Hành vi gian dối của Trần Văn A là thủ đoạn của tội Tham ô tài sản
Sau khi nghiên cứu bài viết “Trần Văn A phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Minh Cương đăng ngày 01/02/2023, tôi có quan điểm cho rằng Trần Văn A đã phạm tội Tham ô tài sản quy định tại Điều 353 BLHS.
Thứ nhất, về mặt chủ thể
Đối với Tội tham ô tài sản tại Điều 353 Bộ luật Hình sự, chủ thể của tội phạm phải là người có chức vụ, quyền hạn được quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS, cụ thể: “người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, bầu cử, tuyển dụng, do hợp đồng hoặc một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Đối chiếu với nội dung vụ án: “Năm 2016, Trần Văn A ký hợp đồng không xác định thời hạn với Tổng Công ty Bưu chính X với chức danh là Quản lý bán hàng điểm bán và được phân công làm việc tại Chi nhánh Bưu chính khu vực huyện M, tỉnh N. Trần Văn A có nhiệm vụ phát triển, chăm sóc điểm bán, bán sim, thẻ cào điện thoại và chuyển tiền thông qua dịch vụ Zalo Pay cho các điểm bán trong khu vực quản lý, sau đó quản lý số tiền bán hàng thu được và chuyển về tài khoản chuyên thu của Tổng Công ty X”. Ta thấy rằng, Trần Văn A là người có chức vụ, quyền hạn bởi vì A đã ký hợp đồng không xác định thời hạn với Tổng Công ty Bưu chính X với chức danh là Quản lý bán hàng điểm bán với nhiệm vụ phát triển, chăm sóc điểm bán, bán sim, thẻ cào điện thoại và chuyển tiền thông qua dịch vụ Zalo Pay và được phân công làm việc tại Chi nhánh Bưu chính khu vực huyện M, tỉnh N. Đây là vấn đề quan trọng nhất để xác định tội danh của Trần Văn A.
Thứ hai, về mặt khách quan
Hành vi khách quan của Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.
Trần Văn A là người có chức vụ, quyền hạn đồng thời là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản bị chiếm đoạt, hành vi của A đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của pháp nhân được pháp luật bảo vệ, đối tượng chiếm đoạt là số tiền thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty X.
Một vấn đề cần làm rõ, đó là thủ đoạn gian dối của Trần Văn A, bởi vì nếu không làm rõ vấn đề này sẽ dễ dẫn tới việc xác định Trần Văn A phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, Trần Văn A đã dùng thủ đoạn gian dối khi thực hiện hành vi tham ô tài sản, đó là việc dùng mánh khoé, cách thức gian dối làm cho cơ quan, tổ chức, người quản lý tài sản và những người khác khó lường trước để đề phòng bằng cách: “A sử dụng User của mình thực hiện chuyển tiền vào tài khoản Zalo Pay của điểm bán Nguyễn Văn B và tiếp tục chuyển tiền từ tài khoản Zalo Pay của điểm bán Nguyễn Văn B vào tài khoản Zalo Pay của A (tài khoản này đăng ký bằng số điện thoại chính của A). Sau đó, chuyển từ tài khoản Zalo Pay của A vào tài khoản BCCS của A để gạch công nợ ngày hôm trước. Đồng thời A đã sử dụng User của mình chuyển tiền vào tài khoản Zalo Pay (đăng ký bằng số điện thoại phụ thứ hai của A) của điểm bán là anh Hồ Văn C (địa chỉ: Thôn 9, xã Nhân Bắc, huyện M, tỉnh N) và nhờ anh C chuyển lại tiền vào tài khoản Zalo Pay của A, sau đó A sử dụng số tiền trên để gạch công nợ của mình”.
Hành vi gian dối có trước khi chiếm đoạt tài sản cũng là dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS. Tuy nhiên, nếu không có chức vụ, quyền hạn (đã được phân tích ở trên) thì A không thể chiếm đoạt được số tiền của Tổng Công ty X. Do vậy, việc xác định Trần Văn A phạm tội Tham ô tài sản càng được củng cố.
Về quan điểm cho rằng Trần Văn A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 BLHS. Dựa trên những phân tích về dấu hiệu chủ thể, khách quan của A ta cũng có quan điểm phản bác lại vấn đề này.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi về bài viết. Rất mong nhận được sự đóng góp, trao đổi của Ban biên tập và độc giả.
Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ, Hậu Giang xét xử vụ án hình sự- Ảnh: Nguyễn Thị Lượng
Bài liên quan
-
KienlongBank kịp thời ngăn chặn khách hàng chuyển 400 triệu cho đối tượng lừa đảo
-
Mức xử phạt hành vi sử dụng môi trường Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
-
“Bẫy” lừa đảo tuyển dụng – Ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo
-
Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng và tội buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận