H phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Tạp chí TAND online số ra ngày 3/7/2020 đăng bài: “Chiếm đoạt hành lý của người khác nhờ trông, tội gì”? Sau khi nghiên cứu, chúng tôi cho rằng H phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung bài viết, trên một chuyến tàu  hỏa, K và H ngồi cạnh nhau. Khi tàu đến trạm nghỉ, K thấy đau bụng và nhờ H trông giúp hành lý để đi mua thuốc. H đã chiếm đoạt hành lý của K và bỏ trốn, hành lý của K bao gồm 01 chiếc điện thoại trị giá 15 triệu đồng và một số quần, áo cá nhân. Trong quá trình giải quyết có hai quan điểm cho rằng H đã phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” và quan điểm  khác là “Trộm cắp tài sản”.

Theo quan điểm của tác giả thì H phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bởi những lý do sau:

Nguyễn Văn H và Trần Tuấn K cùng đi trên chuyến tàu trên đoạn đường dài, do ngồi cùng hàng ghế nên cả hai đã làm quen nhau, chuyện trò thân mật và nhận là đồng hương. Vì cảm thấy tin tưởng nên K đã tự nguyện gửi H trông giữ, quản lý tài sản, H đã nhận được tài sản do K gửi một cách hợp pháp. Khi K nói đau bụng và nhờ quản lý tài sản giúp mình thì có thể coi như một sự giao kèo, thỏa thuận hợp pháp (hợp đồng miệng). Sau khi nhận được tài sản do K gửi, H đã nảy sinh ý định chiếm đoạt và thực hiện hành vi chiếm đoạt số tài sản có tổng giá trị hơn 15 triệu đồng. Do đó, đủ cơ sở xác định H phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 như sau:

Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này …. thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…

Có thể thấy “Chiếm đoạt tài sản” là hành vi cố ý chuyển dịch, chiếm đoạt một cách trái pháp luật tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác. “Cố tình không trả” là hành vi vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, làm cho chủ tài sản mất khả năng đòi lại tài sản của mình. Việc H bỏ trốn cố tình không trả tài sản mà K đã tin tưởng gửi giữ  là hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, đáp ứng các yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trên đây là ý kiến của tác giả, mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.

 

TAND tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với quy mô lớn.  Ảnh: Nguyễn Toàn

 

NGÔ HÀ CHI (Đại học Luật Hà Nội)