Hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu lực và hiệu quả cao
Trên cơ sở kết quả tổng kết việc thi hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 12/3/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 92-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong đó xác định, mục tiêu cải cách tư pháp là: “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Qua ba năm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, hệ thống Tòa án nhân dân đã nâng cao chất lượng công tác xét xử một cách rõ rệt và đề ra các giải pháp để tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được và khắc phục những khâu còn hạn chế.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÉT XỬ
Trong ba năm qua, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn có xu hướng gia tăng; thẩm quyền của các Tòa án được mở rộng, làm cho số lượng các loại vụ án mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng hơn nhiều các năm trước, tính chất các vụ việc thì ngày càng phức tạp. Đây cũng là thời điểm nhiều văn bản luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của các Tòa án được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương về cải cách tư pháp cũng như tinh thần Hiến pháp năm 2013. Theo đó, vị trí, vai trò của Tòa án nói chung và Thẩm phán nói riêng được đề cao, nhưng đồng thời các yêu cầu, đòi hỏi đặt ra cũng hết sức nặng nề, đặc biệt các luật tố tụng tư pháp được sửa đổi, bổ sung với nhiều vấn đề mới liên quan tới hoạt động của Tòa án cũng như cơ quan tư pháp theo hướng quy định các thủ tục chặt chẽ hơn, nhằm đề cao việc đảm bảo các quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, việc củng cố bộ máy tổ chức, cán bộ của các Tòa án theo mô hình Tòa án 4 cấp được quy định tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014, cùng với việc thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng tạo ra những áp lực nhất định cho việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Tòa án trong giai đoạn này.
Mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán cũng như điều kiện cơ sở vật chất, nhưng từ ngày 01/10/2014 đến 31/7/2017, các Tòa án đã giải quyết được 1.072.451 vụ án các loại trong tổng số 1.336.861 vụ án đã thụ lý. Nếu so với cùng kỳ của 3 năm trước (2012-2014), số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng hơn 205.767 vụ; đã giải quyết tăng 188.081 vụ.
Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, nhưng hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật; số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án đã giảm mạnh qua từng năm, tính đến 31/7/2017 chỉ còn 195 vụ. Với việc chú trọng làm tốt hoạt động tranh tụng, nên chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được đảm bảo, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội, trong 03 năm qua chỉ có 02 trường hợp, giảm hơn nhiều so với các năm trước. Đối với các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các Toà án phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để sớm hoàn tất hồ sơ vụ án và đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cũng như cả nước. Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cũng có nhiều chuyển biến, tiến bộ cả về tiến độ và chất lượng giải quyết, đặc biệt các Tòa án đã quan tâm làm tốt công hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự cũng như công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính, nên tỷ lệ các vụ án được giải quyết bằng hòa giải thành mỗi năm đều đạt khoảng 50% số vụ án phải giải quyết.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích vẫn có những hạn chế thiếu sót cần khắc phục. Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, vẫn còn tình trạng vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn hoãn phiên tòa; vi phạm thời hạn gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát. Trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, vẫn còn để xảy ra các vi phạm trong quá trình thụ lý đơn khởi kiện; nhiều trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án thiếu căn cứ pháp luật, vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử. Một số trường hợp Thẩm phán xác định thiếu hoặc sai tư cách người tham gia tố tụng. Trong công tác xét xử các vụ án hành chính, tiến độ giải quyết nhìn chung còn chậm; tỷ lệ các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán còn cao. Còn có trường hợp trả lại đơn khởi kiện không đúng, xác định sai đối tượng khởi kiện, giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền, bỏ sót yêu cầu khởi kiện. Việc xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ trong một số vụ án không đầy đủ; đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến giải quyết vụ án không chính xác.
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC TIẾN HÀNH ĐỒNG BỘ
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đề ra, hệ thống TAND đã đề ra nhiều giải pháp và tiếp tục triển khai thực hiện trong cả nước.
Trước hết là tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Đây là một giải pháp đặc biệt quan trọng mà thời gian qua lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã tập chung chỉ đạo thực hiện với nhiều đổi mới, tập trung vào việc xây dựng các Nghị quyết, thông tư hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, ban hành các Tập giải đáp vướng mắc nghiệp vụ. Đáng chú ý là TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ và Chỉ thị số 04/2016/CT-CA ngày 30/5/2016 của Chánh án TANDTC về tăng cường công tác phát triển công bố áp dụng án lệ trong xét xử; khai trương Trang tin điện tử về án lệ; đã mở hộp thư điện tử để tiếp nhận các vướng mắc trong thực tiễn xét xử do các TAND phản ánh.
Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp là giải pháp được đặt ra với yêu cầu Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; tôn trọng quyền con người; Hội đồng xét xử phải thực hiện hết thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật.
TANDTC đã tổ chức các hội nghị quán triệt và thi hành Hiến pháp năm 2013 cũng như quán triệt và triển khai thực hiện các quy định của các đạo luật về tố tụng tư pháp mới được sửa đổi, bổ sung trong toàn hệ thống; chỉ đạo các Tòa án tổ chức các phiên tòa bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; ban hành Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án; Thông tư 02/2017/TT-TANDTC về quy chế tổ chức phiên tòa.
Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án. Bản án là văn bản tố tụng của Tòa án thể hiện các thông tin về nội dung vụ án, pháp luật áp dụng, kết luận và quyết định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong một vụ án cụ thể. Bản án là sản phẩm thể hiện kết quả toàn bộ hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Các thông tin thể hiện trong bản án phải bảo đảm tính chính xác; các lập luận, kết luận và các quyết định của Tòa án (Hội đồng xét xử) về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án phải cụ thể, chặt chẽ, logic có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp luật. Trong thời gian qua, TANDTC đã thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án như: Xây dựng Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự và Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 về một số biểu mẫu trong tố tụng hành chính; tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn viết bản án cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác của TAND các cấp.
Công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND là giải pháp mang tính đột phá và được dư luận đánh giá cao. Từ khi xây dựng và đưa Trang thông tin điện tử Công bố bản án, quyết định của Tòa án vào hoạt động đến nay, đã có gần 3.000 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án được đăng tải, tổng lượng truy cập gần 500.000 lượt và đã có 185 ý kiến bình luận, góp ý đối với 302 bản án, quyết định. Họat động này sẽ tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất và đôn đốc thực hiện một cách hiệu quả trong toàn hệ thống.
Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, có một ý nghĩa rất quan trọng. Thông qua hòa giải, vụ việc được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm; góp phần tạo sự thống nhất trong nội bộ nhân dân, nên đây là giải pháp được chú trọng. Qua theo dõi, trong những năm gần đây, tỷ lệ hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự của các Tòa án cũng đã có nhiều tiến bộ, trung bình hàng năm đều đạt 50% số vụ án dân sự phải giải quyết và cá biệt có những Tòa án, tỷ lệ này đạt tới 60-70%.
Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là một giải pháp mới. Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là nhằm giúp các Thẩm phán nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị xét xử cũng như khi tổ chức phiên tòa; thông qua hoạt động rút kinh nghiệm sau phiên tòa, các Thẩm phán sẽ được học hỏi để nâng cao về kỹ năng xử lý các tình huống và điều hành phiên tòa, cũng như nâng cao trình độ nhận thức và áp dụng pháp luật trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trọng quá trình giải quyết các loại vụ án cũng là giải pháp được đặt ra, nhằm đảm bảo sự thống nhất nhận thức về áp dụng pháp luật; khẩn trương thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ để nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử; phát hiện và kịp thời khắc phục những điểm chưa rõ ràng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử là một giải pháp quan trọng, nhằm phát hiện kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ để rút kinh nghiệm hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng có sai lầm nghiêm trọng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán là hoạt động thường xuyên, liên tục nhưng được đặt ra là một giải pháp trong giai đoạn hiện nay vì nếu không có đội ngũ Thẩm phán giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và tư cách tốt thì nhiệm vụ mà hệ thống Tòa án đặt ra khó có thể hoàn thành. TANDTC đặt ra ba nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán để lựa chọn nhưng người thực sự có đức, có tài để bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án các cấp; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị và bản lĩnh, đạo đức nghệ nghiệp cho đội ngũ Thẩm phán; Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đề cao kỷ cương, kỷ luật, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực thi công vụ và xử lý trách nhiệm đối với các Thẩm phán có hành vi vi phạm.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cũng là biện pháp đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Đây là một yêu cầu được đề cập nhiều tại nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và được cụ thể hóa trong các Kế hoạch, Chỉ thị của Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC để lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác của các Tòa án.
Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án là giải pháp đổi mới các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án, giải quyết các yêu cầu của công dân trước và sau các phiên tòa xét xử và các hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo Tòa án các cấp. Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ này tại các Tòa án, ngày 04/4/2016, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 03/2016/CT-CA về việc tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án.
Giải pháp tiếp theo là tập trung đầu tư xây dựng trụ sở, bỏ sung trang thiết bị phương tiện làm việc và tăng cường nguồn lực tài chính cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vụ công tác của các Tòa án, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, các địa phương cũng quan tâm hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương, nhất là việc giao đất, hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới, mở rộng trụ sở; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin cho các Tòa án.
Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, như triển khai xây dựng Hệ thống truyền hình trực tuyến từ TANDTC đến các TANDCC, 63 TAND cấp tỉnh và trên 700 TAND cấp huyện, Trang tin điện tử về Án lệ; thiết lập hộp thư điện tử để tiếp nhận các vướng mắc về nghiệp vụ của các Tòa án.
Cuối cùng là giải pháp làm tốt công tác thi đua khen thưởng để nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án được chấn chỉnh và nhắc nhở chung.
Để Tòa án thực sự là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, việc nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án là một yêu cầu rất quan trọng, một việc làm thường xuyên của Tòa án các cấp, Chánh án TANDTC yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC và TAND và Tòa án Quân sự các cấp quán triệt các giải pháp đã đề ra tới toàn thể cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý và tổ chức thực hiện nghiêm túc tại địa phương, đơn vị mình.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận