
Hành vi của Trần Văn C phạm tội gì?
(TCTA) - Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trần Văn C đã phát xong 15 bưu phẩm và thu được số tiền trên 90 triệu đồng. Sau đó, Trần Văn C nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền, nên không nộp về Công ty B theo quy định mà chiếm giữ tiêu xài cá nhân và tự ý nghỉ việc. Hành vi của Trần Văn C phạm tội gì?
Theo nội dung hợp đồng cung cấp dịch vụ được ký kết, Công ty B là bên sử dụng dịch vụ, Công ty A là bên cung cấp dịch vụ kinh doanh và phát triển về bưu chính như: chia bưu phẩm, bưu kiện tại các khu vực, kho các đơn vị của Công ty B quản lý trên toàn quốc; Công ty A có trách nhiệm bảo đảm nhân sự khi đến thực hiện dịch vụ cho Công ty B và tuân thủ các chính sách, nội quy, quy định, quy trình làm việc của Công ty B. Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty A đã bàn giao nhân sự cho Công ty B để thực hiện trong đó có Trần Văn C (người trước đó Công ty A đã ký hợp đồng thuê cung ứng dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện). Trần Văn C có nhiệm vụ thực hiện việc giao và thu tiền các bưu phẩm, bưu kiện trên tuyến đường theo sự phân công của Trưởng bộ phận thuộc Công ty B.
Tại phiếu giao nhiệm vụ tháng 10/2022 của công ty B, Trần Văn C thực hiện việc giao hàng và thu tiền từ khách hàng về nộp cho Công ty B. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Trần Văn C đã phát xong 15 bưu phẩm và thu được số tiền trên 90 triệu đồng nhưng Trần Văn C nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền trên nên không nộp về Công ty B theo quy định mà chiếm giữ tiêu xài cá nhân, sau đó tự ý nghỉ việc.
Hiện nay, có hai quan điểm về tội danh của Trần Văn C như sau:
Quan điểm thứ nhất: Hành vi của Trần Văn C phạm tội “Tham ô tài sản” theo khoản 1 Điều 353 BLHS.
Trần Văn C làm việc theo hợp đồng cung cấp dịch vụ ký giữa Công ty A và Công ty B. Trần Văn C được giao nhiệm vụ là nhân viên giao hàng, thu tiền của khách hàng và nộp về Công ty B theo phiếu phân công nhiệm vụ của Trưởng bộ phận thuộc Công ty B. Như vậy, Trần Văn C được giao nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, C phải có trách nhiệm quản lý số tiền thu được từ nhiệm vụ giao hàng, nhưng lợi dụng nhiệm vụ được giao nhận 15 đơn hàng để giao cho khách và thu hộ số tiền 90 triệu đồng nhưng không nộp về công ty B mà chiếm đoạt số tiền trên.
Mặt khác, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS là Trần Văn C là người có chức vụ “do một hình thức khác” được hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP quy định như sau: “5. Do một hình thức khác quy định tại khoản 2 Điều 352 Bộ luật Hình sự là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ đó”.
Do đó, hành vi của C phạm tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 BLHS.
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Hành vi của Trần Văn C đã phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 2 Điều 175 BLHS.
Theo Hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Công ty A và Công ty B, Công ty A có trách nhiệm bảo đảm nhân sự khi đến thực hiện dịch vụ cho Công ty B và tuân thủ các chính sách, nội quy, quy định, quy trình làm việc của Công ty B. Trần Văn C ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ với Công ty A, Công ty A quản lý trực tiếp Trần Văn C không phải là người lao động của Công ty B, thực hiện nhiệm vụ với vai trò là đại diện Công ty A cung cấp dịch vụ cho Công ty B. Trong quá trình thực hiện công việc được giao C có quyền đại diện Công ty B thu tiền từ khách hàng, với khoản tiền thu được, C không có quyền hạn mà chỉ có nhiệm vụ nộp về Công ty B theo quy định.
Công ty B đã tin tưởng về nhân sự do Công ty A cung cấp nên đã giao cho C đi giao bưu phẩm và thu tiền. C thực hiện nhiệm vụ giao hàng, thu tiền từ khách hàng với vai trò là đại diện Công ty A cung cấp dịch vụ cho Công ty B. Trần Văn C không ký Hợp đồng dịch vụ trực tiếp với Công ty B nên không phải là nhân viên, không phải là người có chức vụ quyền hạn tại Công ty B, không được quyền quyết định các vấn đề liên quan đến bưu phẩm, quyền quyết định đối với số tiền thu được từ khách hàng mà chỉ có trách nhiệm nộp tiền thu được về Công ty B theo quy định.
Như vậy, C chỉ được giao thực hiện nhiệm vụ nhưng không có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ. Căn cứ khoản 2 Điều 352 BLHS và khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP thì hành vi chiếm đoạt tiền của C không cấu thành tội “Tham ô tài sản”.
Trần Văn C đã lợi dụng sự tin tưởng của Công ty B được phân công đi giao hàng, sau khi thu được tiền của khách hàng C đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền thu được nên đã tự ý nghỉ việc, không nộp tiền về Công ty mà cố tình chiếm giữ tiêu xài cá nhân. Vì vậy, hành vi của Trần Văn C đã phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 BLHS.
Tác giả rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý độc giả.
Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính có bị “mất đi” khi vụ án dân sự bị đình chỉ?
-
Ban Chấp hành Trung ương đồng ý kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện VKSND cấp cao và cấp huyện
-
Chính phủ quan tâm thảo luận về các lực lượng có thẩm quyền điều tra hình sự
Bình luận