Hội thảo "Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng tài liệu hướng dẫn cho quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp và khuyến nghị cho Việt Nam"

Ngày 03/6/2022, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng tài liệu hướng dẫn cho quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp và khuyến nghị cho Việt Nam”.

Dự và chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên Minh Châu Âu và bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu Lập pháp thuộc Quốc hội, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… cùng các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực tư pháp và đại diện các vụ, đơn vị Ban Nội chính Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết thực tiễn quốc tế và Việt Nam cho thấy chuẩn mực đạo đức, ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng của hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, việc cụ thể hóa các tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức và chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các chức danh tư pháp là những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp nhằm đạt được mục tiêu xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm chính phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo

 

Theo báo cáo, việc xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử trong lĩnh vực tư pháp là một thông lệ tốt và phổ biến trên thế giới cũng như tại một số khu vực và quốc gia. Việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thực thi đúng và hiệu quả các nguyên tắc đạo đức được quy định, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của công chúng vào các hoạt động tư pháp.

Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị về việc xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử trong lĩnh vực tư pháp của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần thiết xây dựng các tài liệu hướng dẫn cho các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử trong lĩnh vực tư pháp, cụ thể là các tài liệu hướng dẫn tương ứng cho các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử dành cho thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư. Việc xây dựng tài liệu hướng dẫn sẽ góp phần đảm bảo thực thi thống nhất và có hiệu quả các Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử, giúp các tiêu chuẩn đạo đức trong lĩnh vực tư pháp của Việt Nam tiệm cận hơn với các tiêu chuẩn và thực tiễn tốt quốc tế.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung làm rõ những nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về xây dựng tài liệu hướng dẫn cho bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của các chức danh tư pháp tương tác, kết nối giữa các quy định của ngành, tiêu chuẩn đạo đức của đảng viên, Luật Cán bộ, công chức; các bộ quy tắc đã tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế; cơ chế giám sát nội bộ, giám sát cộng đồng với việc thực hiện quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy tắc đạo đức và ứng xử của các chức danh tư pháp.

Ông Trần Quốc Việt, Tổng biên tập Tạp chí Toà án nhân dân phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh cần tiếp tục nghiên cứu, học tập và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh với những yêu cầu cụ thể, có tính đặc thù của đội ngũ thẩm phán, kiểm soát viên, luật sư và các chức danh tư pháp khác, đó là “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân học dân” coi đây là những giá trị chuẩn mực cần thiết về phẩm chất đạo đức, ứng xử của cán bộ có chức danh tư pháp và luật sư.

Một trong những định hướng của Đảng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tiếp tục xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Do vậy, việc phát triển các chuẩn mực đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của các chức danh tư pháp, luật sư có vai trò quan trọng đối với sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ con người, bảo đảm tính chuyên nghiệp và liêm chính của từng chức danh.

Việt Nam cần thiết xây dựng các tài liệu hướng dẫn cho các Bộ quy tắc đạo đức ứng xử trong lĩnh vực tư pháp, cụ thể là các tài liệu hướng dẫn tương ứng cho các bộ quy tắc đạo đức ứng xử dành cho Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư. Việc xây dựng tài liệu hướng dẫn sẽ góp phần đảm bảo thực thi thống nhất và có hiệu quả các bộ quy tắc đạo đức ứng xử.

Việc xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các bộ quy tắc đạo đức ứng xử giúp các tiêu chuẩn đạo đức trong lĩnh vực tư pháp của Việt Nam tiếp cận hơn với các tiêu chuẩn và thực tiễn quốc tế. Đồng thời, các bản hướng dẫn này cũng là những tài liệu quan trọng cho các cuộc tập huấn cũng như đào tạo các lớp bồi dưỡng đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư.

Việc xây dựng tài liệu hướng dẫn trong lĩnh vực tư pháp là thông lệ tốt và phổ biến trên thế giới cũng như tại một số khu vực, quốc gia. Việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thực thi đúng và hiệu quả thống nhất các nguyên tắc đạo đức được quy định, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của công chúng vào các hoạt động tư pháp; (6) Cần thiết phải có những biện pháp bảo đảm sự an toàn về chính trị - xã hội, pháp lý và tiêu chuẩn đãi ngộ hợp lý cho những người công tác trong lĩnh vực tư pháp để họ yên tâm công tác và có thể kiên định với các chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử đặt ra.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao nghiên cứu của nhóm tác giả, cùng với trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học về nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp tại Việt Nam trong thời gian tới.

PV