Hội đồng Thẩm phán hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm vụ tranh chấp từ đường ở Nha Trang
Phiên giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa, đã chấp nhận kháng nghị, hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm vụ tranh chấp tài sản thừa kế và hủy quyết định cá biệt giữa nguyên đơn Nguyễn Văn Xít và các thừa kế của bà Nguyễn Thị Cân tại Nha Trang.
Vụ kiện nhằm gìn giữ từ đường
Cụ Nguyễn Mô (mất năm 1993) và cụ Bùi Thị Chảnh (mất năm 1973) có 6 người con gồm: Ông Nguyễn Hai, ông Nguyễn Ba, bà Nguyễn Thị Tư, ông Nguyễn Văn Xít, bà Nguyễn Thị Bảy và bà Nguyễn Thị Lui. Hai cụ để lại khối di sản gồm: một thửa đất diện tích khoảng 3000m2 trên đất có nhà từ đường, đất mộ của dòng họ diện tích khoảng 250m2, còn lại là đất vườn tại tổ 7 Xuân Lạc 2, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang và 1 thửa đất màu (liền kề) diện tích khoảng 1.500m2.
Năm 2003, ông Hai bị bệnh, anh em thống nhất phân chia thửa đất màu, cho ông Hai 500m2 để bán lấy tiền chữa bệnh, phần còn lại 1000m2 chia cho 5 anh chị em, mỗi người 200m2. Đối với thửa đất ở và đất vườn có từ đường, vợ chồng ông Hai và bà Cân tiếp tục quản lý, thờ cúng tổ tiên. Từ đường của gia đình cụ Mô có từ lâu đời, tổ tiên xưa được vua Tự Đức thăng chức đội trưởng, có sắc phong, nên con cháu muốn gìn giữ mãi mãi.
Tuy nhiên, năm 2004, vợ chồng ông Hai, bà Cân làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất di sản. Ngày 10/9/2004, UBND TP Nha Trang đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01674/QSDĐ/VN-NT cho vợ chồng ông Hai theo đơn đề nghị.
Năm 2006, ông Hai chết. Năm 2007, bà Cân đã chuyển một phần quyền sử dụng nhà, đất từ đường cho con trai trưởng và một phần diện tích đất phân chia đất cho các con khác. UBND TP Nha Trang đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Nguyễn Ninh (con trai ông Hai, bà Cân) theo đơn đề nghị. Bà Cân còn treo bảng bán 300m2 đất từ đường.
Như vậy, vợ chồng ông Hai đã vi phạm nghĩa vụ của người quản lý di sản, đã tự ý định đoạt tài sản khi không có sự đồng ý của các đồng sở hữu. Vì thế, Xít khởi kiện yêu cầu Tòa chia thừa kế của cụ Mô, cụ Chảnh, đồng ý để bà Cân được thêm một kỷ phần về công sức bảo quản. Ông Xít và bà Tư, bảy Bảy, bà Lui xin nhận chung phần đất có từ đường để lo hương hỏa tổ tiên.
Hành trình tố tụng
Bản án sơ thẩm số 15/2010/DSST ngày 27/8/2010 của TAND tỉnh Khánh Hòa và bản án phúc thẩm số 47/2011/DSPT ngày 26/4/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Xít, chia thừa kế của cụ Mô, cụ Chánh theo pháp luật.
Chánh án TANDTC ra Quyết định kháng nghị số 32/2013 ngày 21/1/2013 đề nghị hủy hai bản án trên đây để xét xử lại. Quyết định giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Chánh án TANDTC.
Bản án sơ thẩm lần 2 số 22/2017/DSST ngày 8/9/2017 của TAND tỉnh Khánh Hòa quyết định chia thừa kế di sản của cụ Mô, cụ Chảnh gồm thửa đất 2526 m2 và căn nhà từ đường 193.1 m2 trên đất. Ghi nhận sự tự nguyện của các đồng thừa kế cho các con ông Hai ½ giá trị căn nhà trên 71,7 triệu đồng. Chia hiện vật ông Xít, bà Tư, bà Bảy, bà Lui được 1371m2 và căn từ đường; các đồng thừa kế của ông Hai được 996 m2. Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Hai, bà Cân năm 2004.
Bản án phúc thẩm lần 2 số 61/2018/DSPT ngày 18/5/2018 của TANDCC tại Đà Nẵng không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Buộc ông Xít và bà Tư, bà Bảy, bà Lui phải trả lại cho những người thừa kế của bà Cân 1317m2 đất và căn nhà từ đường 193,1m2…
Đoàn đại biểu Quốc hội của Khánh Hòa có công văn đề nghị Chánh án TANDTC kháng nghị bản án phúc thẩm. Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 43/2018/KN-DS ngày 25/12/2018, Chánh án TANDTC kháng nghị bản án phúc thẩm; đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy cả bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại (lần 3).
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện VKSNDTC nhất trí với Quyết định kháng nghị của Chánh án TANDTC.
Nhận định của Hội đồng Thẩm phán
Về diện tích 2526m2 đất các bên đang tranh chấp trên đó có từ đường, nguyên đơn và chị em gái đều xác định là di sản do vợ chồng cụ Mô để lại. Bị đơn là bà Phan Thị Cân và con trai là anh Nguyễn Ninh thừa nhận là di sản của cụ Mô để lại nhưng cho rằng đã chia cho vợ chồng ông Hai, bà Cân. Tuy nhiên bà Cân, anh Ninh không xuất trình được tài liệu chứng minh việc tặng cho đó. Ông Xít và các chị em cũng không thừa nhận nội dung cụ Mô phân chia tài sản trước khi chết. Địa chính xã Vĩnh Ngọc cũng xác nhận nguồn gốc đất của cụ Mô. Năm 2002 các con cụ Mô mới làm tờ tương phân di sản.
Hội đồng nhận định: “Có căn cứ xác định 2.526m2 đất, trên đất có nhà từ đường là di sản của cụ Mô, cụ Chảnh để lại. Do đó, việc vợ chồng bà Cân đăng ký, kê khai mà không có văn bản đồng ý của các thừa kế của vợ chồng cụ Mô thì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà Cân là không đúng theo quy định của pháp luật… Tòa án sơ thẩm đã chia thừa kế đối với 2.526m2 đất và hủy Quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Cân, anh Ninh là có căn cứ”.
Đối với diện tích 3000m2 đất do ông Xít sử dụng, đối diện thửa đất 722: Ông Xít khai đất do cụ Mô cho năm 1976. Trong khi đó bà Cân, anh Ninh cho rằng khi còn sống cụ Mô đã chia cho ông Xít diện tích đất nêu trên và chia cho vợ chồng bà Cân 2.526m2 đất cùng nhà từ đường. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ nội dung diện tích ông Xít sử dụng là di sản của cụ Mô, cụ Chảnh hay các cụ đã tặng cho ông Xít từ khi còn sống, nên giải quyết vụ án chưa triệt để.
Hội đồng Thẩm phán lưu ý “Khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cần làm rõ tài sản do vợ chồng cụ Mô để lại gồm những thửa đất nào, cũng như sự thay đổi các thửa đất do tách nhập và cần làm rõ di sản nào đã chia, di sản nào chưa chia và yêu cầu của các đương sự để giải quyết toàn diện vụ án”.
Hội đồng đã chấp nhận Quyết định kháng nghị, hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm số 61/2018/DSPT ngày 18/5/2018 của TANDCC tại Đà Nẵng và Bản án sơ thẩm số 22/2017/DSST ngày 8/9/2017 của TAND tỉnh Khánh Hòa… Giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Khép lại vụ tranh chấp 10 năm
Về phần đất của ông Xít, trong bản tự khai, ông Xít cho biết, 3000 m2 gồm 4 thửa 718, 719, 720, và 721 tại thôn Xuân Lạc 2, xã Vĩnh Ngọc không phải là di sản thừa kế của cha mẹ. Trong đó hai thửa 718, 720 tổng diện tích 1850 m2 là đất trồng lúa do HTX giao theo Nghị định 64/CP năm 1993. Ông Xít cũng nộp cho Tòa án một bản sao Thông báo nộp vụ 3 năm 2001 của HTXNN Vĩnh Ngọc, ghi rõ diện tích nhận khoán là 1850 m2 để chứng minh cho lời khai của mình là đúng.
Còn thửa đất 721 diện tích 1360 m2 là của bà Nguyễn Thị Phú, em của ông nội ông Xít để lại. Bà Phú không có chồng con nên khi chết giao lại cho ông Mô với yêu cầu cháu nào bằng lòng thờ cúng bà Phú và bà Bốn thì giao đất. Ông Xít bằng lòng nên được giao đất và thực hiện nghĩa vụ cúng giỗ. Năm 1997, khi lập hồ sơ kê khai ông Xít khai nguồn gốc đất do cha cho nhưng không phải là đất của cụ Mô.
Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC với những nội dung đặt ra để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại một cách khách quan, cụ thể trên đây khiến người dân có hy vọng vụ tranh chấp kéo dài 10 năm qua được giải quyết dứt điểm.
Ông Nguyễn Văn Xít và bà Tư, bà Bảy và bà Lui trước ngôi nhà từ đường – Ảnh: giadinh.net
Bài liên quan
-
Hành trình 10 năm kết nối Việt Nam – Hàn Quốc của Vietjet, công bố đường bay mới Daegu – Nha Trang
-
Công ty TNHH MTV Chợ Đầm: Nỗ lực vận hành, phát triển chợ Đầm mới Nha Trang
-
KDI HOLDINGS VÀ MASTERISE HOMES KÝ KẾT ĐỒNG HÀNH THƯƠNG HIỆU PHÁT TRIỂN CĂN HỘ FLEX HOME THUỘC ĐÔ THỊ BIỂN LIBERA NHA TRANG
Thông cáo báo chí -
Góc nhìn: Libera Nha Trang và tư duy tiếp cận mới, góp phần đưa đô thị biển miền Trung vươn ra thế giới
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận