Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Đây là ấn phẩm đặc biệt chào mừng Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân năm 2025. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024, cụ thể như sau:
Với bài viết “Hệ thống Tòa án nhân dân “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025”, Tạp chí Tòa án nhân dân hệ thống lại một cách khái quát các kết quả công tác nổi bật của Tòa án nhân dân các cấp trong năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025 với phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Trong bài viết “Chính sách hình sự trong xây dựng Nhà nước pháp quyền: những cơ sở khoa học - thực tiễn của việc hoạch định hiện nay” của các tác giả Lê Cảm và Lê Thúy Hiền tập trung phân tích cơ sở xây dựng khái niệm và chỉ ra nội hàm của cơ sở khoa học - thực tiễn trong việc hoạch định chính sách hình sự, bài viết đề cập đến việc phân tích về mặt học thuật các luận điểm cơ bản tương ứng với từng cơ sở khoa học - thực tiễn trong số 08 cơ sở khoa học - thực tiễn của việc hoạch định chính sách hình sự trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của thực tiễn lập pháp và áp dụng pháp luật về tư pháp hình sự, nhằm bảo vệ một cách vững chắc các quyền và tự do của con người và của công dân, các lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của xã hội, góp phần củng cố pháp chế, trật tự pháp luật, đồng thời, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Tác giả Tưởng Duy Lượng và Phạm Thị Quỳnh Nga trình bày trong bài viết “Vi phạm thỏa thuận vì lý do khách quan không phải chịu phạt cọc” như sau: “Đặt cọc và phạt cọc khi vi phạm thỏa thuận là một trong những vấn đề phức tạp trong tực tiễn xét xử tại Tòa án. Điều này đòi hỏi các cấp Tòa án cần nhận định đúng bản chất của sự việc để đưa ra những phán quyết chính xác, khách quan. Với việc ra đời của Án lệ số 25/2018/AL sẽ giúp giải quyết tốt hơn các tranh chấp dân sự liên quan đến phạt cọc trong thực tiễn”. Bài viết tập trung phân tích, bình luận nội dung của án lệ này, từ đó giúp việc hiểu và áp dụng Án lệ số 25/2018/AL được thuận lợi và thống nhất hơn.
Bài viết “Một số ý kiến về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Mai Thị Thủy phân tích một số hạn chế của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trên cơ sở đó, đưa ra một số kiến nghị tương ứng nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội phạm này.
Tác giả Vũ Văn Nhiêm và Huỳnh Thị Hồng Nhiên nêu nhận định trong bài viết “Một số giải pháp cơ bản trong công cuộc cải cách tư pháp tại Việt Nam hiện nay” như sau: “Cải cách tư pháp là con đường tất yếu để đạt được các mục tiêu, yêu cầu của Đảng và đáp ứng sự mong đợi của Nhân dân, hướng tới xây dựng nền tư pháp ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Bài viết này góp phần luận giải cơ sở cho những giải pháp góp phần thúc đẩy cải cách tư pháp ở nước ta, cụ thể là luận giải về chủ thể thực hiện quyền tư pháp và nội hàm của quyền tư pháp; nguyên tắc độc lập theo thẩm quyền xét xử; chế định Hội thẩm và bảo đảm sự tôn trọng và bảo vệ Tòa án.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kỹ thuật lập pháp tại Việt Nam”của tác giả Đỗ Thị Bảo Yến trình nêu nhận định: “Những năm gần đây, kỹ thuật lập pháp là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm và nghiên cứu ở nước ta. Nhu cầu xây dựng, ban hành và sửa đổi, bổ sung các quy định còn hiệu lực, cũng như việc đánh giá lại các quy định pháp luật hiện hành vẫn đang không ngừng diễn ra và có vai trò rất quan trọng. Sau một thời gian áp dụng trong thực tiễn, có những quy định pháp luật bộc lộ hạn chế xét từ góc độ kỹ thuật lập pháp và làm phát sinh một số vấn đề khi áp dụng pháp luật vào cuộc sống. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu kỹ thuật lập pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật càng là nhiệm vụ cấp thiết.” Bài viết tổng quát một số vấn đề lý luận về kỹ thuật lập pháp; khái quát kinh nghiệm nghiên cứu về kỹ thuật lập pháp trên thế giới; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tiễn và gắn với các mục tiêu chiến lược trong hoạt động xây dựng pháp luật của Việt Nam, từ đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện kỹ thuật lập pháp tại Việt Nam.
Bài viết “Về bài viết: “Nguyễn Tiến N phạm tội gì?”” đăng tải một số quan điểm nổi bật của các tác giả về việc áp dụng pháp luật để giải quyết một tình huống pháp lý cụ thể.
Bài viết “Pháp luật tố tụng hình sự một số quốc gia về thu thập chứng cứ của người bào chữa và gợi mở cho Việt Nam” của Đinh Văn Đoàn và Phạm Thị Tuyết Mai nghiên cứu, làm rõ quy định của pháp luật tố tụng hình sự một số nước, trong đó có Việt Nam về thu thập chứng cứ của người bào chữa, bên cạnh đó, đánh giá những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Từ đó, bài viết đưa ra một số gợi mở nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, bảo đảm việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.
Bài viết “Đánh giá, so sánh và kiến nghị hoàn thiện pháp luật hòa giải thương mại Việt Nam theo luật mẫu UNCITRAL”của Đinh Khương Duy so sánh pháp luật hòa giải thương mại của Việt Nam với Luật mẫu UNCITRAL về hòa giải thương mại quốc tế, tập trung vào các khác biệt về phạm vi áp dụng, quy trình thi hành, tiêu chuẩn hòa giải viên, thời hạn phản hồi và bảo mật thông tin. Trên cơ sở những điểm khác biệt, bài viết đề xuất điều chỉnh phạm vi áp dụng, giảm bớt sự phụ thuộc vào Tòa án và mở rộng tiêu chuẩn hòa giải viên. Những cải cách này sẽ giúp Việt Nam tăng cường hội nhập, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư nước ngoài.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 kỳ I tháng 12 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"