Biên tập có trách nhiệm duyệt đăng từng bài và toàn bộ số tạp chí.
Thời gian biên tập, phản biện, duyệt bài được thực hiện theo Thể lệ gửi bài đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân./.
4. Hội đồng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 172/QĐ-TANDTC ngày 23/5/2023 về kiện toàn Hội đồng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân. Quyết định sửa đổi Điều 1 Quyết định số 1205/QĐ-TCCB ngày 19/7/2018 của Chánh án TANDTC về việc thành lập Hội đồng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân nhiệm kỳ thứ nhất (2018-2023) và kiện toàn Hội đồng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân gồm các ông, bà có tên sau:
1. TS. Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Chủ tịch Hội đồng;
2. TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao - Ủy viên;
3. TS. Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao - Ủy viên;
4. GS. TS. Hoàng Thế Liên, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp - Ủy viên;
5. PGS. TS. Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương - Ủy viên;
6. TS. Nguyễn Thúy Hiền, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Ủy viên;
7. GS.TSKH. Lê Cảm, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - Ủy viên;
8. GS. TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Ủy viên;
9. GS. TS. Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN - Ủy viên;
10. GS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Trường Đại học Luật Hà Nội - Ủy viên;
11. GS. TS. Nguyễn Minh Đoan, Trường Đại học Luật Hà Nội - Ủy viên;
12. PGS. TS. Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện Tòa án - Ủy viên;
13. GS. TS. Đỗ Văn Đại, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam - Ủy viên;
14. PGS. TS. Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương - Ủy viên;
15. PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp - Ủy viên;
16. PGS. TS. Trịnh Tiến Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - Ủy viên.
Điều 15. Tạp chí Tòa án nhân dân
1. Cơ cấu tổ chức, bộ máy:
Tạp chí Tòa án nhân dân hoạt động theo quy định của Luật Báo chí, các quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Tòa án nhân dân. Tạp chí Tòa án nhân dân là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật. Tạp chí Tòa án nhân dân có Tổng Biên tập, các Phó Tổng Biên tập, các Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, các nhân viên và người lao động khác. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Tạp chí Tòa án nhân dân có các đơn vị chức năng sau đây:
a) Ban Trị sự;
b) Bap Biên tập;
c) Ban Thư ký.
2. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn:
Tạp chí Tòa án nhân dân là cơ quan thông tin pháp lý và các hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác; là diễn đàn khoa học pháp lý, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, lý luận về giải quyết, xét xử các vụ việc, tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân và bình luận án lệ; nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong công tác xây dựng các Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh; xây dựng phong trào thi đua yêu nước trong các Tòa án nhân dân.
Tạp chí Tòa án nhân dân có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
Lập kế hoạch hoạt động và phát triển Tạp chí hàng năm trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt. Tổ chức thu thập, tuyển chọn, biên tập bài, xuất bản và phát hành các ấn phẩm in, trang thông tin điện tử do Tạp chí xây dựng và quản lý theo đúng quy định của pháp luật về báo chí và các quy định pháp luật có liên quan; tổ chức đội ngũ cộng tác viên trong nước và quốc tế.
a) Phối hợp với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, các tổ chức có liên quan để xuất bản, phát hành các chuyên đề, ấn phẩm về tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân và các chuyên đề, ấn phẩm khác theo quy định của pháp luật và phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
b) Được ký kết và thực hiện các hợp đồng dịch vụ truyền thông, quảng cáo trên Tạp chí với các tổ chức và cá nhân có nhu cầu trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật.
c) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho biên tập viên và cộng tác viên của Tạp chí.
đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giao.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận