Hành vi che, dán thay đổi thông tin biển số xe để tránh phạt nguội bị xử lý như thế nào?

Hình thức phạt nguội được thi hành đối với các phương tiện tham gia giao thông đã mang lại những hiệu quả rõ rệt . Tuy nhiên, nhiều lái xe dùng sơn trắng, băng dính, decan, kẹp giấy, bùn đất, khẩu trang y tế... để che một phần hoặc thay đổi thông tin trên biển số nhằm trốn tránh camera phạt nguội. 

Câu hỏi:

- Theo quy định của pháp luật những hành vi trên sẽ bị xử lý như thế nào? 

- Trường hợp che, dán thay đổi thông tin biển số xe để tránh phạt nguội (ví dụ F dán băng dính đen thành E; số 3, 0 thành số 8...) mà vi phạm giao thông và bị phạt nguội, vô tình trùng biển số xe khác không vi phạm giao thông thì cơ quan Công an có giải pháp gì để không xử phạt oan.

- Nếu lái xe gây tai nạn mà có những hành vi trên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Bộ Công an giải đáp:

 Về nội dung hỏi “Theo quy định của pháp luật những hành vi trên sẽ bị xử lý như thế nào?”

Điểm d khoản 6 Điều 16 và điểm c khoản 2 Điều 17 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ) quy định hành vi che biển số xe sẽ bị xử phạt, như sau:

+ Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, các loại xe tương tự khi tham gia giao thông, vi phạm “Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển” bị xử phạt theo điểm c khoản 2 Điều 17 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ) với mức xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng; và phải khôi phục lại tính năng kỹ thuật của biển số theo đúng quy định pháp luật.

+ Đối với người điều khiển xe ô tô (gồm cả rơ móc hoặc sơ mi rơ móc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô, có hành vi vi phạm “Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc)” bị xử phạt theo điểm d khoản 6 Điều 16 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ) với mức xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng; và phải khôi phục lại tính năng kỹ thuật của biển số theo đúng quy định pháp luật.

- Về nội dung hỏi “Trường hợp che, dán thay đổi thông tin biển số xe để tránh phạt nguội (ví dụ F dán băng dính đen thành E; số 3, số 0 thành số 8 ...) mà vi phạm giao thông và bị phạt nguội, vô tình trùng biển số xe khác không vi phạm giao thông thì cơ quan Công an có giải pháp gì để không xử oan?”

Khi nhận được thông báo vi phạm liên quan đến phương tiện do mình là chủ phương tiện, nhưng không phải xe của mình do các phương tiện khác cố tình làm thay đổi chữ, số của biển số; chủ phương tiện phản ánh trực tiếp đến cơ quan Công an nơi gửi thông báo để tiến hành xác minh.

Cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm sẽ có trách nhiệm xác minh, làm rõ và trả lời. Việc xác minh được thực hiện đồng bộ trên dữ liệu thu được từ hệ thống camera quan sát, giám sát và nhận dạng biển số trên tuyến với độ chính xác cao, sẽ loại trừ được các phương tiện bị nhận dạng nhầm do hành vi che, dán biển số; đồng thời phân tích, làm rõ biển số phương tiện thực hiện hành vi che, dán biển số để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Về nội dung hỏi “Nếu lái xe gây tai nạn mà có những hành vi trên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?”.

Để xác định có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không sẽ xem xét hành vi gây tai nạn có đáp ứng các cấu thành của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, theo đó:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.”

 

Hình thức phạt nguội được thi hành có tác động tích cực - Ảnh: Thái Vũ

PVA